Mỹ tính đối đầu quân sự với Nga ở Ukraina?
Thừa nhận các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đã không thể làm thay đổi quan điểm của Nga trong vấn đề Ukraina, Mỹ đang tính đến chuyện đối đầu quân sự với Nga tại chiến trường Ukraina bằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội chính phủ Kiev. Liệu một kịch bản chiến tranh quân sự Nga-Mỹ có diễn ra?
Một đơn vị đặc nhiệm của Ukraina
Trong gói ngân sách tài khóa 2016 giá trị 3,99 nghìn tỉ USD đưa ra ngày 2/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị chi 168 triệu USD để đối phó Nga. “Để tăng khả năng phục hồi đối với các chính phủ và nền kinh tế bị ảnh hưởng do áp lực từ phía Nga, gói ngân sách sẽ cung cấp thêm 117 triệu USD viện trợ trực tiếp nước ngoài nhằm chống lại các hành động gây hấn của Nga ở Ukraina và 51 triệu USD chống lại các hành động gây mất ổn định của Nga ở Moldova và Georgia”- theo dự thảo ngân sách của Mỹ.
Chính quyền Obama còn cho hay ngân sách năm 2016 cũng bao gồm khoản chi nhằm hỗ trợ NATO và Ukraina để ngăn chặn hơn nữa sức ép từ phía Nga trong khu vực. Ngoài ra, gói ngân sách mà Tổng thống Obama đề xuất còn bao gồm khoản chi 789 triệu USD để tiếp tục mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ khoản chi 789 triệu USD sẽ dùng để tăng cường an ninh và trấn an các đồng minh NATO cùng các đối tác châu Âu. Khoản ngân sách này sẽ cho phép Mỹ thông qua khuôn khổ sáng kiến cam kết châu Âu, tiếp tục gia tăng diễn tập quân sự, đào tạo và luân phiên hiện diện ở châu Âu.
Trước đó, báo New York Times cho hay, một bản báo cáo của 8 nhân vật từng đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng Mỹ đã được công bố hôm 2/2, yêu cầu chính phủ viện trợ cho Ukraina 3 tỉ USD vũ khí. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey đã bàn thảo vấn đề này.Tư lệnh liên minh NATO, tướng Philip Breedlove cũng đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraina. Từ khi tình hình đông Ukraina căng thẳng dẫn đến xung đột vũ trang, Mỹ chỉ cung cấp áo giáp chống đạn, quân phục mùa đông, radar chống tên lửa và máy bay trinh sát không người lái cho Kiev.
Theo hãng tin TASS của Nga, Tổng thống Mỹ Obama vẫn chưa đưa ra quyết định về việc cung cấp vũ khí sát thương (cho Ukraina). Tuy nhiên, sau một loạt thất bại nghiêm trọng của lực lượng Ukraina trong những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Obama đang xem xét một đợt viện trợ quân sự mới.
Ngày 2/2, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho hay Washington đang cân nhắc các phương án hỗ trợ chính quyền Ukraina trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai, trong đó có cả việc cung cấp vũ khí sát thương.
Chiến sự không ngừng leo thang tại miền đông Ukraina, các biện pháp trừng phạt kinh tế không làm Moskva thay đổi quan điểm về vấn đề Ukraina, các thỏa thuận ngưng bắn chưa bao giờ được tôn trọng. Đó là những lý do được phương Tây viện dẫn để nêu lên khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina.
Video đang HOT
Cuối ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lên tiếng cáo buộc Mỹ đang cố gắng sử dụng các biện pháp quân sự trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Phát biểu trong khuôn khổ chuyến thăm Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói: “Tôi có 2 ý kiến. Thứ nhất, hiện đã có thể xác nhận rằng, Mỹ ngay từ đầu đã trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraina. Thứ hai, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Obama cho thấy ý định của Washington đang tiếp tục làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính quyền Ukraina một cách vô điều kiện. Họ muốn sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này”.
Trong khi đó, các quốc gia đồng minh của Mỹ tại châu Âu đã khước từ đề nghị cung cấp vụ khí cho Ukraina. Ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraina, đồng thời khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán và một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và phe ly khai ở miền đông Ukraina. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Thủ tướng Hungaria Viktor Orban tại thủ đô Budapest, bà Merkel khuyến cáo phải khẩn trương khôi phục một thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina, theo những điều khoản của kế hoạch hòa bình Minsk. Bà tuyên bố: “Đức sẽ không ủng hộ Ukraina bằng vũ khí. Cuộc xung đột ở Ukraina không thể giải quyết được bằng quân sự”.
Pháp cũng luôn muốn là nhịp cầu giữa Nga với phương Tây để giải quyết khủng hoảng Ukraina bằng con đường ngoại giao. Paris không mấy mặn mà trước viễn cảnh cung cấp vũ khí cho quân đội của chính quyền Kiev thân phương Tây.
Cho đến nay, các nước phương Tây hy vọng, các đợt trừng phạt gây hậu quả lớn đối với kinh tế Nga sẽ khiến chính quyền Moskva phải xét lại chính sách của mình đối với Ukraina. Tuy nhiên, các biện pháp này hiện vẫn không thể làm thay đổi thái độ của ông chủ Điện Kremlin. Hồi tuần trước một số chuyên gia và lãnh đạo phương Tây cùng nhấn mạnh đến việc Nga cần đóng một vai trò quan trọng trong thế giới đa cực hiện nay. Mỹ cần để ngỏ cho Nga khả năng tìm thấy được vị trí của mình “xét về dài hạn” trong cộng đồng quốc tế, mà “Mokva được kêu gọi đóng một vai trò căn bản” là nhận định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger.
Tìm một thỏa hiệp, mở ra cho Nga khả năng đóng một vai trò lớn hơn trong cộng đồng quốc tế là chủ trương của ngoại giao châu Âu. Theo AFP, trong một tài liệu đang trong quá trình soạn thảo bị “lọt ra” ngoài, cách nay khoảng hai tuần, đại diện Ngoại giao châu Âu Federica Mogherini giải thích cần phải gác lại vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crưm sang một bên, để mở đường cho những phương thức đối thoại mới với Moskva. Trong chuyến công du Mỹ cuối tháng 1/2015, lãnh đạo Ngoại giao châu Âu nhấn mạnh: “Nước Nga là láng giềng của chúng ta, chúng ta không thể làm gì để thay đổi thực tế địa lý này. Vấn đề là cần phải xác định đối xử như thế nào với nước Nga trong bối cảnh có một xung đột trong hiện tại, và triển vọng quan hệ với Nga trong 2 năm, 5 năm hay 10 năm nữa”.
Trong cuộc phỏng vấn của CNN ngày 2/2, Tổng thống Barack Obama bày tỏ quan điểm rằng xung đột quân sự thực sự giữa Mỹ và Nga sẽ không phải là quyết định khôn ngoan, tuy nhiên, ông ta đe dọa sẽ “áp dụng các hành động quân sự để bảo vệ đồng minh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói những lời hùng biện hiếu chiến của Tổng thống Obama càng chứng tỏ rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ vô điều kiện cho Kiev đi theo giải pháp quân sự. Và điều này sẽ không bao giờ đem lại hòa bình thực sự cho Ukraina.
Theo giới phân tích, kịch bản đối đầu quân sự trực tiếp Nga-Mỹ rất khó diễn ra, tuy nhiên, Washington có thể đang “bổn cũ soạn lại” khi cân nhắc cung cấp vụ khí cho Ukraina để chống lại Nga. Một chiêu “mượn dao” giết người đã được Mỹ sử dụng thuần thục từ lâu. Trong xung đột giữa Ukraina, châu Âu với Nga trong tương lai, Mỹ sẽ đóng vai trò là ngư ông đắc lợi.
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes
Khủng hoảng Ukraina: Vì sao đàm phán thất bại?
Chiều tối 31/1, sau hơn bốn giờ thương lượng, cuộc đàm phán giữa đại diện các phe trong xung đột Ukraina tại Minsk, Belarus, đã không đi đến bất cứ thỏa hiệp nào. Đâu là nguyên nhân đằng sau sự thất bại này?
Xe tăng của phe ly khai ở Donetsk, miền đông Ukraina ngày 1/2/2015
Ngày 1/2, đặc phái viên của chính quyền Kiev, cựu Tổng thống Leonid Koutchma, đã rời thủ đô Belarus. Phát biểu với báo chí, ông cho hay các đại diện của phe ly khai miền đông Ukraina đã "phá hoại cuộc đàm phán với việc từ chối thảo luận về một kế hoạch cụ thể nhằm thực thi thỏa thuận ngừng bắn một cách nhanh chóng và rút các vũ khí hạng nặng" ra khỏi vùng chiến tuyến. Trong khi đó, một lãnh đạo phe ly khai, ông Denis Pouchiline, đổ lỗi cho phía Ukraina đã đưa ra "các tối hậu thư". "Tối hậu thư" cũng là lời lẽ mà đại diện của Kiev dùng để trách cứ phe ly khai trước đó.
Các thông tin do kênh truyền hình Nga Rossiya 24 công bố cho thấy đại diện các bên thương thuyết dường như không có thẩm quyền quyết định khi tham gia cuộc đàm phán lần này. Theo Reuters, cựu Tổng thống Kouchma - đặc phái viên của Kiev - đã chỉ trích việc hai lãnh đạo chủ chốt của phe ly khai (từng ký kết thỏa thuận 5/9) vắng mặt lần này.
Cuộc đàm phán thất bại ngày 31/1 là lần đàm phán thứ hai - kể từ thỏa thuận ngừng bắn 12 điểm ngày 5/9/2014 - giữa các đại diện của chính quyền Ukraina, của phe ly khai Ukraina và của nước Nga, dưới sự bảo trợ của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu OSCE.
Trên thực tế, thỏa thuận ngừng bắn mong manh - nhiều lần bị đe dọa do các đụng độ thỉnh thoảng lại nổ ra tại Donbass - đã tan vỡ cách nay hai tuần với xung đột bùng phát trở lại.
Theo các nhà quan sát, đàm phán lần này giữa chính quyền Kiev và phe ly khai thất bại là điều được báo trước vì tình hình chiến sự hiện đang nghiêng về phe ly khai. Việc ai thắng thế trên chiến trường sẽ có quyền áp đặt "tối hậu thư" cho bên kia.
Trước khi ngồi vào bàn đàm phán, phe ly khai đe dọa sẽ mở rộng chiến dịch phản công chiếm lại toàn bộ hai vùng Donestk và Lugansk, nếu thương lượng thất bại.
Hiện tại, các đụng độ nổ ra trên toàn đường chiến tuyến, theo Volodimir Poliovy, người phát ngôn quân sự Ukraina. Hiện tại, đụng độ giữa quân chính phủ và phe ly khai đặc biệt dữ dội xung quanh thị xã Debaltseve 25.000 dân một địa điểm chiến lược nằm giữa Donetsk và Lugansk, cách Donetsk khoảng 60 km về phía đông bắc. Khoảng một nghìn người đã sơ tán khỏi Debaltseve trong những ngày gần đây. Theo cảnh sát địa phương, thị xã này đã bị cúp điện, nước, khí đốt và thông tin liên lạc.
Theo phía ly khai, hiện 8.000 binh lính chính phủ Ukraina đang bị bao vậy tại Debaltseve. Tuy nhiên, đại diện quân đội Kiev khẳng định quân đội của họ hiện vẫn nắm quyền kiểm soát Debaltseve.
Giới phân tích dự báo, chiến sự sẽ còn tiếp tục và gia tăng mức độ quyết liệt ở Ukraina vì thật ra chìa khóa để giải quyết vấn đề là quan hệ giữa phương Tây và Nga chứ không phải giữa hai phe ở nước này. Kiev cần phương Tây hậu thuẫn về tài chính và quân sự, đồng thời ngăn chặn Nga hậu thuẫn phe chống đối thì mới có thể chiến thắng.
Chừng nào Nga còn ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina thì chừng đó chính phủ Ukraina, dù được Mỹ, EU và NATO hậu thuẫn đến mấy, vẫn không thể đánh bại phe này.
Căng thẳng, đối đầu giữa Nga và phương Tây có chiều hướng tiếp tục tăng bởi phương Tây dường như không biết phải xử lý thế nào ngoài tiếp tục tăng cường trừng phạt với kỳ vọng Nga rồi đây sẽ khó khăn về kinh tế, tài chính, tiền tệ và nội bộ đến mức phải thay đổi chính sách đối với Ukraina.
Trong khi đó, vì những lợi ích địa chiến lược mới lâu dài mà Nga không thể đáp ứng những điều kiện của phương Tây. Hai bên sẽ còn găng nhau nữa trước khi đi vào thỏa hiệp. Cho tới khi đó, hai phe ở Ukraina sẽ còn tiếp tục và gia tăng giao tranh để tạo thế trong giải pháp. Nhưng tất cả sẽ không để tình hình diễn biến vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.
Theo Nh.Thạch (tổng hợp)
PetroTimes
Người Việt ở Donetsk (Ukraina): Chỉ hy vọng bom đạn tránh mình Liên lạc với Donetsk (Ukraina) chiều 28.1, ông Trịnh Văn Tiên - Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Donetsk - vừa bắt máy vài giây đã hốt hoảng thông báo với chúng tôi có tiếng súng nổ ngay gần. Chiến sự lan rộng ở miền đông Ukraina đang đe dọa đến cuộc sống và việc làm ăn của cộng đồng người Việt...