Mỹ, Philippines quyết nêu vấn đề Biển Đông tại ASEAN
Mỹ và Philippines sẽ kêu gọi dừng xây đảo, điều động quân sự và các hành động mang tính gây hấn làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông trong cuộc gặp của các ngoại trưởng ở Malaysia, bất chấp Trung Quốc phản đối điều này.
Đại diện từ các quốc gia thuộc ASEAN chụp ảnh chung trong phiên họp toàn thể Hội nghị Các ngoại trưởng ASEAN ( AMM) tổ chức tại Trung tâm Thương mại Thế giới Putra, Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 4/8. Ảnh: EPA.
Bắc Kinh hôm qua phản đối nhắc đến vấn đề tranh chấp Biển Đông trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với những người đồng cấp từ châu Á và phương Tây. Trong khi đó, Washington tuyên bố sẽ kêu gọi Trung Quốc cùng các nước liên quan chấm dứt hành động gây hấn để mở đường cho một giải pháp ngoại giao, giải quyết bất đồng đang đe dọa ổn định khu vực.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay cho biết Manila sẽ hối thúc Mỹ đưa ra lời kêu gọi “ba dừng” ở Biển Đông.
“Philippines hoàn toàn ủng hộ và sẽ tích cực thúc đẩy lời kêu gọi ‘ba dừng’ của Mỹ gồm dừng cải tạo, dừng xây dựng và dừng các hành động gây hấn có thể làm tăng căng thẳng”, Guardian dẫn lời ông del Rosario nói.
Video đang HOT
“Các bên cần nhấn mạnh điều này không thể mang lại trạng thái hợp pháp cho những thực thể bị Trung Quốc cải tạo”, ngoại trưởng Philippines cho biết thêm, nhắc đến những đảo nhân tạo Trung Quốc đẩy mạnh xây tại 7 bãi đá trên Biển Đông từ năm ngoái.
Mark Toner, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, hôm qua nói Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ thảo luận vấn đề lãnh thổ trong cuộc gặp với những người đồng cấp ASEAN ở Malaysia.
“Đây là một diễn đàn mà các vấn đề an ninh quan trọng cần được đưa ra và thảo luận”, Toner phát biểu trước báo giới, cho biết thêm Washington sẽ coi việc “gia tăng đáng kể kích thước hoặc chức năng của các thực thể có tranh chấp, quân sự hóa chúng” là những động thái “có tính khiêu khích”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Căng thẳng gia tăng từ năm ngoái khi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh xây đảo nhân tạo trên 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm dấy lên lo ngại tự do đi lại trên không và trên biển bị ảnh hưởng.
Washington không phải là một bên trong tranh chấp và có chính sách không đứng về bên nào. Tuy nhiên, Mỹ coi một giải pháp hòa bình và tự do đi lại ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của nước này. Trung Quốc luôn phản đối Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Như Tâm
Theo VNE
Đường dây nóng là biện pháp giảm thiểu xung đột trên biển
Sau một loạt cuộc họp trù bị, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia - Ảnh: Reuters
Sau đó sẽ tiếp tục diễn ra các hội nghị quan trọng khác giữa các ngoại trưởng ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Tổng cộng có 27 nước tham gia đợt hội nghị lần này gồm 10 thành viên ASEAN cùng Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và một số đối tác khác.
Phát biểu với các phóng viên tại Kuala Lumpur vào hôm qua 3.8, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, là một trong những quan tâm lớn của ASEAN và các đối tác. Theo Thứ trưởng, Việt Nam và các nước ASEAN hoan nghênh những biện pháp tạm thời giúp giảm thiểu khả năng hiểu lầm và xảy ra xung đột trên biển. Một trong những biện pháp đó là xây dựng đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Thực ra, trên cơ sở song phương cũng đã có những đường dây nóng, ngay cả giữa ta và Trung Quốc, để hợp tác xử lý những sự cố có thể xảy ra, trong đó có sự cố trên biển. Việc vận hành về mặt kỹ thuật, sự phối hợp, quy định hoạt động ra sao... Đó là điều còn phải trao đổi trong thời gian tới giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng đằng sau việc xây dựng đường dây nóng là ý chí chính trị làm sao sớm có những thỏa thuận để tăng cường hòa bình, hợp tác và giải quyết tranh chấp", ông nói.
Đợt hội nghị cũng sẽ thảo luận về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cũng tại hội nghị, tình trạng buôn người và di cư trái phép tại Đông Nam Á cũng sẽ được ưu tiên thảo luận. Ngoại trưởng Malaysia, Chủ tịch ASEAN năm 2015, Anifah Aman cho biết nước này rất quan tâm đến vấn đề trên khi có hơn 1.150 người Bangladesh và sắc tộc Rohingya nhập cư trái phép vào đảo Langkawi của Malaysia chỉ trong tháng 5.
Theo nguồn tin chính thức, sau đợt hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm chính thức đến Malaysia trong hai ngày 7 và 8.8.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
Trung Quốc không muốn bàn về Biển Đông với ASEAN Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm nay cho rằng vấn đề Biển Đông không nên được đưa ra thảo luận trong một cuộc gặp của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bởi nó không phù hợp. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân. Ảnh: SCMP. "Vấn đề (Biển Đông) không nên được thảo luận",...