‘Mỹ sẽ tự làm chết nền kinh tế của mình nếu trừng phạt Ả Rập Xê Út’
Ả Rập Xê Út đe dọa đáp trả bất cứ lệnh trừng phạt nào chống lại nước này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói quốc gia dầu mỏ xứng đáng bị trừng phạt nặng nếu thực sự có liên quan tới vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích.
Cảnh báo được quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đưa ra sau một ngày biến động trên sàn giao dịch chứng khoán. Sự lo ngại dường như lan sang cả ngân hàng SoftBank Nhật Bản, nơi đã đầu tư một khoản tiền Ả Rập Xê Út lớn, theo AP.
Cộng đồng quốc tế lo ngại trước tin nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi đột ngột mất tích khi đến lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/10. Các nhà chính sách Mỹ đe dọa trừng phạt nặng chống lại Ả Rập Xê Út, trong khi Đức, Pháp và Anh tham gia vào cuộc điều tra chung vụ mất tích của ông Khasshogi.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói họ lo sợ một đội “sát thủ” Ả Rập Xê Út đã bắt cóc, tra tấn và hại ông Khashoggi – một nhà phê bình thường công khai chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bên ngoài lãnh sự quán Ả Rập Xê Út tại Istanbul, ngày 14/10. (Ảnh: AP)
Ả Rập Xê Út gọi những cáo buộc của Ankara là vô căn cứ nhưng chưa đưa ra được bằng chứng ông Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán ở Istanbul.
Video đang HOT
Trong một tuyên bố, Ả Rập Xê Út cảnh báo nếu các nước khác có bất cứ động thái trừng phạt nào, nước này sẽ đáp trả với một hành động lớn hơn, bên cạnh đó khẳng định kinh tế Ả Rập Xê Út có vai trò ảnh hưởng và thiết yếu trong kinh tế toàn cầu. “Vương quốc Ả Rập xê Út khẳng định chống lại tất cả các mối đe dọa và cố gắng phá hoại nào, dù đó là đe dọa trừng phạt kinh tế, sử dụng áp lực chính trị hay những cáo buộc sai.” – tuyên bố viết.
Tuyên bố không nói chi tiết biện pháp Ả Rập Xê Út sẽ sử dụng. Dù vậy trong một bài báo tiếng Anh xuất bản không lâu sau đó của truyền thông nhà nước Ả Rập Xê Út, nhà báo Turki Aldakhil viết nước này có thể sử dụng hoạt động sản xuất dầu làm vũ khí.
Dầu thô Benchmark Brent đang được bán với giá khoảng 80 USD một thùng, và Tổng thống Trump chỉ trích OPEC và Ả Rập Xê Út về giá tăng. “Nếu giá tăng lên 80 USD làm Tổng thống Trump tức giận, không ai có thể loại trừ khả năng giá còn tăng lên 100 USD, 200 USD hoặc thậm chí gấp đôi” – Aldakhil viết. Dù vậy vẫn chưa rõ liệu Ả Rập Xê Út có sẵn sàng đơn phương cắt giảm sản xuất hay không.
Ông Aldakhil cũng nhận định rằng Ả Rập Xê Út mua vũ khí từ Mỹ và nếu Mỹ trừng phạt họ, các hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng. “Sự thật là nếu Washington áp lệnh trừng phạt Riyadh, họ sẽ tự làm chết nền kinh tế của mình, dù họ nghĩ họ chỉ đang đâm Riyadh”.
Đại sứ quán Ả Rập Xê Út tại Washington ngày 14/10 nói trân trọng Mỹ khi không vội vàng kết luận điều tra. Trong khi đó, Quốc vương Ả Rập Xê Út trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về Khashoggi đã đề xuất về một nhóm điều tra chung để làm sáng tỏ sự việc.
(Nguồn: AP)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Iran tranh thủ đề xuất hợp tác với đối thủ sau 'sự xúc phạm' của Tổng thống Mỹ
Tehran bất ngờ đưa ra đề xuất hợp tác với đối thủ không đội trời chung Riyadh sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Ả Rập Xê Út sẽ sụp đổ chỉ trong hai tuần nếu không có sự bảo vệ từ Mỹ.
Theo RT, Cộng hòa Iran và Vương quốc Ả Rập Xê Út vốn coi nhau là những đối thủ không đội trời chung, thậm chí vào thời điểm căng thẳng leo thang như hồi tháng 11/2017 hai nước đã ngấp nghé ở bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, hôm 5/10 Iran đã bất ngờ đưa ra đề xuất hợp tác với đối thủ của mình để chống lại và chặn đứng sự ngạo mạn của Mỹ trong khu vực.
"Tổng thống Trump liên tục xúc phạm Ả Rập Xê Út khi nói họ không thể tồn tại quá 2 tuần mà không có sự trợ giúp của nước Mỹ. Đây là hậu quả khi ảo tưởng rằng an ninh của nước nào đó hoàn toàn bị chi phối bởi thế lực bên ngoài" - Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đăng trên Twitter.
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. (Ảnh: Daily Times)
Ông Zarif nói thêm: "Chúng tôi một lần nữa mở rộng vòng tay chào đón những người hàng xóm: Hãy xây dựng một khu vực mạnh mẽ và dừng sự tự cao đó lại". Bình luận của Ngoại trưởng Iran được đưa ra hai ngày sau khi ông Trump tuyên bố an ninh của Ả Rập Xê Út gần như nằm trong tay Washington, theo RT.
Dù Mỹ không có căn cứ quân sự tại Ả Rập Xê Út, đây là một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington tại Trung Đông, đối tác ông Trump đã ký thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD và được Mỹ trợ giúp an ninh. Ngày 2/10, Tổng thống Mỹ kêu gọi Riyadh và các quốc gia "giàu có" còn lại trả tiền cho sự hỗ trợ của Mỹ.
"Tôi yêu mến ngài, Quốc vương Salman. Nhưng tôi phải nói rằng vương quốc của ngài sẽ không còn ở đó sau hai tuần nữa mà không có chúng tôi'" - Tổng thống Trump nói trong một bài phát biểu ở tiểu bang Mississippi.
Ngày 4/10, Tổng thống Mỹ có bình luận tương tự tại bang Minnesota, khi ông nói với những người ủng hộ Đảng Cộng hòa rằng quốc gia nhiều dầu mỏ ở Trung Đông này nên trả nhiều tiền hơn cho sự đảm bảo về quốc phòng và an ninh từ Mỹ.
Giữa lúc quan hệ Iran và Mỹ leo thang căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đơn phương rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran JCPOA 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran nhằm kìm hãm tham vọng quân sự của Iran ở Trung Đông cũng như dừng các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Thì việc Tổng thống Mỹ có những "lời lẽ xúc phạm" với Ả Rập Xê Út là thời cơ để Iran tận dụng và kêu gọi nước láng giềng quay lưng với Mỹ.
Tehran chỉ trích nặng nề những tuyên bố của Tổng thống Trump nhằm vào thoả thuận hạt nhân nước này, cáo buộc Mỹ vi phạm thoả thuận, quy tắc quốc tế khi tái áp đặt các lệnh trừng phạt về tài chính, thương mại.
Đặc biệt, ngày 5/10 Washington kêu gọi các nước ngừng và giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran, nếu thực thi Mỹ sẽ xem xét miễn trừ trừng phạt cho các nước này.
(Nguồn: RT)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Mỹ sẽ xem xét miễn trừ trừng phạt cho các nước hạn chế thương mại với Iran Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tích cực xem xét miễn trừ lệnh trừng phạt Mỹ sẽ tái áp đặt vào tháng 11 tới đối với các nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran. Một quan chức ngày 5/10 tiết lộ chính quyền Mỹ đang tích cực xem xét miễn trừ các lệnh trừng phạt sẽ áp đặt vào tháng 11 tới...