Mỹ – Trung “đấu khẩu” gay gắt tại WTO
Đại diện phái đoàn Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau trong một cuộc họp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hàng hóa Trung Quốc được bốc dỡ tại cảng Los Angeles, California, Mỹ (Ảnh minh họa: AFP).
Reuters đưa tin, Trung Quốc và Mỹ ngày 27/1 đã đưa ra những phát ngôn cứng rắn tại WTO. Trong khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ là “đơn phương bắt nạt”, Washington cáo buộc Bắc Kinh có các biện pháp trả đũa bất hợp pháp.
Đại sứ Trung Quốc tại WTO Li Chenggang đã phát biểu tại một cuộc họp về tranh chấp thương mại ngay sau khi Mỹ đệ đơn kháng cáo một loạt phán quyết của WTO liên quan đến Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy và Thụy Sĩ. Phán quyết này cho rằng, thuế quan trên mặt hàng kim loại mà Mỹ áp dụng vi phạm các quy tắc toàn cầu.
Ông Li cho rằng, động thái của Mỹ là đáng lo ngại, cáo buộc Washington “đơn phương bắt nạt, phá vỡ quy tắc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.
WTO đã đưa ra một số phán quyết gây bất lợi cho Mỹ trong thời gian qua liên quan tới một số tranh chấp thương mại với Trung Quốc và Hong Kong. Mỹ đã chỉ trích các phán quyết, cho rằng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO có vấn đề và đang dẫn đầu các cuộc thảo luận để cải tổ.
Video đang HOT
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Bắc Kinh áp đặt “các biện pháp trả đũa đơn phương bất hợp pháp” đối với hàng xuất khẩu của Washington.
Phó Đại diện Thương mại Mỹ Maria Pagan cho rằng cơ chế của WTO đang bảo vệ “các chính sách và thông lệ phi thị trường của Trung Quốc” và điều này không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào.
Mặt khác, WTO sẽ không thể xem xét đơn kháng cáo của Washington về vụ kiện kim loại vì bộ phận phúc thẩm hàng đầu của tổ chức này bị tê liệt sau khi Mỹ trước đó chặn việc thông qua thẩm phán mới.
Trong khi đó, quan chức Pagan tuyên bố, Mỹ không quá quan tâm tới các chỉ trích của Trung Quốc ở cuộc họp WTO: “Bạn có thể gọi chúng tôi bằng bất cứ cái tên nào bạn muốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với Trung Quốc”.
Ngọn núi lửa có nguy cơ gây hỗn loạn toàn cầu
Chỉ dài vài trăm km, nhưng một khi thảm họa thiên nhiên ập đến gần eo biển Malacca, hậu quả có thể ảnh hưởng đến toàn cầu.
Núi lửa Semeru tại Indonesia. Ảnh: BBC
Hàng năm, có khoảng 90.000 tàu thuyền đi qua tuyến đường biển hẹp là eo biển Malacca nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Lượng hàng hóa đi qua eo biển này, trong đó có ngũ cốc, dầu thô..., chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu. Phía trên những tàu biển này là một trong những tuyến đường hàng không nhộn nhịp nhất thế giới, và bên dưới, chạy dọc theo đáy biển, là một hệ thống cáp internet dày đặc giúp thế giới kết nối.
Những yếu tố này khiến eo biển Malacca trở thành một trong những huyết mạch quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu. Trong các báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ và Viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London (Anh), eo biển Malacca được phân loại là một vị trí án ngữ thương mại.
Đài BBC (Anh) ngày 18/1 đưa tin các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng thảm họa thiên nhiên như động đất hoặc núi lửa tấn công khu vực này chỉ còn là vấn đề thời gian. Và khi nó xảy ra, chúng ta có thể đối mặt với những hậu quả toàn cầu.
Sự gián đoạn của các tuyến đường thương mại quan trọng là một vấn đề tồn tại từ lâu, do tội phạm hoặc lỗi của con người. Cướp biển từng hoành hành khu vực này, nhưng eo biển Malacca do lực lượng chức năng Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan phối hợp quản lý, nhìn chung đã được kiểm soát. Nơi đây cũng xảy ra các vụ va chạm tàu: 10 thủy thủ Mỹ đã thiệt mạng do tàu USS John McCain đâm phải một tàu chở dầu treo cờ Liberia vào năm 2017.
Nhưng những mối đe dọa lớn nhất đối với eo biển Malacca, vốn ngăn cách bán đảo Malay với đảo Sumatra của Indonesia, nằm trong thế giới tự nhiên. Dọc theo bờ biển Sumatra và phần phía Nam của Java, theo đường rãnh Sunda, là một khu vực có hoạt động động đất và núi lửa. Tại Java, hai ngọn núi lửa Semeru và Merapi gần đây đã phun trào. Ở eo biển Sunda, ngăn cách Java với Sumatra là núi lửa Krakatoa, và xa hơn về phía Tây là Tambora từng phun trào vào năm 1815, gây ra mất mùa ở tận châu Âu và miền đông Mỹ.
Vụ phun trào núi lửa Tambora có cường độ VEI7 trong Chỉ số phun trào núi lửa (VEI) vốn có mức cao nhất là VEI8. Vụ phun trào như năm 1815 có thể xảy ra một hoặc hai lần trong 1.000 năm. Nhưng một vụ phun trào không nhất thiết phải ở cường độ quá cao mới có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng tại một vị trí án ngữ toàn cầu.
Tàu đi qua eo biển Malacca. Ảnh: Global Times
Một trong những ngọn núi lửa đang hoạt động tại eo biển Malacca có thể tạo ra một vụ phun trào VEI5 hoặc VEI6. Magma bùng nổ từ miệng núi lửa. Tro tỏa lên bầu trời. Rung chấn làm rung chuyển các thị trấn địa phương. Nếu gió thổi theo hướng Tây Nam, không vận ở eo biển Malacca sẽ bị đình chỉ. Trong khi đó, tro rơi xuống eo biển. Trên mặt biển, những tảng đá bọt tích tụ.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro của Đại học Cambridge (Anh) đã dự đoán tác động của vụ phun trào VEI6 tại núi lửa Marapi. Họ cho rằng vụ phun trào có thể tạo ra những đám mây tro bụi và mảnh vụn núi lửa phóng vào không trung, qua eo biển Malacca về phía Singapore và Malaysia. Hệ quả là thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng địa phương, trong đó ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ kết hợp với việc nhiệt độ toàn cầu giảm 1 độ C sẽ xóa sạch ước tính 2,51 nghìn tỷ USD trong GDP toàn cầu trong khoảng thời gian 5 năm. Con số đó vượt xa ước tính 5 tỷ USD thiệt hại kinh tế toàn cầu từ vụ phun trào VEI4 ở Eyjafjallajkull, Iceland. Vụ phun trào tại Eyjafjallajkull còn dẫn đến lệnh cấm không phận trong 6 ngày, dẫn đến sự gián đoạn cho hàng triệu người.
Lần phun trào VEI4 cuối cùng của núi lửa Marapi là vào năm 2010. Một vụ phun trào VEI6 tại Marapi có chu kỳ lặp lại là 750 năm. Lara Mani, nhà nghiên cứu núi lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Hiện hữu của Đại học Cambridge (Anh) nhận định nên xem xét viễn cảnh này một cách nghiêm túc. Và Marapi là một trong một số ngọn núi lửa đang hoạt động trong khu vực.
Một trận động đất lớn và tương đối gần đó sẽ là mối đe dọa với quy mô tương tự. Nó có thể gây ra sóng thần ập vào eo biển, như trận sóng thần năm 2004. Nó cũng sẽ gây ra các dòng nước đục - những đám mây trầm tích chuyển động nhanh - xé toạc đáy biển. Bà Mani cho biết đó sẽ là nguyên nhân gây đứt cáp internet.
Ông Tristan Smith tại Đại học College London (Anh) nhận định những thảm họa tự nhiên này sẽ ít gây gián đoạn cho hoạt động vận chuyển toàn cầu hơn so với vụ tàu Ever Given. Theo ông, trong trường hợp núi lửa phun trào, một khu vực loại trừ sẽ được tuyên bố, buộc các con tàu phải đi tuyến đường khác. Việc chuyển hướng các con tàu sẽ có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu nhưng cuối cùng vẫn được xử lý.
Chúng ta không thể làm gì để ngăn chặn động đất. Tuy nhiên, Ủy ban Hải dương học liên chính phủ và UNESCO đã thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm cho các hiện tượng như sóng thần và hiện tồn tại Dịch vụ cảnh báo hàng hải trên toàn thế giới cảnh báo về các thảm họa khí tượng hoặc địa chất. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản là điều phối viên được chỉ định của khu vực bao gồm eo biển Malacca.
Sự chuẩn bị tốt nhất là đa dạng hóa. Nhiều vệ tinh internet sẽ giúp ích thay thế cáp dưới đáy biển. Các quốc gia trong khu vực cũng sẽ tăng cường khả năng phục hồi của họ bằng cách đặt các dây cáp ngầm mới đi theo một tuyến đường khác với các tuyến hiện có.
Trung Quốc hối thúc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại Nga - Ukraine Theo Tân Hoa xã, ngày 13/1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện cho đối thoại và đàm phán giữa Nga và Ukraine, đồng thời tăng cường nỗ lực để mở ra triển vọng hòa bình mới trong Năm mới 2023. Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc...