Mỹ suýt mất máy bay tàng hình thứ hai tại Nam Tư năm 1999
Cựu sĩ quan Mỹ thừa nhận Nam Tư bắn bị thương một chiếc F-117, nhưng nó lết được về thay vì chung số phận với máy bay tàng hình trước đó.
Tối 27/3/1999, chiếc F-117A Nighthawk mang mật danh Vega 31 được điều khiển bởi trung tá Patrick Zelko đi vào lịch sử khi trở thành máy bay tàng hình đầu tiên của Mỹ bị bắn hạ trong chiến đấu. Rơi vào trận địa “phục kích” của phòng không Nam Tư, chiếc F-117A bị bắn cháy, trung tá Zelko phải phóng dù thoát hiểm và được giải cứu sau 8 tiếng.
Nhiều tin đồn cho rằng đây không phải chiếc F-117A duy nhất trúng đạn phòng không Nam Tư, nhưng thông tin này chỉ được xác nhận gần đây bởi cựu trung tá Charlie Hainline, một trong các phi công F-117A tham gia chiến dịch không kích Nam Tư dài 78 ngày đêm đầu năm 1999.
Máy bay F-117A làm nhiệm vụ ban đêm. Ảnh: USAF .
Vào thời điểm đó, Hainline được biên chế cho Phi đoàn tiêm kích số 9 đóng quân tại căn cứ Spangdahlem ở Đức. Các nhiệm vụ của đơn vị này thường kéo dài đến 6 tiếng và tiêu tốn nhiều sức lực. Máy bay F-117A mất hai giờ để bay từ Spangdahlem đến máy bay tiếp dầu trên không phận Hungary, xâm nhập không phận Nam Tư và thả bom với tổng thời gian 30-45 phút, sau đó quay lại tiếp dầu để trở về căn cứ.
Mỗi chiếc Nighthawk chỉ mang được hai quả bom dẫn đường laser ở trong thân và thường dùng chúng để công kích một mục tiêu. Trong chiến dịch Allied Force, những mục tiêu được nhắm tới gồm cơ sở thông tin liên lạc, bao gồm cả đài vô tuyến, cũng như cầu, nhà máy, công trình có mục tiêu giá trị cao và cơ sở dầu khí.
“Đêm thú vị” của Hainline chứng kiến nhiệm vụ của hai chiếc F-117A có đường bay song song, nhằm vào hai mục tiêu riêng lẻ ở cách nhau 15 km. Ông không tiết lộ thời điểm, nhưng nó diễn ra sau vụ bắn hạ chiếc Vega 31. Một số tin đồn chưa kiểm chứng cho rằng sự kiện được Hainline mô tả diễn ra đêm 30/4/1999.
“Đêm đó phòng không Nam Tư chủ yếu khai hỏa pháo phòng không, cùng một số tên lửa”, Hainline nhớ lại, thêm rằng nhiều loại tên lửa được triển khai, bao gồm hệ thống S-125 từng bắn hạ Vega 31.
Video đang HOT
Máy bay F-117A luôn làm nhiệm vụ với sự hỗ trợ của phi cơ tác chiến điện tử như EF-111 Raven và EA-6B Prowlers. Những chiếc Nighthawk không có hệ thống phòng vệ nào ngoài khả năng tàng hình trước radar, phi công cũng không nắm bắt được mối đe dọa vì thiếu hệ thống cảnh báo chiếu xạ radar. Ngay cả khả năng bắt liên lạc vô tuyến cũng bị suy giảm vì ăng ten phải thu vào trong thân để tăng tính tàng hình.
Radar và bệ phóng đạn S-125 thuộc biên chế Lữ đoàn 250 bắn rơi chiếc Vega-31. Ảnh: Wikipedia.
Vụ bắn rơi Vega 31 là lần duy nhất NATO thừa nhận những chiếc EA-6B không thể xuất phát làm nhiệm vụ do thời tiết xấu, không rõ tình trạng tương tự có xảy ra với sự kiện do Hainline mô tả hay không.
Vào đêm đó, các biên đội tiêm kích F-16CJ chịu trách nhiệm phát hiện và chế áp phòng không Nam Tư, dựa vào hệ thống cảnh báo và tên lửa diệt radar AGM-88 HARM. Một phi công F-16CJ cảnh báo tên lửa phòng không khai hỏa chỉ 30-40 giây trước khi Hainline công kích mục tiêu ở phía tây thủ đô Belgrade.
“Tôi nhìn về Belgrade ở phía bên phải và thấy một quả tên lửa khổng lồ đang lao lên, giống như vụ phóng tên lửa Saturn V đưa người lên Mặt Trăng. Tôi biết đồng đội mình đang ở gần đó. Sau đó tôi lại thấy một quả đạn nữa. Quầng sáng lớn có thể phát hiện từ rất xa, bạn có thể thấy nhiều chi tiết như cột khói trước khi một quả cầu lửa khổng lồ lao thẳng về phía mình”, Hainline nói.
Phi công F-117A được huấn luyện rằng phải duy trì hệ thống lái tự động trong trường hợp này, do việc lượn hoặc nghiêng máy bay có thể làm tăng diện tích phản xạ radar và khiến tên lửa dễ bám mục tiêu hơn. “Trong lúc tôi bay về phía mục tiêu, một quả đạn phát nổ trong khi tên lửa còn lại tiếp tục lao thẳng lên trời. Tôi không biết liệu chúng có bắn trúng đồng đội mình không”, Hainline nhớ lại, thêm rằng ông tiếp tục bay và ném bom phá hủy được mục tiêu của mình.
Hainline rời không phận Nam Tư để hội quân với máy bay tiếp dầu, nhưng chiếc F-117A còn lại không xuất hiện theo kế hoạch. Hainline và chiếc KC-135 lượn trên không trong thời gian dài, ông cũng phải thuyết phục tổ bay tiếp dầu duy trì vị trí thay vì quay lại căn cứ, buộc cả hai phi cơ tiết kiệm nhiên liệu hết mức.
Tổ bay KC-135 sau đó phát hiện một chiếc F-117A tiến lại gần trong bóng đêm mà không có đèn nhận diện. “Nó trong tình trạng khá tệ”, ông nói.
Phi cơ nhanh chóng mất độ cao ngay khi vừa tiếp dầu, khiến Hainline và tổ lái KC-135 ngỡ ngàng. Ông yêu cầu tổ bay thả cánh tà để giảm tốc độ, cho phép chiếc Nighthawk còn lại tiếp cận. Nó nạp đủ thùng dầu sau đó và biên đội F-117A bắt đầu trở về căn cứ.
Máy bay F-117A hạ cánh tại Spangdahlem ngày 3/4/1999. Ảnh: USAF .
“Nó lại biến mất một lần nữa trên đường về Đức, nhưng cả hai máy bay F-117A đều hạ cánh an toàn xuống Spangdahlem”, Hainline cho hay. Ông được trao huân chương không quân nhờ nỗ lực bảo đảm đồng đội trở về căn cứ an toàn.
Hainline cũng nhấn mạnh rằng lưới phòng không luôn là lo ngại thực sự với F-117A trong mọi tình huống chiến đấu. Các chuyến bay luôn được chuẩn bị kỹ nhằm tránh tầm hoạt động của những hệ thống như S-300, trong khi các tổ hợp S-75 và S-125 lạc hậu cũng được coi là mối đe dọa nghiêm trọng. “F-117A có độ phản xạ radar thấp, nhưng không phải máy bay vô hình”, Hainline thừa nhận.
Thượng viện Mỹ lo yếu tố Nga, Trung Quốc khi bán F-35 cho UAE
Các nghị sỹ trên đã gửi thư, bày tỏ sự lo ngại vấn đề này cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và quân đội Hoa Kỳ.
Theo hãng tin RT, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ là Robert Menendez và Jack Reed yêu cầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng cũng như các bên liên quan làm rõ các chi tiết của kế hoạch bán máy bay chiến đấu F-35 cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Các nghị sỹ trên đã gửi thư, bày tỏ sự lo ngại vấn đề này cho lãnh đạo Bộ Ngoại giao và quân đội Hoa Kỳ.
Theo đài RT, nội dung bức thư cho thấy, các chính trị gia nhắc nhở chuyện UAE đang hợp tác với Nga và Trung Quốc về lĩnh vực quốc phòng.
Cụ thể, hai ông Robert Menendez và Jack Reed nhấn mạnh rằng vào năm 2017, UAE và Nga đã ký một thỏa thuận, trong đó có chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và mua máy bay Su-35 của Nga.
"UAE có đưa ra cho Mỹ bất kỳ lời cam kết hay bảo đảm nào liên quan đến việc bảo vệ công nghệ Mỹ khỏi các nhân viên Nga và Trung Quốc, những người có thể tham gia vào các chương trình hợp tác nói trên hay không?" - hai thượng nghị sĩ nêu vấn đề.
Theo các nghị sỹ này, thỏa thuận với UAE "có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh của quân đội Mỹ".
Theo họ, chiến cơ F-35 là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trên thế giới, mang lại cho quân đội Mỹ và các đối tác ưu thế to lớn về quân sự.
Các thượng nghị sĩ bày tỏ lo ngại rằng thời hạn được rút ngắn một cách thiếu cân nhắc để nhanh ký kết thỏa thuận sẽ khiến các chuyên gia không thể xem xét tính khả thi của việc bán F-35 cho UAE một cách toàn diện.
Trước hai ông Robert Menendez và Jack Reed, một cố vấn của Tổng thống Mỹ (ông Jared Kushner) nói rằng chính quyền nước này đang "bàn luận một cách nghiêm túc" về việc bán máy bay F-35 cho UAE.
Không phải F-35, tên lửa này làm nên cuộc cách mạng trong không chiến Dùng động cơ bổ trợ cho tên lửa ARH là một sự kết hợp không ngoan, có thể đồng thời tận dụng ưu thế của cả hai công nghệ. Cuối Chiến tranh Lạnh, đã có những thành tựu công nghệ mang tính cách mạng được áp dụng trong không chiến. Dễ thấy nhất là công nghệ tàng hình, với máy bay tàng hình...