Mỹ thừa nhận Nga đã “hoàn toàn kiểm soát Crimea”
Các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 2/3 đã thừa nhận bán đảo tự trị Crimea của Ukraine đã được hàng ngàn lính Nga kiểm soát thành công và đây có thể là khởi đầu cho một cuộc xâm chiếm lớn hơn.
Binh sỹ được cho là người Nga ở làng, bên ngoài Simferopol, thủ phủ Crimea.
“Họ đưa quân tiếp viện bằng máy bay vào và đã dàn xếp xong”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Trong khi theo một quan chức Nga, “lực lượng Nga giờ đây đã kiểm soát hoàn toàn hoạt động của bán đảo Crimea.”
Hôm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết đã thảo luận vấn đề Ukraine với người đồng cấp Trung Quốc và quan điểm của họ trùng hợp nhau. Ông Lavrov cũng tuyên bố hai thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ liên lạc chặt chẽ trong vấn đề Ukraine.
Trong khi đó, lính biên phòng Ukraine thông báo có hoạt động tăng cường xe bọc thép gần một cảng bên phía Kênh Kerch của Nga. Đây là kênh biển hẹp chia cắt Nga và Ukraine. Tuyên bố từ người phát ngôn lực lượng biên phòng cho biết tàu Nga cũng đã di chuyển vào và vòng quanh thành phố Sevastopol, thuộc Crimea, nơi có căn cứ của Hạm đội Hắc Hải Nga và lực lượng Nga đã phong tỏa dịch vụ điện thoại ở một số khu vực.
Theo phóng viên BBC, Crimea hiện thực chất đang nằm dưới sự kiểm soát của lính Nga mặc dù không một viên đạn nào được bắn ra. 2 căn cứ quân sự lớn của Ukraine đã đầu hàng và các cơ sở chủ chốt khác như sân bay đã bị chiếm. Hàng ngàn lính tinh nhuệ mới của Nga mới được đưa đến Crimea, vượt xa số binh sỹ Ukraine.
Một quan chức Mỹ cấp cao khác cho hay điều họ quan tâm tiếp là liệu Putin “có tiếp tục điều quân tới các vùng khác của Ukraine” hay không.
“Chúng tôi đã thấy sự can thiệp ở Crimea”, quan chức này nói. “Tình hình thậm chí sẽ bất ổn hơn khi mở rộng sự can thiệp đó vào miền đông Nga”.
Video đang HOT
Quan chức này cho biết thêm: “Điều then chốt của chúng tôi là họ phải rút lại những gì họ đã làm, trở lại căn cứ của họ ở Crimea. Chúng tôi sẽ theo dõi rất, rất sát và dĩ nhiên sẽ rất rất quan ngại nếu thấy thêm leo thang ở miền đông Ukraine”.
Chính vì vậy Mỹ đã phái Ngoại trưởng Kerry tới Kiev vào ngày thứ ba, gặp gỡ chính phủ mới ở Ukraine và bày tỏ “ủng hộ mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay. Song, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về ảnh hưởng của ông Kerry cũng như các quan chức khác đối với Mátxcơva.
Theo ANTD
Putin đề nghị quốc hội Nga cho phép triển khai quân ở Ukraine
Tổng thống Nga Putin hôm nay 1/3 đã đệ yêu cầu lên Thượng viện Nga, đề nghị phê chuẩn việc sử dụng lính Nga ở Ukraine. Trong khi đó Ukraine cáo buộc Nga đã đưa thêm 6.000 quân vào Crimea
Những binh lính không rõ danh tính đang kiểm soát nhiều trụ sở quan trọng ở Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine
"Liên quan đến tình hình bất thường ở Ukraine và mối đe dọa đối với công dân Nga...tôi đã đệ trình Hội đồng Liên bang đề nghị cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị ở nước này trở lại bình thường", Điện Kremlin dẫn lời ông Putin cho biết.
Thượng viện Nga đã triệu tập một phiên họp bất thường vào ngày hôm 1/3, nhằm thảo luận về yêu cầu của ông Putin. Phái viên của ông Putin, ông Grigory Karasin, dự kiến trình bày trước Thượng viện về việc cần thiết phải sử dụng lính Nga ở Ukraine.
Thông tin về yêu cầu của ông Putinn được đưa ra sau khi Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine kêu gọi sự giúp đỡ của ông Putin để lập lại hòa bình tại khu vực này. Kremlin ngay sau đó đã "đáp lời" yêu cầu và cam kết sẽ giúp phục hồi lại sự yên bình ở điểm nóng Crimea, bất chấp cảnh báo phải "trả giá" của Washington.
Ông Putin cũng cho biết Nga cần phải bảo vệ quân nhân ở Hạm đội Hắc Hải đang đóng tại bán đảo Crimea của Ukraine "theo đúng hiệp ước quốc tế".
Đề nghị triển khai quân ở Ukraine của ông Putin được đưa ra dựa trên cơ sở điểm "G" của phần đầu điều 102 Hiến pháp Nga, cho phép sử dụng binh sỹ Nga bên ngoài biên giới đất nước.
Ngoài ra không có thông tin chi tiết thêm về tuyên bố của Kremlin và ông Putin chưa phát biểu trước công chúng về tình hình Ukraine kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất vào tuần trước.
Động thái của ông Putin được thực hiện sau khi lãnh đạo của cả thượng và hạ viện Nga vào ngày hôm nay kêu gọi ông có biện pháp đối với tình hình ở Ukraine và đặc biệt là ở bán đảo Crimea, nơi đa phần người dân ủng hộ thân Nga.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko trước đó cho biết có khả năng Nga "gửi một lượng giới hạn quân để đảm bảo an ninh Hạm đội Hắc Hải và công dân Nga".
Trong khi đó, chủ tịch Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện, ông Sergei Naryshkin, nhân danh tất cả các nghị sỹ, đã đọc bản yêu cầu ông Putin dùng "mọi khả năng" để phục hồi sự ổn định ở Crimea.
6.000 lính Nga đã được đưa vào Crimea?
Trong khi đó, chính quyền mới ở Kiev, Ukraine, hôm nay cáo buộc Nga đã phái thêm hàng ngàn binh sỹ tới Kremlin.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cho biết trong cuộc họp nội các đầu tiên của chính phủ mới rằng các lực lượng vũ trang Nga đã phái 30 xe bọc thép chở quân và thêm 6.000 binh sỹ vào Crimea, trong động thái giúp chiến binh ủng hộ Kremlin ở khu vực giành thêm độc lập khỏi các lãnh đạo ủng hộ thân châu Âu ở Kiev.
Ông Tenyukh cáo buộc Nga bắt đầu phái quân tới Crimea từ ngày thứ sáu "mà không cảnh báo và không có sự cho phép của Ukraine".
Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho rằng hàng chục binh lính vũ trang ủng hộ thân Nga đã tuần tra bên ngoài tòa nhà quốc hội tại thủ phủ Simferopol của Crimea. Những binh lính tương tự đã chiếm các tòa nhà chính quyền vào ngày thứ năm và chiếm quyền kiểm soát sân bay ở Simferopol cũng như một căn cứ quân sự gần đó vào ngày thứ sáu.
Lính biên phòng Ukraine cũng cáo buộc khoảng 300 nam giới có vũ trang trang "tận răng" đã tìm cách chiếm trụ sở chính của cơ quan này ở thành phố cảng Sevastopol của Crimea, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bán đảo nằm bên bờ Biển Đen này, là nhà của Hạm đội Hắc Hải Nga, với phần đa là người dân tộc Nga, đã bị chia cắt hoàn toàn với phần còn lại của Ukraine.
Sân bay quốc tế ở Simferopol đã không hoạt động từ cuối ngày thứ sáu và binh lính được trang bị súng trường không rõ danh tính đã lập một trạm kiểm soát tại đầu đường cao tốc chính của Crimea.
Theo AFP, khu vực như đang ở ngưỡng cửa của một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Ẩn họa ly khai, căng thẳng sắc tộc đe dọa Ukraine Nguy cơ tan rã của Ukraine lớn dần sau khi miền đông muốn tiếp nhận lực lượng chống bạo động vừa bị chính phủ tạm quyền giải tán. Lực lượng Berkut vừa bị giải tán ở Ukraine - Ảnh: Reuters Theo RIA-Novosti, quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ngày 26.2 tuyên bố lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut bị...