Mỹ thắt chặt visa của các nhà báo Trung Quốc
Mỹ ban hành quy định mới thắt chặt việc cấp visa cho các nhà báo Trung Quốc nhằm đáp trả động thái trước đó của Bắc Kinh.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) ban hành quy định mới trên hôm 8/5, trích dẫn những gì được gọi là “sự đàn áp của Trung Quốc với tự do báo chí”. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 11/5, trong đó giới hạn visa của các phóng viên Trung Quốc trong thời gian 90 ngày, nhưng họ có thể nộp đơn gia hạn thêm tối đa 90 ngày.
Trước đó, hầu hết các nhà báo, phóng viên Trung Quốc đại lục ở Mỹ được cấp visa kéo dài theo thời gian làm việc của họ. Một quan chức cấp cao của DHS cho biết quy định mới sẽ cho phép cơ quan này xem xét đơn xin thị thực của các nhà báo Trung Quốc thường xuyên hơn và có khả năng làm giảm tổng số nhà báo Trung Quốc tại Mỹ.
“Điều này sẽ tạo ra sự bảo vệ an ninh quốc gia tốt hơn”, quan chức trên nói.
Các quy định mới sẽ không áp dụng cho những nhà báo có hộ chiếu Hong Kong hay Macau.
Một cảnh sát ngăn phóng viên chụp ảnh tại chốt an ninh gần sông Trường Giang, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters
Washington và Bắc Kinh những tháng qua có nhiều hành động trả đũa lẫn nhau liên quan đến các nhà báo. Hồi tháng 3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo trục xuất các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post khỏi đại lục, thậm chí cấm họ tác nghiệp tại đặc khu hành chính Hong Kong, đồng thời yêu cầu các cơ quan này cùng VOA và tạp chí Time cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động, tài chính và bất động sản của họ ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Trước đó vài tuần, chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú từ 160 người xuống còn 100 người.
Phóng viên của các hãng tin nước ngoài ở Trung Quốc là đội ngũ tích cực đưa tin về Covid-19 đầu năm nay, thậm chí từ những ngày đầu tiên khi dịch khởi phát ở Vũ Hán, cũng như phản ánh nhiều vấn đề nóng tại nước này.
Căng thẳng giữa hai nước gần đây gia tăng khi đại dịch lan rộng toàn cầu, khiến hơn 4 triệu người nhiễm nCoV, bao gồm gần 276.000 người chết.
Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng ông tin nCoV xuất phát từ một phòng thí nghiệm virus của Trung Quốc và cáo buộc nước này che giấu thông tin về đại dịch, nhưng từ chối đưa ra bằng chứng. Giới chức Trung Quốc và Viện Virus học Vũ Hán bác bỏ mọi cáo buộc. Hầu hết chuyên gia tin rằng virus có nguồn gốc từ một chợ bán động vật hoang dã.
Vũ Hán dần hồi sinh
Cô dâu mặc áo cưới, tạo dáng cùng chú rể bên Đông Hồ ở Vũ Hán, kéo vội khẩu trang xuống trong giây lát để chụp ảnh rồi lại kéo lên.
Ở công viên gần đó, một bé trai ngồi trên võng treo giữa tán cây, được ông nội đẩy qua đẩy lại, trong lúc những gia đình khác cắm trại và trải thảm ra bãi cỏ, tận hưởng buổi chiều chủ nhật nắng ấm.
Dấu hiệu của sự sống bắt đầu hồi sinh tại Vũ Hán, thành phố khởi phát Covid-19 ở Trung Quốc, khi người dân bắt đầu quay lại làm việc và vui chơi sau 76 ngày phong tỏa. Ở cây cầu gần sông Trường Giang, người ta xúm lại xem một người đàn ông múa hát, còn những người ưa bơi lội đang ngụp lặn dưới dòng nước.
Cô dâu chú rể sau buổi chụp hình ở Đông Hồ, Vũ Hán, hôm 20/4. Ảnh: AFP.
Trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi ở Vũ Hán mở cửa trở lại hồi cuối tháng 3. Khách hàng khi đó phải kiểm tra thân nhiệt, trình mã sức khỏe trên ứng dụng điện thoại, cho biết họ có nguy cơ nhiễm nCoV hay không.
Cuối tuần trước, một số cửa hàng nhỏ được phép mở cửa đón khách mà không cần kiểm tra thân nhiệt, còn cửa hàng ở khu mua sắm ngoài trời Hanjie đã ngừng kiểm tra mã sức khỏe.
Đường phố Vũ Hán thậm chí bắt đầu ùn tắc trở lại, với dòng xe chạy chậm trên đường tới ga tàu và những đường hầm xuyên qua sông Trường Giang trong giờ cao điểm tuần trước.
Học sinh cuối cấp trung học ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc sẽ quay lại trường vào 6/5, trong khi nhiều người lao động đã tới công sở làm việc.
"Có thể sẽ mất một thời gian nữa nhịp sống mới quay về bình thường, nhưng mọi thứ đang đi theo chiều hướng tốt", Bai Xue, 24 tuổi, nói.
Tuy số ca nhiễm mới trong thành phố đã giảm dần và nhịp sống bắt đầu khôi phục, nỗi sợ về người nhiễm nCoV không triệu chứng và các ca nhiễm ngoại nhập khiến Vũ Hán luôn đề cao cảnh giác.
Người đi tàu điện ngầm được khuyến khích quét mã QR để đăng ký chính xác toa tàu đã lên. Trước cửa các ngân hàng trên phố, người ta ngồi xếp hàng, cách nhau một khoảng an toàn. Các ủy ban khu phố tiếp tục theo dõi người ra vào khu dân cư, trong khi rào chắn ở nhiều nơi trong thành phố 11 triệu dân này vẫn chưa được dỡ bỏ.
Vũ Hán có lý do để sợ hãi vì cơn bão nCoV quét qua thành phố đã khiến hơn 50.000 người lây nhiễm và hơn 3.800 người tử vong. Thành phố công nghiệp cũng đối mặt với tình trạng kinh tế bất ổn, nhiều cơ sở kinh doanh bị tổn thất nặng tới nỗi không trả nổi tiền thuê nhà, trong khi lệnh hạn chế di chuyển trong thành phố ảnh hưởng tới việc bán hàng.
"Chúng tôi có rất ít, rất ít khách hàng", Han, 27 tuổi, chủ một quầy bán sữa đậu nành ở trung tâm Vũ Hán nói. "Mọi người đều lo lắng về người nhiễm không triệu chứng. Việc kinh doanh không tốt như trước".
Chính quyền đang kích cầu tiêu dùng bằng cách tung ra các "phiếu mua hàng" có tổng trị giá gần 71 triệu USD sử dụng ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng và quán bar toàn thành phố. Nhưng nhiều nhà hàng vẫn chưa mở cửa lại, còn những nơi đã mở cửa chỉ bán mang đi hoặc kê bàn ngồi ngoài trời.
Một người dân Vũ Hán đứng bên bờ nghỉ ngơi sau khi bơi lội ở sông Trường Giang hôm 16/4. Ảnh: AFP.
Trời tối, Vũ Hán lại chìm trong tĩnh lặng, đa số hộp đêm và quán bar vẫn bị cấm. Quán bar Hot & Crazy Sugar Daddy nằm bên sông Trường Giang là nơi giải trí duy nhất trong khu phố mở cửa tối thứ sáu, nhưng không một bóng khách hàng.
Ở khu vực gần Đại học Vũ Hán, đường phố vắng tanh vào thứ bảy, trong khi các quán ăn vỉa hè vốn đông sinh viên vẫn đóng cửa. Chợ đêm Huquan yên ắng sau hàng rào chắn. Người dân Vũ Hán cảm thấy còn quá sớm để ăn mừng.
"Cuộc sống của tôi không tốt lắm", Li Xiongjie, 30 tuổi, người dân địa phương mất việc vì dịch bệnh, nói. "Có điều, sống được là thắng rồi, sống sót là điều quan trọng nhất".
Hồng Hạnh
Học sinh cuối cấp mong trở lại trường 7/4 là ngày đáng nhớ đối với Yin Shirui, học sinh trung học sống tại thị trấn Cám Châu, tỉnh Giang Tây, vì được đi học sau thời gian dài nghỉ phòng Covid-19. "Tôi không thích ở nhà một mình cả ngày trong khi bố mẹ đi làm. Tôi cũng không thích học trực tuyến vì giáo viên không thể theo dõi trình...