Mỹ: ‘Trung Quốc đang hành xử như ở thế kỷ 19′
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cho rằng việc Trung Quốc đang cải tạo các đá ở Biển Đông gây nên quan ngại về cách hành xử của nước này, đồng thời cho thấy Mỹ cần tăng hiện diện để đảm bảo hòa bình khu vực.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel trong cuộc thảo luận hôm qua. Ảnh chụp từ màn hình.
“Chúng ta đang chứng kiến cách hành xử như ở thế kỷ 19 của Trung Quốc ở Biển Đông, điều này dẫn đến việc Mỹ cần phải có sự hiện diện về phương diện an ninh ở khu vực để ngăn Bắc Kinh hăm dọa các nước nhỏ hơn, để các nước này tin rằng họ không bị đẩy sang một bên”, ông Russel nói trong cuộc thảo luận về chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á tại New York hôm qua. Chuyên đề do Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), Mỹ, tổ chức.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc có thể đang xây dựng các cảng biển, đường băng và các công trình nhân tạo khác ở Biển Đông, với lập luận là để cung cấp các dịch vụ dân sự cho ngư dân. “Trung Quốc nên có những hành động để xây dựng nền tảng chung, chứ không phải là xây dựng các đảo nhân tạo”, ông Russel nói.
Sau khi Philippines và một số tổ chức nghiên cứu về an ninh từ tháng 5 năm ngoái công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng quy mô lớn ở Trường Sa, các quan chức Bắc Kinh gần đây thừa nhận việc bồi đắp này và không giấu giếm mục đích quân sự. Hầu hết các đá Trung Quốc đang cải tạo đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị nước này chiếm giữ bằng vũ lực. Đá Chữ Thập và Gạc Ma được đánh giá là chiếm vị trí chiến lược ở Biển Đông, có thể tạo nên lợi thế lớn cho Bắc Kinh trong tương lai.
Video đang HOT
Các quan chức Mỹ ở nhiều cấp đã trao đổi trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này. Cư xử của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đặt ra nghi vấn liệu nước này sẽ giải quyết các vấn đề khác như thế nào ở thế kỷ 21.
“Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương với mục tiêu gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực”, ông Russel khẳng định.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh chiến lược tái cân bằng châu Á mà Tổng thống Barack Obama tuyên bố hồi 2009 đang có những tiến triển cụ thể. Ông Obama năm ngoái đến thăm châu Á hai lần, Ngoại trưởng John Kerry thăm đến 9 lần, tân Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter vừa có chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật và sẽ trở lại dự Đối thoại Shangri-la cuối tháng 5 tới tại Singapore.
Nằm trong chính sách tái cân bằng của Mỹ, các thỏa thuận về quốc phòng với Phillipines hiện ở mức đào tạo và hợp tác chặt chẽ. Các nước châu Á cũng tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. “Hai năm qua, những người tôi biết ở châu Á rất quan tâm đến việc chính quyền của ông Obama nỗ lực nhiều trong việc bảo đảm duy trì hòa bình ở đây”, ông Russel nói.
Việt Anh
Theo VNE
Mỹ điều tàu sân bay tới Yemen
Hải quân Mỹ triển khai một tàu sân bay và một tàu tuần tiễu tên lửa dẫn đường tới vùng biển gần Yemen, trong bối cảnh quan ngại gia tăng về cuộc xung đột leo thang ở nước này.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Defense
Hải quân Mỹ triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu tuần tiễu hộ tống USS Normandy từ vùng Vịnh tới biển Arab hôm 19/4. Đại tá Steve Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, bác bỏ thông tin cho rằng các tàu đang trong nhiệm vụ chặn đường chuyển giao vũ khí của Iran tới Yemen.
Các tàu sẽ tham gia cùng 7 tàu Mỹ khác ở vùng biển gần Yemen. Nước này đang bị chia rẽ vì nội chiến, trong đó lực lượng nổi dậy Houthi do Iran ủng hộ chiến đấu chống lực lượng trung thành với tổng thống do Mỹ hậu thuẫn.
Các tàu chiến khác của Mỹ trong khu vực bao gồm hai tàu khu trực, hai tàu quét ngư lôi và ba tàu đổ bộ, chở 2.200 thủy quân lục chiến.
Hải quân Mỹ tuyên bố tăng cường hiện diện tại khu vực do tình hình bất ổn và nhằm "đảm bảo các tuyến đường thủy then chốt trong khu vực tiếp tục mở và an toàn".
Động thái diễn ra khi các quan chức Mỹ đang giám sát chặt chẽ một đoàn 7 tàu Iran, được cho là tiến về phía Yemen với những kiện hàng không xác định. Tại Nhà Trắng, phát ngôn viên Josh Earnest xác nhận mối quan ngại về việc chuyển vũ khí từ Tehran tới những người Houthi.
"Chúng ta thấy bằng chứng về việc người Iran đang cung cấp vũ khí và các dạng hỗ trợ khác cho người Houthi ở Yemen", ông Earnest nói. "Kiểu hậu thuận đó sẽ chỉ góp phần gây ra bạo lực ở quy mô lớn hơn tại nước này, một đất nước đã trải qua quá nhiều bạo lực".
Các chiến binh Houthi Hồi giáo dòng Shiite đẩy lùi chính quyền trung ương sau khi chiếm thủ đô Sanaa hồi tháng 9 năm ngoái và một vùng rộng lớn ở Yemen.
Trọng Giáp
Theo Reuters
Mỹ - Nhật - Hàn quan ngại về động thái trên Biển Đông của Trung Quốc Các nhà ngoại giao Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua một lần nữa bày tỏ lo ngại về những động thái của Trung Quốc trong việc củng cố tuyên bố chủ quyền trên biển, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh giữ gìn tự do hàng hải trong khu vực. Từ trái sang: Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tony Blinken, người đồng...