Mỹ – Trung Quốc : Bớt ưu tiên mà thêm giá trị
Mỹ – Trung Quốc chuẩn bị bước vào vòng 13 đàm phán thương mại. Có thể kỳ vọng gì ở vòng đàm phán này? 3 diễn biến gần đây cho phép dự báo về kết quả của vòng 13. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Nhiều diễn biến gần đây tác động đến chiều hướng kết quả của vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 13 sắp diễn ra. (Nguồn: Reuters).
Không chỉ có kết cục của vòng đàm phán vừa rồi giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn cả diễn biến tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ đều báo hiệu là vòng đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc nếu không thất bại thì cũng chỉ đạt được kết quả nào đấy nặng về danh nghĩa và nhẹ về thực chất, không thể đủ để được coi là bước khai thông đột phá. Không phải vì đấy là vòng đàm phán thương mại thứ 13 cho dù con số này cũng bị coi là điềm bất lành nhiều hơn là ngược lại.
Kỳ vọng lớn
Thật ra, sau ngần ấy vòng đàm phán với nhiều lần làm găng với nhau, ăn miếng trả miếng lẫn nhau rồi lại tỏ ra thiện chí cho nhau, Mỹ và Trung Quốc hiện đứng trước sự cần thiết ngày càng thêm bức bách về việc nhanh chóng phải đạt được thoả thuận để nếu không xử lý được cuộc xung khắc thương mại thì cũng không làm cho nó quyết liệt thêm.
Cái phản tác dụng đã quá rõ ràng và cái lợi bất cập hại cũng đã rất đáng kể đối với cả hai bên. Hai bên đều biết rằng, họ không xung khắc trên phương diện này thì cũng sẽ mắc mớ nhau ở khía cạnh khác, nhưng tác động tiêu cực của cuộc xung khắc thương mại hiện tại đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại, tạo công ăn việc làm và đảm bảo ổn định chính trị xã hội nội bộ đã bắt đầu trở nên tai hại đối với họ đến mức họ phải cùng nhau tìm cách giảm bớt mức độ bất hoà.
Video đang HOT
Kỳ vọng lớn của họ vì thế được gửi gắm vào vòng đàm phán thương mại tới giữa hai bên. Nhưng bối cảnh tình hình lại trở nên không thuận lợi và vì thế, không thể giúp đảm bảo cho vòng đàm phán thương mại này thành công, ở phía Mỹ nhiều hơn là ở phía Trung Quốc cho dù vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa vừa qua, phía Trung Quốc có những biểu hiện công khai và thông điệp ngầm khiến Mỹ không thể không nhìn nhận là Mỹ bị thách thức thật sự trên nhiều phương diện.
Ở Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump bị phe Đảng Dân chủ sau thời gian khá dài ngần ngừ và lưỡng lự tiến hành điều tra và thu thập chứng cứ để quyết định có luận tội và tiến hành phế truất hay không. Khả năng ông Trump bị quốc hội phế truất hiện tại ở Mỹ chưa thực tế nhưng chiều hướng diễn biến tình hình trong chuyện này lại vẫn ẩn chứa không ít rủi ro và thậm chí còn cả nguy hiểm nữa đối với ông Trump, đặc biệt đối với cơ may được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới mà ông Trump đã hạ quyết tâm nhằm tới bằng mọi giá. Có thể thấy được diễn biến tình hình này tác động chẳng tích cực gì tới vòng đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc như sau.
Tác động của các diễn biến gần đây
Thứ nhất, ông Trump gặp thêm khó khăn mới trong nội bộ nên bị khó xử mới trong đối ngoại mà càng khó khăn trong đối nội thì người này càng cần thành quả mới về đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Cái khó đối với ông Trump tạo nên cái dễ cho Trung Quốc. Vì biết rằng, giải quyết được chuyện này với Mỹ thì rồi sẽ lại bị Mỹ gây chuyện khác nên Trung Quốc sẽ không giúp ông Trump thoát khó ở Mỹ mà sẽ tận dụng cơ hội buộc Mỹ phải nhượng bộ nhiều hơn. Ông Trump vốn luôn chỉ muốn kẻ khác nhượng bộ chứ bản thân không sẵn sàng nhượng bộ. Vòng đàm phán thương mại này vì thế ít có triển vọng thành công.
Thứ hai, đối với ông Trump thì hiện tại, việc xử lý cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không còn được dành cho ưu tiên cao như trước bởi người này phải tập trung vào việc phe Đảng Dân chủ thúc đẩy mạnh chuyện hướng tới phế truất tổng thống đương nhiệm. Thoả thuận thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc có thể có tác động rất quan trọng đối với cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Trump nhưng không đóng nổi vai trò đáng kể gì giúp ông đấu lại phe Đảng Dân chủ trong chuyện phế truất tổng thống đương nhiệm. Ông Trump chưa cần thoả thuận ấy vào thời điểm hiện tại.
Thứ ba, ông Trump đã đề nghị phía Trung Quốc tiến hành điều tra về cha con ông Joe Biden ở Trung Quốc. Cáo buộc của ông Trump không có cơ sở nên Trung Quốc dẫu có muốn giúp ông Trump thì cũng khó và Trung Quốc cũng đã chính thức từ chối đáp ứng đề nghị này của ông Trump. Cái ông Trump muốn có được là tạo chuyện liên quan đến Trung Quốc chứ không phải được Trung Quốc giúp vì thừa biết rằng, Trung Quốc sẽ không bao giờ giúp trong khi Thủ tướng Australia Scott Morrison hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì lại có thể.
Ai chẳng biết thủ pháp của ông Trump là chơi cuộc chơi với Fake News đến mức khiến cho bộ phận không hề nhỏ dân Mỹ tin và tưởng là thật. Cho nên Trung Quốc sẽ phải rất thận trọng với vòng đàm phán thương mại tới này với Mỹ. Cho nên ông Trump dùng vòng đàm phán thương mại này với Trung Quốc để níu kéo Trung Quốc vào cách thức của ông Trump xử lý chuyện nội bộ khó khăn và khó xử hiện tại ở Mỹ.
Vì thế, ở lần đàm phán thương mại này, hai bên sẽ không làm găng với nhau nhưng chỉ đạt được thoả thuận tối thiểu chứ không thể tối đa, chỉ đạt được kết quả nào đấy để tránh bị coi là thất bại và sẽ lại hẹn gặp lại nhau vào thời điểm nào đấy trong tương lai.
Dịch Dung
Theo baoquocte
Mỹ, Trung Quốc khởi động vòng đàm phán thương mại mới
Mỹ và Trung Quốc hôm 7/10 khởi động vòng đàm phán thương mại cấp phó trưởng đoàn tại Washington, 3 ngày trước khi vòng đàm phán cấp cao bắt đầu.
Theo Reuters, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liêu Mân dẫn đầu phái đoàn gồm 30 quan chức Trung Quốc có các cuộc trao đổi với Đại diện thương mại Mỹ trong 2 ngày, từ 7/10. Tới ngày 10/10, các cuộc đàm phán cấp cao giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ diễn ra.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết, nội dung đàm phán sẽ bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp và các biện pháp thực thi.
Mỹ-Trung khởi động vòng đàm phán mới. (Ảnh: Reuters)
Vòng đàm phán mới diễn ra một tuần trước khi Mỹ tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% nếu không có bất cứ tiến triển nào trong các vòng đàm phán.
Liên quan tới các cuộc thương thảo mới, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ sẵn sàng xem xét các đề xuất mà Bắc Kinh đưa ra
"Có thể có một số tiến bộ bổ sung sẽ được thực hiện với Trung Quốc vào cuối tuần này", ông Kudlow nói.
Tuy nhiên, thị trường không mấy tin vào khẳng định lạc quan này.
"Các nhà đầu tư có phần mệt mỏi với cùng một bài hát và điệu nhảy mà chính quyền đưa ra. Họ sẽ không vung tiền cho đến khi một cái gì đó thành hiện thực từ cuộc họp", chiến lược gia cao cấp của Clarfeld Financial Advisors cho hay.
Các nhà đầu tư cũng đang tỏ ra rụt rè trước các diễn biến mới của cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump và đe dọa phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mới đây của nhà lãnh đạo Mỹ.
(Nguồn: Reuters)
SONG HY
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ sang Mỹ đàm phán Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc tới Washington (Mỹ) tham dự vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa hai nước. Chiều nay (29/9), Trung Quốc chính thức xác nhận việc Trưởng đoàn đàm phán thương mại cấp cao của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ sang Mỹ đàm phán sau dịp Quốc khánh nước...