Mỹ thông báo góp 20 tỷ USD cho khoản vay của Ukraine
Ngày 22/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo Washington có kế hoạch đóng góp 20 tỷ USD cho gói vay của Nhóm Các công nghiệp phát triển (G7) dành cho Ukraine.
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 28/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu với báo giới tại Washington, Bộ trưởng Janet Yellen cho biết các nhà lãnh đạo G7 sắp hoàn tất kế hoạch cho Ukraine vay 50 tỷ USD. Theo bà, các nhà lãnh đạo có ý định hỗ trợ cho Ukraine vào cuối năm nay, nhưng vẫn còn một số công việc nữa để hoàn thiện các chi tiết. Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính Mỹ khẳng định khoản vay này không được cấp từ thuế của người Mỹ, mà được hỗ trợ bằng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga.
Trước đó cùng ngày, Nghị viện châu Âu đã phê duyệt khoản vay lên tới 35 tỷ euro (37 tỷ USD) cho Kyiv như một phần của gói tài trợ. Về phần mình, Nhật Bản có kế hoạch đóng góp 3,3 tỷ USD.
Trong khi đó, một nguồn tin của Bộ tài chính Pháp, một trong các nước G7, cho biết G7 vẫn đang thảo luận về các chi tiết cụ thể, thiết thực về cách thực hiện kế hoạch. Các nhà lãnh đạo đang nỗ lực đưa ra quyết định trong tuần này.
Video đang HOT
Các bộ trưởng tài chính G7 dự kiến sẽ thảo luận về các chi tiết của gói vay vào ngày 25/10 tại Washington (Mỹ).
Mỹ lo Nga nhận thấy dấu hiệu phương Tây mệt mỏi về xung đột ở Ukraine
Nga bắt đầu nhận ra những dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh phương Tây đang mệt mỏi, hoặc gặp khó khăn hơn trong việc tìm cách hỗ trợ Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Pravda ngày 17/4 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Washington và các nước G7 "hoàn toàn cam kết" hỗ trợ Ukraine, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua hỗ trợ quân sự và ngân sách khẩn cấp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Yellen nói: "Chúng tôi lo ngại rằng Nga bắt đầu nhận ra những dấu hiệu cho thấy Mỹ và các đồng minh phương Tây đang mệt mỏi, hoặc gặp khó khăn hơn trong việc tìm cách hỗ trợ Ukraine. Điều đó mang lại cho Moskva hy vọng rằng họ có thể kiên trì hơn chúng tôi và chờ đợi quyết tâm của chúng tôi sụp đổ".
Bộ trưởng Yellen cho biết bà đã có nhiều cuộc trao đổi về việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga và vấn đề trên sẽ được thảo luận tại cuộc họp của các nước G7 trong tuần này.
Bà Yellen cũng lưu ý rằng một số khả năng đang được thảo luận, từ tịch thu toàn bộ tài sản đến sử dụng chúng làm tài sản thế chấp. Quan chức Mỹ này cho biết Washington rất ủng hộ các sáng kiến gần đây của EU nhằm tịch thu tiền lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga.
Bộ trưởng Yellen nói thêm rằng không có lựa chọn nào bị loại trừ, nhưng chỉ ra rằng Ukraine cũng sẽ không thể sử dụng toàn bộ số tiền cùng một lúc, ngay cả khi tất cả tài sản phong tỏa đều bị tịch thu.
Trong khi đó, các nguồn tin của Reuters cho biết, một trong những đề xuất hứa hẹn nhất đang được xem xét là sử dụng tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc trái phiếu phát hành để giúp Ukraine mà không cần tịch thu tài sản.
Theo bà Yellen, các quan chức phương Tây đang đánh giá rủi ro liên quan đến bất kỳ hậu quả nào, bao gồm cả các hành động trả đũa từ Nga, nhưng bày tỏ tin tưởng rằng có thể giảm thiểu rủi ro.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho rằng phương Tây nên sử dụng toàn bộ tài sản bị phong tỏa của Nga chứ không chỉ sử dụng tiền lãi để giúp đỡ Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 21/3 vừa qua đã đồng ý rằng khối sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch sử dụng tiền lãi từ tài sản bị phong tỏa của ngân hàng trung ương Nga, đặc biệt là để trang bị cho Ukraine.
Vào ngày 20/3, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đề xuất chuyển tiền lãi thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga sang Ukraine. Theo kế hoạch, 90% số tiền này sẽ được chuyển đến quỹ trang trải chi phí vũ khí cho Ukraine.
Về phần mình, kênh RT (Nga) dẫn lời phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào sử dụng số tài sản của Nga mà Mỹ và các đồng minh châu Âu "đóng băng" cuối cùng sẽ dẫn đến hành động pháp lý. Ông bình luận về vấn đề này: "Tuyên bố rằng họ đã tìm được cơ sở hợp pháp để tiếp tục hành vi bất hợp pháp này là vô nghĩa".
Năm 2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi hành vi tịch thu tài sản này là điều không đứng đắn và nhấn mạnh rằng "việc đánh cắp tài sản chưa bao giờ mang lại điều tốt đẹp cho ai".
Mỹ tiết lộ ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc năm 2024 Trong bài phát biểu quan trọng tại sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung Quốc hôm 15/12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết kể từ cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Indonesia năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã chỉ đạo các quan chức Mỹ tăng cường liên lạc...