“Mỹ sẽ ủng hộ Nhật trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc”
Lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Trung hôm nay đã cho thấy những bất đồng về các tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh, khi người đứng đầu Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc không có quyền đơn phương lập vùng phòng không trên các quần đảo tranh chấp mà không có sự tham vấn.
Lãnh đạo quốc phòng Mỹ, Trung Quốc trước cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hôm nay 8/4.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu xảy ra một cuộc tranh chấp với Trung Quốc.
Tuyên bố trên được ông Hagel đưa ra trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại Bắc Kinh, điểm dừng chân thứ 2 trong khuôn khổ chuyến công du châu Á.
Cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng hôm nay tập trung vào việc xây dựng quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn giữa hai nước, trong bối cảnh mối quan hệ đang bị lạnh nhạt do Trung Quốc tăng cường quân đội, tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ và lĩnh vực cá nhân, và các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc trên biển.
Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh về việc đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bên một khu vực rông lớn ở Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo tranh chấp hiện do Nhật Bản quản lý.
Bộ trưởng Hagel nói rằng các quốc gia đều có quyền thiết lập ADIZ nhưng việc thiết lập chúng mà không tham vấn các quốc gia khác là mạo hiểm vì nó có thể dẫn tới “những hiểu lầm”, thậm chí là “một cuộc xung đột nguy hiểm”.
Bắc Kinh đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền tại Hoa Đông và Biển Đông với một loạt các quốc gia láng giềng. Ông Hagel khẳng định rằng Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ và muốn các bất đồng được giải quyết “một các hòa bình”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói thêm “Philippines và Nhật Bản là các đồng minh lâu đời của Mỹ”. Washington đều có các hiệp ước với cả hai nước này này và “chúng tôi hoàn toàn tuân thủ các quy định trong hiệp ước”, ông Hagel nhấn mạnh.
Về phần mình, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho hay Bắc Kinh sẽ không chủ động khuấy động các tranh chấp với Nhật Bản, nhưng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng quân đội nếu cần để bảo vệ lãnh thổ.
Ông Thường cũng nói rằng Mỹ phải “thận trọng” với các hành động của Nhật Bản, không được “dễ dãi và ủng hộ Tokyo”.
Theo Dantri
Mỹ, Trung lại "đấu" nhau ở Biển Đông
Mỹ cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông khi chặn tàu Philippines. Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo Washington đừng có dính vào các tranh chấp của nước này ở Biển Đông. Cuộc khẩu chiến qua lại giữa quan chức hai nước lại khiến Biển Đông "nổi sóng" dữ.
Ảnh minh hoạ
Chặn tàu Philippines, Trung Quốc bị Mỹ chỉ trích
Mỹ hôm 12/3 cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng khi chặn hai tàu của Philippines ở Biển Đông đồng thời kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực biển này.
Mỹ - một đồng minh thân thiết có quan hệ ràng buộc theo hiệp ước với Philippines, cho biết, nước này cảm thấy "lo lắng" về sự kiện xảy ra hôm Chủ nhật (9/3) khi Trung Quốc ngăn cản hai tàu của Hải quân Philippines cung cấp nguồn hậu cần và đưa binh lính vào Bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây nằm trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên Brunei, Trung Quốc (gồm cả Vùng lãnh thổ Đài Loan), Malaysia, Philippines cùng đòi chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo.
"Đó là một động thái khiêu khích, gây căng thẳng. Trong khi chờ đợi nghị quyết về những đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, các bên không nên có động thái can thiệp vào những nỗ lực nhằm giữ nguyên trạng hiện nay", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki đã nói như vậy.
Philippines hôm 11/3 đã triệu tập đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại nước này đến để bày tỏ sự phản đối về hành động của Trung Quốc. Manila cáo buộc Bắc Kinh "gây ra mối đe doạ rõ ràng và khẩn cấp" đối với các lợi ích của Philippines. Bắc Kinh đáp trả, nói rằng các tàu thuyền của Philippines "xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc" và vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002.
Mỹ bác bỏ lập trường của Trung Quốc, tuyên bố các nước có quyền "tiến hành các hoạt động cung cấp hậu cần định kỳ và luân phiên nhân sự" đến những khu vực trước Tuyên bố năm 2002.
Washington thường xuyên khẳng định, nước này giữ lập trường trung lập và không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ nhưng trong thời gian gần đây Mỹ tăng cường chỉ trích Trung Quốc về những hành động của cường quốc Châu Á ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông. Hồi tháng trước, Mỹ còn không ngần ngại thách thức trực tiếp cơ sở pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mỹ được cho là đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc để nước này không có những bước đi quyết liệt ở Biển Đông. Hồi tháng 11, Trung Quốc từng khiến nhiều nước sôi sục khi bất ngờ đơn phương tuyên bố thành lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, bao trùm cả những khu vực tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cả Nhật Bản và Philippines đều tố cáo Trung Quốc đang ngày một lấn tới trong tranh chấp chủ quyền. Theo dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đến thăm Nhật Bản và Philippines trong tháng tới.
Trung Quốc tiếp tục cảnh báo Mỹ tránh xa Biển Đông
Đáp trả lại những chỉ trích trên của Washington, Bắc Kinh hôm qua (13/3) đã lên tiếng cảnh báo Mỹ rằng, nước này không nên dính vào những tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
"Những phát biểu phớt lời sự thực của phía Mỹ không thích hợp bởi Mỹ không phải là một bên tham gia tranh chấp. Những phát biểu đó cũng đi ngược lại với cam kết của Mỹ là không can thiệp vào các cuộc tranh chấp. Điều này gây hậu quả tiêu cực đối với việc duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á cũng như không có lợi cho chính Mỹ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Qin Gang đã nói như vậy trong cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua ở thủ đô Bắc Kinh.
Bắc Kinh còn tuyên bố, nước này "có mọi lý do" để đuổi hai tàu của Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Trung Quốc cáo buộc tàu Philippines chở theo vật liệu xây dựng đến Bãi Cỏ Mây "với mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng và duy trì sự hiện diện" ở khu vực này.
Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng trong khu vực. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đang gây sóng gió khi liên tiếp có những bước đi cứng rắn và ngày một lấn tới trong tranh chấp Biển Đông.
Đưa ra yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Đường lưỡi bò của Trung Quốc vấp phải phản ứng quyết liệt của các nước trực tiếp có tranh chấp và cả các học giả quốc tế cũng như cộng đồng thế giới.
Hồi đầu tháng 1 năm ngoái, Philippines đã chính thức đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra toà án quốc tế nhằm thách thức tính pháp lý của đường lưỡi bò mà Trung Quốc đưa ra. Manila cũng đang ra sức vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và của các đồng minh cho vụ kiện của họ. Gần đây, Manila còn kêu gọi các nước có tranh chấp ở Biển Đông cùng tham gia vụ kiện với họ hoặc thực hiện những vụ kiện riêng nhằm thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở khu vực biển này.
Philippines hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản và Mỹ trong việc thách thức Trung Quốc. Mỹ sau một thời gian dài kiềm chế đã bắt đầu lên tiếng về đường 9 đoạn của Trung Quốc. Mới đây, Mỹ đã công khai thể hiện quan điểm phản đối yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Trung Quốc lớn tiếng đòi Mỹ tránh xa Biển Đông Trung Quốc hôm qua (14/2) đã lớn tiếng yêu cầu Mỹ giữ lập trường trung lập, tránh xa cuộc tranh chấp giữa nước này với Philippines ở Biển Đông. Đây được xem là phản ứng của Bắc Kinh đối với cam kết của Đô đốc Hải quân Mỹ về việc sẽ bảo vệ Manila trong trường hợp có bất kỳ cuộc tấn công...