Mỹ – Triều Tiên đã đàm phán tới cốt lõi của vấn đề
Thời báo Hàn Quốc mới đây đăng tải bài viết của Phó Giáo sư Sandip Kumar Mishra giảng dạy tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ, trong đó đánh giá tích cực về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần 2 diễn ra ngày 27 – 28/2 vừa qua tại Hà Nội, Việt Nam.
Hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội (Việt Nam) ngày 28/2/2019. Ảnh: TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Phó Giáo sư Mishra cho rằng dù Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt được tuyên bố chung sau hội nghị, nhưng điều quan trọng là phải nhấn mạnh một số mặt tích cực tại sự kiện lần này.
Thứ nhất, việc tổ chức được một hội nghị thượng đỉnh nữa giữa Mỹ và Triều Tiên trong vòng 8 tháng sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả hai bên đang cố gắng giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên thế giới, như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, căng thẳng Ấn Độ – Pakistan…, việc Tổng thống Trump tiến hành hội nghị theo lịch trình cần được đánh giá cao.
Thứ hai, Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội cũng tốt hơn về mặt đối thoại sâu rộng mà cả Mỹ và Triều Tiên đã có ở cấp cao nhất. Hai nhà lãnh đạo đã dành khoảng vài giờ trong 2 ngày để cùng trò chuyện. Điều này chắc chắn sẽ giúp hai bên hiểu hơn về lập trường của nhau và những điều bên kia mong muốn đạt được. Điều quan trọng để có bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai là hai nước nên có nhiều sự trao đổi hơn và Hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội đã tạo ra một nền tảng cho những cuộc trao đổi như vậy.
Thứ ba, cả hai bên đã có sự chín chắn với việc vẫn dành cho nhau những đánh giá thiện chí và tích cực sau hội nghị.
Thứ tư, việc không có một tuyên bố chung cũng có nghĩa là cả hai nước đã đàm phán tới cốt lõi của vấn đề và phải hiểu rằng sẽ không dễ dàng giải quyết vấn đề đó. Các cuộc đàm phán trong tương lai có thể phức tạp hơn, nhưng nếu giữ được sự kiềm chế và có tinh thần xây dựng trong việc xóa bỏ bất đồng, cả hai bên vẫn có thể đạt được các thỏa thuận trong tương lai.
Thứ năm, việc xóa bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên chỉ có thể đạt được bằng cách gây dựng niềm tin giữa Washington và Bình Nhưỡng. Do đó, như Tổng thống Mỹ đã đề cập trong cuộc họp báo sau hội nghị, hoãn thỏa thuận là điều tốt hơn việc đạt một thỏa thuận “tồi”, hay nói cách khác là một thỏa thuận không được thực hiện và đi kèm với sự thiếu tin tưởng giữa các bên.
Mạnh Hùng (TTXVN)
Video đang HOT
Theo Tintuc
Triều Tiên bị trừng phạt những gì và muốn Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt nào?
Cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã kết thúc mà không có bất kỳ một thỏa thuận nào được thông qua vì bất đồng giữa hai nước xung quanh vấn đề trừng phạt chống lại Triều Tiên.
Phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa là một trong hai lý do khiến Triều Tiên bị Liên Hợp Quốc và Mỹ trừng phạt - Ảnh: Internet
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà Trắng thì Triều Tiên đã đòi dỡ bỏ tất cả những trừng phạt chống lại họ, để đổi lấy việc nước này ngừng chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình cũng như cho thanh sát viên quốc tế đến giám sát chương trình hạt nhân.
"Về cơ bản, họ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn và chúng tôi không thể làm điều đó. Đôi khi bạn phải đi bộ và giờ là lúc như thế", ông Trump nói trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
Ngược lại, phía Triều Tiên cho hay họ chỉ yêu cầu dỡ bỏ 5 lệnh trừng phạt nhắm vào nước họ, điều mà Triều Tiên cho là "nhắm vào cuộc sống của người dân và nền kinh tế" của họ.
"Chúng tôi đã đưa ra các đề xuất có tính thực tiễn tại cuộc gặp lần này. Nếu Mỹ dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận nhằm vào nền kinh tế Triều Tiên nói chung và cuộc sống của người dân Triều Tiên nói riêng, chúng tôi sẽ dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở sản xuất hạt nhân tại Yongbyon. Triều Tiên đang phải chịu 11 lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và chỉ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ 5 lệnh trong số này", Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết trong buổi họp báo tối 28.2.
Trên thực tế Triều Tiên hiện đang gánh tổng cộng 19 lệnh trừng phạt, trong đó 11 lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và 8 lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc trên lý thuyết là nằm ngoài khả năng của Mỹ vì cần phải có sự đồng ý của các nước khác trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC). Với số lệnh trừng phạt này, Triều Tiên hiện đang là nước bị LHQ trừng phạt nặng nhất trên thế giới vì phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Ông Trump cũng tiết lộ là ông dự định sẽ dỡ bỏ bớt một số lệnh cấm vận chống lại Triều Tiên mà ông cho là "quá tệ".
"Tôi muốn gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quá tệ, bởi vì đất nước đó có rất nhiều tiềm năng để phát triển", ông Trump nói.
Các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên
Ngày 14.10.2005, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 1718 lên án vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên và áp đặt lệnh trừng phạt với nước này. Trong đó, có cấm vận vũ khí hạng nặng, công nghệ và vật liệu tên lửa cũng như một số mặt hàng xa xỉ nhất định.
Ngày 12.6.2009, UNSC ra nghị quyết số 1874 tăng cường các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Bình Nhưỡng.
Ngày 22.1.2013, UNSC ra nghị quyết số 2087 lên án việc phóng vệ tinh năm 2012 của Triều Tiên và các hoạt động phổ biến vũ khí của Triều Tiên.
Đến ngày 7.3.2013, UNSC thông qua nghị quyết số 2094 áp đặt biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ 3.
Ngày 2.3.2016, UNSC tiếp tục phê chuẩn nghị quyết số 2270 lên án vụ thử hạt nhân thứ 4 của Triều Tiên và các hoạt động thử tên lửa từ tàu ngầm của nước này trong năm 2015. Các biện pháp trừng phạt được tăng cường, trong đó có cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên.
Ngày 30.12.2016, UNSC thông qua nghị quyết số 2321 mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của nước này, trong đó có biện pháp trừng phạt đánh vào xuất khẩu khoáng sản của Triều Tiên như đồng, nickel,...
Ngày 5.8.2017, UNSC thông qua nghị quyết số 2371 tăng cường các biện pháp trừng phạt sau 2 vụ thử tên lửa liên lục địa của Triều Tiên trong tháng 7, trong đó có cấm xuất khẩu than và sắt.
Ngày 11.9.2017, UNSC đồng thuận thông qua nghị quyết 2375 tăng cường các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân lần thứ 6, đồng thời là vụ thử lớn nhất của nước này.
Ngày 22.12.2017, UNSC thông qua nghị quyết 2397 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với hoạt động cấm nhập khẩu dầu mỏ, cũng như các mặt hàng kim loại, nông nghiệp và xuất khẩu lao động của Triều Tiên.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương với Triều Tiên nhằm hạn chế nhiều hoạt động kinh tế hơn và nhắm vào một danh sách các cá nhân và doanh nghiệp lớn hơn so với các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Năm 2016, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên thêm vào các sắc lệnh đã được các đời tổng thống Mỹ liên tục đưa ra.
Năm 2017, một bộ luật được Mỹ bổ sung là luật mang tên: Ứng phó với các kẻ thù của nước Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt - Countering America's Adversaries Through Sanctions Act (CAATSA) trong đó có áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên.
Triều Tiên muốn bỏ những lệnh trừng phạt nào?
Phía Triều Tiên cho hay họ muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mới được đưa ra gần đây dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un vì những lệnh cấm vận này nhắm trực tiếp vào nền kinh tế cũng như đời sống người dân của họ.
Cụ thể, Triều Tiên muốn dỡ bỏ lệnh cấm từ 5 Nghị quyết số 2270, 2321, 2371, 2375, 2397 trong giai đoạn 2016 - 2017 của UNSC. Đối với Mỹ, Triều Tiên muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt trong Đạo luật H.R.3364.
Nhìn chung, Triều Tiên muốn bỏ các lệnh cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu máy bay cho Triều Tiên, cấm Triều Tiên xuất khẩu các loại khoáng sản như đồng, nickel, than và sắt.... Cuối cùng là cấm Triều Tiên nhập khẩu dầu mỏ, cũng như các mặt hàng kim loại, nông nghiệp và xuất khẩu lao động.
Thiên Hà (theo Global News)
Theo Motthegioi.vn
Việt Nam được gì sau hội nghị thượng đỉnh? Vị thế, vai trò và công tác chuẩn bị, tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên của Việt Nam được lãnh đạo 2 nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định như vậy tại phiên họp Chính phủ tháng 2-2019 vào sáng 1-3. Thành công có đóng góp lớn từ người dân...