Mỹ tưởng niệm các nạn nhân trong trận chiến Trân Châu Cảng cách đây 80 năm
Ngày 7/12, các cựu chiến binh cùng những nhân chứng sống của Mỹ đã tề tựu tại Trân Châu Cảng, Hawaii cùng nhớ lại trận chiến cách đây đã tròn 80 năm.
Đúng thời khắc máy bay chiến đấu của Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, khoảng 800 người, trong đó có 40 người sống sót sau trận chiến, đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ khoảng 2.400 binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Lễ tưởng niệm năm nay được Công viên quốc gia và Hải quân Mỹ phối hợp tổ chức.
Trong đoạn băng ghi âm gửi đến sự kiện, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh cuộc tấn công đã dẫn tới những mất mát, hy sinh to lớn và chiến thắng gian khổ của các đồng minh. Nhiều năm sau trận chiến, các nỗ lực ngoại giao và quốc tế đã và đang diễn ra nhằm tái thiết thế giới bị chiến tranh tàn phá. Nỗ lực này đã đưa các cựu thù thành đồng minh thân cận, đưa đến một trật tự quốc tế thúc đẩy hòa bình trong hơn 7 thập kỷ.
Do đại dịch COVID-19, lễ tưởng niệm năm nay phải thu hẹp quy mô và chỉ những người được mời mới có thể tham dự buổi lễ diễn ra trên một cầu tàu tại Trân Châu Cảng. Tại Washington, Tổng thống Biden đã cùng phu nhân đến Đài tưởng niệm Chiến tranh Thế giới thứ II tưởng niệm các nạn nhân trong trận chiến Trân Châu Cảng.
Trước đó, phát biểu hôm 1/12 tại Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno khẳng định 80 năm sau trận chiến Trân Châu Cảng, Tokyo và Washington đã trở thành các đồng minh mạnh nhất trên thế giới. Đây là dịp quan trọng để hai nước cùng nhìn lại lịch sử, tái khẳng định giá trị của hòa giải, đồng thời nhắc lại quyết tâm không bao giờ để xảy ra chiến tranh lần nữa. Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với các thách thức, trong đó có đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, Nhật Bản cho rằng điều quan trọng nhất là các nước cần hợp tác chặt chẽ với nhau.
Ngày 7/12/1941, các máy bay của Nhật Bản đã bất ngờ tấn công căn cứ không quân cùng các chiến hạm của Mỹ tại Trân Châu Cảng. Một ngày sau đó, Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản, đánh dấu việc Washington tham gia vào Chiến tranh Thế giới thứ II.
Video đang HOT
Sự cố giúp 'Bóng ma xám' Mỹ thoát thảm kịch Trân Châu Cảng
Nhóm tàu sân bay USS Enterprise di chuyển chậm hơn kế hoạch do thời tiết xấu và thoát nạn khi Trân Châu Cảng bị quân Nhật tập kích năm 1941.
Ngày 7/12/1941, Nhật triển khai lượng lớn tiêm kích, oanh tạc cơ bổ nhào và máy bay thả ngư lôi tấn công căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng.
Đòn tập kích bất ngờ khiến hơn 2.300 lính Mỹ thiệt mạng, toàn bộ 8 thiết giáp hạm tại căn cứ bị đánh chìm hoặc hỏng nặng, ba tàu tuần dương, ba tàu khu trục và một loạt chiến hạm cũng hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhóm tàu sân bay USS Enterprise, khí tài quan trọng nhất của Mỹ khi đó, đã thoát nạn nhờ một sự cố ngoài ý muốn trên biển.
USS Enterprise di chuyển trên Thái Bình Dương vào tháng 9/1945. Ảnh: US Navy .
Tháng 11/1941, phó đô đốc William Halsey được giao nhiệm vụ tối mật là đưa 12 tiêm kích F4F Hellcat của thủy quân lục chiến đến đảo Wake dưới vỏ bọc tập trận. Do đảo Wake nằm gần Nhật Bản, Washington không muốn Tokyo biết lực lượng tại đây đang được tăng cường.
Nhiệm vụ này quan trọng nhưng cũng rất nguy hiểm. Halsey ra lệnh cho nhóm tác chiến chia thành hai mũi vì biết Nhật Bản đang muốn tuyên chiến với Mỹ. Ba thiết giáp hạm tốc độ chậm được triển khai tập trận. Bản thân Halsey chỉ huy tàu sân bay USS Enterprise cùng ba tuần dương hạm và 9 khu trục hạm đi giao chiến đấu cơ tăng viện cho đảo Wake.
Ngư lôi trên các tàu đều được lắp ngòi, trong khi phi cơ trang bị đầy đủ vũ khí và xạ thủ ở vị trí sẵn sàng chiến đấu. Sau khi kiểm tra không có tàu chiến hoặc tàu hàng đồng minh trên đường di chuyển, Halsey lệnh cho các chiến đấu cơ đánh chìm mọi mục tiêu mà họ phát hiện được trên đường di chuyển. Điều này có nghĩa là nhóm tàu Mỹ sẽ coi toàn bộ tàu và máy bay xuất hiện là địch, dẫn tới hành động khơi mào chiến tranh.
"Hạm trưởng William Buracker hỏi rằng có phải tôi đã ra chỉ thị như vậy và có biết điều đó nghĩa là tuyên chiến không. Tôi trả lời là đúng thế và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Hãy nổ súng trước nếu gặp bất kỳ thứ gì trên đường đi, còn tranh luận để sau", Halsey hồi tưởng.
Ngày 4/12, nhóm tàu chiến do Halsey chỉ huy đã đến đảo Wake và bàn giao phi cơ cho thủy quân lục chiến trước khi hướng về Trân Châu Cảng.
Nhóm tác chiến dự kiến cập bến Trân Châu Cảng ngày 6/12 để thủy thủ và phi công lên bờ. Nếu điều này diễn ra, tàu sân bay USS Enterprise và các tuần dương hạm, khu trục hạm trong nhóm tác chiến sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho lực lượng Nhật trong cuộc tập kích.
Tuy nhiên, một sự cố nhỏ đã xảy ra khiến hành trình của nhóm tàu chiến Mỹ chậm lại. Một tàu khu trục trong đội hình bỗng nhiên bị nứt vỏ do biển động, khiến thời gian dự kiến đến Trân Châu Cảng của nhóm tác chiến bị lùi tới 7h30 sáng 7/12. Sự cố cũng khiến các tàu mất thêm thời gian tiếp liệu, khiến thời gian dự kiến cập bến bị lùi lại đến trưa hôm đó.
Sáng 7/12, USS Enterprise cách đảo Oahu thuộc quần đảo Hawaii khoảng 346 km. Hàng không mẫu hạm Mỹ triển khai 18 oanh tạc cơ bổ nhào SBD Dauntless tuần tra trên đường trở về Trân Châu Cảng. Phi đội Mỹ dự kiến đáp xuống Hawaii trước khi tàu sân bay đến nơi, nhưng chạm mặt đợt tấn công đầu tiên của chiến đấu cơ Nhật Bản.
Máy bay thả ngư lôi TBD trên sàn đáp tàu Enterprise trong trận Midway. Ảnh: US Navy .
Oanh tạc cơ bổ nhào Mỹ lập tức tham chiến. 7 chiếc rơi do trúng đạn từ chiến đấu cơ Nhật hoặc bị đồng đội bắn nhầm, khiến 8 phi công thiệt mạng và hai người bị thương. Phi đội Mỹ hạ ít nhất một tiêm kích A6M của đối phương.
Sau vụ tập kích, USS Enterprise nhận lệnh tìm kiếm và tiêu diệt tàu sân bay Nhật, nhưng không thành công do hải quân Mỹ nhận định sai vị trí. Các oanh tạc cơ trở lại Enterprise, trong khi phi đội tiêm kích bay đến Trân Châu Cảng, trong đó thêm một số chiếc rơi do đồng đội bắn nhầm.
USS Enterprise tham gia tổng cộng 18 trong 20 chiến dịch lớn của Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương, nhiều nhất trong các tàu sân bay phục vụ trong Thế chiến II. Đây cũng là chiếc duy nhất trong ba tàu sân bay được Mỹ biên chế trước Thế chiến II sống sót qua cuộc chiến.
Tàu được tặng thưởng 20 ngôi sao chiến đấu, cũng là chiến hạm chủ lực giúp Mỹ giành thắng lợi trong các trận hải chiến Midway, Guadalcanal và Vịnh Leyte. Hải quân Nhật ít nhất ba lần tuyên bố đã đánh chìm USS Enterprise nhưng nó lại xuất hiện ngay sau đó, khiến con tàu được đặt biệt danh là "Bóng ma xám".
Duy trì tàu sân bay USS Enterprise được cho là không còn phù hợp với nhu cầu của hải quân Mỹ sau Thế chiến II. Tàu bị loại biên năm 1947, được bán và rã sắt vụn sau đó 11 năm.
Kate Beckinsale đi cấp cứu Nữ diễn viên Trân Châu cảng Kate Beckinsale bị chấn thương nặng ở lưng và phải nằm cáng đưa đến bệnh viện ở Las Vegas vào sáng 10/9. Nữ diễn viên Kate Beckinsale. Ảnh: Shutterstock TMZ đưa tin, Kate Beckinsale gặp sự cố khi đang ở khu resort The Signature tại MGM Grand. Nữ diễn viên 48 tuổi được xe cứu thương đưa...