Mỹ phát hiện ca bệnh bại liệt đầu tiên sau gần 10 năm
Ngày 21/7, Mỹ thông báo ghi nhận ca bệnh bại liệt đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.
Cơ quan y tế New York cho biết bệnh nhân là một cư dân tại hạt Rockland, cách thành phố Manhattan 48km về phía Bắc. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), lần gần nhất một ca bệnh bại liệt được ghi nhận tại Mỹ là vào năm 2013.
Một quan chức y tế cho biết ca bệnh mới ghi nhận là một trường hợp điển hình của tình trạng lây nhiễm từ một người đã được uống vaccine phòng bệnh bại liệt (OPV). Mỹ đã dừng lưu hành loại vaccine này từ năm 2000. Cơ quan y tế New York cho rằng virus có thể xuất phát từ một địa điểm bên ngoài nước Mỹ, nơi vẫn đang sử dụng vaccine OPV vì các dòng hồi biến không thể xuất hiện khi sử dụng các loại vaccine bất hoạt. Giới chức y tế cảnh báo các cơ sở y tế cần thận trọng phòng trường hợp phát hiện các ca mắc mới và kêu gọi người dân trong khu vực đi tiêm phòng bại liệt nếu chưa từng thực hiện điều này
Nhờ những nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống bại liệt kéo dài nhiều thập kỷ qua, thế giới đang tiến dần tới mục tiêu xóa sổ căn bệnh do virus gây ra và có thể gây biến dạng cơ thể thậm chí là tử vong này. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Số ca mắc bệnh bại liệt đã giảm tới 99% kể từ năm 1988, thời điểm bại liệt là bệnh lưu hành và có 350.000 ca được ghi nhận trên toàn thế giới.
Tại Mỹ, số ca bệnh bại liệt giảm đáng kể từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 sau khi có vaccine phòng bệnh. Ca mắc bệnh bại liệt vì các yếu tố tự nhiên được ghi nhận lần gần nhất ở Mỹ là vào năm 1979. Virus bại liệt OPV nhân lên trong ruột và có thể lây lan qua nguồn nước nhiễm khuẩn. Virus sẽ không thể ảnh hưởng đến một đứa trẻ đã được tiêm phòng nhưng có thể ảnh hưởng đến những người hàng xóm sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh và tỷ lệ tiêm phòng thấp. Dù biến thể này yếu hơn biến thể gốc, hiện vẫn còn tồn tại ở Afghanistan và Pakistan, nhưng cũng có thể gây bệnh nặng và bại liệt ở người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Hồi tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quan chức y tế Anh cho biết đã phát hiện một loại virus bại liệt có nguồn gốc từ vaccine trong các mẫu nước thải ở London.
UNICEF hỗ trợ 12,9 triệu liều vaccine phòng bệnh bại liệt cho Uganda
Ngày 5/7, Uganda đã nhận được 12,9 triệu liều vaccine phòng bệnh bại liệt từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Bộ Y tế nước này cho biết số vaccine trên sẽ được sử dụng trong đợt thứ hai của chiến dịch tiêm chủng từng nhà, dự kiến được triển khai vào tháng 8 tới.
Trao đổi với báo giới, đại diện UNICEF tại Uganda Munir Safieldin cho biết tiêm vaccine chiến lược hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Đợt thứ hai của chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt sẽ bảo vệ toàn diện cho trẻ em trước căn bệnh nguy hiểm này.
Đợt tiêm chủng đầu tiên được thực hiện vào tháng 1 năm nay đối với hơn 8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.
Uganda đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận xóa sổ bệnh bại liệt vào tháng 10/2006 sau khi nước này không ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào ở người bản địa trong 10 năm. Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, Uganda thông báo bùng phát bệnh bại liệt sau khi ghi nhận các mẫu phân lấy tại thủ đô Kampala cho kết quả dương tính. Vào thời điểm đó, Bộ Y tế Uganda đã cảnh báo rằng đây là loại virus tuýp 2 (Lansing) hiếm gặp gây bệnh bại liệt, vaccine chống lại virus này này đã bị đưa ra khỏi các chương trình tiêm chủng thông thường của đất nước hồi năm 2016. Việc dịch bại liệt xuất hiện trở lại được cho là do việc tiêm chủng thường quy trong nước giảm vì đại dịch COVID-19.
Bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus bại liệt (virus Polio) gây ra. Virus bại liệt gồm 3 tuýp gồm tuýp 1 có tên gọi là Brunhilde, là nguyên nhân gây bệnh chính; tuýp 2 có tên gọi là Lansing và tuýp 3 là Leon. Đa số các trường hợp nhiễm virus bại liệt sẽ không có hoặc có rất ít triệu chứng. Trẻ có thể sốt nhẹ, nhức đầu, nôn ói vài ngày sau đó hồi phục. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có hội chứng viêm màng não và có biểu hiện như sốt, cứng cổ, lưng, đau đầu dữ dội, đau cơ, có khi co giật cơ. Trong một số trường hợp diễn biến nặng, có thể dẫn đến liệt hai chân và nửa thân dưới, nếu tổn thương lan tới thân não sẽ gây khó nuốt, khó thở, tử vong.
CDC Mỹ công bố 'sai sự thật' tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em? Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa công khai thông tin về cái chết của trẻ nhỏ vì dịch COVID-19. Ngay lập tức các nhà phân tích đưa ra các số liệu bằng chứng khác để chứng minh thông tin trên sai sự thật. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ - Ảnh: NATIONAL REVIEW...