Mỹ – Trung Quốc bên “miệng hố” chiến tranh thương mại
Mỹ và Trung Quốc đang bên miệng hố của một cuộc chiến tranh thương mại sau khi Washington đe dọa tung đòn đánh thương mại cứng rắn chưa từng thấy, còn Bắc Kinh cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng.
Các cuộc thương lượng bất thành đang đẩy Mỹ- Trung Quốc đến bờ vực của cuộc chiến tranh thương mại
Tổng thống Mỹ nói về “cuộc chiến thương mại toàn diện”
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-6 đã phát đi thông điệp được xem là cứng rắn nhất trong quan hệ thương mại với Trung Quốc kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng, khi đe dọa sẽ thực hiện một cuộc “chiến tranh thương mại toàn diện” đối với Bắc Kinh. Ông Donald Trum tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế khổng lồ lên hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ nếu Bắc Kinh không đảo ngược các hành động thương mại của mình.
Tổng thống Donald Trump cho biết đã chỉ đạo văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ lập danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD để áp mức thuế 10%. Đây được xem là kế hoạch mạnh tay hơn rất nhiều so với các đòn trừng phạt thương mại chống Trung Quốc kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền vào tháng 1-2016 và đòn trừng phạt này lập tức có hiệu lực nếu Trung Quốc không “lùi bước”, rút lại các mức thuế đánh vào hàng hóa Mỹ trước đó.
Điều đáng nói là tuyên bố áp mức thuế lên lượng hàng hóa trị giá tới 200 tỷ USD của Tổng thống Donald Trump được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi ông chính thức thông báo mức thuế 25% nhắm vào khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 6-7 tới. Quyết định áp thuế ngày 15-6 vừa qua là kết quả từ cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ về hành động trộm cắp tài sản trí tuệ từ Mỹ của các công ty Trung Quốc.
Video đang HOT
Trung Quốc phản ứng mạnh
Trung Quốc ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ với tuyên bố áp đặt mức thuế của Mỹ. Trong tuyên bố đưa ra ngày 19-6, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích những biện pháp áp thuế của Mỹ là “gây sức ép cực đoan và tống tiền”, đồng thời nhấn mạnh sẽ phải áp dụng các biện pháp toàn diện tương đương số lượng và chất lượng để đối phó mạnh mẽ với Mỹ.
Cơn bão mới nổi lên giữa hai bờ Thái Bình Dương đang có nguy cơ cuốn phăng hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc chiến thương mại khốc liệt, cuộc chiến vốn luôn chực chờ bùng phát kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Còn nhớ, ngay từ khi tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay nhất để giảm cán cân thâm hụt thương mại vốn ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Số liệu thống kê năm 2017 cho thấy Mỹ bị thâm hụt thương mại lên tới 375,2 tỷ USD với Trung Quốc. Sang năm 2018 này, cán cân này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ nét khi thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 4 vừa qua vẫn là 28,78 tỷ USD, tăng gần 7 tỷ USD so với tháng 3 trước đó; và nếu tính tổng cộng trong 4 tháng đầu năm nay, con số này là 80,4 tỷ USD.
Thế nên, mục tiêu cắt giảm thâm hụt với Trung Quốc ít nhất 200 tỷ USD trước cuối năm 2020 là một chương trình nghị sự ưu tiên của Tổng thống Donald Trump. Sau các cuộc điều tra về thép, nhôm, bản quyền sở hữu trí tuệ… tiến hành trong suốt năm 2017, từ đầu năm 2018, Mỹ liên tiếp áp đặt các mức thuế cao tới 20%-30% với các mặt hàng máy giặt, pin mặt trời rồi thép, nhôm của Trung Quốc. Mới đây nhất là 1.300 mặt hàng với tổng giá trị 50 tỷ USD. Đáp lại mỗi đòn tấn công thương mại từ phía Mỹ, Trung Quốc đều đáp trả bằng những biện pháp tương tự.
Nguy cơ ngày càng lớn về một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến cả thế giới lo lắng dõi theo. Rất nhiều quốc gia đã phải lên “kịch bản” cho nền thương mại và kinh tế nước mình trong trường hợp một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế số một và số hai của thế giới này nổ ra.
Theo Hoàng Tuấn
An ninh thủ đô
Trung Quốc dọa đáp trả cuộc chiến thương mại của ông Trump
Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả nếu Mỹ gây tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)
"Trung Quốc không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không ngồi yên và nhìn những lợi ích của Trung Quốc bị tổn hại", Reuters dẫn lời người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui phát biểu hôm 4/3 trong cuộc họp báo trước kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo kế hoạch áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ nước ngoài và 10% đối với mặt hàng nhôm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Các cuộc chiến tranh thương mại là điều tốt và Mỹ sẽ dễ dàng giành chiến thắng".
Sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày càng có xu hướng tăng lên kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức vào đầu năm 2017. Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản lượng thép nhập khẩu của Mỹ, song quy mô sản xuất ồ ạt của ngành công nghiệp thép Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng quá tải thép trên toàn cầu khiến giá thép giảm xuống.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Yesui, cách tốt nhất để giải quyết xung đột thương mại là các cuộc đàm phán và mở cửa thị trường cho nhau.
"Nếu các chính sách được đưa ra trên nền tảng phán đoán hoặc nhận định sai lầm, điều đó sẽ gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương và dẫn tới những hậu quả mà không quốc gia nào muốn được thấy", ông Zhang cho biết thêm.
Tổng thống Trump tin rằng việc đánh thuế vào thép và nhôm sẽ giúp bảo đảm công ăn việc làm cho người Mỹ. Trong khi đó, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ cũng như cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng ủng hộ chính quyền Tổng thống Trump có biện pháp đối phó với chính sách công nghiệp bất bình đẳng của Trung Quốc.
Ông Trump từ lâu đã tìm cách để thiết lập một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Bắc Kinh trong khuôn khổ cuộc điều tra do Washington tiến hành về các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Chính quyền Trump cho rằng Mỹ đã sai lầm khi ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 trong khi Bắc Kinh chưa hoàn toàn mở cửa nền kinh tế.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ - Trung: Sau tán dương là cứng rắn Ba yếu tố con người, chính sách và chính trị có thể thúc đẩy Mỹ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc Chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Bắc Kinh là màn thể hiện sự ca tụng lẫn nhau. Trung Quốc trải thảm đỏ và dành cho nhà lãnh đạo Mỹ sự tiếp đón trọng thị...