Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Philippines
Hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký ngày 28.4 cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines nhưng “không nhằm khống chế Trung Quốc”.
Tổng thống Obama (trái) bắt tay người đồng cấp Philippines Aquino sau cuộc họp báo chung – Ảnh: AFP
Hiệp định khung EDCA có hiệu lực 10 năm, ngắn hơn Mỹ mong muốn, đã được điều chỉnh để có thể ký kết chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama đến Manila. Hiệp định được giới quan sát đánh giá là một món quà mà Philippines muốn dành cho chuyến thăm của ông Obama. Các điều khoản chi tiết của EDCA chưa được công bố, trong khi những nguồn thạo tin cho biết phải mất một thời gian để hai bên đi đến những cam kết và hành động cụ thể.
Trên phương diện chung, EDCA cho phép Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự của Philippines, gồm cả quân cảng Subic mà quân đội Mỹ phải rút khỏi hồi năm 1992 do phản đối của người dân địa phương và một quân cảng tiếp vận quan trọng ở tỉnh Palawan giáp biển Đông. EDCA còn cho phép binh sĩ, chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ hiện diện luân phiên dài hạn hơn ở Philippines, bên cạnh đơn vị cố vấn chống khủng bố 700 người đóng tại miền nam nước này lâu nay. Ngoài ra, Mỹ cũng được phép triển khai tại các căn cứ hiện có của Philippines các phương tiện và thiết bị cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khắc phục thiên tai.
Video đang HOT
Đổi lại, hiệp định cho phép Philippines mua sắm khí tài quân sự cũng như xây dựng hạ tầng để triển khai các phương tiện này một cách dễ dàng hơn. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Batino nói rằng thỏa thuận sẽ “giúp Manila có được phương tiện quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu”. Còn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định EDCA là “nền tảng hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Giữa lúc quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đang gặp nhiều căng thẳng trong vấn đề tranh chấp biển Đông, Manila dành cho Tổng thống Mỹ sự đón tiếp nồng hậu. Báo chí Philippines đưa tin từng phút về hoạt động của ông Obama ngay khi máy bay của ông hạ cánh xuống Manila chiều qua.
Tuy vậy, công chúng và báo chí Philippines, mang trong mình kỳ vọng về một cam kết mạnh mẽ nào đó của ông chủ Nhà Trắng trong việc bảo vệ đồng minh nếu có xung đột quân sự, có lẽ hơi thất vọng. Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài truyền hình ABS-CBN về vấn đề này tại cuộc họp báo chung sau hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino III, ông Obama chỉ lặp lại lập trường “không đứng về bên nào” trong tranh chấp biển Đông. “Chúng tôi hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Chúng tôi có quan hệ xây dựng với nước này. Mục tiêu của chúng tôi không phải là đối kháng, không phải là khống chế Trung Quốc”. Khác với những gì ông cam kết với Tokyo trong tranh chấp ở biển Hoa Đông giữa Nhật và Trung Quốc trước đây vài ngày, ông Obama chỉ lặp lại tại Manila lập trường quen thuộc của các quan chức Washington là tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, tuân thủ công pháp quốc tế, không cưỡng bức và khủng bố tinh thần. Ông Obama cũng khẳng định Mỹ ủng hộ Philippines trong việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế.
Bên cạnh vấn đề hợp tác quốc phòng, hai nhà lãnh đạo cũng cho biết họ đã thảo luận về khả năng Philippines tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ lĩnh xướng. Hôm nay, ông Obama sẽ đi thăm nghĩa trang binh sĩ Mỹ ở Philippines trước khi trở về Washington, kết thúc chuyến thăm 4 quốc gia châu Á gồm cả Nhật, Hàn Quốc và Malaysia.
Theo TNO
Malaysia, Mỹ trở thành đối tác toàn diện
Quan hệ giữa Malaysia và Mỹ được đánh giá là "tốt đẹp hơn bao giờ hết" nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib Razak dự họp báo chung ngày 27.4 - Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp xuống căn cứ không quân hoàng gia Malaysia vào lúc 5 giờ chiều 26.4 (giờ địa phương) và được Quốc vương Abdul Halim Mu'adzam Shah cùng Thủ tướng Najib Razak tiếp đón ngay sau đó tại trụ sở quốc hội. Giới quan sát đánh giá chuyến thăm của ông Obama vào thời điểm Malaysia đang đối mặt với nhiều khó khăn về chính trị và xã hội có ý nghĩa như bằng chứng về sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ của Thủ tướng Najib Razak. Bên cạnh đó, sự hiện diện của ông Obama với cam kết giúp đỡ tối đa trong vụ máy bay MH370 của hãng Malaysia Arlines mất tích từ tháng trước cũng góp phần hỗ trợ Kuala Lumpur trước những chỉ trích và giận dữ, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Về phía Mỹ, chuyến công du châu Á lần này của ông Obama được xem là có ý nghĩa quan trọng trong việc lấy lại niềm tin của khu vực đối với Washington khi có nhiều ý kiến cho rằng chính sách "xoay trục" đang bị chững lại. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng được cho là đang ra sức gầy dựng quan hệ, vốn chưa từng mặn mà, với Malaysia, nền kinh tế thịnh vượng và có vai trò quan trọng trong ASEAN. Đồng thời, đây cũng được cho là dịp để ông Obama hối thúc Malaysia nhượng bộ trong đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm vào chiều 27.4, Thủ tướng Najib và Tổng thống Obama tỏ ra thoải mái và thân tình. Ông Najib loan báo: "Chúng tôi đã đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác toàn diện. Việc này đánh dấu một giai đoạn mới với hợp tác mạnh mẽ hơn". Trên bình diện an ninh, Thủ tướng Najib nói: "Chúng tôi hoan nghênh chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á và đóng góp của nó vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực". Về vấn đề biển Đông, ông Najib cho biết: "Tổng thống Obama và tôi cùng nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc phổ quát của luật pháp quốc tế... Thực thi đầy đủ Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông là điều sống còn và một bộ quy tắc ứng xử biển Đông hiệu quả sẽ tăng cường niềm tin lẫn nhau".
Mặc dù Tổng thống Obama và Thủ tướng Najib đều khẳng định quan hệ song phương "tốt đẹp hơn bao giờ hết" và Mỹ là quốc gia đầu tư nhiều nhất ở Malaysia, giới quan sát cho rằng hai nước khó mà thân thiết hơn khi Kuala Lumpur hết sức thận trọng để tránh gây tổn hại cho quan hệ với Bắc Kinh. "Malaysia đã hết sức cẩn trọng trong việc cân đối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, dù có những khác biệt rõ nét về mặt chất lượng giữa hai đối tác này", chuyên gia Elina Noor thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Malaysia nhận định. Bà Noor lý giải rằng trong khi quan hệ giữa Kuala Lumpur với Washington có phần nghiêng về an ninh, quốc phòng, thì "nhiều mặt khác trong quan hệ với Bắc Kinh vẫn nổi trội hơn", và điều đó ít có triển vọng thay đổi.
Hôm nay 28.4, Tổng thống Obama sẽ rời Malaysia đi thăm đồng minh Philippines, chặng cuối cùng trong chuyến công du châu Á bắt đầu từ 23.4. Trước khi ông Obama đến Manila khoảng vài giờ, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và Đại sứ Mỹ tại nước này Philip Goldberg sẽ ký Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng có thời hạn 10 năm, cho phép Mỹ hiện diện quân sự nhiều hơn ở Philippines.
Chiều 27.4, Tổng thống Barack Obama cũng có cuộc đối thoại thân mật với đại biểu từ các nước ASEAN dự chương trình Các lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tại Kuala Lumpur. Tại đây, bên cạnh khẳng định vai trò và sức mạnh của Mỹ, ông Obama đã nêu những giá trị mà ông cho là giới trẻ cần theo đuổi để tạo nên thay đổi, cũng như những chia sẻ về tuổi trẻ, gia đình và hoài bão của cá nhân ông.
Theo TNO
Tướng Indonesia bị 'lên thớt' vì đeo đồng hồ đắt tiền Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, đang trở thành tâm điểm chú ý của báo chí vì đeo một chiếc đồng hồ được tin là trị giá nhiều tỉ đồng. Bài báo của Straits Times (Singapore) với bức ảnh tướng Moeldoko đeo chiếc đồng hồ Richard Mille RM 011 Filipe Massa Flyback Chronograph Black Kite - Ảnh scan bài báo Chuyện ồn...