Mỹ – Trung khẩu chiến tại APEC
Ngày đầu tiên của Hội nghị Cấp cao APEC 2018 tại Papua New Guinea chứng kiến tranh cãi giữa lãnh đạo một số nền kinh tế về các vấn đề thương mại, đầu tư và an ninh khu vực.
Là người phát biểu đầu tiên tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC hôm 17-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bỏ qua cơ hội chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ và khẳng định không ai chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại hoặc chiến tranh lạnh mới.
“Chúng ta phải nói không với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương” – ông Tập nhấn mạnh, ám chỉ chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhân dịp này, ông Tập cũng bảo vệ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khi khẳng định nó “không phục vụ bất kỳ chương trình nghị sự địa chính trị bí mật nào, không nhằm vào ai, loại trừ bất kỳ ai hoặc không phải là cái bẫy như một số người gán cho nó”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC. Ảnh: Reuters
Phát biểu không lâu sau ông Tập, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại cho đến khi Bắc Kinh chịu thay đổi hướng đi. “Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong nhiều năm qua và những ngày đó đã chấm dứt. Chúng tôi đã đánh thuế lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng hơn gấp đôi con số đó” – ông Pence cảnh báo.
Phó Tổng thống Mỹ một mặt nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang mạnh hơn bao giờ hết, mặt khác không quên công kích nhiều dự án liên quan đến BRI có chất lượng thấp và khiến các quốc gia đang phát triển không thể trả được các khoản vay từ Trung Quốc. “Đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể gây tổn hại đến chủ quyền” – Pence kêu gọi.
Theo trang Bloomberg, ông Pence nói với các đại biểu rằng Mỹ đang cung cấp cho các nước trong khu vực một “lựa chọn tốt hơn” về quan hệ kinh tế và ngoại giao so với hướng tiếp cận “áp đặt” của Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, nhà lãnh đạo này cho biết sẽ bắt tay với Papua New Guinea và Úc trong việc tái phát triển căn cứ hải quân trên đảo Manus của nước chủ nhà APEC năm nay.
Video đang HOT
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC. Ảnh: Reuters
Trong lúc một số đồng minh, như Úc, hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, họ cũng lo ngại về lập trường thương mại của chính quyền ông Trump.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã sử dụng bài phát biểu tại hội nghị APEC nói trên để chỉ trích mạnh mẽ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và mời gọi các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo ông, chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai và cần được giải quyết thông qua đàm phán hơn là thuế quan ăn miếng trả miếng.
Trong dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt giữa các nền kinh tế thành viên APEC về vấn đề thương mại, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi sân chơi công bằng hơn về thương mại giữa các nước giàu và đang phát triển. Theo nhà lãnh đạo này, các nước cần đánh giá lại về toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế vì xu hướng này đang khiến một số người bị bỏ lại phía sau và làm gia tăng sự bất bình đẳng.
“Lợi ích của thương mại tự do, công bằng và sự hội nhập kinh tế đã bị gián đoạn, thể hiện qua sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu và chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn” – ông Mahathir nhận định.
Phương Võ
Theo nld.com.vn
Mỹ-Trung đối đầu "chan chát" tại hội nghị cấp cao APEC
Hội nghị cấp cao lần thứ 26 của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại quốc đảo Papua New Guinea chứng kiến màn đối đầu "chan chát" giữa các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc về thương mại, đầu tư và an ninh, theo hãng tin Reuters.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại hội nghị Giám đốc điều hành APEC (CEO APEC 2018) ở Port Moresby (Papua New Guinea) hôm 17-11. Ảnh: AP
Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc
Phát biểu tại hội nghị giám đốc điều hành APEC (CEO APEC 2018) trong khuôn khổ hội nghị cấp cao APEC hôm 17-11 ở thủ đô Port Moresby (Papua New Guinea), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nói rằng Mỹ sẽ không rút lại các đòn thuế phạt nhằm vào hàng hóa Trung Quốc cho đến khi nước này thay đổi các thực hành thương mại. Ông cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ, trợ cấp lớn chưa có tiền lệ cho các doanh nghiệp nhà nước và dựng lên các rào cản đối với các công ty nước ngoài muốn tiến vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
"Chúng tôi hành động kiên quyết để khắc phục tình trạng mất cân đối thương mại với Trung Quốc. Chúng tôi đã áp thuế lên 250 tỉ đô la giá trị hàng hóa của nước này và chúng tôi có thể áp thuế lên gấp đôi con số đó", ông nói.
Lời cảnh báo của ông Pence đối lập với phát biểu của Tổng thống Donald Trump hôm 16-11 rằng ông có thể không áp thuế thêm vào hàng hóa Trung Quốc sau khi nước này gửi một danh sách các đề xuất nhượng bộ thương mại và bày tỏ sẵn sàng giải quyết các bất đồng với Mỹ.
"Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong nhiều năm nhưng thời kỳ này sẽ chấm dứt", Phó Tổng thống Mỹ nói.
Bài phát biểu của ông Pence cũng công kích gay gắt sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc đang nỗ lực quảng bá với lãnh đạo của các quốc đảo Thái Bình Dương tại APEC. Ông cho rằng nhiều dự án trong sáng kiến này có chất lượng thấp và khiến các nước đang phát triển phải gánh những khoản nợ lớn, không đủ sức trả.
Ông nói: "Mỹ cung cấp sự lựa chọn tốt hơn. Chúng tôi không 'nhấn chìm' các đối tác vào 'biển nợ', chúng tôi không cưỡng ép, không gây tổn hại đến nền độc lập của các bạn. Chúng tôi không mời chào một vành đai hạn chế hay con đường một chiều. Khi các bạn hợp tác với chúng tôi, chúng tôi hợp tác lại với các bạn, chúng ta sẽ cùng nhau thịnh vượng".
Dù không trực tiếp đề cập đến các tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Pence nói rằng Mỹ sẽ làm việc để bảo vệ quyền hàng hải.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục bay và đưa tàu đến nơi mà luật quốc tế cho phép và khi lợi ích quốc gia của chúng tôi cần. Hành động quấy rối chỉ củng cố thêm quyết tâm của chúng tôi", ông nói
Trung Quốc lên án chủ nghĩa bảo hộ
Phát biểu của ông Pence được đưa ra sau khi cũng tại hội nghị CEO APEC 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ông nhấn mạnh sẽ không có nước nào thắng trong chiến tranh thương mại và kêu gọi các nước tuân thủ các trật tự thương mại dựa trên quy tắc do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dẫn dắt. Ông cho rằng các biện pháp áp thuế và cắt giảm các mối quan hệ kinh tế là "cách tiếp cận thiển cận" và sẽ thất bại.
"Các bất đồng phải được giải quyết thông qua tham vấn. Các nỗ lực để thành lập các nhóm riêng hay áp đặt ý chí của một nước lên các nước khác phải bị gạt bỏ. Lịch sử đã chứng minh rằng đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không tạo ra người chiến thắng", ông nói.
Ông Tập khẳng định Trung Quốc không có tính toán địa chính trị đằng sau sáng kiến "Một vành đai, một con đường". Sáng kiến này nhằm củng cố mạng lưới các tuyến đường biển, đường bộ giữa Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi.
"Sáng kiến này không loại trừ bất kỳ nước nào. Nó không phải là một câu lạc bộ riêng biệt, không dành cho các nước không phải là thành viên, nó cũng không phải là cái bẫy như một số người gán cho nó", ông nói.
Ngày 18-11, hội nghị hẹp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trước khi một tuyên bố chung được đưa ra.
Một nhà ngoại giao tham gia đàm phán để soạn thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo APEC cho biết thương mại đang là vấn đề gây tranh cãi và nước chủ nhà Papua New Guinea đang gặp khó khăn trong việc xác định được ngôn từ của tuyên bố chung để được tất các các bên chấp nhận.
Các nước thành viên APEC cũng có những quan điểm xung đột về thương mại. Một số nước kêu gọi cải tổ các hệ thống thương mại hiện hành, trong khi đó, một nước khác cho rằng phải quay lại tính nguyên trạng của toàn cầu hóa. Tại Hội nghị CEO APEC 2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo toàn cầu hóa khiến một số nước bị tụt lại phía sau và làm gia tăng bất bình đẳng giữa nền kinh tế.
Ông nói: "Các lợi ích của thương mại tự do và công bằng cũng như hội nhập kinh tế đã bị đứt gãy, được thể hiện qua Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) và các cuộc chiến tranh thương mại".
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison lại lên tiếng bảo vệ thương mại tự do khi nói rằng một tỉ người đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực kể từ năm 1991 nhờ việc làm và hàng hóa giá rẻ hơn mà thương mại tự do mang lại.
Theo thesaigontimes
Mỹ sẽ cùng Úc xây dựng căn cứ hải quân ở Papua New Guinea Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa tuyên bố nước này sẽ cùng với Úc xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Papua New Guinea, dự án được xem là nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Úc Scott Morrison tại Papua New Guinea ngày 17.11 REUTERS...