Mỹ sắp hết thời gian để áp giá trần đối với dầu của Nga
Theo kế hoạch ban đầu, Mỹ và EU sẽ đưa ra mức giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ ngày 5/12, nhưng chỉ một tháng trước ngày này, cơ chế cụ thể vẫn chưa được xác định.
Các tàu chở dầu tại cảng Sheskharis ở Novorossiysk, Nga. Ảnh: AP
Các nhà phân tích nói với nhật báo kinh tế Kommersant (Nga) rằng khái niệm về trần giá ban đầu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn rất mơ hồ và nếu không làm rõ các cơ chế mà các bên cần tuân thủ, chính sách này sẽ trở nên vô nghĩa.
Quan điểm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc đặt ra mức giới hạn giá dầu Nga bắt đầu thay đổi đáng kể sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.
Theo cách đó, tờ Kommersant cho hay Saudi Arabia đã thể hiện rõ ràng rằng họ sẽ không bù đắp cho nguồn thâm hụt từ phía Nga.
Bà Maria Belova tại công ty tư vấn Vygon Consulting tin tưởng rằng nếu áp đặt trần giá, thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá dầu vượt quá 100 USD/thùng. Nguy cơ trên sẽ khiến Mỹ phải đánh giá lại vấn đề trong bối cảnh thời hạn để đưa ra mức giá trần đang rút ngắn dần.
Chuyên gia trên chỉ ra rằng Nga và các đối tác vẫn có các kênh riêng để giao dịch và thanh toán hàng hóa bằng đồng nội tệ quốc gia, do đó vấn đề về hiệu quả của lệnh áp đặt giá trần còn đang gây tranh cãi.
Video đang HOT
Phó trưởng phòng kinh tế tại Viện Năng lượng và Tài chính Nga Sergey Kondratyev nhận định Moskva sẽ có nhiều cách để tái xuất dầu sang các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những cách khác để lách luật.
Trong khi đó, chuyên gia Igor Galaktionov tại BCS World of Investments lưu ý rằng lệnh giới hạn giá dầu tới đây sẽ chỉ mang tính thử nghiệm và các điều chỉnh sẽ được thực hiện trong thời gian thực dựa theo phản hồi của thị trường. Theo ông, các lệnh trừng phạt đang nhắm vào Nga làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung nhiên liẹu, đồng thời có thể kích hoạt một làn sóng tăng giá khác.
Mỹ buộc phải tính lại kế hoạch áp trần giá dầu Nga
Các quan chức Mỹ đã buộc phải giảm quy mô kế hoạch áp đặt trần giá dầu Nga sau khi các nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi và rủi ro ngày càng tăng trên thị trường tài chính.
Các tàu chở dầu ở Vịnh Nakhodka gần trạm dầu thô Kozmino bên ngoài thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters
Theo Bloomberg, thay vì bóp nghẹt doanh thu từ dầu mỏ của Nga bằng mức giá thấp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có khả năng sẽ phải áp một mức giá cao hơn so với tính toán ban đầu. Hiện nay chỉ có Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia cam kết thực hiện biện pháp áp giá trần.
Hàn Quốc cũng đã nói riêng với các quốc gia G7 rằng họ có kế hoạch thực hiện biện pháp trên. Các quan chức G7 đang tìm cách thuyết New Zealand và Na Uy cùng tham gia. Nhưng rõ ràng là Ấn Độ và Trung Quốc - các đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga - sẽ không tham gia.
Theo kế hoạch ban đầu, giá trần sẽ ở mức từ 40 đến 60 USD/thùng. Một số quan chức muốn áp đặt giá trần dầu Nga ở mức gần với 40 USD để giảm nguồn thu của Nga.
Nhưng hiện tại, các quan chức liên quan đến kế hoạch đang thảo luận về mức giá trần quanh 60 USD/thùng, thậm chí cao hơn, cho dù điều này sẽ giúp Nga tiếp tục thu lợi lớn từ bán dầu.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết: "Nhà Trắng và chính quyền đang đi đúng hướng trong thực hiện áp giá trần mạnh mẽ, hiệu quả đối với dầu Nga và phối hợp với G7 cũng như các đối tác khác. Đó là cách hiệu quả nhất để đảm bảo rằng dầu tiếp tục chảy vào thị trường với giá thấp hơn và Nga thu về ít tiền hơn".
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Bộ Tài chính nói rằng Mỹ chưa bao giờ thảo luận về mức giá trần với các đồng minh.
Nga đã thu về khoảng 15 tỷ USD nhờ bán dầu vào tháng 9. Nhưng trong một thị trường toàn cầu như hiện nay, cơ chế áp giá trần mà các nước nói trên áp đặt nhằm vào Nga là quá phức tạp, khó thực hiện.
Dầu thô Brent giao dịch quanh mức 96 USD/thùng ngày 26/10. Giá dầu này đã tăng lên hơn 139 USD/thùng vào đầu tháng 3 sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Theo dữ liệu từ cơ quan báo cáo giá Argus Media, giá giao hàng trung bình dầu thô Urals của Nga là 63 USD/thùng trong 3 năm qua và 64 USD/thùng trong 5 năm qua. Giá dầu Urals đã đạt trung bình khoảng 74 USD/thùng trong tháng này, tính đến cuối tuần trước.
Mỹ thay đổi mức giá trần sau khi mất nhiều tháng gây sức ép, buộc châu Âu sửa đổi các biện pháp trừng phạt dầu Nga. Diễn biến này có khả năng khiến EU thêm thất vọng. Một số quan chức cho rằng Mỹ chỉ chú trọng tăng cường nguồn cung dầu toàn cầu chứ không phải như EU - khối luôn sẵn sàng muốn trừng phạt Nga về kinh tế.
Bộ Tài chính Mỹ nói rằng áp giá trần dầu Nga cao hơn có thể khiến sáng kiến này có nhiều khả năng thành công hơn, từ đó dầu Nga vẫn ra thị trường và vẫn hạn chế doanh thu của nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định Nga sẽ không bán dầu cho ai tham gia áp giá trần. Đây là mối đe dọa mà các quan chức Mỹ từng không coi trọng, nhưng điều đó hiện khả thi.
Lãnh đạo các nước thành viên dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ở lâu đài Elmau, miền Nam Đức ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá năng lượng đang đóng một vai trò rất lớn trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ vào ngày 8/11, sẽ quyết định quyền kiểm soát Quốc hội thuộc về đảng nào. Tổng thống Joe Biden đã tìm cách kiềm chế giá xăng tăng đột biến ở Mỹ xung quanh thời điểm bầu cử giữa kỳ.
Hoài nghi về hiệu quả áp giá trần dầu Nga xuất hiện ngay từ đầu. Mới đây, sự hoài nghi càng tăng lên khi OPEC vào ngày 5/10 thông báo cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày. Một số quan chức Mỹ lo ngại động thái này sẽ làm suy yếu biện pháp áp giá trần, có thể phản tác dụng, khiến giá dầu toàn cầu biến động mạnh hơn nữa.
Mỹ muốn áp trần giá dầu Nga một phần vì các quan chức lo ngại rằng lệnh cấm dầu Nga của EU sẽ khiến giá dầu toàn cầu tăng vọt.
Trong khi đó, một quan chức EU cho biết áp giá trần khó có thể hiệu quả mà không có cơ chế thực thi, đặc biệt là vì các nước mua chủ chốt như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ rất khó có khả năng tuân thủ các thỏa thuận.
Dự kiến không có quyết định về mức trần giá dầu Nga trước bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Chi biết giá trần sẽ được công bố trước ngày 5/12, khi các lệnh trừng phạt dầu Nga của EU có hiệu lực.
EU lo ngại tác dụng phụ từ việc áp giá trần khí đốt Nga Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại việc Liên minh châu Âu (EU) giới hạn giá khí đốt tự nhiên có thể làm tăng dòng điện giá rẻ hơn đến các quốc gia không nằm trong cơ chế. Việc áp mức trần giá khí đốt dùng để sản xuất điện có thể làm tăng mức tiêu thụ khí đốt của khối. Ảnh: Getty...