Mỹ ủng hộ Anh, Đức, Pháp bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngoại trưởng Mike Pompeo vừa lên tiếng hoan nghênh Anh, Pháp, Đức bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 21/9 lên tiếng hoan nghênh việc 3 nước châu Âu là Anh, Đức và Pháp bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Ông Mike Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ mọi quy chuẩn và luật pháp quốc tế.
“ Chúng tôi hoan nghênh việc Anh, Đức và Pháp bác bỏ yêu sách hàng hải trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Trung Quốc phải tuân theo các chuẩn mực quốc tế. Chúng tôi cùng các đồng minh kiên quyết bác bỏ yêu sách trên”, ông Pompeo viết trên Twitter.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi 3 nước châu Âu đệ trình công hàm lên Liên hợp quốc vào tuần trước, trong đó nêu rõ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật của Biển (UNCLOS).
Theo đó, Trung Quốc ngụy dẫn cái gọi là “đường chín đoạn” để biện minh cho các quyền lịch sử phi pháp của mình đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Hôm 16/9, Pháp, Anh, Đức, “với tư cách thành viên của Công ước Luật Biển 1982″, phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Video đang HOT
3 nước cho rằng tất cả các yêu sách trên biển ở Biển Đông cần được giải quyết hòa bình theo các quy tắc và quy chế của UNCLOS, với công cụ và quy trình hòa giải như được cung cấp trong Công ước. 3 nước cho biết không có lập trường riêng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, công hàm cho biết đây là lập trường pháp lý lâu dài của 3 nước “ phù hợp với tất cả các lập trường mà Pháp, Đức và Anh đã tuyên bố trong quá khứ, cả song phương và cùng nhau với các nước khác của UNCLOS“.
Là các thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh tuyên bố “ tiếp tục ủng hộ và khẳng định các quyền và quyền tự do theo UNCLOS và đóng góp vào thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực như đã được nêu dưới Công ước“.
Phái đoàn thường trực Cộng hòa Liên bang Đức tại Liên hợp quốc cho biết, sau khi “tham khảo quan điểm do Trung Quốc bày tỏ về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông”, trong các công hàm liên quan của Trung Quốc từ năm 2019 đến nay, Pháp, Đức và Anh, “với tư cách thành viên (state parties) của Công ước Luật Biển 1982″, tái khẳng định một số lập trường pháp lý.
Thứ nhất, Pháp, Đức và Anh nhắc lại rằng UNCLOS đã đặt ra khung pháp lý được công nhận rộng rãi và thống nhất mà tất cả các hoạt động trên đại dương và biển phải tuân theo, và nhấn mạnh cần duy trì tính toàn vẹn của Công ước, như đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc tái khẳng định trong nghị quyết hàng năm về đại dương và luật biển.
Thứ hai, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi quyền tự do ở biển cả (high seas), đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không, và quyền thực hiện hải trình vô hại trong UNCLOS, bao gồm ở Biển Đông.
Thứ ba, Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh lại các điều kiện cụ thể và đầy đủ đã được quy định trong Công ước về việc áp dụng đường cơ sở thẳng và quần đảo, được định nghĩa trong Phần II và Phần IV. Vì vậy không có căn cứ cho các quốc gia lục địa xem các quần đảo và cấu trúc trên biển là một thực thể hoàn chỉnh, không thỏa mãn các điều khoản trong Phần II của UNCLOS, hoặc chỉ sử dụng những điều khoản trong phần IV trong khi các điều khoản này chỉ áp dụng được với các quốc gia quần đảo.
Thứ tư, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh rằng các điều kiện cụ thể và đầy đủ được đưa ra trong Công ước là để áp dụng cho các quy chế đảo hình thành cấu trúc đất một cách tự nhiên. Các hoạt động xây dựng trên mặt đất hoặc các dạng chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi phân loại cấu trúc theo UNCLOS.
Thứ năm, Pháp, Đức và Anh cũng nhấn mạnh các yêu sách liên quan đến việc thực thi “quyền lịch sử” trên các vùng biển ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế và các điều khoản UNCLOS và nhắc lại phán quyết trọng tài vụ việc giữa Philippines với Trung Quốc ngày 12/7/2016 đã xác nhận rõ ràng điểm này.
Cộng đồng quốc tế phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran
Hôm qua (21/9), nhiều nước gồm Trung Quốc, Nga và cả các đồng minh châu Âu của Mỹ đều phản đối tuyên bố của Mỹ khôi phục trừng phạt đối với Iran.
Điều này cho thấy, kể từ sau thất bại tại Hội đồng Bảo an vào giữa tháng 8 khi đề xuất kéo dài lệnh cấm vận vũ khí truyền thống đối với Iran, thì cho đến nay, Mỹ vẫn cô độc trong quyết định đơn phương của mình.
Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Reuters.
Trong phản ứng của mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, tất cả những gì Mỹ đang làm chỉ là một màn trình diễn sân khấu được dàn dựng nhằm thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chính sách gây áp lực tối đa lên Iran và biến cơ quan có thẩm quyền này thành công cụ hữu hiệu. Màn trình diễn đã không thành công.
Theo đó, Nga coi hành vi của Mỹ là một đòn nghiêm trọng đối với thẩm quyền của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là biểu hiện của việc coi thường các quyết định của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế nói chung, điều không thể chấp nhận được không chỉ đối với Nga mà còn đối với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an.
Đại diện Cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell xác nhận, Mỹ không thể khởi động quá trình tái lập các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran. Ông Josep Borrell nhấn mạnh, Mỹ không thể được coi là một bên của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và không thể bắt đầu quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an.
Về vấn đề này, các nghĩa vụ dỡ bỏ lệnh trừng phạt theo Kế hoạch hành động chung toàn diện tiếp tục được áp dụng. Người đứng đầu ngành ngoại giao EU kêu gọi tất cả các bên tiếp tục thực thi thỏa thuận và kiềm chế hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại.
Trong bức thư chung gửi lên Hội đồng Bảo an vào hôm qua (20/9), Pháp, Anh và Đức tuyên bố, bất kỳ quyết định hay hành động nào đi kèm với quan điểm tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran cũng sẽ không có hiệu lực pháp lý.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng, thế giới cần phản đối việc Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt để áp đặt quan điểm của mình lên các quốc gia khác. Theo ông Rouhani, đây là một hành động "bắt nạt" và các nước cần phải lên tiếng, nếu không họ sẽ là nạn nhân tiếp theo của Mỹ. "Mỹ đang tiến đến một thất bại nhất định trong động thái trừng phạt của mình. Nước Mỹ đã phải đối mặt với thất bại và phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế. Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ trước áp lực của Mỹ và Iran sẽ đưa ra phản ứng mạnh mẽ trước sự bắt nạt của Mỹ", ông Rouhani nói.
Ngày 19/9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Dự kiến, hôm nay (21/9) (giờ địa phương), Mỹ sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc Mỹ sẽ khôi phục lệnh trừng phạt đối với Iran như thế nào. Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ soạn thảo các biện pháp trừng phạt đối với mọi thực thể vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc nhằm vào Iran.
Dư luận cho rằng trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tháng rưỡi nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, Tổng thống Mỹ Trump có thể muốn lấy Iran làm điểm tựa để lấy lòng cử tri. Tuy nhiên, có thể có rất ít các nước tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, vốn đã được gỡ bỏ trong khuôn khổ của Thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm ngăn chặn quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân.
Chính vì thế, nếu Mỹ thực sự trừng phạt các nước bất tuân, có thể sẽ khiến Mỹ đối đầu với chính các đồng minh của mình.
Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt của LHQ lên Iran Ngoại trưởng Mike Pompeo tối 19/9 thông báo Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc lên Iran, bất chấp phản đối từ Hội đồng Bảo an. Động thái mới nhất này là một phần trong chiến lược của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Nó được đưa ra...