Mỹ tăng quân sang Iraq, Nga giao chiến đấu cơ
Mỹ vừa tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Iraq bằng cách điều thêm 300 binh sĩ nữa tới đất nước Vùng Vịnh.
Thông tin trên vừa được Lầu Năm Góc xác nhận.
Quân nổi dậy ISIS “tiếp tục đặt ra một mối đe dọa pháp lý đối với Baghdad và các vùng lân cận”, hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Mỹ. “Chúng ta đã thấy họ củng cố sức mạnh của mình quanh Baghdad, đủ để chúng ta tin rằng tăng viện quân là điều sáng suốt cần phải làm”.
An ninh ở Baghdad đang được siết chặt. (Ảnh: AP)
Đợt quân mới này với 200 người trong số họ đã đến Iraq trong các ngày 29 và 30/6 – sẽ đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ, sân bay Baghdad và các cơ sở khác ở Iraq, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.
Vị Thiếu tướng này cho biết thêm, việc triển khai quân kèm theo cả “một biệt đội máy bay trực thăng và các phương tiện trên không không người lái để hỗ trợ an ninh sân bay và các tuyến đường”.
Sân bay nằm ở phía tây Baghdad, cách đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh 20km.
Video đang HOT
Trước đó, Mỹ đã gửi 300 cố vấn quân sự tới giúp đào tạo các lực lượng an ninh Iraq. Với đợt bổ sung mới, tổng số quân Mỹ có mặt ở đất nước Vùng vịnh là 800 người.
Máy bay Su-25 của Nga được phía Iraq tiếp nhận. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Nga cũng vừa bàn giao cho Iraq 5 máy bay Su-25, đợt đầu trong số 25 chiến đấu cơ dự kiến sẽ được bán theo một hợp đồng giữa Moscow và Baghdad.
Một video của Bộ Quốc phòng Iraq ngày 30/6 cho thấy số máy bay này, với cánh chưa được lắp vào, đang được đưa tới các nhà chứa máy bay. “Số chiến đấu cơ này sẽ góp phần nâng cao khả năng chiến đấu của Không lực và phần còn lại của lực lượng vũ trang trong việc diệt trừ khủng bố”, thông điệp của Bộ trên nhấn mạnh.
Su-25 đã được đưa vào hoạt động hơn 30 năm và là một phần của Không lực Iraq dưới thời Saddam Hussein.
Mới đây, khi trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC, Thủ tướng Nuri al-Maliki đã nói rằng đà tiến công của quân nổi dậy lẽ ra đã có thể bị chặn đứng nếu Iraq có sức mạnh không lực đích thực nhờ các chiến đấu cơ mà nước này đang cố gắng mua của Mỹ. “Thẳng thừng mà nói thì chúng tôi đã bị lừa khi ký hợp đồng [với Mỹ]. Lẽ ra chúng tôi nên mua chiến đấu cơ của các nước khác như Anh, Pháp và Nga để đảm bảo sức mạnh không quân; nếu chúng tôi có sức mạnh đó thì chúng tôi đã có thể ngăn chặn được những gì vừa xảy ra”.
Iraq hiện đang ngập chìm trong bạo lực, với lực lượng quân nổi dậy đã chiếm được nhiều vùng rộng lớn. Theo số liệu của Bộ Nội vụ nước này, chỉ trong tháng 6 đã có 1.873 người thiệt mạng, trong đó có 355 binh sĩ Iraq và 130 sĩ quan cảnh sát.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Ý đồ của Mỹ khi mời TQ tập trận lớn nhất thế giới
Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.
Trung Quốc là một trong 22 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014 theo lời mời của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tham dự cuộc tập trận này, nhưng số tàu mà Bắc Kinh mang tới RIMPAC 2014 đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc(CCTV) đưa tin.
Việc Hải quân Trung Quốc(PLA) tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC đã tạo ra làn sóng chỉ trích trong chính giới Mỹ.
Chiến hạm Trung Quốc tới Trân Châu Cảng để tham dự tập trận RIMPAC 2014. Ảnh:Tân Hoa Xã
Cuộc tập trận năm nay kéo dài từ ngày 26/6 đến 1/8. Hải quân 22 quốc gia đưa tới RIMPAC 47 tàu nổi, 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 binh sĩ. Sự góp mặt của Trung Quốc thu hút sự chú ý của quốc tế trong bối cảnh mối quan hệ Washington - Bắc Kinh đang khá căng thẳng thời gian gần đây. Nhiều người cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không thể hóa giải những bất đồng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Hôm 14/6, 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc, gồm hai tàu khu trục, một tàu cung ứng và hai trực thăng, đã diễn tập bắn đạn thật tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Tạp chí Diplomat của Nhật Bản nhận định, trước năm 2010, RIMPAC không thực sự gây sự chú ý của toàn thế giới do chỉ 14 quốc gia thường xuyên tham gia cuộc tập trận hai năm một lần ngoài khơi quần đảo Hawai. Tuy nhiên, số quốc gia tham dự RIMPAC lần thứ 22 (vào năm 2010) bất ngờ tăng lên 22. Số nước đưa quân tới tham dự RIMPAC giữ nguyên trong năm 2012 và 2014.
Trong quá khứ, do Mỹ không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC nên các nhà phê bình Trung Quốc nhiều lần cáo buộc Washington cố tình cô lập họ. Giới truyền thông Trung Quốc thường gọi tập trận RIMPAC do Mỹ dẫn đầu là nỗ lực trắng trợn chống lại Bắc Kinh, song những lời chỉ trích đã giảm trong năm nay. Việc Lầu Năm Góc mời Trung Quốc sẽ minh bạch hóa hoạt động của hải quân các nước, đồng thời ngăn chặn những hiểu lầm. Nó rất có lợi cho Mỹ, nhất là trong bối cảnh Washington đặt mục tiêu tăng cường quan hệ quân sự, đặc biệt là hải quân, với quân đội Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đội tàu của Bắc Kinh chỉ xếp sau nước chủ nhà về số lượng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2014 khẳng định việc Trung Quốc tham gia RIMPAC sẽ không mang lại lợi ích lớn, nhưng nó tạo ra một đường dây thông tin liên lạc giữa Hải quân của Mỹ và Trung Quốc. Đường dây này chỉ phát huy hiệu quả khi mối quan hệ đôi bên căng thẳng.
Mỹ hy vọng sự tham dự của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn chuỗi hành động cứng rắn nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trong khu vực. Sự hiện diện của Trung Quốc còn góp phần củng cố uy tín của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Á và cho thế giới thấy ảnh hưởng của Washington. Ngoài ra, RIMPAC 2014 sẽ giúp Washington và Bắc Kinh phối hợp ăn ý trong các hoạt động cứu trợ thiên tai trong tương lai.
Mỹ biết rõ sự hiện diện của Trung Quốc ở RIMPAC 2014 không làm thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với các quốc gia trong khu vực hay khiến giới lãnh đạo Trung Quốc dè chừng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, Washington hy vọng Bắc Kinh sẽ từ bỏ tham vọng hất cẳng họ khỏi khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thấy khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ.
Theo Zing News
Giao chiến dữ dội ở nhiều điểm trọng yếu Iraq Phiến quân Hồi giáo và phe ủng hộ chính phủ đang đọ súng ác liệt để giành quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Baiji và sân bay Tal Afar ở miền bắc Iraq. Baiji cơ sở lọc giàu lớn nhất Iraq - hiện đang bị quân nổi dậy bao vây. Lực lượng này cũng tuyên bố họ đang nắm giữ phần lớn...