Mỹ tung bằng chứng buộc tội giám đốc tài chính Huawei
Giới chức Mỹ cho rằng, bài thuyết trình PowerPoint năm 2013 của Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu là bằng chứng cho thấy bà đã cung cấp thông tin không chính xác cho ngân hàng quốc tế để “né” lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran.
Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị giới chức Canada bắt giữ theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc lừa đảo nhiều ngân hàng quốc tế để lách lệnh trừng phạt của Mỹ và EU lên Iran giai đoạn 2009-2014. (Ảnh: AFP)
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ giới điều tra của Mỹ ngày 17/12 cho biết, vào tháng 8/2013, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu đã có cuộc gặp với một đại diện của ngân hàng HSBC và có một bài thuyết trình bằng Powerpoint nói về quan hệ làm ăn của Huawei với công ty có tên Skycom.
Giới chức Mỹ nhận ra rằng, bài thuyết trình này hoàn toàn không bình thường bởi nó được thiết kế để giúp Huawei lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU lên Iran.
Bài thuyết trình PowerPoint tập trung vào mối quan hệ của Huawei và của bà Mạnh với công ty Skycom có trụ sở ở Hong Kong và “làm ăn” với Huawei ở Iran.
Trong bài thuyết trình năm 2013, bà Mạnh nói rằng, Huawei từng là cổ đông của Skycom và bà là thành viên hội đồng quản trị của công ty này với mục đích quản lý đối tác hiệu quả hơn, nhưng sau đó Huawei đã rút toàn bộ cổ phần ở Skycom và bà rút khỏi khỏi ban điều hành Skycom. Lý do được đưa ra là Huawei thay đổi chiến lược, quyết định tiếp tục làm ăn ở Iran nhưng không qua đối tác Skycom mà qua các công ty con ở địa phương.
Video đang HOT
Giới điều tra Mỹ đã chuyển nội dung bài thuyết trình gồm 17 trang này cho phía tòa án Canada. Các công tố viên Mỹ cho rằng, nội dung bài thuyết trình bị bóp méo nhằm gạt đi những lo ngại của ngân hàng HSBC rằng Huawei có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ khi làm ăn ở Iran và điều đó cũng kéo theo HSBC vi phạm.
Các nhà điều tra Mỹ cho rằng, thực tế, Skycom là một dạng “công ty liên kết của Huawei ở Iran” nhằm giúp Huawei lách lệnh trừng phạt, tiếp tục được hưởng các dịch vụ ngân hàng quốc tế. Gibb-Carsley, luật sư của chính phủ Canada đại diện cho phía Mỹ trong vụ kiện bà Mạnh, nói: “Thực tế, họ (Huawei và Skycom) không phải hai thực thể tách rời. Skycom là Huawei… Đây là hành động cung cấp thông tin sai lệch”.
Tuy nhiên, các luật sư của bà Mạnh đã bác bỏ những cáo buộc này. “Ý kiến cho rằng bài thuyết trình PowerPoint 2013 này nhằm lừa gạt để HSCB tiếp tục cung cấp dịch vụ tài chính (cho Huawei) là vô lý”, luật sư của bà Mạnh, ông David J. Martin khẳng định tại phiên điều trần tại tòa án Canada hôm 7/12.
Giới chức Canada bắt giữ bà Mạnh hôm 1/12 theo đề nghị của Mỹ. Phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh đã lừa đảo các ngân hàng đa quốc gia khiến các ngân hàng này có nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, EU áp lên Iran khi thực hiện các giao dịch làm ăn giữa Huawei với doanh nghiệp Iran trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2014. Vụ bắt giữ đang khiến cho quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada trở nên căng thẳng.
Bà Mạnh tuy đã được tòa án Canada cho tại ngoại ở Vancouver, nhưng tiếp tục có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ và đối mặt với 30 năm tù nếu bị buộc tội.
Minh Phương
Theo Dân Trí/SCMP
"Nữ tướng" Huawei bật khóc khi nghe tuyên bố tại ngoại
Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei đã bật khóc sau khi nghe thông báo tại tòa về việc được chấp nhận tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD.
Tranh vẽ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu nắm tay luật sư của bà tại phiên tòa ở Canada ngày 10/12. (Ảnh: Canadian Press)
Trong phiên tòa tại Vancouver, Canada hôm qua 11/12, thẩm phán William Ehrcke đã ra phán quyết cho phép giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu tại ngoại với số tiền bảo lãnh 7,5 triệu USD và một số điều kiện khác. Cả phiên tòa đã vỗ tay khi thẩm phán công bố phán quyết.
Theo Star, bà Mạnh đã mỉm cười và gật đầu với chồng sau khi nghe thẩm phán đọc xong quyết định. Nữ giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei đã lấy tay lau nước mắt.
Bà Mạnh Vãn Chu, người bị giam giữ trong 10 đêm ở Canada, cũng bật khóc khi ôm các luật sư và bắt tay họ. Trước đó, bà Mạnh từng nói với luật sư của bà rằng cho đến khi được thả, bà chỉ có một "mục tiêu đơn giản duy nhất" là được ở cạnh chồng và con gái.
Theo phán quyết của toà, trong thời gian tại ngoại, bà Mạnh sẽ chịu sự giám sát của cả nhân viên an ninh và thiết bị điện tử trong suốt 24 giờ mỗi ngày. Bà Mạnh phải tự trả tiền cho chi phí giám sát này.
Hai nhân viên an ninh và một tài xế sẽ giám sát và đưa đón bà Mạnh mỗi khi rời khỏi nhà. Các thiết bị điện tử giám sát bà Mạnh bao gồm một thiết bị định vị đeo ở mắt cá chân. Giám đốc tài chính Huawei cũng phải tuân thủ giờ giới nghiêm từ 23 giờ tối hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau.
Bà Mạnh vẫn sẽ ở lại Vancouver, nơi bà sở hữu 2 căn hộ, trong thời gian chờ các thủ tục pháp lý. Bà đã nộp lại các hộ chiếu và chỉ được phép đi lại trong một số khu vực nhất định khi tại ngoại.
Mặc dù không còn bị giam giữ, song bà Mạnh Vãn Chu vẫn phải tuân thủ nhiều yêu cầu khác nhau, bao gồm các cuộc gặp thường xuyên với cảnh sát, báo cáo hàng tuần cho người giám sát ở Vancouver và có mặt tại tòa bất kể khi nào có lệnh.
Là con gái nhà sáng lập tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị các nhà chức trách Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ khi đang quá cảnh tại Vancouver. Bà bị nghi sử dụng công ty con để bán thiết bị cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Canada được tiếp cận công dân thứ hai bị Trung Quốc bắt giữ Trung Quốc đã cho phép các nhà ngoại giao Canada tiếp xúc lãnh sự với công dân thứ hai bị Bắc Kinh bắt giữ hồi tuần trước trong bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng vì vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu. Hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ. (Ảnh: AFP) Reuters dẫn thông cáo...