Mỹ thăm dò chủ trương của Triều Tiên
Tại Bắc Kinh, giới chức ngoại giao cấp cao của Washington và Bình Nhưỡng đã có cuộc đối thoại đầu tiên kể từ sau cái chết của ông Kim Jong-il. Ngoài nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên, phía Mỹ rõ ràng muốn thăm dò chủ trương của Bình Nhưỡng qua cuộc gặp này.
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Glyn Davies trả lời với báo chí.
Phái đoàn Mỹ do ông Glyn Davies điều phối viên về chính sách Triều Tiên dẫn đầu thảo luận với nhà thương thuyết kỳ cựu Kim Kye-Gwan đại diện cho Bình Nhưỡng.
Video đang HOT
Cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế từ đó đến nay vẫn bế tắc.
Cuộc gặp gỡ hai bên lần này là nhằm khởi động việc nối lại vòng đàm phán 6 bên về Triều Tiên. Washington chỉ chấp nhận các cuộc tiếp xúc song phương trong khuôn khổ các vòng đàm phán 6 bên. Trước khi lãnh đạo Kim Jong-il qua đời ngày 17/12/2011, hai bên đã có 2 vòng tiếp xúc tương tự diễn ra vào tháng 7/2011.
Nhưng trong cuộc tiếp xúc, phía Mỹ chủ yếu muốn tìm hiểu xem Bình Nhưỡng có chủ trương mới nào từ khi Kim Jong Un lên lãnh đạo đất nước, đồng thời thăm dò khả năng nối lại vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Davies nói: “Cuộc gặp lần này còn nhằm giải tỏa những điều còn chưa rõ ràng về Triều Tiên trong hoàn cảnh mới như cụ thể chính sách của Kim Jong-un là gì, ông ấy muốn đưa đất nước theo hướng nào?”.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, “Cuộc đối thoại sẽ cung cấp dấu hiệu cho thấy liệu tân chính phủ của Bình Nhưỡng có sẵn sàng chấp nhận các điều kiện do Mỹ và đồng minh đưa ra về chương trình vũ khí hạt nhân của họ hay không”.
Kết thúc ngày đàm phán đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Glyn Davies cho báo chí hay: “Cuộc thảo luận hôm nay là bổ ích và nghiêm chỉnh, chúng tôi đã bàn với nhau về một số vấn đề”
Ông Kim Kye Gwan cũng nhìn nhận các cuộc thảo luận là “tích cực và thái độ hai bên là nghiêm túc” nhưng từ chối có nhìn nhận liệu cuộc đàm phán có “tiến bộ” hay không.
Cái chết của ông Kim Jong-il đã làm rối loạn dự định ngưng làm giàu urani của Triều Tiên để đổi lại viêc Washington viện trợ thực phẩm, trong các cuộc đàm phán.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã đơn phương rút khỏi vòng đàm phán sáu bên từ tháng 04/2009, vì cho là Mỹ có thái độ thù địch với họ. Ngay sau đó, Triều Tiên tiếp tục thách thức quốc tế bằng việc tiến hành vụ thử hạt nhân.
Các quan sát viên cho là trong lúc Bình Nhưỡng muốn có ngay thực phẩm thì Mỹ và các cường quốc khác muốn họ phải giữ lời hứa về chuyện giải giới vũ khí hạt nhân của họ.
Theo các nhà phân tích chính trị, có thể việc Triều Tiên trở lại đối thoại với Mỹ là động thái cho thế giới thấy chế độ của họ vẫn ổn định như trước khi lãnh tụ Kim Jong-il qua đời.
Sau cuộc tiếp xúc hôm qua, phái đoàn Mỹ sẽ gặp nhà đàm phán về vấn đề Triều Tiên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, trước khi lên đường tới Hàn Quốc.
Theo Dân Trí