Mỹ tuyên bố chuyển sang phản công IS bằng… quân Iraq
Tổng thống Mỹ Obama vừa lên tiếng về cuộc chiến chống khủng bố ở IS, theo đó, nước Mỹ đã hoàn tất công đoạn đào tạo Iraq và chuyển sang phản công.
Giai đoạn hai của ông Obama
Ngày 9/11/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố Washington bắt đầu bước sang một giai đoạn mới trong chiến dịch chống các phần tử thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Trả lời báo giới, ông Obama cho biết: “Giai đoạn đầu tiên của cuộc chiến, nước Mỹ sẽ phải thiết lập một chính phủ Iraq bao gồm đầy đủ thành phần và thực sự đáng tin cậy. Và giai đoạn này đã hoàn tất. Chúng ta có thể bước sang giai đoạn tiếp theo, thay vì ngăn chặn đà tiến của IS, lúc này ta đã có thể tấn công.”
Tổng thống Obama tiếp tục nhấn mạnh các lực lượng Mỹ sẽ không tham chiến mà tập trung vào công tác huấn luyện tân binh Iraq cùng một số bộ lạc Hồi giáo dòng Sunni đang chiến đấu chống IS. Ông cho biết, Mỹ sẽ cung cấp sự hỗ trợ trên không khi các lực lượng Iraq sẵn sàng tiến hành tấn công nhằm vào IS.
Dù nói không để bộ binh tham chiến nhưng mở đầu cho giai đoạn thứ hai – tấn công, nước Mỹ đã gửi thêm 1.500 quân tới Iraq, nâng tổng số quân hiện diện tại đây lên khoảng 3.000 người.
Video đang HOT
Mỹ tăng gần gấp đôi quân cho Iraq, mở rộng cuộc chiến chống IS
Ông giải thích thêm: “Những cuộc không kích của chúng tôi đã rất hiệu quả trong việc làm suy yếu sức mạnh của IS và làm chậm bước tiến của chúng. Giờ đây những gì chúng tôi cần là sử dụng lực lượng bộ binh Iraq để có thể đẩy lùi IS”.
Ông Obama nhấn mạnh rằng: như cam kết trước đây, sau giai đoạn không kích ban đầu, Mỹ sẽ hỗ trợ quân đội Iraq thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong các chiến dịch trên mặt đất, cùng với chiến dịch không kích “đóng cửa bầu trời” tấn công phiến quân IS. Mục tiêu cuối cùng là tiêu diệt đầu não của IS.
Lầu Năm Góc cũng ra thông báo cho biết 1.500 quân tăng cường sẽ được bố trí ở nhiều căn cứ để huấn luyện chiến đấu cho 9 lữ đoàn quân đội Iraq và 3 lữ đoàn dân quân người Kurd.
Để phụ họa cho tuyên bố này của Tổng thống Mỹ, chính quyền Baghdad cũng đưa ra một loạt tuyên bố đầy tự tin về khả năng của mình. Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari tuyên bố Chính phủ Iraq đề nghị các nước hỗ trợ quân sự, trong đó có thiết bị quân sự và huấn luyện các lực lượng an ninh Iraq nhưng Baghdad không muốn binh lính nước ngoài vào lãnh thổ nước này để chiến đấu chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Phát biểu tại một hội nghị ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), ông al-Jaafari nói: “Chỉ có người Iraq sẽ chiến đấu trên lãnh thổ của Iraq. Và người Iraq đủ khả năng để bảo vệ lãnh thổ của mình.”
Đã có thể yên tâm về Iraq?
Tuy nhiên, khi Tổng thống Mỹ nói họ đã xây dựng được một lực lượng hoàn thiện và đáng tin tưởng, và Mỹ sẽ sử dụng họ như lực lượng tiên phong trên chiến trường mặt đất. Nhưng cục diện chiến trường không chỉ ra những điều lạc quan như vậy.
Theo CNN, trong tuần qua bạo lực diễn ra dữ dội ở Syria và Iraq, phần lớn ở các khu vực do IS kiểm soát là nguyên nhân khiến ông Obama hết sức “sốt ruột” và phải gấp rút đưa ra tuyên bố như vậy.
Mỹ không kích IS ở Kobani, Syria
Ngày 9/11, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các trực thăng quân sự của Syria tối 8/11 đã thả nhiều bom thùng trong khi các máy bay chiến đấu phát động nhiều cuộc không kích nhằm vào thị trấn Al-Bab do phiến quân của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm giữ nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Aleppo, khiến ít nhất 21 dân thường thiệt mạng và 100 người khác bị thương.
Một loạt các vụ đánh bom đã xảy ra hôm 9/11 tại Thủ đô Baghdad, Iraq làm ít nhất 43 người thiệt mạng. Nguồn tin cảnh sát địa phương cho biết, tại quận al-Sinaa, một vụ nổ bom đã làm hư hỏng một tòa nhà dân cư và làm hư hại nhiều cửa hàng quanh đó. 14 người đã thiệt mạng và khoảng 30 người khác bị thương trong vụ tấn công này.
Một vụ đánh bom xe khác diễn ra cùng ngày tại quận Sadr của người Shiite đã khiến 9 người thiệt mạng và 24 người bị thương. Trong khi đó tại quận Amil cũng xảy ra 2 vụ đánh bom xe khác.
Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công trên, tuy nhiên, Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được cho là thủ phạm.
Một chiếc xe của quân đội Iraq đi qua tòa nhà bị phá hủy sau loạt đấu súng giữ quân đội và phiến quân IS.
Còn với người Kurd, theo giới chức Iraq và người Kurd, một số người Kurd đang giúp đỡ các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong cuộc giao tranh ở thị trấn Kobane của người Kurd tại Syria, chia sẻ kiến thức của họ về địa hình và ngôn ngữ địa phương với những phần tử cực đoan.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu người Kurd đang tiếp tay cho khoảng 3.000 phiến quân IS ở Kobane và chiến đấu chống lại chính những người anh em cùng là người Kurd của họ.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng những người này đang đóng một vai trò then chốt trong cuộc xung đột kéo dài suốt 7 tuần qua ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Một chỉ huy quân đội cấp cao của IS tại Kobane mang bí danh Abu Khattab al-Kurdi là một người Kurd gốc Iraq, đang giúp IS trong cuộc chiến chống lại những người anh em người Kurd.
Theo Đất Việt