Mỹ thông báo tạm ngừng kế hoạch huấn luyện binh sỹ Ukraine
Đại diện lực lượng vũ trang Mỹ ở châu Âu ngày 6/3 thông báo nước này đã ngừng dự án huấn luyện binh sỹ Ukraine.
Binh lính Ukraine tại trạm kiểm soát thuộc khu vực miền đông Lugansk (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo quan chức trên, Chính phủ Mỹ trước tiên muốn xem thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine được tuân thủ như thế nào.
Đại diện quân đội Mỹ được dẫn lời nói: “Chính phủ Mỹ muốn các thỏa thuận Minsk được thực thi. Sứ mệnh huấn luyện binh sỹ Ukraine sẽ tạm dừng, tuy nhiên lực lượng Mỹ ở châu Âu sẵn sàng thực hiện sứ mệnh này nếu chính phủ quyết định thực thi nó.”
Hồi tháng Hai, Tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, ông Ben Hodges cho biết việc huấn luyện các binh sỹ Ukraine sẽ bắt đầu trong tháng Ba.
Mục đích của chương trình là “huấn luyện quân đội Ukraine tự vệ trước cuộc tấn công của các dân quân.”
Video đang HOT
Theo dự án, một lữ đoàn lính Mỹ sẽ huấn luyện ba lữ đoàn quân đội Ukraine./.
Theo (Vietnam )
Các bên tại Ukraine tranh cãi về việc rút vũ khí hạng nặng
Các bên tham chiến tại Ukraine đã tuyên bố cần phải duy trì lệnh ngừng bắn và tiến hành quá trình thu hồi vũ khí hạng nặng tại khu vực giao tranh.
Tuy nhiên, hiện các bên vẫn tranh cãi về việc thực thi thỏa thuận này.
Ngày 4/3, phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn quân đội Ukraine, ông Anatoly Stelmakh cho biết, quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn rút vũ khí hạng nặng thứ 2 ra khỏi đường ranh giới ở khu vực miền Đông.
Quan sát viên OSCE giám sát việc rút pháo của quân đội Ukraine
Theo ông Stelmakh, các lực lượng an ninh Kiev đang rút các khẩu đội pháo 152 ly khỏi đường chiến tuyến giữa hai phe tham chiến tại khu vực Donbass.
Ông Stelmakh cho biết thêm rằng, Kiev hy vọng phe đối lập cũng triển khai các bước đi tương tự.
Dự kiến, trong đợt rút vũ khí hạng nặng thứ 2 này, quân Chính phủ Ukraine sẽ rút các khẩu đội pháo 152 ly khỏi đường ranh giới 70km để tạo nên một vùng đệm phi quân sự giữa hai bên.
Thế nhưng, ông Eduard Basurin, Thứ trưởng quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tuyên bố, Kiev chưa có ý định rút hoàn toàn vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến, thậm chí còn dấu vũ khí để đánh lừa phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Ông Basurin cũng cáo buộc quân đội Kiev vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trong đêm mùng 3 và ngày mùng 4/3 khi nã pháo tới 11 lần về phía Donetsk, điều này cho thấy phía chính quyền Ukraine không thực hiện đúng cam kết rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến.
"Binh sỹ của phía chính phủ vẫn còn pháo kích. Họ vẫn sử dụng súng 120 ly để bắn pháo. Nếu họ tiếp tục còn bắn pháo thì buộc chúng tôi sẽ phải đáp trả", ông Basurin nói.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, chỉ riêng từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2 năm nay, tình trạng chiến sự leo thang ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 842 người, làm bị thương hơn 3.400 người khác và khiến hàng trăm người mất tích. Nhiều nạn nhân bị chôn vùi nhưng chưa được xác nhận là đã chết.
Bất chấp thực tế đó, phía Mỹ lại cân nhắc việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngày 4/3, Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ lần đầu lên tiếng ủng hộ việc nước này cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại phe đối lập, thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, James Clapper cũng có những phát biểu tương tự. Còn Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin trong chuyến thăm Nhật Bản ngày 3/3, đã thúc giục phương Tây hỗ trợ quân sự cho nước này và xác nhận nhiều quốc gia đang hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Việc đề xuất cung cấp vũ khí cho Ukraine hiện đang bị một số nước thành viên NATO như Pháp, Đức phản đối bởi lo ngại sẽ làm căng thẳng hơn nữa các cuộc xung đột giữa phe đối lập và quân chính phủ ở miền Đông.
Như vậy, mặc dù tình hình Ukraine được cho là đã có những dấu hiệu tiến triển nhất định khi giao tranh giảm đi rõ rệt nhờ thỏa thuận ngừng bắn được thực thi từ hôm 15/2.
Tuy nhiên, dư luận cũng không hy vọng nhiều vào tình hình Ukraine khi mà những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tiếp tục xảy ra, thương vong tiếp tục tăng cao và Kiev cùng lực lượng đối lập tiếp tục cáo buộc, đổ lỗi cho nhau./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV- Trung tâm Tin
Ai đang vi phạm thỏa thuận hòa bình ở Ukraine? Ngày 16/2 được dự kiến là một ngày quan trọng trong thỏa thuận ngừng bắn - khi cả hai bên - quân đội chính phủ Ukraine và quân nổi dậy đòi độc lập ở Donetsk và Lugansk có nghĩa vụ phải thu hồi vũ khí hạng nặng. Nhưng cho đến thời điểm này, không phải mọi chuyện đã diễn ra như dự kiến...