Mỹ sẽ đối đầu Nga trên thị trường dầu châu Âu?
Dầu thô Mỹ đang tìm được chảy đến châu Âu trong bối cảnh dự trữ dầu của nước này đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay (518 triệu thùng).
Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết, có ít nhất 3 lô hàng dầu Mỹ có khả năng vượt Đại Tây Dương trong vài tuần tới. Các mặt hàng được cung cấp khá đa dạng, đặc biệt trong đó có dầu WTI giao tháng 4 và tháng 5 đến các khách hàng muốn mua chúng.
Từ khi Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại suốt 4 thập kỷ qua, một số lô hàng dầu thô, dầu nhiên liệu và dầu siêu nhẹ đã cập cảng châu Âu và Địa Trung Hải.
Cánh cửa cơ hội để bán dầu vào châu Âu là mức giá dầu Brent chênh lệch khoảng 3 USD mỗi thùng so với dầu WTI.
Cho đến nay châu Âu vẫn là khách hàng mua dầu và khí đốt quan trọng bậc nhất của Nga. Điểm thuận lợi cho quan hệ buôn bán giữa hai bên là cung đường vận chuyển dầu, khí đốt từ Nga sang châu Âu ngắn, tiết kiệm được chi phí vận chuyển rất nhiều. Trong khi đó, để sang châu Âu, dầu Mỹ kém lợi thế hơn khi phải vượt Đại Tây Dương, đẩy chi phí vận chuyển lên cao. Do vậy, nhiều khả năng Mỹ sẽ bắt buộc phải giảm giá để cạnh tranh.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục
Trước đó, hồi tháng 1/2016, công ty lọc hóa dầu quốc doanh Sinopec của Trung Quốc cũng đã mua lô dầu thô đầu tiên từ Mỹ với số lượng khá nhỏ – khoảng 600.000 thùng, tương đương lượng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu trong vòng 2 giờ đồng hồ. Để đến châu Á, dầu Mỹ phải đi một chặng đường xa hơn một phần ba so với quãng đường vận chuyển dầu từ Trung Đông và do đó chi phí sẽ cao hơn.
Mỹ xuất khẩu dầu trong bối cảnh giá vàng đen xuống thấp là điều dễ hiểu khi nguồn dự trữ dầu của nước này đã đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đầu tháng 3 này, dự trữ dầu thô tăng lên mức cao kỷ lục mới 517,98 triệu thùng. Đặc biệt, dù được cho là có công nghệ khai thác dầu đá phiến tiên tiến giúp giảm chi phí khai thác, tuy nhiên đến nay các công ty sản xuất dầu của Mỹ vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm sản lượng khai thác. Đến nay sản lượng khai thác của Mỹ đã giảm liên tiếp xuống 9,08 triệu thùng mỗi ngày.
Video đang HOT
Đầu năm 2016, công ty phân tích Wolfe Research dự báo, sẽ có tới 1/3 số công ty khai thác dầu khí của Mỹ đối mặt nguy cơ lâm vào cảnh phá sản và tái cơ cấu trong thời gian từ nay đến giữa năm 2017. Trong đó, nhiều công ty chỉ có thể “sống sót” nếu giá dầu hồi phục lên mức tối thiểu 50 USD/thùng.
Cùng quan điểm bi quan, nhà phân tích cấp cao Fadel Gheit thuộc công ty Oppenheimer & Co. dự báo một nửa số nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ có thể phá sản trước khi thị trường dầu lửa đạt mức cân bằng.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
2/3 số giàn khoan dầu đá phiến của Mỹ ngừng hoạt động
Giá dầu lao dốc đã làm giảm lợi nhuận của hoạt động khai thác dầu, ảnh hưởng đến các giàn khoan.
Ngày 12/2, Russia Today đưa tin, CEO Total Patrick Pouyanne cho biết: "Kể từ tháng 3/2015 chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm trong sản lượng dầu đá phiến sét tại Mỹ, với mức giảm khoảng 500.000 thùng/ngày.
Chúng tôi không biết sự suy giảm này sẽ diễn ra nhanh đến mức nào nhưng chúng tôi biết rằng có 2/3 số giàn khoan dầu đá phiến đã không còn hoạt động".
Bên cạnh đó, theo ông Pouyanne, thừa cung trên thị trường dầu thô thế giới và giờ đây giá cả là chuyện không thể dự báo. Vào lúc này giá dầu không ổn định, nó có thể dừng ở mức 40 USD/thùng hôm nay và đạt đến 80 USD/thùng vào ngày mai.
Theo CEO hãng dầu khí Rosneft của Nga, ông Igor Sechin thì giá dầu đá phiến trên thị trường Mỹ giảm 2/3 trong khi sản lượng hạ 15%.
"Sản lượng dầu đá phiến sét tại Mỹ sẽ giảm trong dài hạn và chạm đáy vào năm 2020", ông Sechin nói.
Giá dầu lao dốc làm giảm lợi nhuận của hoạt động khai thác dầu, ảnh hưởng đến các giàn khoan. Đầu năm 2015, số lượng giàn khoan Mỹ hạ 850 so với năm trước đó. Khoảng 17.000 nhân công dầu mỏ và khí đốt Mỹ bị sa thải trong năm qua.
2/3 giàn khoan dầu của Mỹ ngừng hoạt động
Phân tích của hãng tin Bloomberg cho rằng các nhà sản xuất dầu và khí đốt Mỹ báo lỗ hơn 15 tỉ USD trong năm 2015. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận bị ăn mòn đáng kể, đã công bố cắt giảm chi tiêu và sản lượng.
Thế nhưng, trước đó, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho biết: "Ngay từ khi giá dầu mới bắt đầu đà suy giảm, nhiều ý kiến đã nhận định rằng có nhân tố Mỹ đứng sau đó nhằm đối phó với việc Nga tăng cường vai trò trên trường quốc tế.
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng Mỹ có thể dùng chiêu bài giá dầu để "ép chết" Nga. Trong lịch sử Mỹ đã sử dụng cách chơi này với Liên Xô và họ đã chiến thắng".
Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngày nay Mỹ khó lặp lại cách làm trong quá khứ bởi thế giới đã không còn ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh mà là hội nhập, các quốc gia phụ thuộc vào nhau nhiều hơn.
Chính vì thế, khi "một người đau kéo theo nhiều người khác đau theo", rất nhiều quốc gia, ngay cả Mỹ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi giá dầu tiếp tục giảm sâu.
"Khi giá dầu giảm, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ thấp đi, lợi nhuận của doanh nghiệp cao hơn, khả năng mở rộng sản xuất cũng như thu ngân sách tốt hơn. Nhưng nó cũng khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dầu phải đóng cửa giàn khoan, chỉ có những doanh nghiệp có chi phí khai thác thấp mới tồn tại được.
Khi ấy nó sẽ tạo ra sự đổ vỡ lớn trong ngành khai thác, chế biến dầu, đặc biệt là khiến lao động bị mất việc. Doanh nghiệp Mỹ không nằm ngoài quy luật ấy.
Giá dầu sẽ không thể xuống mãi bởi người ta không thể chấp nhận tình trạng càng khai thác, giá bán càng rẻ, càng lỗ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Mới đây, trên tờ The Wall Street Journal (WSJ) của Mỹ có đưa ra cơ sở các số liệu phân tích của chuyên gia.
Cụ thể, theo các số liệu phân tích của Trung tâm Wolf Research, nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp như hiện nay thì đến giữa năm 2017 sẽ có 1/3 các doanh nghiệp dầu mỏ ở Mỹ phải tuyên bố phá sản.
Còn theo số liệu do công ty luật Haynes&Boone cung cấp cho WSJ, hiện đã có hơn 30 công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực dầu khí đã phải đệ đơn xin phá sản.
Theo WSJ, cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ hiện rất khốc liệt. Cho dù thị trường đã bão hòa và giá dầu tiếp tục suy giảm, các công ty khai thác dầu không những không giảm sản lượng khai thác để kích thích tăng giá mà ngược lại, các công ty này liên tục gia tăng sản lượng khai thác để có thể "triệt hạ" nhau.
Chính vì vậy, nếu như thị trường dầu mỏ tiếp tục bão hòa, giá dầu tiếp tục sụt giảm như hiện nay, số lượng các công ty "thủng túi" sẽ ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo của công ty tư vấn AlixPartners, các công ty dầu khí Mỹ hiện mỗi ngày mất đi tổng cộng 2 tỷ USD với mức giá dầu như hiện nay. Do đó, rất nhiều công ty đang phải đương đầu với những khó khăn cực lớn trong việc duy trì hoạt động và sự tồn tại của mình.
Ngân Giang(Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Mỹ- chuyên gia "cài đặt bẫy"? Muốn giàu có, mạnh mẽ thì phải đứng trên đôi chân của mình. Muốn lợi dụng Mỹ để giàu, mạnh, nhanh chóng thì hơi mong manh. Đừng đùa với ngôi bá chủ thế giới Kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh cùng với sự tan rã của Liên Xô, Mỹ rất mạnh nên đương nhiên giữ ngôi Bá chủ thế giới. Với...