Mỹ – Trung đối đầu, Hàn Quốc “ngả” về đâu?
Bị kẹt giữa cuộc chạy đua tranh ngôi vị của hai cường quốc Trung – Mỹ, giới lãnh đạo Hàn Quốc đang hết sức “đau đầu” tìm chỗ đứng của mình nhằm giữ chân đồng mình Mỹ mà không mất lòng đối tác Trung Quốc trong khi sự căng thẳng trong việc tranh chấp chủ quyền trên biển với quốc gia này ngày một nóng hơn.
“Tiến thoái lưỡng nan”
Hơn lúc nào hết, Washington đang nỗ lực không ngừng nhằm thực hiện kế hoạch “trở lại Châu Á” – khu vực có vị trí chiến lựơc và nền kinh tế sôi động nhất hiện nay. Trong khi cố gắng kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc, Mỹ đặt nhiều hi vọng vào những người đồng minh lâu bền của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm củng cố sức mạnh cho chiến lược ngoại giao và quốc phòng của mình.
Seoul gần đây lo ngại mối quan hệ quân sự thân thiết với Mỹ có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ của Trung Quốc trong những nỗ lực giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa ở Bắc Triều Tiên và ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của Hàn Quốc trong mối quan hệ giao thương Hàn – Trung.
“Chúng ta đang ở trong một tình huống rất nhạy cảm và đứng trước những sự lựa chọn thực sự khó khăn”, Chun Inyoung, Giáo sư tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) nhận định.
Hàn Quốc đang lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trog khi cố gắng duy trì mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc.
Video đang HOT
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2008, Tổng thống Lee Myung-bak đã rất cố gắng để cải thiện mối quan hệ với Washington, hàn gắn những sứt mẻ với Mỹ do những xung đột xung quanh vấn đề Bắc Triều Tiên mà người tiền nhiệm để lại.
Những nỗ lực của Hàn Quốc đã được Mỹ đáp trả bằng những hành động bảo vệ rõ rệt khi những xô xát nghiêm trọng xảy ra giữa Seoul và Bình Nhưỡng trong năm 2010. Trung Quốc ở thời điểm đó ngấm ngầm đứng về phía đồng minh Bắc Triều Tiên của mình hơn là lên tiếng phản đối hành động tấn công của Bình Nhưỡng.
Seoul và Bắc Kinh gần đây đã có những tiến triển nhất định trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm nay.
Tuy nhiên, mối quan hệ Hàn – Trung đã xấu đi trông thấy khi Trung Quốc quyết định buộc hồi hương đối với những người vượt biên từ Bắc Triều Tiên và tuyên bố chủ quyền đối với đảo đá chìm Ieodo, một đảo phía nam của quần đảo Jeju, nơi diễn ra tuyên bố chủ quyền chồng chéo giữa các nước.
Thời điểm cân bằng chính sách ngoại giao
Hàn Quốc từ lâu đã là một đồng minh quan trọng chiến lược của Mỹ, mối quan hệ bền chặt này giúp ích Hàn Quốc trong việc đối phó với những đe dọa từ láng giềng Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, việc là đồng minh quá thân cận của Mỹ cũng giới hạn rất nhiều quyền lựa chọn của Hàn Quốc.
“Khi mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau gay gắt thì chính sách nghiêng hẳn trọng tâm về phía Mỹ sẽ ngày càng hạn chế biên độ lựa chọn của Hàn Quốc” Ông Yoon Pyung-joong – Giáo sư Triết học – chính trị tại Đại học Hanshin nhận định.
“Chúng ta đừng nên nghĩ rằng mọi lợi ích của chúng ta đều trùng hợp với lợi ích của người Mỹ. Nên tránh thông qua những chính sách có thể gây va chạm với Trung Quốc và thay vì trở nên phụ thuộc vào Mỹ, chúng ta nên tìm kiếm những cách thức khôn ngoan hơn để tận dụng mối quan hệ này mà vẫn không bỏ qua tầm quan trọng trong mối quan hệ với các quốc gia khác “.
Điều quan trọng nhất là chính quyền Seoul nên tìm kiếm một chính sách ngoại giao cần bằng và tinh vi hơn nhằm đảm bảo sự an toàn trước Trung Quốc, tiếp tục phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự của riêng mình.
“Để thiết lập một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên, chúng ta cần sự hỗ trợ từ Trung Quốc hơn là cả từ Mỹ và Nhật Bản vì vậy các nhà hoạch định chiến lược ngoại giao quá tập trung vào mối quan hệ với Mỹ nên xem xét lại”, một chuyên gia an ninh giấu tên nhận định.”
Độ bền vững của liên minh Mỹ Hàn quyết định số phận dân tộc ta.” Ông Chung Sung-yoon từ Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Hàn Quốc nhận định. Ông Chung cũng cảnh báo Hàn Quốc đang ở thế “đi trên dây” trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ vì nó rất có thể làm mất lòng tin giữ Seoul và Washington.
Giải pháp tối ưu: Đa phương hóa
Đối với Mỹ và hai đồng minh (Nhật Bản và Hàn Quốc), việc duy trì trạng thái bình ổn về quyền lực với Trung Quốc như hiện nay là một nhiệm vụ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
“Hiện tại, sức mạnh của Trung Quốc vẫn ở dạng tiềm ẩn nhưng khi Trung Quốc thật sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự, Trung Quốc chắc chắn sẽ lên tiếng thách thức để xét lại trật tự khu vực”, Nam Chang-hee, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Inha dự đoán.
“Để ngăn chặn tình trạng này, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cũng như Úc nên hình thành một liên minh mạnh mẽ để thuyết phục Trung Quốc giữ nguyên trật tự và cùng chia sẻ trách nhiệm trong khu vực. Hành động đó có thể giúp Trung Quốc chống lại sự cám dỗ bành trướng quyền lực và là sự khác biệt so với một liên minh để chống lại hoặc kềm chế Trung Quốc”.
Đa phương hóa là một giải pháp rất quan trọng nhất là khi Trung Quốc đang tìm mọi cách để thôn tính Biển Đông – tuyến đường biển quan trọng kết nối đến kho chứa năng lượng khổng lồ của thế giới tại Trung Đông hội tụ và nhiều nguồn tài nguyên vẫn chưa được khai thác.
Hiện nay, Trung Quốc đang liên tục làm nóng cuộc tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam và Phillipines trong vùng biển Đông (Biển Nam Trung Hoa) và Nhật Bản trong vùng biển Đông Trung Quốc. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã có tranh chấp tại Ieodo.
“Chúng ta đã tham gia vào các diễn đàn đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để góp tiếng nói cùng các nước trong khu vực công khai bày tỏ ý kiến và than phiền về hành vi của Trung Quốc nhằm hạn chế sự lấn áp ngày càng tăng của Trung Quốc,” cho biết Kim Tae-hyun – Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Chung Ang cho biết.
“Chúng ta nên dùng các nỗ lực ngoại giao một cách khôn ngoan nhất để tránh việc phải đối mặt với bất kỳ sự lựa chọn khó khăn nào giữa hai cường quốc lớn: Mỹ và Trung Quốc.” ông Kim kết luận.
Theo Infonet