Mỹ thả vũ khí cho người Kurd ở Kobani
Quân đội Mỹ hôm qua thả dù cung cấp vũ khí, đạn dược và vật tư y tế cho đội quân người Kurd ở thị trấn Kobani, động thái có thể khiến đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.
Lửa và khói bốc lên ở Kobani hôm 18/10 sau một đợt không kích của chiến đấu cơ liên quân quốc tế. Ảnh: Reuters.
Ba phi cơ vận tải C-130 đã thực hiện việc mà Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ (Centcom) gọi là “nhiều lần” thả dù hàng viện trợ thành công xuống khu vực lân cận thị trấn Kobani, trong đó có vũ khí hạng nhẹ do chính quyền người Kurd ở Iraq cung cấp.
Ba chiếc C-130 không được chiến đấu cơ hộ tống và rời khỏi khu vực an toàn, AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao cho hay. Người này loại trừ khả năng tái triển khai hoạt động này trong tương lai gần.
Số hàng viện trợ ” nhằm giúp chống lại những nỗ lực của Nhà nước Hồi giáo (IS, ISIL) hòng chiếm thị trấn Kobani”, Centcom cho biết trong một thông báo. Đợt thả hàng, gồm 27 bọc, diễn ra sau khi có thông tin IS hôm qua chịu tổn thất nặng nề từ những đợt không kích của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Một quan chức Mỹ nói binh sĩ người Kurd đã có nỗ lực “ấn tượng” khi đối mặt với tổ chức IS, đồng thời cảnh báo rằng Kobani vẫn có thể rơi vào tay phiến quân và tình hình an ninh “hay biến đổi”. “Hàng trăm” phiến quân đã bị tiêu diệt trong chiến dịch ở Kobani và “nhiều” trang thiết bị, vị trí của IS bị phá hủy, người này cho biết.
Polat Can, người phát ngôn lực lượng người Kurd ở Kobani, hôm nay thông báo một lượng lớn vũ khí và đạn dược đã được chuyển tới. Trong khi đó, Redur Xelil, phát ngôn viên lực lượng vũ trang thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) bày tỏ hy vọng sẽ nhận thêm viện trợ, Reuters cho hay.
Video đang HOT
Đây là lần đầu tiên Mỹ thả đồ viện trợ cho lực lượng người Kurd bảo vệ Kobani. Động thái này cho thấy Washington đang gia tăng nỗ lực hỗ trợ cho phe đối lập ở Syria, giúp họ chống lại cả phiến quân IS và chế độ Tổng thống Bashar al-Assad. Tuy nhiên, hành động của Mỹ cũng có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận.
Ankara từ chối can thiệp quân sự hay vũ trang cho người Kurd, lực lượng từ lâu đòi ly khai khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua một lần nữa từ chối lời kêu gọi từ Mỹ và đồng minh phương Tây, quyết không vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria, đồng thời mô tả họ là tổ chức khủng bố.
Trong diễn biến liên quan, chiến đấu cơ thuộc liên minh quốc tế đã không kích 11 lần tại khu vực gần Kobani trong hai ngày 18 và 19/10, giúp người Kurd đẩy lùi âm mưu của IS cắt đường viện trợ cho họ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Mỹ cho biết các đợt không kích làm giảm bước tiến của IS vào Kobani và Washington hiện đã triển khai hơn 135 đợt không kích tại khu vực này.
Vị trí thị trấn Kobani ở Syria. Vùng màu xanh là nơi cộng đồng người Kurd sinh sống. Đồ họa: WSJ.
Như Tâm
Theo VNE
Đời chiến binh chống phiến quân Hồi giáo
Gửi vợ con ở nhờ nhà anh trai tại biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, một chiến binh người Kurd quyết quay trở về cùng đồng đội bảo vệ thị trấn vùng biên Kobani.
Sheikh Ahmad cùng vợ và hai con tá túc tại nhà anh trai tại thị trấn Suruc của Thổ Nhĩ Kỳ, gần biên giới với Syria. Ảnh: AP.
Ở tuổi 22, Delkhwaz Sheikh Ahmad, ông bố hai con, đã dày dặn kinh nghiệm chiến trường, đang chiến đấu chống lại lực lượng gia tăng của các nhóm bị lôi vào cuộc chiến nhiều bên ở Syria.
Đến tuổi nhập ngũ, chàng thanh niên Sheikh Ahmad phục vụ trong quân đội của Tổng thống Bashar Assad khi phong trào nổi dậy ở Syria nổ ra năm 2011. Chàng trai người Kurd bị thương nặng tại Daraa trong lúc chiến đấu chống lại quân nổi dậy vào tháng 7/2011. Sau một lần bị thương, Sheikh Ahmad được đưa về quê hương, ngôi làng Metina, để chữa trị.
Tại đây, Sheikh Ahmad tham gia lực lượng tự vệ địa phương để bảo vệ ngôi làng và cuối cùng chiến đấu chống lại bốn nhóm nổi dậy riêng biệt: Quân đội Syria tự do thân phương Tây, Mặt trận Nusra có liên quan tới al-Qaeda, Lữ đoàn Raqqa và cuối cùng là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Tại một trong những bước ngoặt của cuộc chiến nhiều bên, Sheikh Ahmad gia nhập lực lượng dân quân người Kurd, Các đơn vị Bảo vệ Người dân, còn được biết đến là YPG, đơn vị kết nối các lực lượng với Lữ đoàn Raqqa chống IS.
Sheikh Ahmad mất hai người anh em họ cùng nhiều bạn bè trong cuộc chiến khắp khu vực này.
Khi IS tiến đến gần hơn vào giữa tháng 9, Sheikh Ahmad sơ tán gia đình gồm vợ Siham, 23 tuổi, và hai con trai: Dilyar, 2 tuổi, và Ibrahim, 3 tuổi, tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện họ sống cùng anh trai của Sheikh Ahmad ở Suruc, thị trấn thuộc biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sheikh Ahmad muốn trở về Kobani để cùng đồng đội bảo vệ thị trấn vùng biên. Ảnh: AP.
Đưa vợ con tới nơi an toàn còn bản thân người đàn ông này vẫn ở lại để bảo vệ thị trấn chiến lược Kobani của người Kurd ở Syria.
"Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ mảnh đất, thị trấn, ngôi làng của mình, nơi người Kurd sống", Sheikh Ahmad chia sẻ.
Vài tuần, ông bố hai con dành mấy ngày để qua biên giới, vào Thổ Nhĩ Kỳ thăm gia đình. Tuy nhiên biên giới không phải lúc nào cũng mở cửa, dù ngược về Syria hay sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện, anh cố gắng trở về Syria, cùng với một vài chiến binh khác để bảo vệ Kobani.
"Khó khăn nhiều, nhưng chúng tôi sẽ trở lại vì bạn bè mình đang ở đó. Chúng tôi phải vào được bên trong lãnh thổ Syria, ngay cả khi có gian khổ",AP dẫn lời Sheikh Ahmad nói.
Bình Minh
Theo VNE
Kobani - trận đánh về hình ảnh giữa Mỹ và IS Những đợt không kích dữ dội gần đây của Mỹ và đồng minh nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tại Kobani, Syria không chỉ nhằm giành chiến thắng về mặt quân sự mà còn muốn đánh về mặt tuyên truyền. Khói bốc lên từ thị trấn Kobani, Syria, nơi hứng chịu nhiều đợt không kích nhằm vào IS của Mỹ và đồng minh....