Mỹ thông báo đồng minh việc đưa tàu áp sát đảo Trung Quốc xây trái phép
Mỹ đã thông báo cho các đồng minh châu Á về kế hoạch đưa tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Mỹ thông báo đồng minh sẽ vào vùng giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông – Ảnh minh họa: Reuters
Tờ New York Times ngày 12.10 dẫn các nguồn tin từ giới chức quân sự của Mỹ và đồng minh châu Á của Mỹ cho hay Mỹ sẽ điều tàu tuần tra vào khu vực giới hạn 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.
Mỹ xem đó là hoạt động bình thường nằm trong quyền tự do hàng hải mà bất kỳ hải quân nước nào cũng được phép, cho dù Trung Quốc phản đối hay không, kể cả việc điều động tàu của Mỹ có thể gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh.
Các quan chức của Philippines nói với tờ New York Times rằng Manila đã được thông báo kế hoạch của Washington mấy ngày nay. Nghị sĩ Philippines, Antonio F. Trillanes IV, Chủ tịch Ủy ban an ninh và quốc phòng quốc gia cho biết ông ủng hộ kế hoạch của Mỹ.
“Mỹ đã tính toán kỹ lưỡng, họ sẽ không làm nếu điều này dẫn đến hậu quả ngoài dự đoán”, nghị sĩ này nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines, ông Albert F. del Rosario nhận định, việc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông “giúp duy trì ổn định khu vực”, và theo ông nếu Mỹ không làm “sẽ mặc nhiên thừa nhận những gì Trung Quốc đang làm là đúng và càng khiến Bắc Kinh tự tin rằng mình có chủ quyền toàn bộ Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Ngoại trưởng John Kerry sẽ bàn bạc kế hoạch tuần tra với đối tác Úc vào 2 ngày 12 và 13.10 ở thành phố Boston, Mỹ. Cuộc họp cũng có Đô đốc Harry B. Harris Jr, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương tham dự.
Video đang HOT
Thăm dò phản ứng của Bắc Kinh
Binh sĩ Philippines và Mỹ tập trận chung – Ảnh minh họa: Reuters
Chuyên gia cố vấn cao cấp về vấn đề Trung Quốc của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông Daniel Kritenbrink, cũng thừa nhận Nhà Trắng đã quyết định cho phép hải quân Mỹ đưa tàu vào tuần tra ở khu vực giới hạn 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo New York Times. Tuy nhiên, chưa rõ Mỹ sẽ triển khai kế hoạch khi nào.
Theo ông Kritenbrink, thực ra kế hoạch tuần tra khu vực giới hạn 12 hải lý này đã bị gián đoạn trong thời gian Washington đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì không muốn gây thêm căng thẳng cho 2 nước nhân chuyến công du lần đầu tiên này của lãnh đạo Trung Quốc, diễn ra hồi tháng 9.2015.
Nội các của Tổng thống Obama và các đồng minh châu Á bàn bạc kỹ về phản ứng của Mỹ trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhiều quan ngại cho rằng việc tuần tra vội vã của hải quân Mỹ có thể trở thành cái cớ để Bắc Kinh gia tăng xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, theo New York Times.
Tuần qua, Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối kế hoạch tuần tra của Mỹ, dù chính quyền Obama chưa chính thức tuyên bố kế hoạch mới này. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng việc tuần tra của Mỹ sẽ là sự thăm dò phản ứng của Bắc Kinh, nhất là phát biểu của ông Tập trong chuyến công du nước Mỹ vừa qua,
Chủ tịch Trung Quốc từng tuyên bố với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama rằng “Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu quân sự hóa ở Biển Đông”. Phát biểu này của ông Tập thực sự thách đố cho cả Mỹ lẫn các nước trong khu vực tranh chấp. Các nhà phân tích thắc mắc hàm ý của Bắc Kinh là gì khi lãnh đạo Trung Quốc dùng từ “quân sự hóa”. Họ cho rằng cần phải có động thái gì đó để hiểu rõ quan niệm “quân sự hóa” của Bắc Kinh thực chất là gì.
Đáp lại với phát biểu của ông Tập, Tổng thống Obama khẳng định Washington “sẽ tiếp tục đưa máy bay, tàu và tiến hành các hoạt động hàng hải ở bất kỳ nơi đâu thuộc vùng biển quốc tế (tất nhiên, trong đó có cả Biển Đông)”.
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) chỉ công nhận giới hạn 12 hải lý đối với đảo tự nhiên, không công nhận đối với đảo nhân tạo, bãi ngầm được xây dựng từ việc cải tạo đất. Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng 7 đảo nhân tạo trên các bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng đoạn bằng vũ lực.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Mỹ thông báo kế hoạch điều tàu vào sát đảo nhân tạo Trung Quốc
Các quan chức cho biết Washington đã thông báo ngắn gọn với các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tuần tra hải quân gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông.
Đô đốc. Harry B. Harris Jr. đứng bên một ảnh cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa. Ảnh: AP
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ hôm 8/10 nói rằng Washington đang xem xét triển khai tàu chiến vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa.
Theo NYTimes, các quan chức ở Philippines cho biết họ đã được thông báo về kế hoạch tuần tra trong vài ngày qua. Thượng nghị sĩ Antonio Trillanes IV F., chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia, hôm qua nói rằng ông hoan nghênh quyết định này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đã lên lịch thảo luận về việc tuần tra với phía Australia tại Boston ngày 12-13/10. Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, đô đốc. Harry B. Harris Jr., cũng được cho là có tham dự cuộc họp này.
Cố vấn cao cấp về Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Daniel Kritenbrink, nói với nhóm các nhà phân tích tại một cuộc họp ở Washington rằng, Nhà Trắng đã quyết định tiến hành tuần tra, theo một người dự sự kiện.
Ông Kritenbrink không nói rõ khi nào cuộc tuần tra sẽ diễn ra, nhưng ông cho biết nó vốn bị trì hoãn để không làm gián đoạn chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng 9, nguồn tin cho biết.
Tân thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, không nhiệt tình ủng hộ tuần tra như người tiền nhiệm Tony Abbott, nhà phân tích quốc phòng Hugh White nhận định. Ông Turnbull có khả năng phải thận trọng về việc đối đầu với Trung Quốc, ông White nói.
Tại Manila, thượng nghị sĩ Trillanes nói rằng nên tiến hành cuộc tuần tra. "Việc này khá nguy hiểm, nhưng ngay bây giờ, chúng ta cần phải biết Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ các đảo nhân tạo đó đến mức nào", ông nói.
Trillanes cho biết ông không lo ngại rằng động thái như vậy có thể làm tăng khả năng xung đột trong khu vực. "Mỹ đã tính toán rồi. Họ sẽ không làm điều này nếu căng thẳng leo thang cao hơn so với những gì họ dự đoán", ông nói.
Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario nói rằng các cuộc tuần tra của Mỹ sẽ giúp duy trì ổn định trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên tiến hành cải tạo đất phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hà Nội khẳng định mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của chính phủ Việt Nam đều phi pháp và vô giá trị.
Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo, tuyên bố hải quân Mỹ sẽ hoạt động ở mọi nơi luật pháp quốc tế cho phép.
Phương Vũ
Theo VNE
Nga nỗ lực tranh thủ đồng minh của Mỹ Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có một loạt cuộc gặp với giới chức cấp cao của Ả Rập Xê Út và UAE để bàn về việc hợp tác chống khủng bố ở Syria. Hoàng tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters Đây được xem là một nỗ lực bất...