Mỹ tố Trung Quốc lén lút theo dõi tập trận quốc tế
Tờ Wall Street Journal cho biết, vào cuối tuần vừa rồi, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng, Trung Quốc đã cử một tàu hải giám “không mời mà đến” tới hải phận quốc tế ngoài khơi quần đảo Hawaii để theo dõi các hoạt động tập trận quốc tế. Hoạt động theo dõi này diễn ra giữa lúc chính Trung Quốc đang tham dự cuộc tập trận quốc tế vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tổ chức 2 năm một lần.
Năm nay đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tham dự RIMPAC. Sự có mặt của Trung Quốc tại cuộc tập trận quy mô lớn đã nhận được sự hoan nghênh của cả Bắc Kinh và Washington. Hai bên coi đây là một bằng chứng về mối quan hệ quân sự được cải thiện, bất chấp những căng thẳng leo thang về tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Một hàng không mẫu hạm tại RIMPAC 2014.
Tuy vậy, tờ Wall Street Journal bình luận, việc Trung Quốc cử tàu hải giám lén theo dõi cuộc tập trận RIMPAC một lần nữa cho thấy căng thẳng trong quan hệ song phương giữa nước này với Mỹ, đồng thời có thể làm gia tăng sự phản đối chính trị đối với việc Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc. Tàu hải giám là loại tàu có thể theo dõi tín hiệu điện tử và liên lạc của tàu thuyền khác.
“Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã phát hiện thấy một tàu hải giám của Hải quân Trung Quốc hoạt động gần Hawaii, ở khu vực bên ngoài lãnh hải Mỹ”, phát ngôn viên Darryn James của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết trong một tuyên bố.
Trao đổi với Wall Street Journal, ông James nói, “con tàu này chưa vào lãnh hải của Mỹ và vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế về tự do hàng hải. Hoạt động của con tàu không gây xáo trộn RIMPAC và chúng tôi cho rằng, điều đó sẽ không xảy ra”.
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố hay bình luận nào về vụ việc này.
Theo phát ngôn viên James, con tàu hải giám của Trung Quốc bị phát hiện ở hải phận quốc tế, nhưng bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà theo luật biển quốc tế kéo dài 200 hải lý kể từ bờ biển của Mỹ. Ông James nói, một số hoạt động của RIMPAC diễn ra trên hải phận quốc tế.
Ông James khẳng định, quan điểm của nước Mỹ là mọi tàu thuyền, bao gồm tàu thuyền quân sự, có quyền tự do hàng hải trên vùng đặc quyền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, và Mỹ vẫn thường thực hiện các hoạt động hải giám ngay bên ngoài lãnh hải của Trung Quốc. Theo luật biển quốc tế, lãnh hải của một nước kéo dài 12 hải lý kể từ bờ biển của nước đó.
Từ lâu, Trung Quốc vẫn yêu cầu Mỹ dừng các hoạt động hải giám trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng theo giới chức Mỹ, chính Trung Quốc đã cử một tàu hải giám tới vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ gần Hawaii để theo dõi RIMPAC 2012, cuộc tập trận mà Trung Quốc không được
“Chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy con tàu hải giám của Trung Quốc ở đây”, phát ngôn viên James nói. Theo ông James, không một nước tham gia RIMPAC nào khác cử tàu hải giám tới theo dõi cuộc tập trận. “Chúng tôi đã có những cảnh báo trước cần thiết để bảo vệ thông tin quan trọng về cuộc tập trận”.
Ông James cho hay, tàu hải giám của Trung Quốc đã theo dõi RIMPAC kể từ khi cuộc tập trận này bắt đầu vào hôm 26/6. RIMPAC năm nay sẽ kết thúc vào ngày 1/8.
Video đang HOT
Là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, RIMPAC năm nay có sự tham gia của 22 quốc gia, với 48 chiến hạm, 6 tàu ngầm, 200 chiến đấu cơ, và 25.000 sĩ quan và binh sỹ.
Trong một email gửi Wall Street Journal, phát ngôn viên James cho biết: “Theo như tôi được biết, đây là lần đầu tiên một quốc gia cử tàu hải giám tới theo dõi RIMPAC trong khi bản thân nước đó cũng tham dự RIMPAC”.
Trung Quốc cử 4 chiến hạm, 2 chiến đấu cơ, và 1.100 nhân sự tới RIMPAC năm nay, trở thành quốc gia có lực lượng lớn thứ nhì trong cuộc tập trận này, chỉ sau Mỹ.
Trung Quốc lần đầu đề nghị được tham dự RIMPAC vào năm 2012 và được Mỹ mời sau đó. Giới chức Mỹ cho biết, việc mời Trung Quốc dự RIMPAC là nhằm cải thiện quan hệ quân sự song phương và khuyến khích Hải quân Trung Quốc giám sát việc thực thi luật biển quốc tế.
Tuy vậy, sự tham dự của Trung Quốc tại RIMPAC gây tranh cãi vì cuộc tập trận này có sự tham gia của các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Philippines. Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật và Philippines đã gia tăng mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây. Ngoài ra, còn có một số lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp cận được với các bí mật quân sự của Mỹ.
Bởi thế, Trung Quốc chỉ được tham dự một số cuộc tập trận đơn giản tại RIMPAC năm nay trong các lĩnh vực như chống cướp biển, tìm kiếm, cứu hộ, tiếp tế…
Theo Vneconomy
Mỹ dự đoán kịch bản chiến tranh Trung Quốc Đài Loan
Trong báo cáo thường niên trình Quốc hội Mỹ mới đây, Lầu Năm Góc vừa đưa ra kịch bản tình huống Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan.
Không quân và hải quân Trung Quốc tham dự một sự kiện ở ngoại ô Bắc Kinh
Trong báo cáo mang tựa đề "Các phát triển về an ninh và quân đội có liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc", Lầu Năm Góc cũng thừa nhận khả năng Trung Quốc xâm lược Đài Loan tại thời điểm hiện tại là không thể xảy ra, trang tin Business Insider (Mỹ) cho biết.
Business Insider nhận định Washington hiện đang có quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự tích cực với Bắc Kinh lẫn Đài Bắc, đồng thời cũng đã rất thành công trong vai trò tạo cân bằng trong tranh chấp giữa 2 phía trong suốt 40 năm qua.
Nhưng nhìn chung, "Trung Quốc có vẻ đã sẵn lòng trì hoãn việc dùng vũ lực chừng nào mà nước này còn tin rằng quá trình thống nhất trong dài hạn vẫn khả thi và rằng chi phí tiêu hao cho chiến tranh vượt quá lợi ích đạt được", theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Sau đây là những gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc đánh Đài Loan do Lầu Năm Góc dự đoán:
1. Phong tỏa:
Chiến đấu cơ Trung Quốc tập trận ở thành phố Thanh Đảo
Các phân tích của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có miêu tả các phương án thay thế tiềm năng cho một cuộc tấn công đổ bộ truyền thống, trong đó bao gồm phương án "phong tỏa trên không và tấn công tên lửa để buộc Đài Loan đầu hàng", Lầu Năm Góc nhận định.
Bộ quốc phòng Mỹ cũng khẳng định rằng hải quân Trung Quốc thừa sức đánh bại quân đội Đài Loan nếu muốn bóp chết vùng lãnh thổ này.
"Trung Quốc ngày nay có lẽ vẫn chưa thể phong tỏa hoàn toàn Đài Loan, nhưng khả năng Trung Quốc làm được điều này này sẽ gia tăng đáng kể trong vòng 5, 10 năm tới", theo Lầu Năm Góc.
2. Chiến tranh bất đối xứng:
Trung Quốc có thể chọn phương án tiến hành một chiến dịch bao gồm các cuộc tấn công quy mô nhỏ, các chiến dịch do thám và tấn công mạng với mục tiêu làm suy yếu kết cấu xã hội Đài Loan.
"Một chiến dịch kiểu này có thể bao gồm các cuộc tấn công mạng máy tính hoặc tấn công chủ động để phá hoại hạ tầng chính trị, quân sự và kinh tế Đài Loan nhằm khiến dư luận Đài Loan sợ hãi và làm người dân mất niềm tin vào giới lãnh đạo", báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay.
3. Tấn công bằng tên lửa:
Một sĩ quan hải quân Trung Quốc đang đứng trên boong tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, neo đậu tại một căn cứ hải quân ở Hồng Kông
Toàn bộ Đài Loan nằm trong tầm bắn của tên lửa đất đối không và tên lửa đạn đạo tầm ngắn Trung Quốc, theo báo cáo của Lầu Năm Góc.
Tấn công liên tục bằng tên lửa sẽ "làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Đài Loan, vô hiệu hóa chính quyền hoặc bẻ gãy ý chí chiến đấu của người dân Đài Loan", Lầu Năm Góc bình luận.
4. Một cuộc chiến tổng lực:
Giới hoạch định chiến lược quân đội Trung Quốc từng công bố nhiều báo cáo phân tích sâu kết quả thực tiễn của một cuộc tấn công đổ bộ lên Đài Loan.
Chẳng hạn như phân tích có tên gọi "Chiến dịch Phối hợp Đổ bộ lên Đảo" đề xuất một chiến dịch lớn dựa vào các hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa công tác hậu cần, tiếp tế trên không và trên biển và chiến tranh mạng.
Báo cáo này cho rằng với khả năng hiện tại, Trung Quốc không nhất thiết phải phát động một cuộc xâm lược Đài Loan, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể bị cộng đồng quốc tế lên án nếu làm vậy.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể chiếm các quần đảo nhỏ có người sinh sống mà Đài Loan tuyên bố chủ quyền, theo nhận định trong báo cáo phân tích "Chiến dịch Phối hợp Đổ bộ lên Đảo".
Lầu Năm Góc cho biết, trong trường hợp Trung Quốc quyết định tấn công đổ bộ lên bờ biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ có một lợi thế vượt trội về quân số.
Trung Quốc hiện có 400.000 binh sĩ đồn trú quanh Eo biển Đài Loan, trong khi tổng số quân của Đài Loan chỉ vào khoảng 130.000 người.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi qua eo biển Đài Loan, nơi từng xảy ra 2 cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan trước đây, vào cuối năm 2011
Lầu Năm Góc nhận định một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ là phép thử về sức mạnh giữa một bên là khách hàng mua vũ khí lớn kiêm đồng minh của Mỹ và một bên là một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
"Một cuộc tấn công tổng lực của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan rất ít có khả năng xảy ra trong tương lai gần. Nhưng khả năng nó bùng phát vẫn đủ khiến cho các nhà làm luật Mỹ lo ngại", theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Theo Thanh Niên
Hàn Quốc phản đối tập trận Nga - Trung Theo tờ JoongAng Ilbo, Hàn Quốc lên tiếng phản đối cuộc tập trận chung của Nga và Trung Quốc đang diễn ra trên biển Hoa Đông với lý do khu vực tập trận lấn vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của nước này và cả Nhật Bản. Ảnh minh họa Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cáo buộc vùng cấm bay do Trung...