Mỹ – Trung: Sau tán dương là cứng rắn
Ba yếu tố con người, chính sách và chính trị có thể thúc đẩy Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc
Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh là màn thể hiện sự ca tụng lẫn nhau. Trung Quốc trải thảm đỏ và dành cho nhà lãnh đạo Mỹ sự tiếp đón trọng thị chưa từng có. Ông Trump đáp lễ bằng những lời tán dương Chủ tịch Tập Cận Bình và lòng ngưỡng mộ dành cho Trung Quốc.
Tâm trạng của ông chủ Nhà Trắng tương phản mạnh mẽ với giọng điệu cứng rắn trong chiến dịch tranh cử, như “không thể tiếp tục cho phép Trung Quốc cưỡng bức đất nước chúng ta”. Điều này khiến một loạt phân tích trên báo chí phương Tây cho rằng ông Trump đã thay đổi để hướng đến một cách tiếp cận mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng củng cố thông điệp này, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh là bước đi tích cực cho mối quan hệ Mỹ – Trung.
Dù vậy, không nên dựa quá nhiều vào những gì ông Trump nói để đưa ra đánh giá. Ba yếu tố trong nước có thể thúc đẩy Mỹ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm tháng sắp tới.
Trước hết là yếu tố con người. Dù chậm nhưng ông Trump đang dần hoàn thiện đội ngũ phụ trách chính sách châu Á tại Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Không phải ngẫu nhiên khi giữa những người được bổ nhiệm này có chung tiếng nói về nhu cầu phát triển một chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân tham quan Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh hôm 8-11 Ảnh: NHÀ TRẮNG
Thứ hai là yếu tố chính sách. Chính quyền ông Trump rốt cuộc cũng đã bắt đầu quá trình hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Với 2 văn kiện chiến lược chính thức và quan trọng – Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh quốc gia – dự kiến được tung ra trong những tháng tới, Trung Quốc nhiều khả năng được mô tả như một đối thủ chiến lược hàng đầu.
Ngoài ra, một khi chính quyền ông Trump tập trung nhiều hơn vào những vấn đề khác ở khu vực bên cạnh điểm nóng Triều Tiên (với Đài Loan và tình hình biển Đông là những cái tên hàng đầu), khả năng xảy ra xích mích với Trung Quốc càng tăng.
Yếu tố thứ ba, cũng là quan trọng nhất, thúc đẩy Mỹ hướng tới một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc là chính trị. Các thành viên Đảng Dân chủ và thậm chí một số nhân vật Đảng Cộng hòa đã tác động để ông Trump có lập trường ôn hòa hơn với Iran.
Tuy nhiên, với Trung Quốc, mọi chuyện sẽ diễn ra ngược lại. Chỉ trích được nói đến nhiều nhất ở Washington là ông Trump chưa mạnh mẽ với Bắc Kinh. Ông Chuck Schumer, thủ lĩnh phe thiểu số của Đảng Dân chủ tại thượng viện, gọi ông Trump chỉ là “con hổ giấy” trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Ông John Cornyn, nhân vật thứ hai của Đảng Cộng hòa tại thượng viện, gần đây đưa ra dự luật tăng cường giám sát đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ. Ông lập luận rằng đã đến lúc thức tỉnh trước mối đe dọa đang tăng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ. Cần nhắc lại rằng phe theo chủ nghĩa dân túy, dân tộc trong Đảng Cộng hòa là những người đầu tiên nêu ra vấn đề này vào năm 2016 khi cáo buộc Trung Quốc là thủ phạm khiến người Mỹ mất việc làm tại các nhà máy.
Video đang HOT
Trước thềm các cuộc bầu cử năm 2018 và 2020, ông Trump sẽ cảm thấy áp lực từ mọi phía phải thực hiện những lời hứa trong chiến dịch tranh cử, theo đó buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với những tập quán thương mại không công bằng. Vấn đề là liệu Mỹ có đủ khả năng gây sức ép lên Bắc Kinh nếu muốn?
Thực tế ở châu Á là một bức tranh phức tạp hơn rất nhiều. Bất chấp những lo ngại về chính sách của ông Trump, điều quan trọng nhất xảy ra khi nhà lãnh đạo Mỹ ở châu Á là nỗ lực kháng cự sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Về thương mại và đầu tư, 11 quốc gia còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp định này dù không có Mỹ. Sự vắng mặt của Washington là đáng chú ý nhưng quan trọng hơn là khu vực đang chia sẻ mong muốn tránh một trật tự kinh tế do Trung Quốc đi đầu.
Tương tự, lần đầu tiên trong một thập kỷ, các quan chức cấp cao từ Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ gặp nhau để đẩy mạnh tăng cường sự hợp tác giữa các nền dân chủ hàng đầu khu vực. Đây được xem là nỗ lực tạo ra các lựa chọn thay thế cho một tương lai xoay quanh Trung Quốc.
Cuối cùng, cần nhớ rằng những nền tảng của quyền lực Mỹ vẫn còn mạnh mẽ. Mỹ vẫn có nền kinh tế lớn và tiên tiến nhất thế giới, với các trường đại học tốt nhất, quân đội có năng lực nhất, nhân khẩu học mạnh mẽ và một xã hội dân sự sôi nổi. Trung Quốc chắc chắn là một thế lực không thể bỏ qua nhưng ông Trump vẫn có những thứ mình cần để cứng rắn trong các vấn đề như thương mại, Đài Loan và biển Đông nếu muốn.
Việc dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ thời ông Trump ẩn chứa không ít rủi ro. Tuy nhiên, tất cả dấu hiệu đang hướng tới một lập trường cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, ngay cả khi ông Trump được đón tiếp trọng thị ở Bắc Kinh hoặc có “mối quan hệ rất tốt” với ông Tập.
Theo Phương Võ
Người lao động
Tới Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ bàn gì với Chủ tịch Tập Cận Bình?
Tổng thống Donald Trump hôm nay 8/11 sẽ bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc và chương trình nghị sự cho cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình đang trở thành đề tài được chú ý.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại Nhà Trắng hôm 3/11 trước khi bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ trao đổi về các vấn đề Triều Tiên và thương mại trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức về các chủ đề sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo khi Tổng thống Trump chuẩn bị bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc.
Trung Quốc mong đợi gì từ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ?
Tuyên bố rõ ràng từ Mỹ về quan hệ song phương Mỹ - Trung
"Thương mại và Triều Tiên sẽ là hai chủ đề nằm trong chương trình nghị sự của Mỹ trong cuộc gặp này. Tuy nhiên, Trung Quốc theo đuổi một lập trường khác", chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Liu Weidong cho biết.
"Mỹ muốn hợp tác với Trung Quốc bằng cách đề cập tới tất cả các vấn đề thực tế trước, sau đó mới phát triển quan hệ chiến lược. Tuy nhiên, Trung Quốc lại muốn Mỹ định hình mối quan hệ trước khi đi vào chi tiết về việc làm thế nào để giải quyết các vấn đề riêng", chuyên gia Liu cho biết thêm.
Theo ông Liu, Tổng thống Trump cho đến nay vẫn chưa rõ ràng về việc ông nhìn nhận Trung Quốc như thế nào trong chiến lược khu vực của Mỹ. Không giống người tiền nhiệm Barack Obama, người luôn nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược hòa bình với Trung Quốc, ông Trump vẫn chưa đặt bất kỳ mục tiêu nào cho mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Nhà nghiên cứu Zhang Zhexin tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải cho biết ông chờ đợi hai nhà lãnh đạo sẽ ra tuyên bố chung sau cuộc gặp sắp tới, trong đó khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế cân bằng, mở rộng phạm vi hợp tác và phối hợp với nhau để tránh xung đột.
Ngoài ra, theo ông Kerry Brown, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học King ở London, Anh, vấn đề Đài Loan có thể sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ.
Quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi
Trong bài phát biểu khai mạc tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10, Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa các thị trường. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Zhang Zhexin sự mở cửa này phải mang lại lợi ích cho cả hai bên.
"Trung Quốc sẵn sàng mở thêm các thị trường với Mỹ, ví dụ trong lĩnh vực ngân hàng hay văn hóa... miễn sao hai bên cùng có lợi... Trung Quốc sẽ không nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ một cách dễ dàng như trong 10 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, trong đó Bắc Kinh đã chấp thuận các đề xuất do Mỹ đưa ra về thương mại và Triều Tiên", ông Zhang cho biết.
Theo ông Zhang, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, Trung Quốc sẽ không để cho Mỹ đổ lỗi về sự mất cân bằng thương mại. Thay vào đó, Bắc Kinh có thể sẽ yêu cầu Washington tự điều chỉnh các chính sách thương mại và cân nhắc các biện pháp cân bằng thâm hụt.
Mỹ muốn gì từ chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Trung Quốc?
Tổng thống Trump và phu nhân Melania tiếp Chủ tịch Tập và phu nhân Bành Lệ Viện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida hồi tháng 4 (Ảnh: AFP)
Cân bằng thương mại
Tổng thống Trump từng cam kết rằng trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập, ông sẽ yêu cầu Trung Quốc tìm cách cân bằng khoản thâm hụt thương mại trị giá 347 tỷ USD của Mỹ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháp tùng Tổng thống Trump trong chuyến đi tới Trung Quốc lần này có Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross - người dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo của 29 công ty Mỹ.
"Ông Trump sẽ không trở về Mỹ nếu không đạt được bất kỳ hợp đồng thương mại hoặc các thỏa thuận thương mại mới với Trung Quốc", ông Zhang dự đoán.
Cam kết về vấn đề Triều Tiên
Chuyên gia Zhang cho rằng Tổng thống Trump mong muốn Trung Quốc sẽ tích cực thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên và hy vọng Bắc Kinh sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, chuyên gia Liu cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ duy trì cách tiếp cận khác Mỹ.
"Trung Quốc vẫn muốn chủ động trong vấn đề Triều Tiên. Nếu Triều Tiên không có các động thái khiêu khích mới, thì cũng sẽ không có thêm bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc", ông Liu nhận định.
Mối quan hệ ổn định hơn
Tổng thống Trump đã cho thấy sự coi trọng của ông trong quan hệ cá nhân với Chủ tịch Tập Cận Bình từ sau cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Mặc dù vậy, ông chủ Nhà Trắng vẫn chỉ trích Trung Quốc về 2 vấn đề là thương mại và Triều Tiên.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump rốt cuộc vẫn mong muốn tìm kiếm sự ổn định lớn hơn trong quan hệ với Trung Quốc để cải thiện quan hệ kinh tế.
"Dựa trên những gì Mỹ cần từ Trung Quốc để đạt được các thành tựu kinh tế lớn hơn, ông Trump có lẽ sẽ tránh đề cập tới các vấn đề nhạy cảm", chuyên gia Zhang cho biết.
Thành Đạt
Theo SCMP
Thổ Nhĩ Kỳ dọa cắt quan hệ với Israel nếu Mỹ vượt "vạch đỏ" Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo có thể cắt quan hệ với Israel nếu Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump dự kiến sắp công bố quyết định này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng tháng 5/2017 (Ảnh:...