Mỹ “trượt” nhóm 5 quốc gia danh tiếng nhất thế giới
Mỹ đã rớt từ vị trí số 1 xuống số 6 trong danh sách những nước có chỉ số thương hiệu quốc gia tốt nhất thế giới năm 2017 theo bảng xếp hạng mới được công bố gần đây.
Người dân Mỹ cầm cờ trong một sự kiện ngoài trời (Ảnh: CBS)
Theo CNN, bảng xếp hạng Chỉ số Thương hiệu Quốc gia Anholt-GfK năm 2017, trong đó đánh giá 50 quốc gia trên toàn thế giới dựa trên những giá trị nhằm xây dựng hình ảnh quốc gia như quản trị, xuất khẩu, văn hóa, con người, du lịch, nhập cư và đầu tư, đã được công bố gần đây. Theo đó, Mỹ được xếp ở vị trí số 6 trong bảng xếp hạng năm nay trong khi thứ hạng của nước này năm 2016 là số 1.
Nước “đánh bại” Mỹ để vươn lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số thương hiệu quốc gia năm nay là Đức. Chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel được đánh giá cao vì những thành tích đáng kể trong các lĩnh vực quản trị, con người và văn hóa.
Ngoài Đức, 4 quốc được đánh giá cao hơn Mỹ trong bảng xếp hạng năm nay lần lượt là Pháp (vị trí số 2), Anh (vị trí số 3), Canada và Nhật Bản (đồng vị trí số 4). Các nước còn lại trong bảng xếp hạng top 10 năm nay là Italy, Thụy Sĩ, Australia và Thụy Điển.
Video đang HOT
Theo ông Simon Anholt, nhà tư vấn chính trị chuyên phát triển cuộc khảo sát về thương hiệu quốc gia từ hơn 10 năm trước, cho biết Tổng thống Donald Trump là lý do khiến Mỹ bị rớt hạng trong bảng xếp hạng năm nay.
“Chúng ta đang chứng kiến “hiệu ứng Trump”, tiếp đó là thông điệp chính trị “Nước Mỹ là số một” do Tổng thống Trump đưa ra”, ông Anholt cho biết.
Mặc dù Mỹ bị rớt hạng đáng kể so với năm 2016, song theo ông Anholt, những người Mỹ được phỏng vấn trong cuộc khảo sát cho biết họ thực sự đánh giá tích cực về nước Mỹ năm nay cao hơn so với năm ngoái.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vận động bầu cử dành cho người Việt tại Đức
Ngày 24/9 là cuộc tổng tuyển cử toàn nước Đức mà mỗi công dân đều có quyền lợi bỏ phiếu. Nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức về bầu cử cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Đức, một buổi hội thảo về vận động bầu cử được tổ chức tại Bochum.
Các cử tri người gốc Việt tham gia buổi vận động tranh cử tại Bochum (Ảnh: Hạnh Chi)
Buổi vận động bầu cử tại Bochum, miền tây nước Đước, do Hội Hỗ trợ Phụ nữ và Thanh thiếu niên (ViFi e.V.) tổ chức trong khuôn khổ dự án "Hãy mạnh dạn lên. Hãy đi bầu!", được tài trợ bởi Hiệp hội các tổ chức nữ nhập cư (DaMigra).
Đối tượng tham dự là những phụ nữ người Việt sinh sống tại Bochum và các vùng lân cận. ViFi không chỉ hướng tới đối tượng là người Việt có quốc tịch Đức (vốn là đối tượng có quyền lợi đi bầu cử), mà cả những người chưa nhập tịch theo tinh thần của dự án: nâng cao hiểu biết và ý thức chính trị cho người nhập cư tại Đức.
Nước Đức là một nước dân chủ mà mỗi người công dân đều có quyền lợi. Trong đợt bầu cử toàn liên bang này, cử tri sẽ có 2 lá phiếu: Lá phiếu thứ nhất bầu cho đại biểu quốc hội - một ứng cử viên trong vùng thường trú (sẽ có 299 trên tổng 598 đại biểu được dân bầu trực tiếp). Lá phiếu thứ hai bầu cho một đảng vào quốc hội (danh sách các đảng tuyển cử được công bố là 42 đảng - so với năm 2013 là 34 đảng). Đảng được vào quốc hội cần có 5% số phiếu bầu của cử tri.
Mọi người lắng nghe các trao đổi trong buổi vận động tranh cử (Ảnh: Hạnh Chi)
Các đảng phái tại Đức chia thành hai phe đối lập (cánh hữu - phe bảo thủ và cánh tả - phe cấp tiến), nhưng vẫn phải giữ nghiêm ngặt luật dân chủ. Hiện nay đang nắm giữ chính quyền và vẫn đứng đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử là đảng CDU/CSU - liên minh Đảng Dân chủ/Xã hội thiên chúa giáo do Thủ tướng Angela Merkel đứng đầu. Đứng thứ hai là SPD - đảng Xã hội Dân chủ Đức, do ông Martin Schulz lãnh đạo. Tuy nhiên các đảng nhỏ hơn với đủ 5% phiếu bầu sẽ được vào quốc hội và vẫn có thể liên minh với đảng lớn để ra các chính sách.
Đối với cộng đồng người Việt sinh sống tại Đức, cũng như toàn bộ cộng đồng người nhập cư có nguồn gốc nước ngoài khác, những chính sách được đưa ra từ nhà lãnh đạo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và cuộc sống của họ, ví dụ chính sách hỗ trợ người nhập cư hòa nhập xã hội, chế độ tỵ nạn và bảo lãnh thân nhân hay trợ cấp thất nghiệp, hưu trí, hỗ trợ trẻ em, chính sách về lao động và thuế vụ.
Ở Đức, bầu cử là một quyền lợi, tuy không bắt buộc nhưng một người không tham gia bầu cử, cũng đồng nghĩa với việc tình nguyện để các cử tri đi bầu quyết định thay vận mệnh tương lai đất nước mình đang sinh sống. Tổ chức ViFi mong muốn truyền đạt cho người tham gia một cái nhìn tổng quát nhất về bầu cử liên bang cũng như nâng cao ý thức về việc bỏ phiếu của mỗi công dân.
Hôm nay, 24/9, cử tri trên toàn nước Đức đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử để chọn ra quốc hội mới. Liên minh CDU/CSU được dự đoán sẽ giành chiến thắng và qua đó đương kim Thủ tướng Angela Merkel sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp.
Hạnh Chi
Theo Dantri
Nước Đức trước thềm tổng tuyển cử Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và đối đầu giữa hai ứng viên Thủ tướng Đức là đương kim Thủ tướng Angela Merkel - đại diện cho Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) và ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đã kết thúc...