Mỹ tính lập căn cứ quân sự tại “tử huyệt” sát vách Nga
Ba Lan và Mỹ được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự của Washington tại vùng giáp biên giới với Kaliningrad, phần lãnh thổ tách rời của Nga gần biển Baltic.
Các thành viên đội đặc nhiệm Ba Lan tham gia cuộc tập trận của NATO tại vùng tây bắc Ba Lan năm 2014. (Ảnh: Reuters)
Các nguồn tin ngoại giao Ba Lan đã nói với báo Izvestiya của Nga rằng một căn cứ quân sự của Mỹ sẽ sớm xuất hiện tại khu vực rất gần với vùng Kaliningrad của Nga. Mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra, song vị trí để thiết lập căn cứ này dường như đã được chọn.
Khu vực dự kiến sẽ đặt căn cứ quân sự của Mỹ tại Ba Lan là thị trấn Orzysz, nơi cách Kaliningrad chỉ 140km. Một trong số các lợi thế khi Mỹ chọn triển khai tại Orzysz vì đây là khu vực có vị trí rất gần với biên giới Nga. Ngoài ra, đây cũng là nơi có cơ sở hạ tầng cần thiết, bao gồm khu vực huấn luyện.
Một lợi thế khác của việc đặt căn cứ quân sự Mỹ tại Orzysz vì đây là vị trí quan trọng ở Ba Lan, nơi có thể tiến hành các chiến dịch quân sự tấn công cũng như phòng vệ. Các chuyên gia Ba Lan tin rằng việc triển khai binh sĩ tại Orzysz không chỉ nâng cao năng lực phòng thủ của khu vực đông bắc Ba Lan, mà còn của các nước Baltic.
Theo các chuyên gia, sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ tại Orzysz sẽ bảo đảm năng lực phòng thủ hiệu quả hơn cho cả lãnh thổ Ba Lan. Tuy vậy, Mỹ khó có thể triển khai lực lượng quân sự hùng hậu, xét cả về nhân lực và sức mạnh tác chiến, chỉ tại một căn cứ quân sự duy nhất. Viễn cảnh khả thi nhất là Mỹ sẽ triển khai một lữ đoàn hoặc một sư đoàn tại đây.
Video đang HOT
Bản đồ vùng Kaliningrad và Ba Lan. (Ảnh: BBC)
Hồi tháng 9, chính phủ Ba Lan từng đề xuất ý tưởng cho phép Mỹ xây dựng một căn cứ quân sự ở Ba Lan lấy biệt danh là “Fort Trump”. Hiện có khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Ba Lan theo hình thức luân phiên. Giới nghị sĩ Ba Lan dường như cho rằng việc cho phép các binh sĩ Mỹ hiện diện thường trực tại nước này sẽ giúp nâng cao an ninh trong khu vực.
Tuy vậy, việc NATO tăng cường hiện diện ở cửa ngõ của Nga có thể sẽ khiến Moscow nổi giận. Nga luôn cho rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Đông Âu là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Nga từng cảnh báo nếu Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ba Lan, Moscow sẽ có biện pháp đáp trả.
Vùng Kaliningrad rộng 227 km2 giáp với Ba Lan và Lithuania, được coi là khu vực trọng yếu của Nga trong chiến lược đối phó với NATO. Nga đã triển khai dàn khí tài quân sự hùng hậu tới đây, bao gồm hệ thống phòng không S-400 hiện đại, tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander. Liên đoàn Các nhà Khoa học Mỹ (FAS) còn cho rằng Nga có thể đang cất trữ vũ khí hạt nhân tại một boong-ke ngầm dưới lòng đất mới được cải tạo gần đây ở Kaliningrad.
Kaliningrad là một khu vực biệt lập có chủ quyền của Nga trên bờ biển Baltic, sát cạnh một dải đất rộng 65 km nối giữa Lithuania và Ba Lan mang tên “Hành lang Suwalki” (Ba Lan). Hành lang Suwalki nằm gọn trong khu vực đặt hệ thống phòng thủ trên không của Nga đặt tại Kaliningrad, một phía khác lại giáp với đồng minh Belarus của Moscow, vì vậy nó được coi là “tử huyệt” của NATO.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Lộ hình ảnh Nga đang nâng cấp căn cứ quân sự gần cửa ngõ NATO
Loạt hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh cho thấy dường như Nga đang tiến hành nâng cấp ít nhất 4 cơ sở quân sự tại vùng Kaliningrad - một trong những khu vực chiến lược của Nga sát cửa ngõ NATO.
4 căn cứ quân sự của Nga ở vùng Kaliningrad đang trong quá trình nâng cấp.
Kênh truyền hình CNN đăng tải những hình ảnh phân tích từ công ty vệ tinh thương mại ImageSat International ghi nhận từ ngày 19/7 đến 1/10, khẳng định Nga đang tiến hành hiện đại hóa một cách đáng kể tại ít nhất 4 cơ sở quân sự ở vùng Kaliningrad.
Trong một hình ảnh khác, một kho quân sự gần Primorsk - cảng lớn thứ hai của Nga tại vùng Biển Baltic - đang mở rộng không gian hoạt động với việc xây dựng thêm 40 boongke mới. Những boongke mới được xây dựng vây quanh các boongke nhỏ và cũ hơn. Hình ảnh ghi nhận từ 18/7 các boongke còn đang trong quá trình xây dựng. 10 tuần sau, công trình hoàn thành.
Bên cạnh đó, dựa vào một hình ảnh vệ tinh khác, căn cứ không quân Chkalovsk của Nga có thêm đường ray mới và lắp đặt thêm một hệ thống hỗ trợ hạ cánh, cho phép máy bay có thể hạ cánh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Loạt hình ảnh cuối cùng cho thấy căn cứ Chernyakhovsk - nơi đóng quân của Lữ đoàn Tên lửa 152 - cũng đang được nâng cấp. Hồi tháng 2 vừa qua, căn cứ tiếp nhận tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander. Động thái này được Mỹ cho là "bước đi lớn nhất từ trước đến nay" của Nga liên quan đến quân sự hóa vùng biển Baltic.
Vùng Kaliningrad nằm giữa Ba Lan và Baltic, cách lục địa Nga 482 km về phía Tây, luôn được coi là một khu vực chiến lược đóng vai trò như chốt chặn trong trường hợp nổ ra xung đột khi căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang.
NATO trong khoảng thời gian gần đây cũng đã đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực Baltic. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn yêu cầu các thành viên NATO đầu tư nhiều hơn vào chi tiêu quốc phòng.
Kaliningrad không phải là biên giới duy nhất của Nga với NATO. Nga cũng có một biên giới nhỏ với Na Uy. Cuối tháng này, tại địa điểm đó sẽ diễn ra một cuộc huấn luyện lính thủy quân lục chiến Mỹ nằm trong khuôn khổ Trident Juncture - một cuộc tập trận quân sự lớn của NATO với sự tham gia của 50.000 binh sỹ, 10.000 xe, 150 máy bay và 65 tàu.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây hiện ở mức cao chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh, sau các cáo buộc đầu độc cựu điệp viên hai mang ở Anh, cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Mátxcơva.
Nguồn: Báo Tin Tức
Vì sao Nga nâng cấp 4 căn cứ quân sự gần NATO? Ngày 18/10, kênh CNN đưa tin Nga đã nâng cấp 4 căn cứ quân sự khác nhau tại cửa ngõ giữa Nga và NATO. Đã mấy chục năm trôi qua kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tại sao Nga vẫn phải chuẩn bị quân sự kỹ càng trước phương Tây như vậy? Hình ảnh vệ tinh cho thấy một hầm chứa...