Mỹ thách thức vùng phòng không của Trung Quốc, điều B-52 tới Hoa Đông
Mỹ đã điều 2 máy bay ném bom B-52 tới quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông, trong một động thái nhằm thách thức vùng nhận dạng phòng không mới thiết lập của Trung Quốc.
Máy bay ném bom hạt nhân B-52 của Mỹ.
Washington đã phát đi một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc hôm qua rằng đừng đi quá giới hạn trong các tham vọng lãnh thổ ở Hoa Đông bằng cách điều 2 máy bay ném bom hạt nhân B-52 bay qua vùng không phận tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào tối ngày 25/11.
Các chuyến bay của 2 máy bay Mỹ diễn ra 3 ngày sau khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên một khu vực rộng lớn, vốn bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Đại tá Steve Warren, hôm qua cho biết 2 máy bay Mỹ không phải khai báo khi chúng đi vào ADIZ tự nhận của Trung Quốc.
Theo ông Warren, Washington đã “tiến hành các hoạt động trong khu vực quần đảo Senkaku” và các máy bay đã làm theo “các thủ tục thông thường”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục thông thường của chúng tôi, bao gồm việc không phải thông báo kế hoạch bay, không phải phát tín hiệu radio trước và cũng không phải đăng ký tần số”, Đại tá Warren nói.
Không có phản ứng nào từ phía Trung Quốc, ông Warren nói thêm.
Giới chức Mỹ cho biết các máy bay B-52, không mang vũ khí, đã cất cánh từ đảo Guam hôm 25/11 và chuyến bay nằm trong khuôn khổ một cuộc diễn tập thông thường trong khu vực. Cả hai máy bay này sau đó đã trở về Guam.
Mỹ – vốn có hơn 70.000 binh sĩ tại Nhật Bản và Hàn Quốc – trước đó tuyên bố không tuân thủ vùng ADIZ tự nhận của Trung Quốc.
Video đang HOT
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói động thái của Bắc Kinh là một “nỗ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực”.
Nhà Trắng: ADIZ của Trung Quốc là sự khiêu khích vô cớ
Quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Nhà Trắng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các chuyến bay B-52, công khai phải đối ADIZ của Trung Quốc và hối thúc Bắc Kinh chú trọng vào các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp.
“Chính sách mà Trung Quốc công bố hồi cuối tuần qua là một sự khiêu khích vô cớ. Có những khác biệt không nên được giải quyết bằng những lời đe dọa hay ngôn từ khiêu khích, mà nên hoặc có thể được giải quyết thông qua con đường ngoại giao”, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói.
Về mặt chính thức, Mỹ luôn khẳng định không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Tokyo. Tuy nhiên, Mỹ có thể bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, theo ông Nicholas Szechenyi, một chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS).
“Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng bất kỳ một nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng một cách đơn phương hoặc thông qua các biện pháp ép buộc sẽ là không thể chấp nhận được. Các chuyến bay B-52 cũng nhằm thể hiện điều đó”, ông Szechenyi nhận định.
Tuyên bố thành lập ADIZ của Trung Quốc cũng ngay lập tức bị Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối hồi cuối tuần qua, khi cả Seoul và Tokyo đều triệu tập các nhà ngoại giao Trung Quốc tới để phản đối.
Tokyo đã yêu cầu 2 trong số các hãng hàng không lớn của nước này là ANA và Japan Airlines, ngừng không báo các kế hoạch bay cho giới chức Trung Quốc nhằm thể hiện sự phản đối của Nhật Bản.
Bắc Kinh chưa có phản ứng công khai trước các chuyến bay của Mỹ, nhưng Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước đó đã gửi công hàm phản đối tới đại sứ quán Nhật và Mỹ tại Bắc Kinh vì sự chỉ trích của Washington và Tokyo đối với ADIZ.
Trong bản đồ, đường liền màu xanh là ADIZ của Nhật, màu đỏ là ADIZ của Trung Quốc. Đường đứt màu xanh là vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, và đường đứt màu đỏ là vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh công bố vùng phòng không chồng lấn lên vùng phòng không của Nhật được xem là một phần trong tham vọng nhằm để quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được quốc tế công nhận là “tranh chấp”.
“ADIZ của Trung Quốc nằm trong chiến lược lâu dài của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền tại các vùng biển và vùng trời và tôi cho rằng chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều hành động như vậy nữa trong tương lai”, ông Szechenyi dự đoán.
Các chuyến bay B-52 là sự phô trương hiếm thấy về lập trường của Mỹ. Hồi tháng 3, Mỹ đã sử dụng chiến lược tương tự trên bán đảo Triều Tiên khi cho 2 máy bay ném bom bay qua lãnh thổ Hàn Quốc như một lời nhắc nhở Bình Nhưỡng không đi quá giới hạn.
Trong một động thái có thể gây ra những lo ngại về sự tham vọng của Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 26/11 đã điều tàu sân bay duy nhất – Liêu Kinh – cho sứ mệnh huấn luyện đầu tiên ở Biển Đông, trong bối cảnh có các tranh chấp biển với Philippines và các quốc gia láng giềng.
Theo Dantri
Trung Quốc lộ ảnh máy bay do thám không người lái tầm xa
Những hình ảnh đầu tiên về mẫu máy bay do thám không người lái tầm xa của Trung Quốc mới đây đã được đăng tải trên mạng, với những chi tiết giống mẫu RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Cùng lúc đó nước này cũng ra mắt mẫu máy bay cảnh báo sớm KJ-500.
Theo tờ Want China Times của Đài Loan, mẫu máy bay không người lái này được đặt tên là Changhang - viết tắt của từ "tầm xa" trong tiếng Trung Quốc. Nó có ngoại hình khá giống mẫu máy bay do thám Global Hawk của Mỹ, ngoại trừ thiết kế cánh kết hợp, giống một phiên bản máy bay không người lái khác của nước này là Guizhou Soar Dragon.
Máy bay không người lái Changhang của Trung Quốc
Một chuyên gia quân sự Trung Quốc khẳng định với Thời báo hoàn cầurằng mẫu máy bay không người lái mới này được thiết kế có hình dáng khí động học tốt hơn Global Hawk, dù bản vẽ của mẫu máy bay Mỹ này đã được dùng cho Changhang. Dù vậy, thiết kế động cơ và tải trọng của Changhang không thể so sánh được với Global Hawk.
Cho đến nay, không có thông tin nào để xác định liệu mẫu máy bay này là phiên bản cải tiến của người tiền nhiệm Guizhou Soar Dragon hay có gì khác biệt. Các mẫu máy bay không người lái của Trung Quốc đến nay có thiết kế rất giống nhau.
Ví dụ mẫu Chengdu Pterodactyl UAV, hay còn được gọi là WingLoong, của Tổng công ty công nghiệp hàng không Trung Quốc, và mẫu CH-4 do Tổng công ty khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ trông giống hệt nhau. Các thông số kỹ thuật của mẫu máy bay không người lái mới đến nay vẫn là bí ẩn.
Máy bay do thám Global Hawk của Mỹ
Tờ Defense News tại Mỹ từng đưa tin rằng Guizhou Soar Dragon được thiết kế bởi Tổ hợp công nghiệp hàng không Thành Đô, có trọng lượng cất cánh 7500 kg, tải trọng làm nhiệm vụ 650 km và tầm bay tối đa 7000 km. Do Changhang lớn hơn rất nhiều so với Guizhou Soar Dragon, có lẽ nó có thể có năng lực tương đương Global Hawk, và có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám chiến lược tầm xa trên biển Đông.
Cũng trong tuần qua, một mẫu máy bay cảnh báo sớm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc, thường được gọi là KJ-500, cũng đã được ra mắt trên website của quân đội nước này.
Sử dụng máy bay chở hàng Shanxi Y-9 làm thân, mẫu máy bay này từng bị nhầm với chiếc ZDK-03 thiết kế cho không quân Pakistan. Khi quan sát thấy chiếc máy bay được trang bị hệ thống radar APAR tương tự máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của không quân, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), các cư dân mạng nước này đã nhận ra đây là một mẫu máy bay hoàn toàn khác.
Máy bay KJ-500 mới được Trung Quốc công bố
Với bức ảnh của KJ-500 mang dấu hiệu rõ ràng của PLA, hãng thông tấn Tân Hoa Xã khẳng định đây là mẫu được thiết kế cho Trung Quốc, không phải Pakistan. Sau khi so sánh bức ảnh với một mô hình máy bay được ông Wang Xiaomo, trưởng thiết kế mẫu KJ-2000 cất giữ trong một bức ảnh khác, Tân Hoa Xã nhận định KJ-500 có thể là mẫu máy bay cảnh báo sớm thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Pakistan đã đặt hàng khoảng 4 chiếc ZDK-03 từ Trung Quốc trong một hợp đồng trị giá 300 triệu USD. Cũng giống như KJ-500, mẫu máy bay này sử dụng thân của máy bay Shanxi Y-9.
Theo Dantri
Tàu chiến, máy bay Mỹ xuất hiện khắp Châu Á Một chỉ huy hải quân cấp cao của Mỹ mới đây tiết lộ, nước này đã tăng đáng kể số lượng tàu chiến và máy bay được triển khai trên khắp khu vực Châu Á bất chấp việc Washington cắt giảm ngân sách. Nỗ lực này đã giúp củng cố thêm cho "chiến lược chuyển hướng trọng tâm" vào Châu Á của Mỹ....