Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục bay trinh sát gần Trung Quốc
Quân đội Mỹ ngày 25/7 khẳng định sẽ tiếp tục các chuyến bay trinh sát gần Trung Quốc bất chấp phản ứng của Bắc Kinh sau vụ đụng độ ngày 21/6 khi nước này sử dụng hai tiêm kích Su-27 xua đuổi máy bay trinh sát U-2 của Mỹ.
Máy bay trinh sát U-2 của Quân đội Mỹ
Hãng tin Reuters ngày hôm nay dẫn lời Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói: “Trung Quốc muốn chúng tôi ra khỏi khu vực gần không phận của họ nhưng chúng tôi sẽ không làm điều đó. Các chuyến bay trinh sát luôn có một vai trò quan trọng”.
Tuyên bố trên của ông Mullen được đưa ra sau khi ngày 25/7 tờ Washington Post đăng tin hai chiến đấu cơ Sukhoi-27 của Trung Quốc ngày 29/6 đã bay ngang qua đường ranh giới không chính thức phân định giữa Đài Loan và Đại lục để ngăn chặn một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ.
Phát ngôn viên của Đô đốc Mullen sau đó đã nói với Reuters rằng ông Mullen không được biết cụ thể về vụ đụng độ như báo chí đưa tin và chỉ nói chung chung về quyền thực hiện các chuyến bay trinh sát ở không phận quốc tế trong khu vực.
Video đang HOT
“Chúng tôi sẽ không thể bị ngăn cấm ở không phận quốc tế”, ông Mullen nói với các phóng viên ở Washington.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã không lập tức xác nhận hay từ chối chi tiết vụ việc. Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc thường cố gắng ngăn chặn máy bay trinh thám của Mỹ để thể hiện rằng họ nhận biết được sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.
Đô đốc Mullen cho rằng không nên lặp lại vụ việc xảy ra như năm 2001 khi máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ va chạm với một máy bay J-8 của Trung Quốc khi đang bay thám thính trên Biển Đông, gần đảo Hải Nam. Vụ va chạm này khiến chiếc J-8 rơi xuống biển, phi công mất tích, còn chiếc EP-3 phải xin đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.
Đài Loan vẫn đang là trung tâm tiềm ẩn rạn nứt quan hệ quân sự Mỹ – Trung. Quan hệ quân sự của Trung Quốc với Mỹ đã đóng băng gần trọn năm 2010 sau khi Mỹ quyết định bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan.
Các tuyên bố trên của Đô đốc Mullen diễn ra sau chuyến thăm của ông đến Trung Quốc hồi đầu tháng 7 vừa qua như một phần trong các nỗ lực cải thiện quan hệ với Quân đội Trung Quốc.
Theo Bee.net.vn
Quan sát mục tiêu từ không gian: TQ sắp bằng Mỹ
Chương trình vệ tinh đang được mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc có thể làm thay đổi các động lực sức mạnh ở châu Á và giảm bớt phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực.
Ảnh: Getty Images
Đây là kết quả một báo cáo mới đưa ra. Theo Viện An ninh Thế giới, một tổ chức tư vấn tại Washington, vệ tinh do thám Trung Quốc giờ đây có thể theo dõi các mục tiêu lên đến 6 giờ/ngày. Báo cáo kết luận, cách đây 18 tháng, quân đội Trung Quốc (PLA) chỉ có thể xoay xở được việc cập nhật thông tin trong khoảng 3 giờ/ngày, và giờ đây họ đã gần ngang tầm với quân đội Mỹ trong khả năng giám sát các mục tiêu cố định.
"Bắt đầu từ lúc gần như không có khả năng giám sát tại chỗ cách đây 10 năm, ngày nay, PLA gần như ngang bằng khả năng của Mỹ khi theo dõi các mục tiêu từ không gian trong một số hoạt động ở thời gian thực", hai nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Viện là Eric Hagt và Matthew Durnin viết trong báo cáo.
Sự trỗi dậy quân sự nhanh chóng của Trung Quốc đã khiến nhiều láng giềng bất an, trong đó có nhiều nước là đồng minh của Mỹ. Căng thẳng gần đây ở Biển Đông do tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đã làm gia tăng nỗi bất an ấy.
Trung Quốc đã tăng tốc hiện đại hóa quân sự trong vài năm gần đây. Họ đã phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm, thử máy bay chiến đấu tàng hình và sắp hạ thủy tàu sân bay đầu tiên. Sự gia tăng nhanh chóng của mạng lưới vệ tinh do thám cung cấp cho Trung Quốc tầm nhìn để triển khai và phát triển những chương trình vũ khí.
Đẩy Mỹ ra khỏi sân sau
Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cuối tuần qua tại Bắc Kinh đã nói rằng, rõ ràng là PLA đã tập trung vào việc "từ chối tiếp cận" - một thuật ngữ mô tả về chiến lược đẩy Mỹ ra khỏi vùng tây Thái Bình Dương.
Ông Mullen tuyên bố trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi có sự hiện diện lâu dài ở đây và chúng tôi có một trách nhiệm lâu dài. Chúng tôi tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hòa bình cho những bất đồng. Mỹ sẽ không rời xa. Sự hiện diện lâu dài của chúng tôi trong khu vực là điều quan trọng với các đồng minh của chúng tôi nhiều thập niên qua và sẽ tiếp tục như thế".
Tháng trước, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ không dính líu vào tranh chấp ở Biển Đông. Ông Durnin nói với Financial Times rằng: "Ưu tiên chiến lược của Trung Quốc là đẩy Mỹ ra khỏi sân sau của họ".
Khi Trung Quốc thử tên lửa gần Đài Loan năm 1996, Mỹ đã triển khai hai tàu sân bay tới vùng biển lân cận. Chính sự lúng túng do thiếu khả năng định vị các tàu là động lực thúc đẩy chương trình vệ tinh của Trung Quốc.
Trung Quốc đã ngừng quan hệ quân sự với Mỹ từ đầu năm ngoái, sau khi Washington tuyên bố bán vũ khí cho Đài Loan. Quan hệ quân sự hai bên đang được khôi phục kể từ đầu năm nay với việc Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức thăm Mỹ hồi tháng 5 và Đô đốc Mullen thăm Trung Quốc hiện tại.
Theo VietNamNet