Mỹ-Trung bàn khả năng Triều Tiên sụp đổ?
Sự thất vọng ngày càng tăng củaTrung Quốc với đồng minh lâu năm Triều Tiên đã tạo ra một tia hy vọng về một viễn cảnh chưa một lần tưởng tượng: tổ chức các cuộc trao đổi giữa Washington và Bắc Kinh về các biện pháp đối phó nếu chính phủ ở Bình Nhưỡng sụp đổ.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ rằng chế độ hiện tại ở Triều Tiên đang có nguy cơ hay Tổng thống Mỹ Barack Obama và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ trao đổi về khả năng đó khi hai người gặp nhau trong tuần này tại California (Mỹ). Bất kỳ một cuộc trao đổi nào như vậy sẽ gây báo động với Triều Tiên nếu bị lộ.
Tuy nhiên ở Trung Quốc, việc nói về một sự sụp đổ của Triều Tiên không còn là chủ đề cấm kỵ như trước đây. Các học giả đang ngày càng tỏ ra muốn thảo luận về vấn đề này, và một tướng nghỉ hưu của Mỹ cho biết ông đã phát hiện ra, tại các cuộc họp không chính thức, các quan chức Trung Quốc đã tỏ ra sẵn sàng xem xét các cuộc thảo luận như vậy.
Tình hình đó phản ánh một cuộc tranh luận trong nội bộ Trung Quốc và sự thất vọng đối với mối nguy hiểm ở Triều Tiên do hậu quả của các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong mùa đông vừa qua, bất chấp Trung Quốc nước cung cấp cho Triều Tiên nhu yếu phẩm, năng lượng và ủng hộ về ngoại giao quan trọng.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên, Kim Jong-un dường như đã củng cố được sự kiểm soát sau khi lên nắm quyền cách đây một năm rưỡi, và trong mấy tuần qua đỉnh cao căng thẳng sau vụ thử hạt nhân hổi tháng Hai vừa qua tỏ ra đã giảm thiểu.
Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama
Tuy nhiên vẫn còn mối đe dọa cố hữu về xung đột với Hàn Quốc trên một đường biên giới quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Trung Quốc chắc chắn muốn tránh một cuộc xung đột như vậy vì nó có thể kéo quân đội của họ vào Triều Tiên và quân đội Mỹ vào Hàn Quốc, giống như cuộc chiến tranh Triều Tiên những năm 1950-1953. Cả hai cường quốc đếu e ngại về tương lai của kho vũ khí hóa học, tên lửa, vũ khí hạt nhân và các cơ sở của Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc cũng có lý do riêng để lo sợ nếu Triều Tiên sụp đổ. Nếu xẩy ra thì sẽ tạo ra một dòng người di tản đói khát dọc biên giới chung và dẫn đến một Triều Tiên thống nhất liên minh với Mỹ, cho lính Mỹ đóng ngay sát nước mình.
Các nhà phân tích nói rằng cho đến khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc thống nhất quyết định về kết cục nào họ có thể chấp nhận được ở bán đảo Triều Tiên, họ sẽ không trao đổi chủ đề đó với các quan chức Mỹ. Tuy vậy các nhà phân tích vẫn nhận ra một số sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc.
Video đang HOT
William Fallon, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nói rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng chia sẻ lợi ích khi cùng nhau làm việc về Triều Tiên và trao đổi những vấn đề như bảo đảm các vũ khí hạt nhân của nước này. Ông nói rằng trong các cuộc họp không chính thức ở Trung Quốc hồi đầu năm nay với các cựu quan chức và đương chức của chính phủ và giới quân sự Trung Quốc, ông đã nêu ra khả năng đó một cách khái quát và phát hiện ra có sự sẵn sàng xem xét vấn đề từ phía Trung Quốc.
Fallon nói: “Tôi đã gợi ý một cách chắc chắn, và những người khác cũng đã gợi ý một cách chính thức và bán chính thức rằng đã đến lúc hai bên ngồi lại trao đổi bởi vì chúng ta có chung lợi ích ở đây. Tôi nghĩ ý tưởng đó không bị bác bỏ. Họ đã gật đầu và đang cân nhắc. Tôi cho rằng vấn đề này sẽ tiến triển, một cách thận trọng.”
Một sự hợp tác như vậy đòi hỏi cả Bắc Kinh và Washington phải vượt qua được những mối ngờ vực sâu sắc giữa hai bên mang đặc thù của quan hệ song phương trong khi Trung Quốc gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự và Mỹ tìm cách gia tăng vị thế và củng cố sự hiện diện lâu nay ở châu Á.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang áp dụng một lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, mà Mỹ cũng mong Trung Quốc làm như vậy. Trung Quốc đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt nặng hơn của Liên Hợp Quốc đối với vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai và đẩy mạnh tuần tra biên giới với Triều Tiên. Nối bật nhất là một ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã khóa các tài khoản của Ngân hàng ngoại thương Triều Tiên, cơ sở trao đổi ngoại hối chính của nước này.
Cách đây hai tuần, Trung Quốc đã đón tiếp một đặc phái viên cấp cao của Triều Tiên, một chuyến thăm mà nhà nghiên cứu Cheng Li tại Viện Brookings nói rằng được thực hiện trước cuộc họp thượng đỉnh Trung-Mỹ vào cuối tuần này. Sau chuyến thăm đó Triều Tiên đã có một lập trường ít đối đầu hơn và công khai sự sẵn sàng trở lại bàn đàm phán.
Tuy nhiên phía Mỹ coi đó chỉ là một sự tiến bộ nhỏ của Triều Tiên, lưu ý rằng một ngày sau khi Phó Nguyên soái Choe Ryong trở về, Bình Nhưỡng đã bác bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa – một điều kiện tiên quyết của Mỹ để khởi động lại cuộc đàm phán đổi viện trợ lấy giải trừ vũ khí bị đình trệ lâu nay.
Trong khi Trung Quốc nói nhiều đến việc chống lại các tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, họ không tiến hành các biện pháp có thể đẩy nhanh đến việc chấm dứt chế độ của gia đình ông Kim, như cắt giảm các nguồn tài trợ.
Cựu đại sứ Trung Quốc ở Mỹ, ông Cui Tiankai nói với tạp chí Chính sách đối ngoại (FP) rằng: “Bất kỳ một sự hỗn độn hoặc xung đột nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên cũng gây ra một tác động lớn đối với các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Chúng tôi luôn ghi nhớ điều đó”.
Trong khi những giọng điệu quan trọng hơn gần đây của các học giả Trung Quốc và việc họ sẵn sàng thảo luận các vấn đề trước đây bị cấm đoán như vấn đề thống nhất đất nước, có lẽ không phải là lập trường chính thức của lãnh đạo mới ở Trung Quốc, nó phản ánh sự thất vọng của chính phủ Trung Quốc với Triều Tiên, và có thể được dùng để đánh đi một tín hiệu là không nên thúc Trung Quốc đi quá xa. Cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, Evans Revere nhận xét.
Những lợi ích chiến lược của Trung Quốc đã bị tác động bởi những lời đe dọa về đánh đòn hạt nhân phủ đầu đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Mỹ đã đẩy mạnh mức độ các cuộc tập trận với Hàn Quốc – tổ chức các chuyến bay tập cho các loại máy bay ném bom B-52 và B-2 có khả năng mang bom hạt nhân – đẩy mạnh xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực sân sau của Trung Quốc.
John Park, một chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện công nghệ Massachusetts nói: “Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đã được cảnh báo về việc Triều Tiên nhanh chóng gây bất ổn đối với toàn bộ khu vực như thế nào thông qua các mối đe dọa của họ. Tình hình đó làm cho họ phải đối mặt với một bế tắc chiến lược”.
Tại cuộc trao đổi về an ninh khu vực Đông Bắc Á được tổ chức tại Đức tuần trước, các học giả Trung Quốc có liên hệ với chính phủ cho thấy lợi ích lâu nay của Bắc Kinh trong việc duy trì ổn đinh bằng mọi giá ở Triều Tiên đang có sự chuyển dịch, và Bắc Kinh đang ngày càng nhấn mạnh đến việc phi hạt nhân. Frank Jannuzi thuộc tổ chức Giải trừ quân bị quốc tế, Mỹ đã tham dự hội nghị cho biết.
Tuy nhiên triển vọng cho giải pháp ngoại giao sẽ vẫn nhạt nhòa nếu Bình Nhưỡng đòi hỏi phải được đối xử như một cường quốc hạt nhân, và Washington khăng khăng đòi phải có những dấu hiệu cụ thể về việc Triều Tiên sẵn sàng giải giáp vũ khí trước khi các cuộc thương lượng quốc tế được nối lại.
Jannuzi, cưu cố vấn chính sách cho cựu thượng nghị sỹ John Kerry và giờ là một quan chức chóp bu tại Washington nói: “Phía Trung Quốc cảm thấy họ đã làm đầy đủ phần của mình bằng cách thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại, và giờ đây tùy thuộc vào Mỹ và Hàn Quốc phải làm hết trách nhiệm của mình và hoan nghênh họ trở lại. Họ cho rằng trái bóng đang ở phía sân chúng ta”.
Theo vietbao
Trung Quốc bất ngờ cởi mở thông tin với Mỹ
Thông báo này được xem là bất thường đối với Trung Quốc lâu nay vốn có "truyền thống" kín miệng về các cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao với đồng minh Bắc Triều Tiên của mình.
Tờ GDVN dẫn theo tin của Yonhap ngày 22/5 cho hay, Trung Quốc đã thông báo trước với Mỹ về chuyến thăm Bắc Kinh tuần này của Choe Ryong-hae, Phó nguyên soái, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Triều Tiên, một quan chức Mỹ cho biết.
Thông báo này được xem là bất thường đối với Trung Quốc lâu nay vốn có "truyền thống" kín miệng về các cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao với đồng minh CHDCND Triều Tiên của mình.
Choe Ryong-hae là phụ tá thân cận và được xem như đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc, quan chức cấp cao đầu tiên của Bình Nhưỡng đi Bắc Kinh trong năm nay.
Phó nguyên soái Triều Tiên được Vương Gia Thụy, một quan chức cấp cao Trung Quốc tiếp. Ảnh: Yonhap.
"Trung Quốc đã thông báo cho chúng tôi trước chuyến thăm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell cho biết trong một cuộc họp báo. Ông nhấn mạnh Washington và Bắc Kinh đều tìm kiếm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Động thái này từ Bắc Kinh như báo hiệu một sự thay đổi trong "phong cách ngoại giao" của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Nhiều khả năng ông Bình sẽ tiếp Phó nguyên soái Triều Tiên và Choe Ryong-hae sẽ chuyển thông điệp của Kim Jong-un tới Tập Cận Bình.
Hồi cuối tháng trước, đặc sứ Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên ông Vũ Đại Vĩ đã tới Washington để tìm cách giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo này.
Ở một động thái bất ngờ khác, ngày 21/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tháng tới, nhằm thúc đẩy "mối quan hệ kiểu mới" giữa 2 nền kinh tế lớn thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: "Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc và nhà lãnh đạo Mỹ. Cuộc gặp là dấu mốc quan trọng để tăng cường sự trao đổi hợp tác giữa chính phủ Trung Quốc và Mỹ, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, giải quyết tích cực các bất đồng, mở đường cho "mối quan hệ kiểu mới" giữa 2 nước"
Trước đó hôm qua, Washington thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc gặp đầu tiên vào ngày 7 và 8/6 tới tại California.
Những diễn biến trên của quan hệ Trung - Mỹ diễn ra đúng thời điểm CHDCND Triều Tiên tiến hành bắn liên tục 6 quả tên lửa tầm trung mấy ngày gần đây. Thậm chí Triều Tiên còn bắt tàu cá Trung Quốc và đòi tiền chuộc. Điều này đặt giới phân tích vào những giả thiết khác nhau quanh mối quan hệ Trung - Triều và Trung - Mỹ.
Theo vietbao
Triều Tiên dọa giáng "đòn búa tạ" vào Hàn Quốc Bình Nhưỡng hôm qua (16/4) lại "tung" ra những lời đe dọa mới, trong đó nước này tuyên bố sẽ giáng "đòn búa tạ" để trả đũa nếu Hàn Quốc không xin lỗi về những cuộc biểu tình chống Triều Tiên diễn ra hôm 15/4 khi Bình Nhưỡng tiến hành kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Triều...