Mỹ-Trung leo thang căng thẳng, chiến tranh lạnh 2.0 bùng nổ?
Giới quan sát ghi nhận nhiều dấu hiệu cho thấy một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc thực sự đã bắt đầu, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng nguy cơ như trước đây.
Khi Trung Quốc diễn tập đổ bộ tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tháng này, hải quân Mỹ lập tức điều hai nhóm tàu sân bay tấn công đến khu vực để tập trận, nhằm “ủng hộ một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Hiện vẫn chưa rõ các tàu chiến Mỹ và Trung Quốc đã tiến gần nhau đến mức nào. Song, đó là một trong những minh họa đáng chú ý nhất gần đây về cách mối quan hệ song phương đang chuyển biến thành Chiến tranh Lạnh 2.0 như một số chuyên gia c ảnh báo trước đây.
Diễn biến tiêu cực
Một bước ngoặt khác xảy đến hôm 14/7. Đầu tiên, Chính phủ Anh đảo ngược một quyết định trước đây và tuyên bố rằng, các thiết bị do gã khổng lồ công nghệ Trung Quố c Huawei sản xuất sẽ bị cấm sử dụng trong các mạng 5G của xứ sở sương mù. Đây là một đòn giáng mạnh vào một trong những công ty hàng đầu đại lục.
Theo giới quan sát, quyết định “cấm cửa” Huawei của Anh một phần bắt nguồn từ các lệnh cấm vận công bố hồi tháng 6 của Washington nhằm vào công ty này, dẫn tới việc giới hạn khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ. Với hành động mạnh tay của Mỹ, các chuyên gia dự báo Huawei có thể không còn khả năng tiếp tục là nhà cung cấp giải pháp, trang thiết bị 5G trọng yếu trên thế giới.
Paul Scharre, chuyên gia về quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ cho biết thêm, quyết định của Anh được đưa ra sau khi Bắc Kinh thông báo xé bỏ các thỏa thuận với London liên quan đến tranh cãi về Hong Kong; vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực tranh chấp biên giới khiến hàng chục lính Ấn Độ thiệt mạng và sau khi Bắc Kinh tìm cách thúc ép các nước khác sử dụng sản phẩm Huawei.
Cũng trong ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua luật và phê chuẩn một sắc lệnh trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia mới có hiệu lực tại đặc khu.
Tiếp đó, hải quân Mỹ thông báo đã tiến hành một trong các hoạt động “tự do hàng hải” định kỳ gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam: Cử một tàu khu trục tên lửa dẫn đường vào vùng biển Trung Quốc ngang ngược tuyên bố có chủ quyền. Đây là sứ mệnh đầu tiên như vậy kể từ khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố, các yêu sách của Bắc Kinh với hầu khắp Biển Đông “hoàn toàn bất hợp pháp”, cáo buộc Trung Quốc đang thực thi “chiến dịch bắt nạt”.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố lệnh trừng phạt một số quan chức và nghị sĩ Mỹ nhằm trả đũa động thái tương tự trước đó của Washington.
Video đang HOT
Tuần trước, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray đưa ra một cảnh báo mạnh mẽ, gọi gián điệp Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất đối với thông tin, quyền sở hữu trí tuệ cũng như sức sống kinh tế của Mỹ”.
Tất cả diễn ra sau một cuộc khẩu chiến kéo dài hàng nhiều tháng về virus corona chủng mới, trong đó Mỹ và Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho nhau về nguồn gốc Covid-19 cũng như cách ứng phó với dịch bệnh.
Leo thang đối đầu
Theo NBC, suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ nhìn chung cho rằng, nếu phương Tây giao thương và gắn kết với Trung Quốc, đại lục sẽ dần dần cải cách và hạn chế các hành vi bị tố đi ngược lại luật pháp quốc tế, từ các yêu sách hàng hải thái quá đến bảo hộ thương mại và vấn nạn ăn cắp tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, quan điểm đó đã thay đổi khi Trung Quốc những năm gần đây thực thi các chính sách ngày càng quyết đoán hơn.
Hiện nay, trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, cả Tổng thống Trump và đối thủ Dân chủ – cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nỗ lực quảng bá xem ai cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Trong Quốc hội Mỹ, Bắc Kinh hiện cũng không có mấy đồng minh, dù đó là các chính khách Dân chủ hay Cộng hòa.
Dmitri Alperovitch, Chủ tịch Viện nghiên cứu Thúc đẩy chính sách Silverado, một trong những chuyên gia an ninh mạng đầu tiên công khai tố cáo các chiến dịch tấn công của tin tặc Trung Quốc, lưu ý trong chính trường chia rẽ đảng phái sâu sắc như ở Mỹ, các đảng đối lập vẫn thống nhất quan điểm rằng “Trung Quốc không phải là bạn”.
Cách đánh giá như trên có thể tồn tại ở cả hai phía. Trong phát biểu trước một viện chính sách ở Bắc Kinh hồi tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, quan hệ Bắc Kinh – Washington đang “đối mặt thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao”. Theo ông, chính sách Trung Quốc của Mỹ “dựa trên tính toán chiến lược sai lầm, thiếu hiểu biết và đầy rẫy những cảm xúc, ý thích bất chợt cũng như sự cố chấp”.
James Lewis, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên đến Trung Quốc với tư cách chuyên gia an ninh mạng và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận thấy tình hình ngày càng tồi tệ. Ông Lewis và các chuyên gia khác tin rằng, xung đột giữa hai cường quốc hiện nay không giống với Chiến tranh Lạnh giữa phương Tây do Mỹ dẫn đầu và phương Đông do Liên Xô lãnh đạo, với các hệ thống kinh tế – chính trị cạnh tranh độc lập và tách biệt.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc giao kết sâu rộng với nền kinh tế Mỹ và Tây Âu thông qua thương mại và đầu tư. Các khách du lịch Trung Quốc tỏa đi khắp thế giới và hàng trăm ngàn sinh viên đại lục đang du học tại các trường đại học ở Mỹ và châu Âu mỗi năm.
Tuy nhiên, sau hai thập kỷ cố gắng nhẹ nhàng thuyết phục Trung Quốc tuân theo các quy tắc mà những quốc gia phát triển đặt ra sau Thế chiến hai, các nhà hoạch định chính sách Mỹ rốt cuộc kết luận rằng, cách này không hiệu quả.
Phiên bản Chiến tranh Lạnh mới
Giới phân tích nhận định, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục các biện pháp nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì những gì phương Tây coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngược lại, Trung Quốc sẽ không ngừng chế tạo tên lửa và các hệ thống khác để đối phó với sức mạnh Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mỹ tất nhiên sẽ theo đuổi công nghệ chống lại những vũ khí này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng được tin có thể chọc giận Mỹ bằng cách không thực thi cấm vận Triều Tiên.
Trước thực trạng thiếu hụt thiết bị y tế do dịch Covid-19 gây ra, các nhà lập pháp Mỹ đã suy xét lại về sự phụ thuộc quá lớn của Mỹ vào hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, bao gồm cả các thành phần dược phẩm. Các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng đang nhất trí thúc đẩy đầu tư của Chính phủ Mỹ vào những lĩnh vực cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Hồi tháng 6, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ đã bắt tay cùng Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một trong những chính trị gia bảo thủ nhất của phe Cộng hòa, soạn thảo một dự luật ủng hộ việc sản xuất chất bán dẫn ở Mỹ. Điều này cho thấy, mục tiêu cạnh tranh với đại lục đã giúp hai nghị sĩ “hiếm khi có điểm chung” hợp tác với nhau.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại, khi Chiến tranh Lạnh kiểu mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu, nếu một bên tính lầm, tất cả có thể biến thành một “cuộc chiến nóng”. Lúc đó, không chỉ hai cường quốc bị tổn hại, mà phần còn lại của thế giới cũng có thể phải hứng chịu các hệ lụy khôn lường.
Hong Kong là "chiến trường" của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung?
Bằng cách áp dụng luật an ninh quốc gia riêng cho Hong Kong, giới lãnh đạo Trung Quốc đã xác định rõ, việc dẹp bỏ bất đồng chính kiến trong lãnh thổ quan trọng hơn duy trì vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Hong Kong được xem là "chiến trường" của chiến tranh lạnh Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Flickr
Tuy nhiên, tờ Financial Times (FT), hôm 28/5 nhận định, mục tiêu đó của Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng sau khi chính quyền Tổng thống Trump hôm 27/5 tuyên bố không còn coi Hong Kong là khu vực tự trị so với Trung Quốc đại lục.
Điều này mở đường cho nhiều biện pháp trừng phạt có thể nhắm tới các cá nhân, doanh nghiệp và loại bỏ một loạt đặc quyền thương mại cũng như đầu tư đặc biệt ở Hong Kong.
Nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn hy vọng có thể giữ bình tĩnh và tiếp tục hưởng lợi từ vị trí đặc biệt của Hong Kong. Nhưng họ đã nhầm.
Hong Kong hiện tại là "chiến trường chính" trong cuộc chiến tranh lạnh leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc chấp nhận điều này, thể hiện ở quyết định của Bắc Kinh khi bỏ qua những tổn hại về vị thế toàn cầu và coi nhẹ nghĩa vụ của tuyên bố chung Trung Quốc - Anh về Hong Kong.
Với Trung Quốc, luật an ninh mới với Hong Kong mang đến những rủi ro tài chính và kinh tế đáng kể. Hong Kong là huyết mạch tài chính của Trung Quốc, hoạt động như một nguồn vốn nước ngoài quan trọng nhất kể từ khi Trung Quốc được thành lập.
Ngày nay, chức năng tài chính của Hong Kong với Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì các công ty Trung Quốc đang trên bờ vực bị trục xuất khỏi thị trường Mỹ.
Vì vậy, việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng luật an ninh quốc gia ở Hong Kong sẽ "đốt cháy cây cầu" với thế giới và gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc, đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất từ những năm 90, theo The Diplomat.
Với phương Tây, luật an ninh mới như một hồi chuông báo tử cho sự hiện diện của họ ở Hong Kong. Các doanh nghiệp phương Tây sẽ mất đi trung tâm kinh tế định hướng phương Tây duy nhất trong lãnh thổ Trung Quốc và lợi ích kinh doanh của họ không còn được bảo vệ tốt bởi pháp luật cơ bản kiểu Anh.
Lợi ích doanh nghiệp Mỹ tại Hong Kong - bao gồm 1.300 doanh nghiệp và 82,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp - bị đặt trong rủi ro lớn bởi sự can thiệp của Trung Quốc. Ngoài kinh tế, sự hiện diện của phương Tây tại Hong Kong dưới hình thức các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs), các ngành truyền thông và hoạt động tình báo cũng có nguy cơ bị Trung Quốc xóa bỏ. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, có thể mãi mãi mất chỗ đứng trước cánh cửa Trung Quốc.
Luật an ninh Hong Kong, có thể có hiệu lực chỉ sau vài tháng, nhằm mục đích "ngăn chặn và trừng phạt bất kỳ hành vi nào" có mục đích ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc can thiệp của nước ngoài vào Hong Kong.
Thực tế, Hong Kong sẽ thông qua một đạo luật vào tuần tới nhằm hình sự hóa hành vi thiếu tôn trọng đối với quốc ca Trung Quốc. Người vi phạm có thể bị ngồi tù tới 3 năm.
Các quan chức Hong Kong và nhiều doanh nghiệp từ lâu đã tuyên bố lợi thế độc nhất của Hong Kong nằm ở hệ thống luật pháp và tư pháp độc lập - khác biệt với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, luật an ninh mới cho Hong Kong dường như là để xóa bỏ lợi thế độc nhất đó.
Theo FT, nhiều người nhận thấy Luật Cơ bản Hong Kong - được thông qua tháng 4/1990 và xem như Hiến pháp của Hong Kong, gồm 9 chương 160 điều và 3 phụ lục, quy định chế độ mà Hong Kong áp dụng, bảo đảm chính sách và phương châm cơ bản về Hong Kong được thực thi - và sự phân chia quyền lực tồn tại ở Hong Kong có thể cản trở mong muốn quản lý của Bắc Kinh.
"Cho phép luật cơ bản tiếp tục tồn tại ở Hong Kong cũng giống như yêu cầu các nhà sư nước ngoài đọc kinh thánh địa phương", một quan chức Trung Quốc ví von.
Ai giữ mã phóng hạt nhân khi thủ tướng Anh nhập viện? Chính phủ Anh từ chối cho biết ai nắm giữ mã phóng hạt nhân khi Thủ tướng Boris Johnson phải vào điều trị ở khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) do biến chứng của Covid-19. Khi phóng viên BBC đặt câu hỏi liệu Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab có được trao mã phóng hạt nhân khi Thủ tướng Boris Johnson vào nhập...