Mỹ – Trung thiếu kênh ‘tháo ngòi nổ’
Covid-19 đang làm tăng rạn nứt trong các kênh ngoại giao hậu trường giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn là công cụ từng cứu vớt quan hệ hai nước.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược ngoại giao “chiến lang”, tung ra những lời đả kích quyết liệt nhằm vào Mỹ trên Twitter, nền tảng mạng xã hội bị cấm tại nước này.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc, cáo buộc nước này đã giấu dịch và hành động thiếu trách nhiệm, khiến nCoV lây lan toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Những cuộc họp và thông điệp trao đổi qua lại nơi hậu trường giữa các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp, học giả và cựu quan chức giữa hai nước trong khi đó đang bị đình trệ. Nguyên nhân được cho là do tâm lý thù địch ngày càng tăng giữa đôi bên cùng những lệnh giới hạn đi lại được đặt ra nhằm ngăn chặn dịch bệnh, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.
“Dịch bệnh đã chấm dứt các cuộc gặp cá nhân. Đây là điều rất tệ”, Wang Huiyao, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh có thành viên là những cựu quan chức và học giả nổi tiếng Trung Quốc, nhận xét. “Rất nhiều thông điệp chỉ có thể được truyền tải gián tiếp qua phát ngôn viên hay truyền thông. Tình hình hiện nay có thể gây ảnh hưởng tới hiệu quả giao thiệp giữa đôi bên, đồng thời dễ dẫn tới hiểu lầm”.
Ngoài quan hệ ngoại giao, thỏa thuận thương mại giai đoạn một trị giá 200 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang đứng bên bờ vực đổ vỡ. Tổng thống Trump vốn kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp gia tăng thu nhập cho các nông dân, công ty năng lượng và những nhà xuất khẩu khác của Mỹ. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng từng đe dọa “cắt đứt toàn bộ mối quan hệ” với Bắc Kinh, bao gồm cả thỏa thuận thương mại, và tăng cường các hành động chống lại Trung Quốc với cáo buộc nước này che giấu thông tin ở thời điểm Covid-19 mới bùng phát.
“Vấn đề quan trọng nhất là họ không nên để chuyện này xảy ra. Tôi đã thỏa thuận được một thương vụ tuyệt vời, nhưng giờ nó không còn khiến tôi vui nữa. Thỏa thuận còn chưa ráo mực thì bệnh dịch ập tới”, ông nói với kênh Fox News hồi giữa tháng.
Trump giờ đây không còn có thể dựa vào những tuyên bố thúc đẩy một nền kinh tế mạnh mẽ để tranh cử năm nay. Thay vào đó, ông đang truyền đi những thông điệp cứng rắn nhắm vào Trung Quốc nhằm thu phục ủng hộ từ cử tri.
Chính quyền Mỹ gần đây cuối cùng đã quyết định thực hiện một số động thái gia tăng áp lực với Trung Quốc như gây áp lực buộc quỹ hưu trí chính phủ liên bang ngừng đầu tư vào các công ty Trung Quốc và thắt chặt hơn nữa những hạn chế xuất khẩu đối với tập đoàn viễn thông Huawei.
Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị tung ra hàng loạt điều luật nhắm vào Trung Quốc. Cục Điều tra Liên bang Mỹ ( FBI) cùng Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng An ninh mới đây còn cảnh báo tin tặc Trung Quốc đang hướng đến các nghiên cứu của Mỹ liên quan đến vaccine cũng như phương pháp điều trị Covid-19.
Video đang HOT
Hạn chế đi lại do dịch bệnh đang khiến những tương tác trực tiếp sau hậu trường giữa hai bên trở nên bất khả thi. Hệ quả là những nỗ lực xuống thang căng thẳng càng trở nên khó khăn hơn.
“ Chính phủ Trung Quốc những ngày qua cho thấy họ không thực sự quen với việc họp qua điện thoại, qua video hay qua phần mềm Zoom. Đó không phải cách họ làm việc”, James Green, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn thương mại quốc tế McLarty Associates, trụ sở ở Washington, nhận định.
Theo Green, những thông điệp ông nghe được từ phía Trung Quốc thông qua vài kênh phi chính phủ còn tồn tại đến nay chủ yếu đều là các thông tin cơ bản. “Hiện tại, phía Trung Quốc không có thông điệp nào khác ngoài việc chúng ta cần đàm phán. Đó không phải một thông điệp hấp dẫn”, ông nói. “Mục tiêu nên rõ ràng, chẳng hạn như ‘đây là hai điều chúng ta thực sự cần thảo luận, phát triển vaccine và tái khởi động nền kinh tế hai nước’”.
Theo Jude Blanchette, học giả về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), vẫn còn những kênh liên lạc mạnh mẽ giữa Phố Wall và Bắc Kinh nhưng tính hiệu quả của chúng bằng không.
“Các cuộc đối thoại không còn được mở đầu bằng câu hỏi chúng ta nên thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế như thế nào”, ông cho hay.
Mối quan hệ Mỹ – Trung hiện nay chủ yếu tập trung vào cạnh tranh chiến lược và an ninh quốc gia, việc thúc đẩy các cuộc thảo luận về vấn đề này vô cùng khó khăn bởi cả hai nước đều nhìn vào chúng với tâm lý hoài nghi, Blanchette đánh giá.
Thời Ân Hoằng, chuyên gia về các vấn đề của Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh kiêm cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, cho biết các kênh liên lạc hậu trường Mỹ – Trung không thể phát huy tác dụng bởi cả hai bên đều đang thiếu quyết tâm chính trị.
“Mọi thứ trở nên vô nghĩa dù có hàng chục nghìn người qua lại trao đổi giữa hai bên đi chăng nữa, thậm chí cả khi bạn điều những người có sức ảnh hưởng lớn làm sứ giả”, ông Thời bình luận.
Susan Shirk, cựu phó trợ lý bộ trưởng phụ trách về chính sách Trung Quốc dưới thời Clinton, nhận thấy rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra ít thẳng thắn và thoải mái trong việc bày tỏ quan điểm cá nhân hơn trước đây, khi bà gặp ông hồi tháng ba.
Theo Shirk, Ngoại trưởng Vương giờ đây gọi các phóng viên ảnh và người ghi biên bản vào phòng họp. Ông nói ít hơn so với cả lập trường chính thức của Trung Quốc, trái ngược với các cuộc trao đổi cá nhân và thảo luận đầy thẳng thắn trong quá khứ.
“Quy trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc rất bí mật và nó thực sự giống như một chiếc hộp đen. Chúng ta không biết ông ấy có báo cáo lên cấp trên và đưa ra lời khuyên hay không”, bà nói. “Về phía chúng ta, chính phủ Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận lời khuyên”.
Trung Quốc "khoe" đạt thoả thuận "đình chiến", Mỹ im lặng bí hiểm
Trung Quốc khoe rằng đã đạt được thoả thuận dỡ bỏ dần mức thuế mà ông Trump đã áp trong thời gian qua. Tuy nhiên, phía Mỹ im lặng một cách bí hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 29/6/2019. Ảnh: REUTERS / Kevin Lamarque
Theo Reuters, Bộ thương mại Trung Quốc, dù không đưa ra thời gian chính thức, cho biết hai nước đã đồng ý hủy bỏ thuế quan theo từng giai đoạn.
Một quan chức Mỹ, phát biểu với điều kiện giấu tên, đã xác nhận việc khôi phục theo kế hoạch như là một phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn I mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tich Tập Cận Bình đang nhắm tới trước khi năm 2019 kết thúc.
Ông Trump đã sử dụng thuế quan áp lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc làm vũ khí chính của mình trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Viễn cảnh bỏ áp thuế, dù theo từng giai đoạn, đã vấp phải phản đối quyết liệt từ nhiều cố vấn của ông trong và ngoài Nhà Trắng. Chứng khoán Mỹ giảm mức tăng sau khi Reuters đưa tin kế hoạch này vấp phải sự phản đối trong nội bộ chính quyền.
Michael Pillsbury, một cố vấn của ông Trump cho biết, không có thỏa thuận cụ thể nào về việc bỏ thuế quan theo từng đợt. "Bên phía Mỹ không tiết lộ khi nào và mức thuế nào sẽ được dỡ bỏ. Người Trung Quốc mong muốn điều này và đang cố gắng xoa dịu những người dân trong nước rằng thuế quan một ngày nào đó sẽ được dỡ bỏ."
Ông Trump tháng trước đã phác thảo giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc và đình chỉ tăng thuế, nhưng các quan chức của cả hai bên khẳng định còn rất nhiều việc cần phải được thực hiện trước khi hiệp ước "đình chiến" được hoàn tất.
Nếu nó được hoàn thành, dự kiến sẽ bao gồm một cam kết dỡ bỏ thuế của Mỹ dự kiến sẽ được áp vào ngày 15/12 lên hàng nhập khẩu trị giá khoảng 156 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả điện thoại di động, máy tính xách tay và đồ chơi.
Hủy bỏ thuế quan là một điều kiện quan trọng đối với bất kỳ thỏa thuận nào, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói, cho biết thêm cả hai phải đồng thời hủy bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa khác để đạt được hiệp ước giai đoạn I.
Thương chiến bắt đầu bằng thuế quan, và nên kết thúc bằng việc hủy bỏ thuế quan, ông Gao nói với một cuộc họp báo thường kỳ.
Khả năng thuế quan bị hủy bỏ cho cả hai bên để đạt được một thỏa thuận trong giai đoạn I, phải như nhau, nhưng con số cụ thể có thể được thương lượng, ông nói thêm.
Trong hai tuần qua, các nhà đàm phán chính của cả hai bên đã có những cuộc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng để giải quyết các mối quan tâm cốt lõi khác nhau một cách thích hợp, theo ông Gao.
Cả hai bên đã đồng ý hủy bỏ thuế quan bổ sung trong các giai đoạn khác nhau, vì cả hai bên đều đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán của mình.
Người phát ngôn của Bộ Tài chính Mỹ đã từ chối bình luận và văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang thúc giục chính quyền Trump ra điều kiện buộc Bắc Kinh tuân thủ một số nội dung cụ thể của thỏa thuận, để đổi lấy việc thuế quan được dỡ bỏ.
Các loại thuế quan nên được loại bỏ từng mảnh một khi Trung Quốc cũng làm đúng như thỏa thuận, nguồn tin từ quốc hội cho biết.
Lãnh đạo Mỹ - Trung gặp nhau?
Tân Hoa Xã đưa tin vào cuối ngày 7/11 rằng cơ quan hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang xem xét gỡ bỏ các hạn chế đối với gia cầm nhập khẩu của Mỹ.
Trung Quốc đã cấm tất cả gia cầm và trứng của Mỹ kể từ tháng 1/2015 do dịch cúm gia cầm.
Một nguồn tin trước đó nói với Reuters rằng các nhà đàm phán Trung Quốc đang hối thúc Washington giảm thuế 15% đối với khoảng 125 tỉ USD hàng Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9. Họ cũng muốn được giảm mức thuế 25% với khoảng 250 tỉ USD hàng xuất khẩu gồm máy móc, chất bán dẫn đến đồ nội thất.
Một người quen thuộc với cuộc đàm phán phía Trung Quốc, cho biết họ đang thúc ép Washington phải loại bỏ tất cả các mức thuế ngay khi có thể.
Một thỏa thuận có thể được ký kết trong tháng này bởi hai nhà lãnh đạo tại một địa điểm chưa được xác định.
Hàng chục địa điểm đã được đề xuất, ban đầu được dự kiến sẽ diễn ra bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Chile, một quan chức chính quyền cấp cao của Trump nói với Reuters hôm 6/11.
Một địa điểm khác có thể là London, nơi các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau hội nghị thượng đỉnh NATO mà ông Trump dự kiến sẽ tham dự vào ngày 3-4/12, quan chức này cho biết./.
Theo thoidai.com.vn
Trump có thể chọn sai 'điểm rơi' công kích Trung Quốc Việc Trump tung ra hàng loạt cáo buộc nhằm vào Trung Quốc khi Covid-19 tiếp tục tàn phá Mỹ dễ khiến Washington rơi vào thế khó, chuyên gia nhận định. Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng thách thức nhất trong nhiều thập kỷ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay trở về cách tiếp cận truyền...