Mỹ tính lập đội tàu chiến thường trực đối phó Trung Quốc
Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực tại Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.
Kế hoạch cũng bao gồm việc lập một chiến dịch quân sự có tên riêng tại Thái Bình Dương, cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phân bổ ngân sách và nguồn lực cho vấn đề Trung Quốc, hai nguồn tin cho biết ngày 15/6.
Các sáng kiến này dự kiến tiếp thêm sức mạnh cho tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Joe Biden về Trung Quốc, đồng thời gửi tín hiệu rằng chính phủ mới của Mỹ “nghiêm túc đối phó” hoạt động gia tăng sức mạnh quân sự và hành vi gây hấn của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, nguồn tin cho biết.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng đồng thuận với “lập trường đối đầu” của Mỹ trước Trung Quốc.
NATO tuần này tuyên bố Trung Quốc là “thách thức an ninh” và “đang tìm cách phá hoại trật tự toàn cầu”, 4 năm sau khi cựu tổng thống Mỹ Donald Trump coi đối phó với Trung Quốc là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan di chuyển trên Biển Philippines ngày 10/6. Ảnh: US Navy .
Sáng kiến thành lập lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương được đưa ra bởi Nhóm Công tác Trung Quốc của Lầu Năm Góc, được Tổng thống Biden thành lập hồi tháng 3 nhằm kiểm tra chính sách và quy trình liên quan đến Trung Quốc của cơ quan này.
Nhóm này, do quan chức phụ trách chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc Ely Ratner lãnh đạo, hoàn thành công việc gần đây và trình khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Video đang HOT
Một quan chức quốc phòng cho biết chưa có kế hoạch nào liên quan đến lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở Thái Bình Dương được hoàn thiện.
Các sáng kiến này được coi là “dấu hiệu đáng khích lệ” cho thấy Lầu Năm Góc thực hiện cam kết chuyển nguồn lực khỏi Trung Đông để đáp ứng nhu cầu tại Thái Bình Dương, cựu quan chức quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cho biết.
“Lực lượng đặc nhiệm và chiến dịch có tên riêng gợi ý cho tôi rằng họ sẽ tăng cường sức mạnh của lực lượng tập trung vào Tây Thái Bình Dương”, Colby nói. “Nếu lực lượng đặc nhiệm tập trung vào Tây Thái Bình Dương, chưa rõ đơn vị này sẽ tập trung vào Trung Quốc một cách công khai hay âm thầm”.
Các nguồn tin cho biết lực lượng đặc nhiệm hải quân phụ trách Trung Quốc mới sẽ được xây dựng theo mô hình Lực lượng Hải quân Thường trực Đại Tây Dương của NATO, vốn hoạt động trước và trong Chiến tranh Lạnh.
Hải đội này là lực lượng phản ứng nhanh chuyên đối phó với một cuộc khủng hoảng, song dành phần lớn thời gian di chuyển trong khu vực, tham gia diễn tập theo kế hoạch và thực hiện các chuyến thăm cảng.
Hải đội bao gồm 6-10 tàu của các quốc gia thành viên NATO, bao gồm khu trục hạm, hộ vệ hạm và tàu hỗ trợ, thường hoạt động trong đơn vị này tối đa 6 tháng.
Tiêm kích F/A-18F hạ cánh xuống tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Biển Đông ngày 14/6. Ảnh: US Navy .
Jerry Hendrix, chuyên gia của công ty tư vấn Telemus Group, cho biết lực lượng đặc nhiệm châu Âu cho phép các quốc gia tham gia “tối đa hóa ảnh hưởng trên biển và chuyên môn hóa các khoản đầu tư”.
Một lực lượng đặc nhiệm Thái Bình Dương hiệu quả sẽ bao gồm Anh và Pháp, các quốc gia đang tăng cường hiện diện quân sự tại đây, cùng Nhật Bản và Australia.
“Các sáng kiến được đề xuất sẽ là biện pháp răn đe vì thể hiện được sự thống nhất trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa thái quá của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và thương mại khi nước này đưa ra các yêu sách lãnh hải rộng lớn”, Hendrix cho biết.
Các nguồn tin chưa rõ liệu lực lượng đặc nhiệm phụ trách Trung Quốc sẽ bao gồm chiến hạm Mỹ hay cả lực lượng của các nước khác. Lầu Năm Góc chưa báo cáo cho quốc hội Mỹ về các kế hoạch trên.
Bộ trưởng Austin hồi tuần trước ban hành chỉ thị khởi xướng nỗ lực tại Lầu Năm Góc nhằm giải quyết các thách thức an ninh từ Trung Quốc, dựa trên cơ sở khuyến nghị về lực lượng đặc nhiệm của Ratner. Các quan chức quốc phòng Mỹ từ chối cung cấp thông tin chi tiết và cho biết nhiều sáng kiến là bí mật.
Nga "khoe cơ bắp" trước thềm thượng đỉnh Putin - Biden
Ít nhất 20 tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ, cùng với 20 chiến đấu cơ tân tiến nhất của Nga, đã tham gia cuộc tập trận quy mô lớn ở Thái Bình Dương ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Putin - Biden.
Hải quân Nga tham gia cuộc tập trận (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Nga đang tổ chức cuộc tập trận hải quân - không quân phối hợp quy mô lớn nhất ở Thái Bình Dương kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Theo Dailymail, việc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận quy mô lớn như thế này là nhằm phô trương lực lượng ngay trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đang rất được chờ đợi giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16/6 tới.
Ít nhất 20 tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ, cùng với 20 chiến đấu cơ tân tiến nhất, đã tham gia cuộc tập trận này. Hình ảnh và những video từ cuộc tập trận cho thấy, lực lượng của Nga theo dõi và tiêu diệt một tàu ngầm giả tưởng của đối phương.
Trong cuộc tập trận, các thủy thủ đoàn tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương đã bắn pháo phòng không "hỏa thần" AK-630 - được coi là vũ khí đáng sợ trên biển, và cả pháo hạm đa năng A-190, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Trong khi đó, theo hãng tin Sputnik, nhiệm vụ tìm kiếm và theo dõi tàu ngầm đối phương là của tàu chống ngầm mang tên Đô đốc Panteleye được trang bị vũ khí tên lửa dẫn đường, tàu chiến nguyên soái Shaposhnikov và 3 tiêm kích hộ tống.
Cựu Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Kravchenko cho biết: "Trong thời kỳ hậu Liên Xô cũ, chưa có cuộc tập trận nào quy tụ số lượng lớn các lực lượng quân sự quy mô như vậy".
Lãnh đạo Nga - Mỹ sẽ gặp nhau tại Thụy Sĩ vào ngày 16/6 tới (Ảnh: Getty).
Chuẩn Đô đốc Konstantin Kabantsov gọi cuộc tập trận lần này là "độc nhất vô nhị" do quy mô diện tích rộng lớn của Thái Bình Dương và nhấn mạnh thêm, "các cuộc tập trận như vậy chưa được bao giờ diễn ra... trong lịch sử gần đây của Hạm đội Nga".
Trước đó, Moscow cũng tuyên bố đã chặn một máy bay do thám của Mỹ trên Thái Bình Dương, ngăn máy bay này tới gần biên giới quốc gia. Hình ảnh video từ buồng lái của chiến đấu cơ Su-35 cho thấy, đó là máy bay do thám RC-135 của Mỹ.
Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden sẽ gặp nhau tại một biệt thự cổ tuyệt đẹp ở Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi ông Biden lên nắm quyền hồi tháng 1.
Cuộc họp thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và tiếp tục căng thẳng trong những tuần qua, nhất là sau khi ông Biden tuyên bố sẽ có lập trường cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm Donald Trump để đáp trả "sự hung hăng của Nga".
Hồi tuần trước, khi bắt đầu chuyến công du quốc tế đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden đã có cảnh báo cứng rắn gửi đến Moscow rằng: "Mỹ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ và có ý nghĩa nếu Nga tham gia vào các hoạt động có hại".
Theo Dailymail , trong một động thái như "thông lệ" lâu nay khi hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ gặp nhau, Tổng thống Biden sẽ tổ chức một cuộc họp báo riêng thay vì họp báo chung với người đồng cấp Putin sau hội nghị thượng đỉnh. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, cũng cho rằng việc tổ chức họp báo riêng là "thông lệ" của phía Mỹ và điều đó không có nghĩa là cuộc gặp tới không có nhiều triển vọng.
20 tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương của Nga rẽ sóng tập trận quy mô lớn Hải quân Nga đã tổ chức tập trận quy mô lớn ở khu vực Thái Bình Dương. Theo đài RT, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/6 cho biết cuộc tập trận diễn ra trên vùng biển quốc tế, có sự tham gia của 20 tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các tàu hỗ trợ. Ngoài ra, tập trận còn...