Mỹ trong tình trạng khẩn cấp
Cuộc chiến pháp lý liên quan đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể khiến kế hoạch xây bức tường biên giới bị trì hoãn nhiều tháng hoặc nhiều năm
Không lâu sau lần đóng cửa chính phủ lâu kỷ lục, chính trường Mỹ hôm 15-2 lại rơi vào tình trạng hỗn loạn vì chuyện ngân sách cho kế hoạch xây bức tường ở biên giới với Mexico. Lần này, Tổng thống Donald Trump không để chính phủ tiếp tục đóng cửa một phần mà sử dụng cách khác để có tiền thực hiện lời hứa với người ủng hộ khi ra tranh cử năm 2016.
Bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ở biên giới với Mexico, ông chủ Nhà Trắng dường như tin rằng quyền lực hành pháp cho phép ông huy động ngân sách cho kế hoạch gây tranh cãi nói trên sau khi bị quốc hội nói “không”. Ông Sam Berger, Phó Chủ tịch Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ, nhận định quyết định này ẩn chứa không ít rủi ro bởi theo lô-gíc của ông Trump, ông được phép biến quân đội thành một công ty xây dựng tư nhân để thực hiện chương trình nghị sự chống nhập cư và lời hứa tranh cử.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 15-2, ông Trump cho biết một phần lý do ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là muốn xây bức tường sớm hơn dù ông có thể làm điều này về lâu dài. Ông Michael McConnell, chuyên gia tại Trường Luật Stanford (Mỹ), chỉ ra những lời lẽ này có thể không giúp ích gì cho ông Trump trong một loạt vụ kiện tiềm tàng sắp tới vì nó cho thấy không có tình trạng khẩn cấp tức thì tại biên giới với Mexico đòi hỏi ông phải qua mặt quốc hội. Ngoài ra, theo ông McConnell, còn có những yếu tố khách quan hơn chứng tỏ không có tình trạng khẩn cấp nào lúc này, như nhiều thứ không hề thay đổi trong 20 năm qua.
Đám đông tập trung biểu tình phản đối tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại TP New York hôm 15-2 Ảnh: REUTERS
Các nhóm phản đối chính sách nhập cư của ông Trump cũng cáo buộc nhà lãnh đạo này tạo ra ảo tưởng về một cuộc khủng hoảng biên giới để biện minh cho kế hoạch xây bức tường. “Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được đưa ra ngay sau khi quốc hội đạt thỏa thuận về vấn đề an ninh biên giới. Rõ ràng tổng thống đang tìm cách tạo ra khủng hoảng thay vì giải quyết nó” – bà Beth Werlin, Giám đốc điều hành Hội đồng Nhập cư Mỹ, chỉ trích.
Theo trang Politico, mong muốn sớm xây bức tường thông qua tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia có thể phản tác dụng bởi cuộc chiến pháp lý sau đó nhiều khả năng khiến dự án này bị trì hoãn nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm.
Theo trang Bloomberg, quốc hội có thể đưa ông Trump ra tòa để khẳng định quyền phân bổ ngân sách liên bang theo quy định của hiến pháp. Còn chính quyền các địa phương và chủ đất gần dự án có thể khởi kiện về chuyện đất đai họ bị xâm phạm. Các cá nhân và doanh nghiệp cũng có thể tìm đến tòa án nếu thấy mình bị thiệt hại bởi chuyện tái phân bổ ngân sách.
Tổ chức phi lợi nhuận Public Citizen là cái tên đầu tiên đệ đơn kiện nhằm ngăn ông Trump sử dụng khoản ngân sách liên bang 8 tỉ USD để trang trải chi phí xây dựng bức tường. Đơn kiện này cho rằng tuyên bố của ông Trump không phải là hành động ứng phó tình huống khẩn cấp mà phản ánh “bất đồng lâu nay” giữa tổng thống và quốc hội về vấn đề xây tường biên giới. Đáng chú ý, Thống đốc bang California Gavin Newsom thông báo sẽ thách thức tuyên bố của ông Trump về pháp lý – qua đó trở thành vụ kiện thứ 46 nhằm vào chính phủ liên bang hiện nay.
Ngoài các cuộc chiến ở tòa án, tuyên bố của ông Trump còn đối mặt thách thức ở quốc hội. Hiệu lực của nó sẽ bị vô hiệu hóa nếu nhận được phiếu ủng hộ của 2/3 nghị sĩ. Tuy nhiên, đây là kịch bản khó xảy ra bởi Đảng Cộng hòa của ông Trump đang kiểm soát thượng viện trong lúc Đảng Dân chủ không chiếm thế tuyệt đại đa số tại hạ viện.
Bất chấp trở ngại này, nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cho biết sẽ cùng đồng nghiệp Joaquin Castro (đều của Đảng Dân chủ) đưa ra dự luật ngăn tuyên bố của ông Trump. Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ gửi thư cho ông chủ Nhà Trắng, thông báo điều tra tức thì động thái của ông.
HOÀNG PHƯƠNG
Video đang HOT
Theo Nguoilaodong
"Cú rung lắc" ngay trước thềm Giáng sinh trên chính trường Mỹ
Hàng trăm nghìn nhân viên công quyền Mỹ sẽ có kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới dài hơn thường lệ do chính phủ bị đóng cửa một phần khi đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về dự luật chi tiêu tạm thời.
Vụ việc không có gì lạ ở "xứ Cờ hoa" nhưng lần này nó diễn ra vào đúng thời điểm cuối năm khi chính trường Mỹ đang trải qua những ngày "hỗn loạn".
Đúng trưa thứ Bảy 22/12 (giờ Việt Nam), chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần vì thiếu kinh phí hoạt động. Ảnh: Getty
Già néo đứt dây
Đúng trưa thứ Bảy 22/12 (giờ Việt Nam), Chính phủ Mỹ đã đóng cửa một phần vì thiếu kinh phí hoạt động. Như vậy, từ nay cho đến lúc đó, nhiều bộ và cơ quan chính phủ Mỹ, trong đó có các bộ An ninh Nội địa, Giao thông, Nội vụ, Nông nghiệp, Ngoại giao hay Tư pháp... phải chấp nhận cảnh không có tiền hoạt động, tác động tiêu cực đến công việc và cuộc sống của khoảng 800.000 nhân viên liên bang trong dịp lễ cuối năm.
Khoảng 420.000 nhân viên phục vụ trong những lĩnh vực trọng yếu như an ninh vẫn phải đi làm mà không lĩnh đồng lương nào trong khi số còn lại sẽ "chơi dài" và đương nhiên là không lương.
Đây là lần thứ ba chính phủ Mỹ đóng cửa trong năm nay sau lần đóng cửa 3 ngày hồi tháng 1 và lần đóng cửa ngắn hồi tháng 2. Nhưng lần này, tình hình có vẻ căng thẳng hơn.
Dù các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra nhưng theo giới quan sát ở Mỹ, có thể đến sau Giáng sinh các bên mới đạt được thỏa thuận về vấn đề ngân sách.
Nguyên nhân chính khiến Đồi Capitol không thể thông qua một dự luật ngân sách tạm thời cho Chính phủ liên bang duy trì hoạt động ổn định tới tháng 2/2019 là do bất đồng giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ về khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây bức tường biên giới Mỹ - Mexico.
Trước đó, Hạ viện đã thông qua khoản ngân sách này nhưng tại Thượng viện thì bác bỏ vì các nghị sĩ Dân chủ kiên quyết phản đối việc xây dựng bức tường mà Tổng thống Donald Trump cho là sẽ giúp ngăn chặn di dân vào Mỹ bất hợp pháp.
Du khách không thể tham quan cây thông Giáng sinh gần Nhà Trắng do chính phủ ngừng hoạt động một phần. Ảnh: Reuters
Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ không phê chuẩn ngân sách nếu dự luật chi tiêu tạm thời không bao gồm khoản tài chính này. Ông Trump thậm chí công khai ủng hộ việc đóng cửa chính phủ trong nhiều tháng cho đến khi có tiền xây tường biên giới.
Có thể nói, câu chuyện biên giới Mexico đã chia rẽ Quốc hội Mỹ suốt thời gian qua, kể từ khi ông Trump nhậm chức. Và mâu thuẫn lần này dẫn đến đóng cửa một phần chính phủ Mỹ, một lần nữa cho thấy thái độ không khoan nhượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước vấn đề ông coi là ưu tiên số 1 trong nhiệm kỳ của mình.
"Già néo sẽ đứt dây"! Cuộc đối đầu không khoan nhượng trên chính trường Mỹ giữa Tổng thống và các nghị sĩ phe Dân chủ rồi đây sẽ còn phức tạp hơn khi các cuộc thương lượng về ngân sách sẽ được tiếp tục vào những ngày đầu năm mới 2019.
Hậu quả đến đâu?
Thực tế, chuyện chính phủ phải đóng cửa đã không còn xa lại gì với người dân Mỹ. Từ năm 1981 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 13 lần chính phủ phải đóng cửa và dịp đóng cửa này của chính quyền Tổng thống Trump là lần thứ 14. Nhiều người Mỹ vì thế trở nên thờ ơ, không quan tâm.
Bởi suy cho cùng, chính phủ liên bang đóng cửa nhưng chính quyền các tiểu bang vẫn hoạt động, các dịch vụ xã hội dường như không mấy bị xáo trộn.
Tuy vậy, xét về kinh tế, mỗi đợt khủng hoảng như vậy thường gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho kinh tế Mỹ. Cụ thể, theo ước tính, nền kinh tế Mỹ sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỷ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần.
Về chính trị, việc chính phủ tạm đóng cửa tiếp tục khắc sâu những mâu thuẫn và thế đối đầu mang tính "thâm căn cố đế" trên chính trường nước Mỹ và là dấu hiệu xấu cho sự hợp tác trong Quốc hội Mỹ trong năm tới - thời điểm đảng Dân chủ sẽ mạnh tay hơn khi họ nắm quyền kiểm soát Hạ viện.
Với cá nhân Tổng thống Doanld Trump, sự việc ít nhiều cũng khiến ông bị "mất điểm" về đối nội, đặc biệt đây là năm đầu tiên trong vòng nhiều thập kỷ qua, chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới 3 lần trong 1 năm.
Thực trạng chính trường Mỹ từ trước tới nay cho thấy khó dự luật hay giải pháp nào được thông qua suôn sẻ nếu không có sự thỏa hiệp giữa đôi bên. Tuy nhiên, hiện tại, đảng Dân Chủ nhắc đi nhắc lại là sẽ không chấp nhận tài trợ cho bức tường biên giới với Mexico.
"Thật là xấu hổ khi Tổng thống, người đang đưa đất nước đến sự hỗn loạn, lại tiếp tục lên cơn giận dỗi và làm ảnh hưởng đến những người vô tội. Cơn giận dỗi của ông Trump sẽ không giúp ông ấy có được bức tường biên giới đâu".
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo Dân chủ ở Thượng viện Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng không muốn từ bỏ ý định của mình vì hai năm sau lời cam kết lúc nhậm chức, "bức tường" vẫn chưa thành hiện thực.
Và để có được những lá phiếu của những cử tri trong cuộc bỏ phiếu vào năm 2020, ông Trump cần thực hiện cho được những cam kết của mình.
Bối cảnh như vậy cho thấy, cuộc thương lượng sắp tới về vấn đề ngân sách sẽ cực kỳ khó khăn và phức tạp, không loại trừ khả năng chính trường Mỹ sẽ đối mặt với một "cơn bão tố" mới.
Đáng chú ý, "cuộc chiến ngân sách" lần này giống như một "cơn rung lắc" diễn ra trong bối cảnh chính trường Mỹ đang trong giai đoạn hỗn loạn, như cách nói của một số nghị sĩ Mỹ.
Trong tuần qua, Tổng thống Trump đột ngột tuyên bố rút quân khỏi Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã từ chức để phản đối quyết định này và có thể tiếp theo là nhiều quan chức khác cũng có hành động tương tự.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức vì không tán thành quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP
Chưa hết, thị trường chứng khoán và tài chính nhuốm màu ảm đạm, giá cổ phiếu Mỹ có 1 tuần giao dịch "tồi tệ" nhất trong năm... giữa lúc giới đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm hơn và Cục Dự trữ Liên bang dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết...
Rõ ràng, những gì xảy ra trong những ngày cuối cùng của năm 2018 dường như tái hiện hình ảnh một nước Mỹ chia rẽ, nhiều nguy cơ rủi ro và khủng hoảng chính trường có thể đến bất cứ lúc nào - những điều đã diễn ra suốt 1 năm qua.
Điều này không chỉ vẽ lên viễn cảnh đầy u ám cho nước Mỹ trong năm 2019, với nhiều diễn biến khó lường mà còn làm xói mòn uy tín và hình ảnh của 1 cường quốc đối với thế giới bên ngoài./.
Thanh Huyền
Theo baonghean
Chính trị "triều đại" ở Mỹ lu mờ dần Danh sách ứng viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 tới nay vẫn chưa xuất hiện "mầm non" của triều đại chính trị nào. Con gái của cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney - nghị sĩ Liz Cheney - vừa được bầu làm Chủ tịch Nhóm đại biểu Cộng hòa (Republican Conference) của Hạ viện. Vang bóng...