Mỹ tiếp tục kêu gọi tuân thủ phán quyết từ PCA
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, phán quyết từ PCA là phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả Trung Quốc và Philippines.
Reuters ngày 31/8 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và nói rằng, sẽ không có giải pháp quân sự cho tranh chấp ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ được đưa ra khi ông đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Ấn Độ và đồng chủ trì Đối thoại Thương mại và Chiến lược giữa hai nước.
Ngày 12/7, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển đã ra phán quyết cho rằng, Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để tuyên bố “quyền lịch sử” đối với những tài nguyên biển trong cái gọi là “đường lưỡi bò” do Bắc Kinh đơn phương vẽ ra ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ nói với các sinh viên ở New Delhi: “Mỹ tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế – đó là phán quyết cuối cùng có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên”.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích ở Biển Đông – nơi có tuyến đường giao thương hàng hải “bận rộn” bậc nhất trên thế giới.
Video đang HOT
Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông và rằng, những hành động mà họ tiến hành ở Biển Đông, bao gồm cả việc cải tạo đảo quy mô lớn là vì mục đích hòa bình.
Trung Quốc cũng đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản và Australia đang “đổ thêm dầu vào lửa” làm căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Mỹ và Nhật Bản không ít lần tuyên bố rằng, họ không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng đứng về phía luật pháp quốc tế và ưu tiên hàng đầu là bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông.
Trong tuyên bố được đưa ra khi có mặt ở Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp lãnh thổ.
“Chúng tôi quan tâm đến việc không thổi bùng ngọn lửa xung đột mà thay vào đó khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp cũng như yêu sách của mình dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế và thông qua con đường ngoại giao”, ông Kerry nói.
Trước đó, trong tuyên bố chung Mỹ – Ấn Độ được công bố ngày 30/8 sau các cuộc hội đàm về an ninh giữa quan chức của hai nước, Mỹ và Ấn Độ tái khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng, các quốc gia nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, kiềm chế và tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực./.
Theo VOV
Biển Đông trong mắt Putin
Mới đây lên tiếng về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga quả quyết, "Nga không có ý định tham gia. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc không đứng về bên nào trong tranh chấp".
Tuy nhiên ngay sau đó, truyền thông khắp nơi loan tin về việc hải quân Nga - Trung sẽ cùng nhau tập trận ở đâu đó trên vùng Biển Đông, trong tháng 9 tới. Điều này đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người không khỏi hồ nghi đặt câu hỏi về sự xác tín cần thiết trong các phát ngôn.
Quân đội các nước tập trận chung không phải là chuyện mới mẻ, càng không phải là chuyện ngẫu hứng. Theo giới quân sự, các kế hoạch cho các cuộc tập trận thường được xây dựng cả năm trước.
Cả thế giới đang nín thở dõi theo các động thái của Putin liên quan đến cuộc tập trận chung với quân đội Trung Quốc trên Biển Đông, dự kiến diễn ra vào tháng 9. Ảnh: TASS
Trở lại với mối quan hệ thân hữu Nga - Trung. Trong vài năm gần đây, bên cạnh sự nồng ấm trong quan hệ kinh tế, hai nước ngày càng có nhiều cuộc giao lưu mật thiết về quân sự. Các cuộc tập trận chung giữa quân đội hai nước diễn ra thường xuyên, đặc biệt ở khu vực biển Hoa Đông, Biển Đen, Địa Trung Hải và vùng Viễn Đông.
Vậy thì vì sao cuộc tập trận giữa hai cường quốc này như truyền thông quốc tế đang loan tải lại thu hút sự quan tâm của công luận đến vậy?
Vì lần này, theo dư luận, quân đội Nga - Trung có ý định sẽ tập trận hải quân ở Biển Đông. Đây cũng là lần đầu tiên họ chọn tập trận tại vùng biển luôn nóng vì vấn đề an ninh hàng hải và tranh chấp lãnh thổ. Câu hỏi dư luận đang quan tâm là, động thái này sẽ mang tính biểu trưng hay ủng hộ thực tiễn? Đặc biệt nó diễn ra ngay sau khi Tòa trọng tài quốc tế vừa ra phán quyết liên quan đến chủ quyền Biển Đông giữa Philipines và Trung Quốc.
Nhìn lại chiều dài lịch sử mối quan hệ đậm kịch tính Nga - Trung, không khó để nhìn ra một thực tế về cái gọi là "trục xoay châu Á" mà Putin đang theo đuổi. Chính sách này được đúc kết khi quan hệ của người Nga và phần còn lại của châu Âu đang bị đóng băng. Điều đó cũng cho thấy bản lĩnh cường hùng của Putin khi ông quyết định bắt chặt tay với Bắc Kinh và thừa nhận sự trỗi dậy của châu Á sẽ đóng vai trò tích cực, là điểm tựa giúp Putin có thể vực dậy nền kinh tế vốn đang bị phương Tây dồn ép vào bước đường cùng.
Tuy nhiên chính trị và kinh tế thì có khi nào tách rời nhau được đâu. Có thể mục đích thì khách nhau, nhưng chính sự cần nhau trong giao thương đã góp phần vun đắp và đưa các quốc gia này xích lại bên nhau. Và họ cần cho thế giới chống mắt lên mà coi một thực tế, họ đang cùng nhau tồn tại, hùng mạnh.
Lãnh đạo 2 nước Nga - Trung vẫn khá kiệm lời về cuộc tập trận chung ở vùng nóng Biển Đông. Thận trọng là đúng bởi thế giới là rộng lớn. Moscow chắc chắn nhớ rằng, bên cạnh sự nồng ấm với Bắc Kinh, người Nga cũng đang tích cực mở cửa bang giao với ASEAN- nơi mà Việt Nam đang là một thành viên tích cực.
Hẳn nhiều người còn nhớ, Tổng thống Putin đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN tại Sochi hồi giữa tháng 5. Tuyên bố chung đã khẳng định chắc nịch về "quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích chung" đặc biệt về an ninh và thương mại.
Ông Putin đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí thúc đẩy hợp tác chính trị, an ninh, chống khủng bố và kinh tế "trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, chia sẻ trách nhiệm thúc đẩy hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Cũng tại Sochi dịp đó, một số nước ASEAN đã đề nghị Moscow giữ quan điểm trung lập về vấn đề Biển Đông.
Và có lẽ, "trục xoay châu Á" chính là một cột mốc quan trọng trong cam kết an ninh và chiến lược của Putin đối với vấn đề hòa bình an ninh thế giới, bao gồm cả khu vực Biển Đông.
Giờ thì thiên hạ đang nín thở dõi theo các động thái của người đứng đầu điện Kremlin liên quan đến cuộc tập trận chung với quân đội Trung Quốc trên Biển Đông, dự kiến diễn ra vào tháng 9, nếu có.
Theo Vietnamnet
Các hội đoàn Ba Lan và IACMV ủng hộ phán quyết về biển Đông Ngày 23/7 tại thủ đô Warsaw của Ba Lan đã diễn ra buổi lễ công bố và trao thư của Hội Quý tộc những người anh em Stanislaw gửi Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam với nội dung ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc...