Mỹ tiếp tục bay do thám căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
Dù Trung Quốc lên tiếng yêu cầu Mỹ giảm và chấm dứt các hoạt động bay do thám Trung Quốc, nhưng các chuyến bay của P-8 Poseidon vẫn tiếp tục với mục đích: Theo dõi tàu ngầm ở căn cứ tàu ngầm hạt nhân tại đảo Hải Nam.
Một tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (Type 094) mang tên lửa đạn đạo liên lục địa của Hải quân Trung Quốc – Ảnh: Hải quân Trung Quốc
Ngày 28.8, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân yêu cầu Mỹ giảm và chấm dứt các hoạt động bay do thám Trung Quốc, giữa lúc hai nước tiến hành cuộc họp bàn về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên không phận và vùng biển quốc tế, sẽ diễn ra tại Mỹ.
Tuy nhiên phát ngôn viên Lầu Năm Góc, đô đốc John Kirby tuyên bố Mỹ vẫn tiếp tục các hoạt động thường lệ này, với lý do các hoạt động quân sự là được phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo luật biển của LHQ (UNCLOS).
Lý do mà Mỹ gia tăng các chuyến bay trinh sát Trung Quốc chủ yếu là giám sát hoạt động của đội tàu ngầm hạt nhân của nước này bố trí ở đảo Hải Nam, theo Reuters.
Theo báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội đầu năm 2014, Trung Quốc đang có 3 tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) chạy bằng động cơ hạt nhân, vũ trang tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân JL- 2 bắn xa đến 7.400 km. Loại tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân này sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2014, theo dự báo của Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, đô đốc Samuel Locklear. Số tàu ngầm này sẽ tăng lên thành 5 chiếc trong tương lai gần.
“Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân là vũ khí nguy hiểm nhất trên trái đất, vì chúng hầu như là tàng hình, rất yên lặng và linh hoạt, nấp dưới lòng biển hàng tháng trời nên rất khó phát hiện”, ông John Keller, chủ bút tạp chí Military & Aerospace Electronics nhận định hồi tháng 6.2014, theo WSJ.
Video đang HOT
Chính vì vậy Mỹ thường xuyên bay trinh sát dọc bờ biển Trung Quốc. Chiếc máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon thuộc phi đội 6 chiếc bố trí ở Okinawa (Nhật Bản) từ năm 2013 thay cho đội bay EP-3 cũ kỹ thời chiến tranh lạnh, phụ trách trinh sát biển ở vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Ba chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn của Trung Quốc tại một căn cứ ở đảo Hải Nam – Ảnh: ChinaDefense
Tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, xa xa là lối vào của tàu ngầm được khoét sâu trong lòng núi – Ảnh: china-defense.blogspot.com
Ngày 19.8 qua, một tiêm kích J-11 của Trung Quốc đã bay cản đầu máy bay P-8 của Hải quân Mỹ ở khoảng cách chỉ 9 m, khiến Mỹ tố cáo máy bay Trung Quốc gây nguy hiểm cho P-8 và phi công thì không chuyên nghiệp. Sự việc xảy ra ở địa điểm cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông, trên vùng bắc Biển Đông.
Trung Quốc bác bỏ việc phi công “thiếu chuyên nghiệp” và yêu cầu Mỹ chấm dứt bay do thám.
Mỹ cũng từng đưa tàu khảo sát đến thăm dò căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Năm 2009, tàu thăm dò Impeccable đã bị 5 tàu Trung Quốc cản trở gần vịnh Bắc bộ và phải rút lui.
Chuẩn đô đốc Zhang Zhaozhong (Đại học quốc phòng, Bắc Kinh) mới đây nói với báo chí Trung Quốc rằng Trung Quốc phải bảo vệ hạm đội tàu ngầm trước sự do thám của máy bay Mỹ.
Ông ta hùng hồn nói rằng lâu nay sức ép của Trung Quốc là chưa đủ mạnh, và “Một con dao kề vào vào cổ họng mới răn đe được. Từ bây giờ, chúng ta phải bay gần hơn máy bay do thám Mỹ”, ông nói với Hoàn cầu Thời báo.
Các tàu ngầm chạy bằng động cơ hạt nhân mang theo tên lửa hạt nhân là vũ khí mà Trung Quốc đặt nhiều niềm tin hơn so với các tên lửa hạt nhân bố trí trên đất liền. Tên lửa trên đất liền khó sống sót trong đợt tấn công đầu tiên nếu có chiến tranh xảy ra, theo giáo sư Zhang Baohui, chuyên gia về an ninh tại Đại học Lingnan (Hồng Kông). Nhưng với tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân có thể đi xa dưới Thái Bình Dương mà không bị phát hiện cùng tên lửa có thể bắn tới Mỹ thì đó là “đòn giáng trả hạt nhân đầy hy vọng của Trung Quốc, bảo đảm cho khả năng giáng trả thứ hai”.
Do vậy sự bố trí các tàu ngầm này đã làm phức tạp các tính toán chiến lược của Mỹ, khiến Mỹ phải tăng cường bay do thám Trung Quốc, theo giáo sư Zhang.
Máy bay J-11 bay cản đường P-8 vừa qua là thuộc một đơn vị trên đảo Hải Nam cũng từng bay cản máy bay Mỹ liên tiếp 3 lần vào các tháng 3, 4 và 5.2014, theo Hải quân Mỹ. Hoàn cầu Thời báo còn tố cáo chiếc P-8 trước khi bị máy bay Trung Quốc cản đường đã thả các bộ thu thập tín hiệu tàu ngầm xuống biển.
Trung Quốc hiện có 70 tàu ngầm so với 72 chiếc của Mỹ và 18 chiếc của Nhật Bản, theo báo cáo Cân bằng quân sự 2014 của Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở London (Anh).
Đa số tàu ngầm của Trung Quốc đều hoạt động trên 25 năm, còn tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn tự đóng thì mới hơn nhưng rất ồn ào khi hoạt động trong lòng biển khiến dễ bị phát hiện, và đó là nhược điểm của nó.
Khu vực máy bay P-8 hoạt động còn có cả các hoạt động trinh sát khác của Mỹ gồm vệ tinh, các cảm biến dưới biển, tàu nổi trinh sát và tàu ngầm hạt nhân của Mỹ có căn cứ ở đảo Guam.
Do vùng biển Đông tương đối nông, khiến điều kiện hoạt động của tàu ngầm Mỹ khó khăn hơn khi đang tìm cách theo dõi tàu ngầm Trung Quốc, nên Mỹ coi trọng khả năng của máy bay P-8, theo nhận định của các nhà ngoại giao và quân sự châu Á và phương Tây.
Máy bay J-11 của Trung Quốc bay cản đầu máy bay trinh sát P-8 của Mỹ ngày 19.8 vừa qua – Ảnh: Hải quân Mỹ
Máy bay trinh sát và săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ – Ảnh: Hải quân Mỹ
Các sĩ quan Mỹ và Hàn Quốc đang thực tập chống tàu ngầm trên khu trục hạm USS John S. McCain (DDG-56) ngày 3.6.2014 – Ảnh: Hải quân Mỹ
Theo Tin Nóng