Mỹ tố “Trung Quốc sẽ tăng hiện diện quân sự ở biển Đông”
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản hoạt động bồi lấp ở biển Đông vào tháng 10 năm ngoái…
Ảnh do máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ chụp vào tháng 5/2015 cho thấy hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa – Ảnh: Hải quân Mỹ/Reuters.
Trong năm nay, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các hệ thống giám sát, tại các đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép trên biển Đông nhằm tạo ra “các căn cứ dân sự-quân sự” dài hạn trên vùng biển này – Lầu Năm Góc nhận định trong một báo cáo ra ngày 13/5.
Theo hãng tin Reuters, đây là báo cáo thường niên về hoạt động quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ gửi lên Quốc hội nước này. Báo cáo nói rằng hoạt động bồi lấp của Trung Quốc đã bổ sung thêm 1.300 hectare đất tại 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong vòng 2 năm.
Bản báo cáo cho biết Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản hoạt động bồi lấp vào tháng 10 năm ngoái, và từ đó đã chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm 3 đường băng dài 3 km có khả năng đáp ứng các loại chiến đấu cơ hiện đại.
“Sẽ có thêm nhiều cơ sở hạ tầng mới, bao gồm các hệ thống liên lạc và giám sát, được xây dựng tại các thực thể này trong vòng 1 năm tới”, báo cáo có đoạn viết. “Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các thực thể mà họ bồi lấp như các căn cứ dân sự-quân sự lâu dài nhằm tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện của họ trên biển Đông”.
Bản báo cáo được đưa ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh quân sự hóa trái phép trên biển Đông, trong khi Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải và tập trận ở khu vực châu Á.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nói Trung Quốc đang tập trung vào phát triển năng lực nhằm ứng phó với sự can thiệp từ bên ngoài trong bất kỳ cuộc xung đột nào, nhưng có vẻ Trung Quốc muốn tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ tại châu Á, xét đến những nguy cơ tổn hại về kinh tế.
Video đang HOT
Cùng với đó, “Trung Quốc thể hiện sẵn sàng chấp nhận mức độ căng thẳng cao hơn nhằm theo đuổi các lợi ích của họ, đặc biệt là theo đuổi các tuyên bố chủ quyền đơn phương”, báo cáo nhận định.
Cũng vào ngày 13/5, Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, tướng Joseph Dunford, chỉ huy cấp cao thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ của Mỹ, đã đề xuất một sáng kiến về “đẩy mạnh các cơ chế giảm xung đột” với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Trung Quốc, tướng Fang Fenghui.
Phát ngôn viên của tướng Dunford, đại tá Greg Hicks, cho biết cả hai bên đã nhất rằng đàm phán là cách tốt để “quản lý các vấn đề cả về hợp tác và căng thẳng, và để tránh những toan tính sai lầm”.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo rằng Trung Quốc đang quyết tâm duy trì tăng trưởng chi tiêu quốc phòng, bất chấp sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, và theo đuổi các mục tiêu ngày càng xa bờ biển nước này.
Một quan chức Lầu Năm Góc nói chi tiêu quốc phòng năm 2015 thực tế của Trung Quốc cao hơn con số được công bố chính thức. Theo vị này, Trung Quốc đã chi 180 tỷ USD cho quốc phòng trong năm ngoái, so với con số 144 tỷ như được công bố.
Theo VnEconomy
Lavrov: Nga còn ở Syria, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ không có cửa xâm nhập
Quân đội nước ngoài không thể khởi động một hoạt động mặt đất trái phép tại Syria trong khi lực lượng không quân Nga còn hiện diện tại quốc gia này.
Bình luận trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra khi được hỏi về báo cáo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng điều bộ binh tới Syria "nếu cần thiết".
"Tôi không nghĩ rằng ai đó sẽ quyết định chơi trò chơi nguy hiểm này và thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào do thực tế là lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang đóng quân ở Syria", RT dẫn lời ông Lavrov nói khi được hỏi về khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả Rập Saudi xâm nhập vào Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh RT
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng "cần phải răn đe những người đang cố gắng ủng hộ" một cuộc xâm lược quân sự vì nó "sẽ là một sự xâm lược trực tiếp", tờ Sputnik đưa tin cho biết thêm.
Ông Lavrov bày tỏ quan điểm cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hiện không có cớ nào để can thiệp quân sự vào tình hình ở Syria trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn đang được củng cố. Theo RIA Novosti ngày 5/5, hơn 50 nhóm đối lập ở Syria đã đồng ý tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga hậu thuẫn.
Phản ứng của Ngoại trưởng Nga được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói với Al-Jazeera rằng Ankara sẵn sàng để gửi quân tới Syria "nếu cần thiết" nhằm đảm bảo an ninh của mình.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ cố gắng che chắn cho những kẻ khủng bố thuộc tổ chức "Mặt trận al-Nusra" ở Syria bằng cách đẩy đường biên giới của khu vực ngừng bắn sang khu vực do nhóm này kiểm soát đáng kể.
Ông Lavrov cũng cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch buôn bán dầu và cổ vật với tổ chức IS, Mặt trận al-Nusra và cho phép các tay súng này đi lại tự do qua biên giới của mình.
Ankara nêu rõ quan điểm muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực kể từ đầu cuộc xung đột Syria. Theo ông Lavrov, bản chất của mối quan hệ Ankara và Washington khác với sự hợp tác của Moscow với chính quyền Assad ở Syria.
Chừng nào không quân Nga còn hiện diện ở Syria, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có cửa đặt chân tới.
Ông Lavrov cũng khẳng định: "Assad không phải là đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ ông ấy trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ nhà nước Syria, song ông ấy không phải là một đồng mình theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ".
Nhà ngoại giao này cũng lặp lại lập trường của Nga về sự cố chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga hồi tháng 12 năm ngoái là "một tội ác và sai lầm".
Theo Lavrov, Moscow nhận thấy quan điểm "tân Ottoman" (chủ nghĩa đế quốc) trong lập trường quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ khi đề cập đến tình hình Syria, cáo buộc Ankara đứng sau kế hoạch "vùng an toàn" hay "kế hoạch B" cho Syria và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã lộ "khát vọng bành trướng" qua hành động này.
Ngoại trưởng Nga tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn "mở rộng ảnh hưởng của mình và mở rộng lãnh thổ của mình" và dẫn ra bằng chứng là Ankara đã vi phạm không phận Hy Lạp 1.800 lần trong năm ngoái, trong khi NATO vẫn kín tiếng về vấn đề này.
"Loại hành vi này rõ ràng là bành trướng và nó sẽ không thể dẫn đến bất cứ điều gì tốt đẹp", ông Lavrov nhấn mạnh.
Hoàng Hải
Theo_Người Đưa Tin
NATO thảo luận tăng hiện diện biển Đen để đối phó Nga Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria và Romania có thể sẽ tăng cường hiện diện hàng hải ở biển Đen như một phần trong chiến lược của NATO nhằm ngăn chặn Nga, theo phó tổng thư ký NATO hôm 22-4. Hãng tin Reuters nhận định NATO đang tìm cách đối phó các động thái mở rộng quân đội của Nga tại Crimea và biển Đen,...