Mỹ – Trung tranh giành ảnh hưởng với ASEAN
Hôm qua (9/10), tại Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ và Trung Quốc đua nhau tranh giành ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực trong lúc Trung Quốc hưởng lợi nhờ sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tụ họp tại quốc gia nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ Brunei, lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN nhóm họp với các đồng nhiệm đến từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các quốc gia “khách mời” của ASEAN đều mong muốn tăng cường hiện diện trong khu vực nhưng Mỹ và Trung Quốc là hai “ứng cử viên nặng ký” và từ lâu vẫn ganh đua nhau giành ảnh hưởng trong khu vực này mặc dù hai nước đều công khai phủ nhận.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Tổng thống Myanmar Thein Sein bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 9/10.
Thay thế Tổng thống Obama tham dự Hội nghị APEC diễn ra tại Bali và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh về quan hệ đối tác giữa Mỹ và khu vực trong thời gian dài qua và thúc giục các thành viên ASEAN đoàn kết để đối phó với lối hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chủ yếu chỉ đề cập tới các sáng kiến về đầu tư và phát triển của nước này đối với các quốc gia Đông Nam Á. Về vấn đề Biển Đông, ông này kêu gọi “hòa bình, hợp tác và hữu nghị” đồng thời nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng không nên để Mỹ can thiệp.
“Tất cả chúng ta đều nhất trí rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết thông qua bàn bạc và thương lượng song phương”, ông Lý phát biểu mở màn cuộc họp thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc. Cuộc họp này được sắp xếp diễn ra trước cuộc họp Mỹ – ASEAN và Ngoại trưởng Kerry phải ngồi trong phòng khách của chính phủ Brunei 1 tiếng để chờ.
Khi cuộc họp Mỹ – ASEAN bắt đầu, ông Kerry “mở màn” bằng lời xin lỗi về sự vắng mặt của Tổng thống Barack Obama và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
“Tôi đảm bảo với các vị rằng tình hình hiện nay ở Washington chỉ là một khoảnh khắc chính trị không hơn không kém. Mối quan hệ đối tác giữa Mỹ và ASEAN vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Obama”, Ngoại trưởng Kerry phát biểu.
“Củng cố các mối quan hệ về an ninh, kinh tế và hơn thế nữa là một phần then chốt trong chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Obama ở châu Á. Chiến lược đó là một cam kết, nó sẽ vẫn tồn tại và được duy trì trong tương lai”, ông Kerry phát biểu tiếp.
Cả ông Lý và ông Kerry đều nói về quan hệ thương mại với ASEAN, khu vực đang lên kế hoạch chuyển mình thành một cộng đồng giống Liên minh châu Âu vào năm 2015. Nhưng trong khi vấn đề quan hệ thương mại là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của ASEAN, mối bất hòa về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông lại một lần nữa trỗi dậy.
Khối ASEAN đã nỗ lực hết mình để giải quyết các cuộc tranh chấp mà dư luận lo ngại có thể sẽ khơi mào một cuộc xung đột quân sự lớn ở châu Á.
Hôm 8/10, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Philippines đã tranh cãi gay gắt về cách dùng từ ngữ trong một đoạn về tranh chấp chủ quyền nằm trong tuyên bố chung Trung Quốc – ASEAN. Tại Hội nghị ASEAN, ông Lý ra sức tô vẽ hình ảnh của Trung Quốc như một người khổng lồ hiền lành chưa từng có hành động xâm lược lãnh thổ nào ở châu Á – không giống như các cường quốc phương Tây.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong khi khẳng định Trung Quốc sẽ trỗi dậy một cách hòa bình, ông Lý tuyên bố nước này “sẽ kiên định vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi “hòa bình, hữu nghị và hợp tác” cho Biển Đông nhưng khẳng định nước này sẽ không thay đổi lập trường về chủ quyền.
Theo các quan chức Mỹ, ông Kerry đang khuyến khích các quốc gia ASEAN tiếp tục “tăng cường đoàn kết thống nhất” nội bộ để củng cố vị thế trong các cuộc thương lượng về Bộ qui tắc ứng xử trên biển (COC) với Trung Quốc.
Trung Quốc tỏ ra giận dữ trước việc mà nước này coi là sự can thiệp của Mỹ vào Biển Đông, vùng biển mà Bắc Kinh vẫn luôn coi là “sân sau” và mới vừa miễn cưỡng đồng ý thảo luận với ASEAN về Bộ qui tắc ứng xử. Nước này cũng quyết liệt vận động một số quốc gia thành viên ASEAN để ngăn cản cả khối đồng thuận về vấn đề Biển Đông.
Mỹ đã can thiệp vào vấn đề này từ nhiệm kỳ đầu của Obama và khẳng định Washington có lợi ích quốc gia trong việc gìn giữ tự do đi lại ở Biển Đông, một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới.
Một quan chức Mỹ cho hay hiện nước này và các nước ASEAN đang “nhất trí cao độ” về các nguyên tắc tự do đi lại trên biển và giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua thương lượng.
Sau khi họp riêng với các nhà lãnh đạo ASEAN, ông Lý và ông Kerry tiến hành hội đàm. Mặc dù hai ông đều ca ngợi mối quan hệ Washington – Bắc Kinh đã bước sang chương mới nhưng rõ ràng hai nước vẫn có bất đồng.
“Tôi tin chắc rằng cả hai nước chúng ta đều muốn sống hòa thuận với nhau”, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với Ngoại trưởng Kerry đồng thời nhắc lại lập trường của Trung Quốc bấy lâu nay là nước này vẫn còn chưa trở thành một quốc gia phát triển nên dư luận thế giới không thể nào kì vọng Trung Quốc đạt được các tiêu chuẩn của phương Tây.
Với giọng điệu “chua cay”, Ngoại trưởng Kerry đáp lại: “Chúng tôi nghĩ các ông phát triển hơn những gì ông nói tuy nhiên dù thế nào chúng ta đều phải có trách nhiệm như nhau”.
Theo Khám phá
Vắng Obama, Tập Cận Bình thành tâm điểm tại APEC
Nắm bắt cơ hội Mỹ tê liệt vì khủng hoảng ngân sách, Trung Quốc nắm lấy vai trò lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương dựa trên sức mạnh kinh tế đang lên.
Chủ tịch Tập Cận Bình sánh vai cùng Đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện tham dự Diễn đàn APEC tại Bali, Indonesia.
Khủng hoảng ngân sách Mỹ dẫn đến hậu quả không chỉ chính phủ liên bang đóng cửa mà Tổng thống Obama cũng buộc lòng phải hủy tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra trên đảo Bali, Indonesia cũng như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei vào ngày mai.
Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry người thay mặt ông chủ Nhà Trắng tham dự các Hội nghị thượng đỉnh khu vực trấn an các đồng minh châu Á bằng cách nhấn mạnh quyết tâm của Tổng thống Obama để duy trì các cam kết tại châu Á-Thái Bình. Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông chủ Nhà Trắng để lại "một đấu trường không đối thủ" cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến mọi ánh đèn sân khấu của Diễn đàn dồn vào Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Trung Quốc quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định khu vực, tạo nền móng vững chắc cho quan hệ đôi bên cùng có lợi ở châu Á-Thái Bình Dương", Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tại diễn đàn kinh tế APEC. Bên cạnh đó, ông Tập lưu ý, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều quốc gia trong khu vực.
Chưa hết, trước thềm buổi dạ tiệc vào tối qua (7/10) để chào mừng các nhà lãnh đạo tham dự APEC trên hòn đảo Bali xinh đẹp của Indonesia, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh tiếng: "Trung Quốc không thể phát triển tại một châu Á-Thái Bình Dương bị cô lập và châu Á-Thái Bình Dương cũng thể phát triển thịnh vượng mà không có Trung Quốc".
Ông Tập lưu ý, hiện tượng giảm tốc độ tăng trưởng gần đây của Trung Quốc là việc làm có chủ đích theo quyết sách kinh tế được Bắc Kinh vạch ra để phát triển theo hướng ngày càng bền vững hơn.
"Người Trung Quốc chúng tôi có câu, một gia đình hòa thuận sẽ giàu có, thịnh vượng. Là một thành viên của đại gia đình châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc sẵn sàng chung sống, gắn bó trong tình hữu nghị với các thành viên gia đình khác cũng như sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau", ông Tập nhấn mạnh.
Giới phân tích bình luận, đến với Diễn đàn APEC lần này, Chủ tịch Trung Quốc đã sử dụng giọng điệu xoa dịu và thấm đượm tình hữu nghị để "quảng cáo" những lợi ích của các thỏa thuận thương mại tự do sau khi đạt được các hiệp định trị giá 10 tỷ USD ở Indonesia và Malaysia.
Trung Quốc dẫn đầu nhóm Đông Á
Các nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn APEC lần thứ 21 chụp ảnh kỷ niệm.
Trung Quốc đang tham gia đàm phán về một hiệp định thương mại với nhóm 16 quốc gia Đông Á đúng lúc dự án Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington dường như đang gặp khó khăn, trở ngại.
Dù bày tỏ sự cảm thông trước tình hình chính trị Mỹ và vị thế của Tổng thống Obama lúc này song các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh của Mỹ tại APEC như Singapore vẫn không giấu được nỗi thất vọng trước sự vắng mặt của ông chủ Nhà Trắng tại diễn đàn kinh tế quan trọng của khu vực. Đằng sau nỗi thất vọng về sự vắng mặt của Tổng thống Obama tại APEC là nỗi thất vọng trước sự bất lực của ông trong nhiệm kỳ này để thúc đẩy dự án TPP cũng như chính sách xoay trục về châu Á mà Mỹ đang theo đuổi.
Trong khi đó, Mỹ đang khiến nhiều đối tác và đồng minh nước ngoài, đối thủ cũng như các thị trường tài chính lo lắng trước một mối đe dọa lớn hơn cả bên bối chính phủ liên bang đóng cửa. Đó là khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ trừ phi Quốc hội nước này đạt được thỏa thuận nâng mức trần nợ công kịp thời vào ngày 17/10.
Vụ vỡ nợ chưa từng có trong lịch sử của người nắm giữ đồng tiền dự trữ của thế giới sẽ "ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh chứ không chỉ những quốc gia có liên kết địa lý và kinh tế mạnh mẽ với Mỹ", Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto cảnh báo tại Bali.
"Cuộc chạy đua tới đỉnh"
Mỹ đang vấp phải bê bối chính trị vào đúng thời điểm mà nền kinh tế thế giới có khả năng gặp nhiều rủi ro hơn sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong một cuộc họp cấp bộ trưởng của Thượng định APEC tại Bali, các bộ trưởng cảnh báo: "Tăng trưởng toàn cầu quá yếu, các nguy cơ và rủi ro ngày càng tăng và triển vọng kinh tế chỉ ra rằng, tăng trưởng có thể chậm và ít ổn định hơn so với mong đợi".
Trước khi trì hoãn chuyến công du Đông Nam Á, Tổng thống Mỹ đã có ý định chủ trì vòng đàm phán cấp cao giữa các thành viên TPP tại Bali.
Theo đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhấn mạnh, tham dự APEC "sẽ là cơ hội vàng đối với Mỹ và Tổng thống Obama để thể hiện vai trò lãnh đạo của họ".
Tuy nhiên, Mỹ đã bỏ qua cơ hội này và do đó, những nghi ngại về hiệp ước cũng như chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Obama ngày càng tăng cao.
Ngoại trưởng Kerry, người đang đảm nhiệm vị trí của Tổng thống Obama tại APEC nhấn mạnh, bất đồng giữa chính quyền Obama và Đảng Cộng hòa dẫn đến bê bối chính phủ đóng cửa "chỉ mang tính thời điểm trong đời sống chính trị" chứ không làm chệch hướng các mục tiêu chiến lược của Mỹ.
"Tôi xin nhấn mạnh rằng, không gì có thể làm lung lay các cam kết tái cân bằng tới châu Á mà Tổng thống Obama khởi xướng", ông Kerry nói.
Đồng thời, Ngoại trưởng Kerry cũng lạc quan hy vọng về TPP: "Vào thời điểm tất tả chúng ta tìm kiếm sự tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, TPP đang tạo ra một cuộc chạy đua tới đỉnh, chứ không phải đáy. Nó đang đạt đến các chuẩn mực cao nhất".
Theo Kiến thức
Trung-Nhật "tạm gác" vấn đề tranh chấp đảo tại Hội nghị APEC Hai nhà lãnh đạo gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao APEC nhưng hai sẽ không đàm phán về vấn đề biển đảo. Theo hãng tin AP, ngày 7/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt tay nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương...