Mỹ phản đối chiến dịch quân sự kéo dài của Israel ở Liban
Ngày 24/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhấn mạnh rằng Mỹ không ủng hộ chiến dịch quân sự kéo dài của Israel tại Liban.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Tayr Harfa, Liban ngày 24/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Israel đã không kích miền Nam Liban, ngoại ô phía Nam thành phố Beirut, thung lũng Bekaa và điều động lực lượng trên bộ tới các khu vực quanh biên giới hai nước. Chính quyền Liban cho biết chiến dịch này đã khiến hơn 2.500 người thiệt mạng và buộc hơn 1 triệu người phải sơ tán, dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Phát biểu tại thủ đô Doha của Qatar trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ trong khi Israel thực hiện chiến dịch nhằm loại bỏ các mối nguy hiểm nhằm vào Israel và người dân nước này ở biên giới với Liban, Mỹ đã khẳng định rõ cuộc xung đột này “không thể và không nên dẫn tới chiến dịch quân sự kéo dài”. Ông Blinken cho biết Chính phủ Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận ngoại giao cho phép dân thường trên cả hai phía biên giới được trở về nhà. Ngoài ra,
Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi Israel triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) cũng như lực lượng vũ trang tại Liban.
Video đang HOT
Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra trong bối cảnh các nỗ lực đang được thúc đẩy để tái khởi động các cuộc đàm phán mới về lệnh ngừng bắn và thỏa thuận phóng thích con tin ở Gaza. Qatar và Washington cho biết các nhà thương lượng của Mỹ và Israel có mặt tại Doha để chuẩn bị cho những vòng đàm phán mới xung quanh thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza và trả tự do cho con tin bị Hamas giam giữ. Trong khi đó, Cơ quan truyền thông Ai Cập Al Qahera News TV cho biết một phái đoàn an ninh Ai Cập đã gặp phái đoàn của các lãnh đạo Hamas tại Cairo, và đây là một phần trong nỗ lực tái tổ chức các thương lượng về thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza. Tuy nhiên, Hamas vẫn giữ lập trường rằng các con tin sẽ chỉ được thả nếu Israel đồng ý chấm dứt các hành động quân sự và rút lui hoàn toàn.
Cùng ngày, người đứng đầu bộ phận phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Jihad Azour đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay nhằm chấm dứt các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang “nhấn chìm” các quốc gia trong khu vực. Quan chức này đưa ra lời kêu gọi trên tại Washington, nơi đang diễn ra Hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong cập nhật kinh tế mới nhất, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi xuống còn 2,1% trong năm nay, trong khi duy trì mức dự báo 4% trong năm 2025. Tuy nhiên, các ước tính này không bao gồm tác động kinh tế từ sự leo thang gần đây của xung đột tại miền Nam Liban, nơi Israel đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng Hezbollah.
Ông Azour, đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Liban, đã nêu bật những thách thức nhân đạo nghiêm trọng mà các quốc gia như Liban và các vùng lãnh thổ của Palestine phải đối mặt, trong đó có những tổn thất kinh tế lớn, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ cơ bản như nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe. Ông dự đoán khu vực này sẽ phải đối mặt với mức tăng trưởng âm và phải mất một khoảng thời gian dài để phục hồi. Trong bối cảnh đó, ông Azour kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp các khoản viện trợ để hỗ trợ người dân và giải quyết các nhu cầu cấp thiết.
Cũng trong ngày 24/10, phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo quốc tế ủng hộ nhân dân và chủ quyền của Liban diễn ra tại thủ đô Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã một lần nữa kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Liban.
Theo Tổng thống Macron, bạo lực leo thang sẽ không thể chấm dứt được chủ nghĩa khủng bố, cũng như đảm bảo an ninh cho tất cả các bên liên quan. Ông nhấn mạnh một lệnh ngừng bắn là “nhiệm vụ ưu tiên”, đồng thời hối thúc tất cả các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đạt được hòa bình và an ninh lâu dài.
Tổng thống Pháp cũng bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò của LHQ và các quốc gia đóng góp để đảm bảo lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ (UNIFIL) có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình. Ông Macron tuyên bố rằng Pháp sẽ cung cấp thêm 100 triệu euro (khoảng 108 triệu USD) viện trợ cho Liban, trong khi LHQ đang nỗ lực huy động 426 triệu USD để hỗ trợ dân thường Liban chịu ảnh hưởng do xung đột.
Liệu Israel có thể tiến hành chiến dịch trên bộ ở Liban?
Tình hình căng thẳng tại biên giới Israel - Liban đang làm dấy lên câu hỏi liệu Israel có thể tiến hành một chiến dịch quân sự trên bộ vào miền Nam Liban hay không.
Israel có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh hoặc duy trì các cuộc tấn công hạn chế thay vì tiến hành chiến dịch trên bộ ở Liban. Ảnh: THX/TTXVN
Theo đài Sputnik của Nga ngày 24/9, tình hình căng thẳng tại biên giới Israel - Liban đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng Israel sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự trên bộ vào miền Nam Liban. Isa Blumi, Phó Giáo sư Khoa Nghiên cứu Châu Á và Trung Đông tại Đại học Stockholm, đã đưa ra những nhận định về khả năng này và những yếu tố chính trị, chiến lược xoay quanh cuộc xung đột hiện nay.
Ông Blumi dự báo tình trạng leo thang hiện nay có thể dẫn đến "các cuộc xâm nhập của lực lượng đặc biệt Israel vào miền Nam Liban". Ông nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của Israel trong các hoạt động quân sự tại khu vực này có thể liên quan đến việc kiểm soát các nguồn tài nguyên nước và đất nông nghiệp màu mỡ ở miền Nam Liban. Điều này xuất phát từ dự án chính trị cánh hữu của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, mà ông Blumi cho rằng bắt đầu từ các cuộc tấn công ở Gaza, sau đó mở rộng sang Bờ Tây và Cao nguyên Golan. Israel đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát ở các khu vực này nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình, đặc biệt là nguồn nước.
Mặc dù vậy, ông Blumi cũng cho rằng khả năng Israel thực hiện một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào miền Nam Liban là không cao. Theo ông, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thể nhận thấy những rủi ro và khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt trong một chiến dịch như vậy. Miền Nam Liban là một vùng đất khó kiểm soát, nơi Hezbollah đã xây dựng một mạng lưới phòng thủ rộng lớn và nhiều lớp. Cuộc tấn công của Israel vào Liban năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Israel, và ông Blumi lưu ý Israel sẽ không muốn lặp lại thất bại này.
Thay vào đó, ông dự đoán Israel có thể tìm cách thuyết phục các đồng minh của mình, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, tham gia vào việc loại bỏ Hezbollah khỏi miền Nam Liban.
Tuy nhiên, khả năng này cũng không dễ dàng vì các lực lượng quốc tế có thể không muốn tham gia vào một cuộc xung đột phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro như vậy.
Một số nhà quan sát trên mạng xã hội đã đưa ra giả thuyết rằng Hezbollah có thể đang tìm cách khiêu khích Israel để mở rộng chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, ông Blumi bác bỏ quan điểm này và khẳng định rằng Hezbollah không có ý định thúc đẩy một cuộc tấn công trên bộ vào Liban. Mục tiêu của phong trào này là bảo vệ Liban và không gây ra bất kỳ cuộc xung đột nào có thể đe dọa sự ổn định của đất nước.
Ông Blumi kết luận rằng giới lãnh đạo quân sự Israel có thể phản đối bất kỳ chiến dịch quân sự nào vào miền Nam Liban. Lo ngại về khả năng lặp lại cuộc tấn công thất bại năm 2006, Israel có thể sẽ không hành động đơn phương và tìm kiếm một giải pháp khác để đối phó với Hezbollah.
Tóm lại, mặc dù tình hình tại biên giới Israel - Liban đang căng thẳng, khả năng Israel tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn trên bộ vào miền Nam Liban dường như không cao. Thay vào đó, Israel có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh hoặc tiếp tục duy trì các cuộc tấn công hạn chế, nhằm tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và bảo vệ lợi ích chiến lược của mình trong khu vực.
Hezbollah tiếp tục tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của Israel Ngày 27/2, phong trào Hezbollah ở Liban tuyên bố đã phóng một loạt tên lửa vào trạm kiểm soát không lưu của Israel nhằm đáp trả cuộc tấn công do quân đội Israel thực hiện tại khu vực miền Đông Liban. Khói bốc lên sau cuộc pháo kích của Israel nhằm vào làng Dhaira, miền Nam Liban ngày 16/10/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN...