Mỹ “tố” tàu Trung Quốc áp sát “không an toàn” gần Trường Sa
Một tàu của Hải quân Mỹ đã có cuộc chạm trán “không an toàn” với một tàu chiến của Trung Quốc hôm 30/9 khi tàu Mỹ tiến hành hoạt động đảm bảo tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur (Ảnh: AFP)
“Một tàu khu trục Luyang (của Trung Quốc) đã tiếp cận tàu USS Decatur (Mỹ) trong một động thái không an toàn và thiếu chuyên nghiệp gần đá Ga Ven trên Biển Đông”, Đại tá Charles Brown, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói với CNN trong thông báo xác nhận về vụ việc xảy ra hôm 30/9.
Trước đó, CNN cũng dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ cho biết Hải quân Mỹ ngày 30/9 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quan chức Mỹ cho biết đây là một phần trong cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền sai trái, đi ngược với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, động thái triển khai tàu của Mỹ cũng nhằm thể hiện cam kết của Washington trong việc duy trì hoạt động tại các vùng biển và không phận quốc tế theo quy định.
Theo Đại tá Charles Brown, tàu chiến của Trung Quốc đã “thực hiện hàng loạt động thái gây hấn với cấp độ tăng dần, đồng thời phát cảnh báo yêu cầu tàu Decatur rời khỏi vùng biển”. Ông Brown cho biết tàu khu trục của Trung Quốc đã tới gần trước mũi tàu Mỹ và chỉ cách tàu Mỹ khoảng “41m”. Trước tình huống này, tàu Decatur của Mỹ buộc phải chuyển hướng “để tránh va chạm”.
“Các lực lượng của chúng tôi sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép”, Đại tá Brown nhấn mạnh.
Theo cựu Đại tá Hải quân Mỹ Carl Schuster, người từng có 12 năm làm việc trên biển, khi xảy ra tình huống chạm trán quá gần nhau, các hạm trưởng trên tàu chỉ có vài giây để quyết định xem có chuyển hướng di chuyển của tàu hay không. Ông Schuster nói rằng việc điều chỉnh bánh lái và tốc độ động cơ là rất cần thiết để giữ cho hai tàu cách xa nhau, thậm chí chỉ một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến va chạm.
“Tình huống này rất nguy hiểm. Các hạm trưởng sẽ rất căng thẳng khi các tàu cách nhau gần hơn 900m”, ông Schuster, hiện là Giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cho biết.
Liên quan tới sự hiện diện của tàu Decatur trên Biẻn Đông, một quan chức quốc phòng Mỹ đã xác nhận với trang tin The Hill rằng đây là một phần trong “các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải thường kỳ của Mỹ”.
“Các lực lượng Mỹ hoạt động tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương theo chu kỳ hàng ngày, bao gồm cả Biển Đông”, quan chức Mỹ cho biết.
Video đang HOT
Hồi tháng 5, Hải quân Mỹ cũng điều 2 tàu chiến di chuyển trong khoảng cách 12 hải lý xung quanh các đảo đá tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuần trước, Mỹ đã điều các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông trong một động thái khiến Trung Quốc “ nóng mặt”.
Ngoài tàu Mỹ, Hải quân Hoàng gia Anh đã đưa tàu tấn công đổ bộ HMS Albion di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi tháng trước. Đáp lại, Trung Quốc đã triển khai một tàu hộ vệ và hai trực thăng tới để áp sát tàu Anh.
Trung Quốc gần đây đã hủy cuộc họp an ninh cấp cao thường niên với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis dự kiến vào giữa tháng 10. Hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh hủy cuộc họp này là do căng thẳng gần đây giữa Bắc Kinh và Washington về hàng loạt vấn đề như thương mại hay thương vụ bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan hoặc hoạt động của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông và các vùng biển lân cận hay không.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Các nước dồn dập điều tàu chiến tới Biển Đông, gây sức ép với Trung Quốc
Trung Quốc đang đối mặt với thách thức ngày càng tăng trên Biển Đông khi các nước lớn liên tục điều tàu chiến và máy bay tới khu vực này để thực hiện các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ (Ảnh: AFP)
Theo nhận định của giới quan sát, sự hiện diện của các tàu chiến và máy bay trên Biển Đông gần đây không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ, mà còn giữa Bắc Kinh với Anh và Nhật Bản.
Trong vụ việc mới nhất, Mỹ ngày 30/9 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm thực hiện chiến dịch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Tàu USS Decatur đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Gaven và Gạc Ma trong chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ.
Phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown cho biết tàu khu trục Luyang của Trung Quốc đã ngay lập tức tiếp cận tàu USS Decatur trong một động thái "không an toàn" và "thiếu chuyên nghiệp". Tàu Trung Quốc đã áp sát ngay trước mũi tàu Mỹ ở khoảng cách chỉ hơn 40m và yêu cầu tàu Mỹ rời đi. Đáp lại, giới chức Mỹ tuyên bố các tàu và máy bay của nước này có quyền hoạt động tự do ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang căng thẳng do cuộc chiến thương mại khi hai bên liên tục áp thuế trả đũa lẫn nhau. Sau cuộc tuần tra của tàu USS Decatur trên Biển Đông, Trung Quốc đã hủy cuộc hội đàm an ninh, dự kiến diễn ra trong tháng 10, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và người đồng cấp Trung Quốc Wei Fenghe.
Máy bay B-52 Mỹ bay cạnh 2 máy bay chiến đấu F-15 Nhật Bản trên biển Hoa Đông hồi tháng 9. Các máy bay B-52 cũng thực hiện 2 chuyến bay liên tiếp qua Biển Đông (Ảnh: Pacific Air Forces)
Trước khi tàu USS Decatur tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông, Mỹ đã đưa các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Đông hai lần vào các ngày 23 và 25/9. Lầu Năm Góc cho biết chuyến bay của B-52 là "hoạt động thường kỳ nhằm nâng cao năng lực tương tác với các đối tác và đồng minh trong khu vực", đồng thời khẳng định quân đội Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng không, hàng hải và hoạt động ở bất cứ đâu vào bất cứ thời gian nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tiếp đó, "pháo đài bay" B-52 của Mỹ cũng tham gia huấn luyện với 12 máy bay chiến đấu F-15 và 4 máy bay F-2 của Nhật Bản trên biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo. Hoạt động này đánh dấu lần thứ 3 trong một tuần các máy bay ném bom của Mỹ hoạt động trên các vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Tàu hộ vệ MHS Argyll của Anh dẫn đầu tàu khu trục Inazuma và tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản tham gia cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương hôm 26/9 trước khi đi qua Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Theo các chuyên gia phân tích, sự hiện diện quân sự tăng cường của Mỹ trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã lan sang lĩnh vực an ninh. Ngoài ra, các động thái gần đây trên Biển Đông cũng cho thấy các đồng minh của Mỹ đang có xu hướng can dự nhiều hơn vào khu vực này.
Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Tuần trước, tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh đã tham gia tập trận chung với tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi đi qua Biển Đông. Tàu Argyll đến Biển Đông sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hồi đầu tháng 9 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nơi Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép. Trung Quốc đã điều một tàu chiến và các trực thăng tới thách thức sự hiện diện của tàu Anh.
Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ngày 13/9 đã triển khai tàu ngầm Kuroshio tham gia tập trận hải quân với các tàu chiến khác trên Biển Đông, trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của một tàu ngầm Nhật Bản trên Biển Đông. Mặc dù được tiến hành ở khu vực xa các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, song giới quan sát cho rằng cuộc tập trận có thể khiến Bắc Kinh bất an vì các tàu ngầm thường tạo ra mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn so với các tàu mặt nước.
Cân bằng lợi ích
Tàu ngầm Kuroshio của lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản lần đầu tập trận trên Biển Đông. (Ảnh: Kyodo)
"Không chỉ sự hiện diện của Mỹ mới là điều quan trọng trong những ngày gần đây. Chúng ta có thể thấy các cường quốc khác cũng đang tăng cường hiện diện quân sự trên Biển Đông. Tôi có thể nói rằng, ít nhất một số, nếu không muốn nói là toàn bộ, các quốc gia Đông Nam Á đang bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc", Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nâyng ở Singapore, cho biết.
Theo chuyên gia Koh, các nước Đông Nam Á đang tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, điều các nước Đông Nam Á mong muốn là vừa tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc vừa duy trì cam kết an ninh với Mỹ.
Các phi công Mỹ điều khiển máy bay P-8A Poseidon tuần tra trên Biển Đông trong tháng 9 (Ảnh: New York Times)
Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Á có thể đặt khu vực Đông Nam Á vào tình thế phải chọn một trong hai bên.
"Đối với các nước ASEAN, sự hiện diện tích cực của Mỹ ở châu Á có thể giúp cân bằng tham vọng ngày càng mở rộng của Trung Quốc và đây được xem là tín hiệu tích cực cho sự ổn định cũng như các lợi ích của họ. Tuy nhiên, một nguy cơ đặt ra là cuộc cạnh tranh chiến lược này sẽ nóng lên và ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định và hòa bình khu vực", chuyên gia Ni nhận định.
Theo chuyên gia Wu Shicun, giám đốc Viện Quốc gia Trung Quốc về Nghiên cứu Biển Đông, Bắc Kinh đã gia tăng các động thái cứng rắn nhằm thực hiện tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông kể từ khi bắt đầu các động thái xây đảo nhân tạo trong khu vực.
"Điều này đã gây sức ép với Mỹ và Washington đã kêu gọi các đồng minh như Nhật Bản, Anh, thậm chí cả Australia, để tiến hành các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Mỹ sẽ không rời khỏi Biển Đông. Mỹ vẫn là một nhân tố quan trọng trong khu vực này", ông Wu nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/ SCMP
Tàu Trung Quốc do thám cuộc tập trận RIMPAC Một quan chức Hải quân Mỹ hôm 13-7 cho biết một tàu do thám Trung Quốc đang hoạt động ngoài khơi đảo Hawaii để theo dõi cuộc tập trận đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC). Theo lời phát ngôn viên Charlie Brown của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tàu do thám của Hải quân Trung Quốc đã hoạt động...