Mỹ-Trung hài lòng với cục diện hiện tại, chưa muốn tiến tới thỏa thuận?
Diễn biến vòng đàm phán ở Thượng Hải cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang hài lòng với tình hình hiện tại và không bên nào gấp rút tiến tới một thỏa thuận.
Chiều 31/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Robert Lightzhier gấp rút rời Trung Quốc sau cuộc đàm phán kéo dài chưa đầy nửa ngày với Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng phái đoàn Trung Quốc.
Cuộc thảo luận giữa quan chức 2 bên thậm chí còn kết thúc trước 40 phút so với dự kiến, đánh dấu vòng đàm phán thứ 12 trong nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận giải quyết cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm.
Trong một tuyên bố đưa ra tối muộn 31/7, Nhà Trắng cho biết phái đoàn 2 bên sẽ tiếp tục hội ngộ tại Washington vào tháng 9 tới cho vòng đàm phán tiếp theo. Cũng trong tuyên bố, Tòa Bạch Ốc khẳng định, tại Thượng Hải, 2 bên có cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề buộc chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan và nông sản.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. (Ảnh: Reuters)
“Trung Quốc khẳng định lại cam kết tăng mua nông sản của Mỹ”, tuyên bố nêu rõ.
Tại Trung Quốc, Tân Hoa Xã xác nhận thông tin này, cho biết 2 bên thảo luận về việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ dựa trên nhu cầu thực tế và các điều kiện mà Washington đưa ra.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc không đưa tin đậm về vòng đàm phán mới, chỉ kêu gọi 2 nước nên hợp tác thay vì đối đầu và nhấn mạnh rằng đàm phán tương mại là một quá trình khó khăn, kéo dài, phải dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Các thông tin mơ hồ này không khiến giới quan sát bất ngờ. Trước khi vòng đàm phán tại Thượng Hải diễn ra, các chuyên gia cho rằng kể cả khi Trung Quốc cho thay đổi địa điểm đàm phán để mang lại làn gió mới cho các cuộc thương thảo, khác biệt sâu sắc giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới trên hàng loạt vấn đề sẽ khiến 2 bên không đạt được nhiều tiến triển trong 2 ngày thương thảo cuối tháng 7.
Cách phái đoàn Mỹ vội vã ra sân bay rời đi ngay sau khi kết thúc đàm phán củng cố dự đoán này. Các nhà phân tích tin rằng vẫn chưa có bất cứ đột phá nào trong hành trình tìm kiếm một thỏa thuận, thậm chí khác biệt trong quan điểm giữa họ về một số vấn đề còn lớn hơn so với thời điểm đàm phán đổ bể hồi tháng 5.
“Dù đã kỳ vọng thấp nhưng tôi vẫn thấy thất vọng”, chuyên gia cấp cao David Dollar tới từ Viện Brookings cho hay. Ông Dollar cho rằng việc 2 bên tiếp tục kéo nhau tới Washington vào 2 tháng tới cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều đang khá bình chân trước cục diện hiện tại và không bên nào cảm thấy cần gấp rút phải tiến tới một thỏa thuận.
Video đang HOT
“Cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đang hạnh phúc với tình trạng hiện tại. Các cuộc đàm phán ‘nhát gừng’ sẽ tiếp tục diễn ra khi cả 2 bên tìm cách ngăn căng thẳng thương mại leo thang trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020″, ông Dollar nhận định.
Theo chuyên gia này, mục tiêu chính của Trung Quốc trong vòng đàm phán mới và có thể là những vòng đàm phán tới là tránh leo thang thuế quan như lời Tổng thống Trump đe dọa. Với Mỹ, Washington thừa hiểu không thể thay đổi về cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc trong một sớm một chiều. Cả 2 bên vì vậy đều có động cơ để kéo dài thỏa thuận đình chiến mà chưa cần gấp một thỏa thuận.
Chuyên gia kinh tế Agedit Demarais cho rằng cuộc gặp mới đây của 2 bên chỉ là để vực dậy niềm tin đánh mất hồi tháng 5 và họ dường như đã thành công trên mặt trận này. Không còn gì hơn thế.
Theo New York Times, giới chóp bu của Bắc Kinh không vội đi tới một thỏa thuận vào thời điểm này khi mà quan điểm “chống Mỹ” vẫn ngập tràn ở Trung Quốc. Nếu hối hả tiến tới một thỏa thuận, họ lo sợ rằng mình sẽ trở nên yếu đuối, bạc nhược dẫn tới việc phải đầu hàng trước các thế lực nước ngoài, trái ngược với hàng loạt các tuyên bố cứng rắn trước đó.
Tờ báo Mỹ nhận định các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc giờ đã vượt ra ngoài thuế quan. Cách Mỹ xử lý với lệnh cấm mua hàng với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đang là một trong những quan tâm hàng đầu với Bắc Kinh. Vậy nên chừng nào Tổng thống Trump còn mập mờ về vấn đề này, Chủ tịch Tập sẽ không không lùi bước. Trong tuyên bố đưa ra hôm 30/7, Bộ trưởng Thương mại M ỹ Wilbur Ross cho biết chính quyền có thể sẽ đưa ra câu trả lời vào tuần tới cho các công ty đề nghị được cấp phép đặc biệt để bán hàng cho Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.
Giọng điệu của Trung Quốc, từ chính phủ cho tới truyền thông hay các nhóm nghiên cứu hợp tác chặt chẽ với chính phủ, trở nên cứng rắn hơn những tuần gần đây. Một số chuyên gia cho rằng nó có thể xuất phát từ các tuyên bố của Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đang trên cơ Trung Quốc trong cuộc thương chiến khốc liệt giữa 2 bên cũng như sự tự hào của ông về nền kinh tế khỏe mạnh của Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh chứng kiến mức tăng trưởng ở quý II/2019 thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
(Nguồn: Bloomberg, NYT)
SONG HY
Theo VTC
Ba điều Mỹ - Trung không bao giờ tìm được tiếng nói chung
Đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc trong tuần với một số thông tin khả quan, nhưng một thỏa thuận thì dường như vẫn ngoài tầm với.
Theo đài BBC, thực tế là cuộc đàm phán không đạt được bất kỳ kết quả chi tiết nào cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang rất khó khăn để giải quyết những vấn đề phức tạp nhất giữa hai bên. Đó là sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường, cộng với tham vọng ngành công nghệ cao của Trung Quốc.
Trừ khi Trung Quốc thay đổi cơ bản cấu trúc nền kinh tế, nếu không hai quốc gia sẽ không thể giải quyết khác biệt về những vấn đề này.
1. Tài sản trí tuệ
Ảnh: Shutterstock
Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ và bắt các doanh nghiệp phải chuyển giao công nghệ, ngầm coi đây như là một điều kiện để làm ăn tại thị trường lớn thứ 2 thế giới.
Các công ty Mỹ cho rằng ngành tư pháp Trung Quốc không công bằng và gần như luôn phán quyết có lợi cho doanh nghiệp trong nước khi xảy ra tranh chấp. Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc trên.
Theo ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc, nói: "Không có luật nào ở Trung Quốc nói rằng bạn phải chuyển giao tài sản trí tuệ của mình cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc biết quan điểm của phía Mỹ và sẽ trừng phạt những hành vi vi phạm kiểu đó, nếu những hành vi này thực sự xảy ra".
Để giải quyết lo ngại của Mỹ, Trung Quốc đã thành lập một tòa án xử các vụ liên quan tài sản trí tuệ và đang soạn một dự luật ngăn các quan chức Trung Quốc đề nghị doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nghị sĩ Mỹ cho rằng cơ quan tư pháp Trung Quốc chịu ảnh hưởng đường lối chung và các quyết định pháp lý thường có lợi cho phía Trung Quốc, nhất là khi liên quan tới doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
2. Tiếp cận thị trường
Thành công kinh tế của Trung Quốc đã được xây dựng dựa trên cách tiếp cận mục tiêu, kế hoạch tập trung dành cho các công ty nhà nước. Cách này trái ngược với cách công ty Mỹ hoạt động.
Mỹ cho rằng Trung Quốc gây bất công khi trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, giúp các doanh nghiệp này có các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ họ cạnh tranh ở nước ngoài trong những ngành như không gian vũ trụ, sản xuất chip điện tử và ôtô điện. Nhờ đó các doanh nghiệp Trung Quốc có thể cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ.
Thậm chí các công ty tư nhân Trung Quốc cũng có lợi thế vì các công ty nước ngoài tìm cách cạnh tranh với công ty tư nhân ở Trung Quốc không có mối quan hệ. Hoặc khi muốn làm ăn quy mô ở thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nước ngoài cần đối tác địa phương để hoạt động.
Trung Quốc đã cam kết mở cửa nhiều lĩnh vực của nền kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài.
Tuy nhiên, theo BBC, điều này sẽ không thể làm hài lòng Mỹ một khi các công ty Trung Quốc vẫn chưa hoạt động độc lập.
3. Kế hoạch "Made in China 2025"
Lộ trình công nghiệp của Trung Quốc có thể là cản trở lớn nhất giữa hai quốc gia.
Kế hoạch "Made in China 2025" (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025) đã khiến Mỹ lo lắng. Mỹ coi đây là thách thức trực tiếp với vị thế tối thượng của Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt như không gian vũ trụ, sản xuất chất bán dẫn và mạng 5G.
Trung Quốc gần đây đã giảm quy mô chương trình Made in China 2025 nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ ngừng chương trình này. Tham vọng của Bắc Kinh chính là tâm điểm vấn đề tồn tại giữa hai bên khi mà Mỹ không muốn bị Trung Quốc vượt mặt.
Ông Christopher Balding, cựu giáo sư trường Đại học Peking, nói: "Điều Mỹ muốn là thay đổi cơ bản cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc. Mỹ muốn Trung Quốc là nước có định hướng thị trường bình thường nhưng Trung Quốc không muốn điều đó".
Cả hai nước đều đang bị tổn hại trong cuộc chiến thương mại và dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã nói vì lợi ích của hai bên mà hai đối thủ cần phải đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng cho dù hai bên có đạt được thỏa thuận thì cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ không bao giờ kết thúc.
Theo TTXVN/Baotintuc
Mỹ điều tra gần 1.000 vụ Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang mở gần 1.000 cuộc điều tra về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và gần như tất cả đều liên quan tới Trung Quốc. "Ngay giờ đây, không quốc gia nào đặt ra mối đe dọa phản gián nghiêm trọng với Mỹ như Trung Quốc", Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI)...