Mỹ tuyên bố Viện Khổng Tử là phái bộ nước ngoài
Bộ Ngoại giao Mỹ coi các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở nước này là phái bộ nước ngoài và phải cung cấp thông tin nhân sự, tài chính.
“Chúng tôi yêu cầu họ cho chúng tôi biết họ đang làm gì tại Mỹ. Chúng tôi không yêu cầu họ đóng cửa. Chúng tôi chỉ đơn giản chỉ định họ như những gì họ đang có, như những phái bộ nước ngoài”, David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết hôm 13/8.
Stilwell nói thêm việc yêu cầu các Viện Khổng Tử Trung Quốc phải báo cáo chi tiết thông tin nhân sự và kê khai tường tận các tài sản của họ ở Mỹ được dựa trên Đạo luật Phái bộ Nước ngoài năm 1982 (FMA).
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ví động thái này tương tự những hạn chế mới được áp đặt với văn phòng đại diện của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tại Mỹ.
“Quá trình chúng tôi thực hiện với các phương tiện truyền thông và những thực thể khác đến nay đã cải thiện đáng kể cái nhìn về những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đang làm”, Stilwell nói.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stillwell trả lời truyền thông tại Seoul, Hàn Quốc, tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.
Các Viện Khổng Tử ở Mỹ hiện chưa bình luận về động thái của Bộ Ngoại giao nước này.
Video đang HOT
Khoảng 75 Viện Khổng Tử của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Nước này cũng có khoảng 500 “Lớp học Khổng Từ”, trải dài từ cấp mẫu giáo tới trung học phổ thông.
Nhiều trường học Mỹ đã dừng chương trình học của Viện Khổng Tử kể từ khi Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) công bố một báo cáo năm 2017, chỉ trích mức độ kiểm soát của chính phủ Trung Quốc khi chọn giảng viên và tài liệu giảng dạy trong các lớp học này.
Tuy nhiên, một số tổ chức học thuật lớn và uy tín nhất của Mỹ, gồm Đại học Stanford, Đại học California, Đại học Michigan và Đại học Columbia, vẫn tiếp tục cung cấp chương trình học của Viện Khổng Tử. Hiện chưa trường nào trong số này bình luận về thông tin từ Bộ Ngoại giao.
Tính đến 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 viện và gần 2.000 lớp học Khổng Tử ở 154 quốc gia, phần lớn các cơ sở nằm trong khuôn viên các trường đại học hoặc các tổ chức ở nước ngoài. Viện Khổng Tử được thành lập với mục tiêu giảng dạy ngôn ngữ, truyền bá văn hóa Trung Quốc và được xem là một trong những phương tiện nhằm phát huy sức mạnh mềm của nước này.
Nhiều quốc gia như Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Điển đã dừng chương trình của Viện Khổng Tử. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố Viện Khổng Tử là chương trình trao đổi giáo dục, văn hoá hoàn toàn bình thường, việc đóng cửa các viện là quyết định mang tính chính trị. Nước này cũng dự kiến đổi tên viện thành Trung tâm Hợp tác và Đào tạo Ngôn ngữ sau khi vấp phải làn sóng phản đối.
Tự tin 'đối mặt tử thần' sau khi khỏi Covid-19
Sau thời gian chiến đấu với nCoV, Danielle Vito và chồng quyết định tới Mexico du lịch, dù họ vẫn có khả năng nhiễm lại.
"Việc khỏi bệnh ảnh hưởng lớn tới quyết định du lịch của chúng tôi. Nó mang lại một chút cảm giác hy vọng rằng bạn sẽ được an toàn hơn", Vito, nhân viên marketing mạng xã hội 28 tuổi người Mỹ, cho biết.
Giống như Vito, những người hồi phục sau khi nhiễm nCoV đang bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường, mang theo sự tự tin lớn hơn so với những người chưa mắc bệnh. Họ đi du lịch, dùng bữa tại nhà hàng khép kín và tới thăm bạn bè, bởi tin rằng bản thân đã có mức độ miễn dịch nhất định và ít có khả năng nhiễm nCoV trở lại.
Giới khoa học nghiên cứu về Covid-19 vẫn còn nhiều điều chưa rõ về vấn đề miễn dịch. Các bác sĩ thường cho rằng những bệnh nhân đã hồi phục có thể tránh tái nhiễm ở mức độ nào đó, nhưng chưa rõ khả năng kháng virus này sẽ tồn tại bao lâu. Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người vẫn nên thận trọng.
Danielle Vito trong chuyến du lịch tại Mexico sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: Danielle Vito.
Đối với một số người, lo lắng chưa thể nguôi ngoai. "Ngay cả với kháng thể, tôi vẫn không cảm thấy thoải mái khi ở giữa đám đông", Vito cho biết. Cô đeo khẩu trang trong lúc trên máy bay và cố gắng giữ khoảng cách với những du khách khác tại khu nghỉ dưỡng. "Tôi muốn duy trì giãn cách xã hội với mọi người, tận hưởng bữa ăn và tắm nắng", cô nói.
Tuy nhiên, nhiều người tự tin hơn sau khi khỏi bệnh. "Có một nhận thức chung, đặc biệt đối với những ca nhiễm nhẹ, rằng họ đã hoàn toàn vượt qua thử thách", Preeti Malani, giám đốc y tế tại Đại học Michigan, Mỹ, cho biết. "Hãy hành xử như thể bạn có thể nhiễm một lần nữa".
Do tâm lý bức bối suốt thời gian dài, những người sống sót khỏi chủng virus nguy hiểm và khó lường thường muốn được thư giãn và tận hưởng. "Họ sẽ ra ngoài và hoạt động táo bạo hơn", Angela Drake, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học California Davis, lưu ý.
Sau 10 ngày chống chọi và chiến thắng nCoV hồi tháng 6, Monica Schick tới ở cùng một người bạn tại thành phố Sacramento, bang California, để thư giãn bằng cách chèo thuyền. Do nơi ở của bạn cô khá nhỏ, người phụ nữ 37 tuổi hầu như không thể thực hiện giãn cách xã hội.
Dựa trên kết quả âm tính với nCoV và dương tính với kháng thể, đồng thời đủ điều kiện trở lại làm việc sau hai tuần cách ly, Schick tự tin rằng cô sẽ không lây virus cho người khác. Dù vẫn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội khi tiếp xúc người lạ, tư vấn viên này cho biết "áp lực đã biến mất và cô không còn sợ nữa".
"Tôi đã cưỡi trên ngọn sóng và vượt sang được phía bên kia", Schick nói.
Shawn Balentine, một diễn viên đóng thế ở Los Angeles, gần đây mời bạn bè đến nhà lần đầu tiên kể từ khi anh nhiễm nCoV hồi tháng 4. Balentine muốn làm điều gì đó để đánh dấu việc vượt qua thử thách. "Giờ đây tôi đã được tận hưởng cuộc sống và phải thật vui vẻ", anh cho hay.
Do đó, Balentine quyết định ăn mừng bằng cách nhảy từ ban công căn hộ hai tầng của mình xuống đống hộp các tông bên dưới, sau đó bạn bè anh cũng nhảy theo. Nhằm đề phòng nCoV, Balentine xịt khử trùng đống hộp sau khi nhảy và đeo khẩu trang.
Dù không tin mình sẽ truyền nCoV cho bạn bè, Balentine cũng không dám chắc chắn về khả năng miễn dịch. Anh cho biết các bác sĩ nói rằng anh "may mắn" và hãy "tận hưởng", nhưng vẫn cảnh báo "hãy khôn ngoan và đeo khẩu trang".
Sau khi khỏi Covid-19, Donald Stevens, nhà trị liệu bằng âm nhạc tại thành phố White Plains, bang New York, quyết định đưa gia đình tới dùng bữa tại một nhà hàng trong không gian khép kín lần đầu tiên kể từ tháng 3. "Tôi muốn tận hưởng cảm giác ngồi bên trong một nhà hàng. Hiện tôi cảm thấy tự do", người đàn ông 34 tuổi nói.
Anh gọi khoai tây chiên, gà teriyaki, bông cải xanh và bánh mì bít tết phô mai. "Chúng tôi từng mua đồ ăn bên lề đường hoặc mang về, mùi vị khác hẳn dùng bữa tại chỗ", Stevens cho biết. Anh vẫn tránh bắt tay và ôm người khác, đồng thời đeo khẩu trang khi ra ngoài, nói thêm rằng nhân viên nhà hàng cũng thực hiện các biện pháp đề phòng như đeo khẩu trang.
Dani Wachter, một cư dân New York, cũng quyết định "tự thưởng" cho bản thân sau 18 ngày sốt cao hồi tháng 6 bằng cách tới một thị trấn ven biển ở bang Nam Carolina nghỉ dưỡng. Người phụ nữ 31 tuổi đã cảm thấy thoải mái hơn khi ra ngoài.
"Nếu tôi chưa từng nhiễm nCoV, tôi có lẽ sẽ tránh xa bể bơi công cộng. Nhưng cuối cùng tôi cũng có thể tận hưởng", Wachter cho hay. Cô biết mình vẫn có khả năng tái nhiễm và đề phòng bằng cách đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, nhưng cảm thấy điều này rất khó xảy ra. Mặc dù vậy, Wachter, cùng nhiều người từng nhiễm nCoV khác, vẫn phải đối mặt với thái độ e ngại từ bạn bè và người thân.
Robyn Price, một cư dân bang Florida, cũng lo lắng về phản ứng của bạn bè mình. Sau khi khỏi bệnh, nhà thiết kế đồ họa 26 tuổi này đã "đánh liều" tới một bữa tiệc ngoài trời với bạn bè.
Ngoài việc đeo khẩu trang, cô còn dán lên áo dòng chữ: "Tôi yêu bạn, nhưng xin đừng chạm vào tôi".
Thảm họa sóng thần tồi tệ, khiến Trung Quốc tổn thất lớn nếu đập Tam Hiệp vỡ Đập thủy điện Tam Hiệp ở Trung Quốc đang chống chọi đợt lũ thứ ba trên sông Dương Tử, lượng nước mà con đập tích tụ sau hai đợt lũ đầu tiên là rất lớn, dấy lên những nghi ngại về mức độ an toàn. Đập thủy điện Tam Hiệp mở cửa xả lũ. Tạp chí National Review gần đây đăng bài xã...