Mỹ-Trung và cuộc chiến truyền thông
Trung Quốc vừa bắn đi tín hiệu sẽ trả đũa Mỹ vì chuyện Washington cắt giảm số phóng viên của các cơ quan báo chí Trung Quốc thường trú tại Mỹ.
Văn phòng Bắc Mỹ của Tân Hoa Xã đặt ở New York, Mỹ Ảnh: NYTimes
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua nói rằng Mỹ đang tiến hành “áp bức chính trị” đối với truyền thông Trung Quốc tại Mỹ và động thái này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước, theo tin của SCMP.
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Mỹ nói các hạn chế việc làm sẽ áp dụng cho năm tổ chức mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump coi là cỗ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc. Cụ thể là số lượng phóng viên Trung Quốc ở Mỹ sẽ giảm từ 160 hiện nay xuống còn 100 người.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói điều này có nghĩa là một số nhà báo Trung Quốc sẽ bị trục xuất.
Đáp lại lời tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo rằng giới hạn mới này là để “đối ứng” với việc Trung Quốc trục xuất ba phóng viên tờ Wall Street, bà Hoa Xuân Oánh, giám đốc thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói Mỹ đã “kích hoạt trò chơi”.
“Đối ứng ư? 29 cơ quan truyền thông Mỹ tại Trung Quốc so với 9 cơ quan Trung Quốc tại Mỹ. Phóng viên Mỹ nhập cảnh nhiều lần vào Trung Quốc so với phóng viên Trung Quốc nhập cảnh một lần vào Mỹ. 21 nhà báo Trung Quốc đã bị từ chối thị thực kể từ năm ngoái. Bây giờ, Mỹ đã khởi động trò chơi, hãy xem mèo nào cắn mỉu nào”, bà Hoa nói trên Twitter.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Mỹ nói giới hạn về nhân sự được áp dụng cho hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Nhật báo Trung Quốc.
Ăn miếng trả miếng
Theo quy định mới, các tổ chức phải thông báo cho Mỹ trước ngày thứ Sáu danh sách nhân viên họ sẽ giữ ở Mỹ. Các hạn chế sẽ có hiệu lực vào ngày 13/3.
Tháng trước, Trung Quốc thu hồi thị thực của ba phóng viên báo Mỹ Wall Street Journal sau khi tờ báo không xin lỗi về một tiêu đề bài báo trên mục ý kiến, không phải do các phóng viên viết. Dòng tiêu đề nói Trung Quốc là “người đàn ông bệnh hoạn thực sự của châu Á”, nhắc lại chuyện từ thế kỷ 18 và 19 khi Trung Quốc yếu và thường xuyên chịu sự thống trị của
nước ngoài.
Việc trục xuất phóng viên Wall Street Journal diễn ra sau quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 18/2, yêu cầu năm tổ chức tin tức của Trung Quốc (gồm bốn cơ quan báo chí nói trên, cộng thêm Nhân dân Nhật báo), bị coi là các cơ quan của chính phủ Trung Quốc, phải đăng ký “làm nhiệm vụ ở nước ngoài” và cung cấp tên các nhân viên, theo tờ Washington Post.
Các quan chức Mỹ lưu ý chỉ có 75 phóng viên Mỹ được biết đến đang làm việc tại Trung Quốc.
“Như chúng tôi đã thực hiện ở các lĩnh vực khác trong quan hệ Mỹ-Trung, chúng tôi tìm cách thiết lập một sân chơi lẽ ra đã phải có từ lâu”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi hy vọng rằng hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận công bằng và đối ứng hơn với Mỹ và báo chí nước khác ở Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngay lập tức duy trì các cam kết quốc tế, tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bao gồm cả tự do báo chí”.
Theo New York Times, ý định hạn chế số lượng phóng viên Trung Quốc đã được tranh luận ở Washington trong nhiều năm nhưng chưa từng được thực hiện, một phần là do lo ngại chuyện bị chỉ trích về tự do báo chí.
Nhưng các động thái lần này của chính phủ Mỹ nhằm vào báo chí Trung Quốc diễn ra trong lúc Washington trên nhiều mặt trận đang chống lại cái mà họ gọi là ảnh hưởng ngày càng gia tăng cũng như các hoạt động tình báo của Trung Quốc trên đất Mỹ. Chỉ riêng trong tháng 1/2020, tòa án Mỹ đã đưa ra truy tố một số vụ mà họ gọi là các hoạt động tình báo của Trung Quốc, trong đó có vụ được nói là có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học ở đại học Harvard.
ANH MINH
Theo TPO
Đường còn xa lắm!
Tuần này là giai đoạn thử thách quan trọng để Mỹ và Taliban có thể ký kết một thỏa thuận tiến đến việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, sau 18 năm đồn trú tại quốc gia này. Nhưng có vẻ đường về nhà của những người lính Mỹ còn khá xa.
Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng ngày 23/2, trước khi lên đường công du Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sẽ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban nếu các bên đạt được thỏa thuận này tại Afghanistan, nhưng đồng thời nhấn mạnh quyết định phụ thuộc vào tiến trình thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên trước đó. "Tôi nghĩ Taliban cũng muốn đạt được thỏa thuận. Họ đã mệt mỏi vì phải chiến đấu", ông Trump nói. Theo giới quan sát, thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận bao gồm 4 vấn đề chính, đó là Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu nhằm tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dần dần rút quân ra khỏi Afghanistan và hoàn tất trong thời hạn 18 tháng; tiến hành đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên ở Afghanistan và đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Trước đó, theo thỏa thuận được Taliban ký với Mỹ và chính phủ Afghanistan ngày 14/2 thì bắt đầu từ 12h giờ đêm 22/2, các bên đã tiến hành ngừng bắn trong một tuần. Thỏa thuận ngừng bắn này đạt được trong những cuộc thương thuyết kéo dài hơn một năm qua tại Doha, thủ đô Qatar, và được thông báo sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani bên lề Hội nghị An ninh Munich, Đức. Sau khi lệnh hưu chiến này có hiệu lực, người dân Afghanistan là những người đầu tiên vui mừng. Trên mạng xã hội, tối 22/2, một số người đăng lên các video quay cảnh người dân Afghanistan nhảy múa ở các tỉnh với lời bình: "Tối nay Mỹ không oanh kích". "Điều được thực sự chờ đợi là sẽ bớt đi những trận đánh tại các thành phố và những trục giao thông lớn", một người dân Afghanistan được AFP phỏng vấn nói.
Tuần lễ này có giá trị thử nghiệm. Nếu thành công, Hoa Kỳ và Taliban đến ngày 29/2 sẽ ký kết một thỏa thuận tiến đến việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, sau 18 năm đồn trú tại quốc gia này. Đây là một mục tiêu được tìm kiếm từ lâu của Tổng thống Donald Trump, người đã thề chấm dứt "những cuộc chiến tranh vô hạn định" giữa lúc ông đang tìm cách tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Các cuộc hòa đàm giữa Mỹ và Taliban từ lâu vẫn rất mong manh, nhất là từ khi ông Trump đột ngột tuyên bố ngừng đàm phán khi hai bên sắp đạt được thỏa thuận vào tháng 9 năm ngoái, sau khi phiến quân thừa nhận đứng sau loạt vụ đánh bom tự sát ở Kabul khiến 12 người chết, trong đó có một lính Mỹ. "Chính bạo động đã làm chệnh hướng việc ký kết thỏa thuận vào tháng 9/2019. Hiện chúng ta có một thỏa thuận giảm bớt bạo động. Và nếu Taliban thi hành những điều đã cam kết thực hiện, chúng ta sẽ tiến tới với thỏa thuận này", một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên. Người này cho biết thêm rằng sẽ có một thỏa thuận sau các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Trước đây, Taliban đã từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ ở Kabul.
Theo giới phân tích, vẫn còn một con đường dài để tiến tới một hiệp ước hòa bình và chấm dứt gần hai thập niên hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan vốn bắt đầu ít lâu sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001 của Al-Qaida. Cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Afghanistan đã khiến hàng chục nghìn người nước này và hơn 3.500 binh sĩ trong liên quân do Mỹ dẫn đầu thiệt mạng. Các giới chức Mỹ đã nói rõ là 13.000 binh sĩ Mỹ sẽ giảm xuống còn 8.600 người trong năm nay, dù có hay không có thỏa thuận. Đây cũng là lời hứa của ông Trump nhằm lấy lòng cử tri.
Thỏa thuận giảm bớt bạo động trong một tuần "là một bước thuận lợi trên một con đường rất dài", ông Ronald Neumann, cựu Đại sứ Mỹ tại Afghanistan, nhận xét. Nhưng có ý kiến đánh giá lệnh ngừng bắn lần này ở Afghanistan chứa đựng nhiều rủi ro. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng "tuần lễ giảm căng thẳng" có thể là thời điểm để các bên tham chiến củng cố lực lượng và đảm bảo lợi thế trên thực địa. Phe nổi dậy từ chối khởi động thương lượng hòa bình một khi vẫn còn quân đội nước ngoài tại Afghanistan. Về phía người Mỹ thì đòi hỏi một số bảo đảm, như phải giảm bạo động và lãnh thổ Afghanistan sẽ không bị các nhóm khủng bố sử dụng để chống lại các nước khác. Một yêu sách nữa là phải có thương thảo giữa người Afghanistan với nhau. Và điểm này thì hết sức nhạy cảm. Taliban từ chối công nhận tính chính danh của chính phủ Kabul. Đối với họ, Tổng thống Ashraf Ghani chỉ là một con rối trong tay người Mỹ. Giai đoạn này gây ra nhiều lo lắng, vì chính giới Afghanistan đang hết sức chia rẽ. Đất nước chìm vào một cuộc khủng hoảng chính trị kể từ khi kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống được loan báo. Ngày 18/2, sau khi kết quả cuộc bầu cử tổng thống được công bố muộn hơn 4 tháng rưỡi so với dự kiến, các bên đều tuyên bố thành lập chính phủ riêng. Theo Ủy ban bầu cử độc lập của Afghanistan, ông Ashraf Ghani, đương kim tổng thống giành được 50,64% phiếu bầu, tiếp theo là cựu Phó Tổng thống Abdullah Abdullah, với 39,52%. Ông Abdullah đã từ chối kết quả này và tuyên bố sẽ thành lập chính phủ riêng. Ông Ghani cũng đang tìm cách đàm phán với Taliban. Nỗ lực đó có thể đã bị sa lầy trong cuộc tranh luận chính trị và tranh chấp quyền lực với ông Abdullah. Taliban cũng từ chối kết quả bầu cử này nhưng không nói rõ là ủng hộ ai trong số hai ứng viên trên.
Những diễn biến này cho thấy Afghanistan đang đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn mới. Cuộc tranh chấp Ghani-Abdullah có thể thêm vào nhiều thách thức mà Afghanistan phải đối mặt, bao gồm cả những thách thức liên quan đến tiến trình hòa bình.
Dư luận Mỹ đang có những ý kiến trái chiều về thỏa thuận hòa bình mà chính phủ nước này sắp đạt được với Taliban. Một số ý kiến cho rằng, thỏa thuận sẽ giúp nước Mỹ bước chân ra khỏi vũng lầy chiến tranh, vốn kéo dài hơn 18 năm qua, giúp Tổng thống Trump "ghi điểm" nhiều hơn trước cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại tỏ ra không mấy lạc quan, họ không tin tưởng vào những gì Taliban cam kết, họ lo sợ Taliban vào mùa xuân tới sẽ lại tiếp tục các cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ Afghanistan mà phiến quân cho rằng các nước phương Tây dựng lên, thay vì cam kết đối thoại.
H.Phan
Theo Petro times
Mỹ và Nga đang tiếp tục thảo luận về việc gia hạn START-3 Mỹ và Nga đang tiếp tục thảo luận về việc gia hạn "Hiệp ước giảm vũ khí tấn công chiến lược" (START-3), theo ông Clark Cooper, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị, nói trong buổi hội thảo. Ảnh minh họa. Ông không nêu rõ vấn đề này có được thảo luận trong khuôn...