Mỹ trừng phạt Triều Tiên vì vụ tấn công mạng hãng phim
Washington hôm qua áp đặt thêm các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng với cáo buộc Triều Tiên đã hỗ trợ tin tặc tấn công mạng vào một hãng phim Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt mới với Triều Tiên, từ chối một số cá nhân tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Ông còn cho phép Bộ Tài chính tham vấn cùng Ngoại trưởng để trừng phạt các quan chức trong chính quyền và đảng Lao động Triều Tiên cũng như những người đại diện hoặc hỗ trợ họ.
“Điều này sẽ cho phép chúng tôi chọn thời gian và địa điểm để áp đặt trừng phạt lên bất kỳ quan chức nào ở Triều Tiên”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama nói.
Ba cơ quan bị trừng phạt gồm Tổng cục Trinh sát Triều Tiên (RGB), Tập đoàn Phát triển Thương mại Khoáng sản Triều Tiên và Tập đoàn Thương mại Tangun, được Mỹ cho là cơ quan chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và phát triển quốc phòng Triều Tiên.
Video đang HOT
Nhà Trắng hôm qua thông báo RGB có khả năng tiến hành chiến tranh mạng nhưng không trực tiếp liên kết cơ quan này tới vụ tấn công mạng hãng phim Sony Pictures. Hai tập đoàn còn lại đã bị trừng phạt trước đó.
Mỹ còn trừng phạt 10 người Triều Tiên thuộc hai tập đoàn trên vì liên quan đến buôn bán và phổ biến vũ khí. Tuy nhiên, những người này không nằm trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, được cho là hiệu quả trong việc gây áp lực lên Iran và Nga, không có tác dụng nhiều với Triều Tiên. “Nó sẽ không hiệu quả bởi người Triều Tiên không đi du lịch Mỹ hay châu Âu nhiều. Họ cũng không có hàng tỷ USD trong các ngân hàng phương Tây”, Joel Wit, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Mỹ – Hàn, Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew nói Washington có một “cam kết bắt Triều Tiên chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại và gây bất ổn”. Triều Tiên được cho là đứng sau vụ tấn công mạng Sony Pictures khi hãng phim này chuẩn bị công chiếu bộ phim hài giả tưởng có nội dung ám sát Kim Jong-un. Bình Nhưỡng phủ nhận mọi cáo buộc về vụ tấn công mạng. Mỹ cũng không đưa ra được bằng chứng cho thấy Triều Tiên liên quan trực tiếp trong vụ việc.
Dù Cục Điều tra Liên bang FBI còn đang điều tra, “những bước đi này nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ sử dụng nhiều công cụ để bảo vệ doanh nghiệp và công dân Mỹ, đồng thời đáp trả những nỗ lực làm xói mòn các giá trị hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”, ông Lew nói.
Như Tâm
Theo VNE
Obama dọa đáp trả Triều Tiên sau vụ tấn công mạng hãng phim
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cảnh báo Triều Tiên sẽ đối mặt với sự đáp trả vì cho rằng nước này tấn công mạng hãng xuất bộ phim giả tưởng về một vụ ám sát nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tống thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ đáp trả. Chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng và chúng tôi sẽ đáp trả với thời gian, địa điểm cùng cách thức do chúng tôi chọn", AFP dẫn lời Tổng thống Obama nói. "Chúng ta không thể có một xã hội mà một số kẻ độc tài ở đâu đó lại áp đặt kiểm duyệt tại Mỹ".
Trước đó, một nhóm tin tặc tấn công Sony Pictures, hãng sản xuất bộ phim hài "The Interview" có nội dung ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhóm này đe dọa về an ninh nếu hãng công chiếu bộ phim khi yêu cầu người Mỹ không được đến các rạp chiếu phim này và nhắc nhở họ về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Sony Pictures cuối cùng quyết định hủy buổi công chiếu ngày 25/12.
Tổng thống Obama cho biết hãng phim đã "sai lầm" khi hủy công chiếu. Trong khi đó, Sony Pictures bảo vệ quyết định của mình bởi lời đe dọa của nhóm tin tặc khiến hệ thống các rạp từ chối chiếu bộ phim.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo "đã có đủ thông tin để kết luận rằng chính phủ Triều Tiên chịu trách nhiệm cho những hành động này". "Những hành động đe dọa như vậy đã vượt quá giới hạn có thể chấp nhận được về hành vi của một quốc gia", FBI cho hay.
Những kẻ tấn công đã sử dụng phần mềm độc hại để xâm nhập vào Sony Pictures, khiến hàng nghìn máy tính của hãng không thể hoạt động. Kết quả phân tích phần mềm trên cho thấy nó có mối liên hệ với những phần mềm độc hại khác do "các tác giả người Triều Tiên" phát triển.
"Không có bằng chứng" cho thấy Triều Tiên phối hợp hành động với nước khác, ông Obama nói, sau khi có báo cáo cho rằng Bắc Kinh có thể đã hỗ trợ Bình Nhưỡng.
Kim Song, cố vấn chính trị Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, hôm qua phủ nhận cáo buộc rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng. "Đất nước chúng tôi không có liên hệ với tin tặc", Kim Song nói. "Không có mối liên hệ nào cả. Điều này không đáng bình luận".
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn ca ngợi vụ tấn công mạng là "hành động chân chính". Ủy ban Quốc phòng Quốc gia Triều Tiên lên án Sony Pictures vì "tiếp tay cho một hành động khủng bố, làm tổn thương phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao", hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA cho hay.
Như Tâm
Theo VNE
Hé lộ phim lấy cảm hứng từ MH370 tại LHP Cannes Hãng Rupesh Paul Productions (Ấn Độ) vừa giới thiệu một đoạn trích ngắn của The Vanishing Act - bộ phim được cho là dựa trên thảm kịch hàng không MH370 của Malaysia. Tính đến nay, sau hơn hai tháng mất tích, số phận chiếc máy bay số hiệu MH370 mang theo 239 hành khách vẫn còn là một bí ẩn thách thức dư...