Mỹ – Triều hội đàm về 240.000 tấn lương thực viện trợ
Ngày 7/3, Mỹ và Triều Tiên đã hội đàm tại Bắc Kinh để hoàn tất các chi tiết của thỏa thuận liên quan đến kế hoạch viện trợ 240.000 tấn lương thực cho Bình Nhưỡng. Đây là chương trình viện trợ lương thực đầu tiên cho Triều Tiên trong ba năm qua.
Phân phối hàng lương thực viện trợ tại Triều Tiên.
Tham dự hội đàm về phía Mỹ có Đặc phái viên Robert King và đại diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Jon Brause, về phía Triều Tiên có Vụ phó Các vấn đề về Mỹ của Bộ Ngoại giao An Myong Hun. Nội dung hội đàm tập trung vào việc giám sát hoạt động phân phối 240.000 tấn hàng cứu trợ nhằm đảm bảo số hàng này sẽ được chuyển đến đúng tay những người cần trợ giúp.
“Chương trình viện trợ lương thực mà chúng tôi thảo luận là một chương trình phức tạp nên đòi hỏi phải có lộ trình chi tiết về cách thức thực hiện”, ông Robert King cho biết.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong cả ngày và được chia làm hai phiên thảo luận, lần lượt diễn ra tại Đại sứ quán Triều Tiên vào buổi sáng và Đại sứ quán Mỹ vào buổi chiều.
Chương trình viện trợ lương thực là một phần của thỏa thuận đã được hai bên công bố hồi tuần trước, sau vòng đàm phán Mỹ – Triều lần thứ ba. Theo đó, Triều Tiên sẽ ngừng các vụ thử hạt nhân, ngừng phóng tên lửa tầm xa cũng như hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc sẽ được Mỹ viện trợ 240.000 tấn lương thực. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng chấp thuận cho các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại nước này giám sát việc ngừng hoạt động làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon.
Video đang HOT
Nếu được thông qua, đây sẽ là đợt viện trợ lương thực đầu tiên của chính phủ Mỹ cho Triều Tiên trong ba năm qua. Phần lớn số hàng này sẽ được ưu tiên dành cho các đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
Viện trợ lương thực cho Triều Tiên đã bị ngưng trệ từ năm 2009 sau khi nước này trục xuất các nhân viên Mỹ theo dõi hoạt động phân phối lương thực.
Liên hợp quốc ước tính hiện Triều Tiên đang bị thiếu hụt khoảng 400.000 tấn lương thực do tác động của thiên tai và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Khủng hoảng lương thực đã khiến 32% trẻ em ở Triều Tiên bị suy dinh dưỡng. Tại một số vùng, tỷ lệ này lên tới 45%.
Ông Bijaya Rajbhandari – đại diện của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Triều Tiên – cho biết số hàng viện trợ của Mỹ sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu lương thực trầm trọng tại nhiều tỉnh, thành của Triều Tiên. Năm ngoái, UNICEF đã xin được khoản ngân sách 20 triệu USD để tài trợ cho các hoạt động phân phối hàng cứu trợ và nâng cao sức khoẻ người dân Triều Tiên. Tuy nhiên đến nay quỹ này mới chỉ nhận được 1/3 trong tổng số tiền trên.
Theo Dân Trí
Đàm phán 6 bên - câu hỏi chưa có lời đáp
Việc Triều Tiên dừng chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực có thực sự dẫn đến ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hay không là câu hỏi nóng hiện nay.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần úy lạo binh sĩ hồi tháng 2. Ảnh: AFP
Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử vũ khí hạt nhân cùng các hoạt động làm giàu uranium và cho phép các quan sát viên quốc tế hoạt động ở khu vực nhà máy hạt nhân. Nước này cũng đồng ý dừng các cuộc thử tên lửa tầm xa để đổi lấy viện trợ về lương thực từ phía Mỹ. Động thái bất ngờ này của Bình Nhưỡng làm nhen nhóm hy vọng về chấm dứt thế bế tắc của các nỗ lực ngoại giao lâu nay về ổn định và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Khi Triều Tiên ngừng các hoạt động hạt nhân, sẽ giảm bớt mối lo ngại của chính quyền Obama trong năm bầu cử của Mỹ và chỉ tập trung vào các chương trình hạt nhân của Iran và các khả năng xảy ra xung đột giữa Isarel và Iran.
Mỹ và các nước khác đã theo dõi chặt chẽ các động thái của Triều Tiên kể từ sau khi Kim Jong-il qua đời, xem liệu có sự thay đổi lớn nào về mặt chính sách của Kim Jong-un so với cha mình hay không. Các dấu hiệu phát đi từ Bình Nhưỡng rất lẫn lộn. Chỉ vài ngày trước, Kim Jong-un vẫn tuyên bố một cách mạnh mẽ rằng sẵn sàng sử dụng vũ lực để chống lại Hàn Quốc, bảo toàn lãnh thổ và lợi ích quốc gia của mình. Và cũng chỉ một ngày sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, Bình Nhưỡng lại tuyên bố sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Hàn Quốc, do binh sĩ nước này "có hành động bất kính" với hình ảnh của lãnh đạo tối cao Triều Tiên.
Trong thỏa thuận nêu trên, Triều Tiên cũng đồng ý dừng các cuộc thử tên lửa tầm xa, sẽ phần nào giảm những căng thẳng trong khu vực Đông Bắc Á. Nhưng tuyên bố chung giữa Mỹ và Triều Tiên sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh ngày 23-24/2 không nhắc đến thời gian khôi phục lại vòng đàm phán sáu bên, bao gồm Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật về vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Triều Tiên cũng sẽ sắp xếp cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới giám sát việc ngừng các hoạt động hạt nhân của mình.
Quá trình từ thỏa thuận mới đây đến chỗ khôi phục được đàm phán 6 bên có thể gặp những trở ngại mới và tốn nhiều thời gian. Mỹ nói Triều Tiên phải thực hiện những cam kết của mình với Mỹ thì mới có thể khôi phục lại vòng đàm phán rộng hơn, thêm các nước khác bao gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng đồng ý dừng các nỗ lực hạt nhân để rồi lại phá vỡ các cam kết và rút khỏi đàm phán 6 bên. Nay, trong tuyên bố của mình, Triều Tiên dường như cũng để cho mình đường lùi, có thể lại quay lưng với các cam kết, khi nói nước này chỉ thực hiện thỏa thuận "nếu tiến trình của cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ".
"Mỹ vẫn luôn quan tâm và sẽ tiếp tục quan tâm", ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu sau khi nghe thông tin về quyết định của Triều Tiên. "Nhưng như tôi đã nói vào thời điểm ông Kim Jong-il qua đời, rằng chúng tôi hy vọng nhà lãnh đạo mới sẽ chọn cho mình hướng lãnh đạo người dân theo con đường hòa bình, bằng cách giữ đúng những lời hứa của mình".
Các quan chức và giới phân tích đưa ra những lý giải khác nhau về lý do chính phủ của Kim Jong-un đồng ý cho các thanh sát viên quay lại Triều Tiên, nhưng đa số đồng tình rằng Bình Nhưỡng có sự nhượng bộ nhất định. Sau nhiều năm đàm phán, Triều Tiên trục xuất các thanh sát viên và tiến hành các cuộc thử hạt nhân vào năm 2006, 2009. Các quan chức tình báo Mỹ cho biết Triều Tiên sở hữu 6 đến 8 vũ khí hạt nhân nhưng các bước tiến mới trong các chương trình làm giàu uranim tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon vẫn chưa được kiểm chứng.
Một số quan chức Mỹ cho rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận về ý định của Triều Tiên nhưng đa phần đều chắc chắn rằng Kim Jong-un đã ủy quyền cho đặc phái viên của mình đồng ý với đề xuất của Mỹ.
"Đây là một bước đi lớn trong thời kỳ chuyển giao lãnh đạo", Daryl G. Kimball, giám đốc điều hành trung tâm kiểm soát vũ khí của Washington bình luận.
Các nhà phân tích khác nói, thông qua thỏa thuận có thể thấy rằng Kim Jong-un đang muốn sử dụng quyền lực của mình để cải thiện đời sống cho dân chúng sau nhiều năm thiếu lương thực và bị nạn đói hoành hành. "Kim Jong-un muốn thể hiện với dân chúng rằng ông là một nhà lãnh đạo có thể đương đầu với Mỹ, đồng thời cũng mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể là viện trợ lương thực cho người dân". Kim Yong-hyun, nhà phân tích thuộc đại học Dongguk từ Seoul nói.
Trong thỏa thuận, Mỹ cho biết sẽ cung cấp 240.000 tấn lương thực. Viện trợ dự kiến sẽ được chuyển đến hàng tháng, mỗi tháng khoảng 20.000 tấn trong năm tới. Mỹ cũng nhấn mạnh sẽ giám sát chặt chẽ để viện trợ tới được tay người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, để đổi lại, Mỹ "đã chuẩn bị những bước để cải thiện mối quan hệ song phương với tinh thần tôn trọng chủ quyền và bình đẳng", đồng thời tiến hành trao đổi văn hóa, giáo dục, thể thao với Tiều Tiên.
Tuy động thái đầy bất ngờ này của Triều Tiên được các quan chức Mỹ đánh giá là tín hiệu đáng mừng, nhưng đồng thời cũng thận trọng nhận định thỏa thuận lần này "chỉ là bước khởi đầu" cho việc nối lại các cuộc đàm phán về hạt nhân. Và tín hiệu này đáng mừng đến đâu, thời gian sẽ cho biết câu trả lời.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đằng sau động thái mới của Bình Nhưỡng Thông báo hôm thứ tư vừa qua về một bước ngoặt ngoại giao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã được chào đón rộng rãi với cả hy vọng lẫn ngờ vực. Dư luận đang đặt câu hỏi tại sao Bình Nhưỡng lại sẵn sàng nhượng bộ, cũng như tại sao Mỹ tỏ ra nôn nóng tham gia viện trợ cho CHDCND Triều...